Bản tin thời sự sáng 2/12

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hủy nhiều chuyến tàu qua Nha Trang do mưa lũ; học sinh hai trường tiểu học tại TP.HCM được nghỉ vì liên quan BN 1347; 10 xưởng gỗ ở Hà Nội cùng bốc cháy ngùn ngụt; ôtô được chạy trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dịp Tết Nguyên đán 2021; công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM nguy cơ dừng thi công…

Hủy nhiều chuyến tàu qua Nha Trang do mưa lũ

Ngày 1/12, ít nhất 5 chuyến tàu khách qua thành phố Nha Trang phải dừng chạy vì nước ngập đường ray.

Hành khách xuống tàu để đi đường bộ qua vùng nước ngập khu vực Nha Trang (Khánh Hòa)

Hành khách xuống tàu để đi đường bộ qua vùng nước ngập khu vực Nha Trang (Khánh Hòa)

Ông Trần Thiện Cảnh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, mưa lũ ở khu vực Nam Trung Bộ những ngày qua đã làm ngập tuyến đường sắt Bắc - Nam từ ga Phong Thạnh (huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa) đến ga Cà Rôm (huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận).

Các khu gian Nha Trang - Lương Sơn, Cây Cầy - Nha Trang đều bị ngập nước từ 0,2 - 0,4m. Cùng với đó, nhiều đoạn đường ray bị trôi đá, trôi tà vẹt khiến tàu không thể lưu thông.

Ảnh hưởng mưa lũ nên ngày 1/12, ngành đường sắt phải bãi bỏ hai đoàn tàu SE22 xuất phát ga Sài Gòn và SE21 xuất phát ga Đà Nẵng.

Ngoài ra, ngành đường sắt hủy tàu SE3, SE1 tại ga Nha Trang; các tàu này xuất phát từ Hà Nội ngày 29/11 và tàu SE21 xuất phát ga Đà Nẵng ngày 30/11. Cùng với đó, các tàu SE4, SE2 xuất phát ga Sài Gòn ngày 30/11 đến ga Cây Cầy (Khánh Hòa) cũng phải hủy. Ngành đường sắt lập các đoàn tàu mới để vận chuyển khách đi tiếp qua vùng ngập.

906 hành khách trên các chuyến tàu dừng tại ga Nha Trang và Cây Cầy đang được chuyển tải bằng ôtô qua khu vực ngập nước để tiếp tục hành trình. Trong đó, khách đông nhất trên tàu SE4 với 307 người; tàu SE2 từ TP.HCM có 237 người.

Ngoài ra, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam qua Nam Trung Bộ còn có 7 đoàn tàu khách và 6 đoàn tàu hàng đang phải dừng rải rác tại các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận để chờ nước rút.

Học sinh hai trường tiểu học tại TP.HCM được nghỉ vì liên quan BN 1347

Trước đó một giáo viên trường Tiểu học Võ Văn Tần (Quận 6) có tiếp xúc với bệnh nhân (BN) 1347. Giáo viên này ở chung nhà với ba đồng nghiệp khác là giáo viên của trường Tiểu học Võ Văn Tần và Nguyễn Huệ.

Học sinh hai trường tiểu học tại TP.HCM được nghỉ vì liên quan BN 1347. Ảnh minh họa

Học sinh hai trường tiểu học tại TP.HCM được nghỉ vì liên quan BN 1347. Ảnh minh họa

Chiều 1/12, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 6 (TP.HCM) Lưu Hồng Uyên cho biết, lãnh đạo Quận đã cho phép học sinh hai trường Tiểu học Võ Văn Tần và Nguyễn Huệ nghỉ học ngày 1/12 để thực hiện công tác phòng chống, dịch Covid-19.

Quận đang chờ kết quả xét nghiệm của 4 giáo viên trên cũng như thông tin chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố để có phương án tổ chức việc học cho học sinh.

Hiện, hai trường cũng đã có kế hoạch tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh, để đảm bảo công tác dạy và học của trường.

Sáng cùng ngày, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM có văn bản yêu cầu tất cả trường học trên địa bàn đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, Sở yêu cầu các trường rà soát thông tin cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, gia đình học sinh về các trường hợp có liên quan đến Covid-19.

Sở cũng yêu cầu các trường tiếp tục thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống Covid-19 theo quy định; tăng cường công tác khử khuẩn, vệ sinh trường lớp, tạo môi trường sạch sẽ, thông thoáng; bố trí nơi rửa tay với đủ nước sạch, xà phòng, nhắc nhở việc đeo khẩu trang.../.

10 xưởng gỗ ở Hà Nội cùng bốc cháy ngùn ngụt

Khói lửa bao trùm diện tích cả nghìn m2 nơi đặt hơn 10 xưởng gỗ ở xã Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội, sáng 1/12.

Vụ hỏa hoạn lớn lan rộng ra 10 xưởng gỗ

Vụ hỏa hoạn lớn lan rộng ra 10 xưởng gỗ

Theo ông Phan Lạc Trường - Bí thư xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất cho biết, khoảng 10 xưởng gỗ nằm trên diện tích khoảng 2.000m2 tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội bốc cháy ngùn ngụt vào sáng ngày 1/12.

9h ngày 1/12, ngọn lửa bùng phát bên trong một xưởng gỗ rộng khoảng 200 m2 ở xã Hữu Bằng, bên trong có nhiều tấm gỗ và đồ gỗ thành phẩm như giường, tủ. Gió thổi mạnh đưa lửa lan sang các xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất bên cạnh, cột khói đen bao trùm diện tích cả nghìn mét vuông và bốc cao hàng chục mét. Đã có khoảng 10 xưởng gỗ bị cháy lan, gây thiệt hại lớn về tài sản. Các xưởng gỗ trên đều nằm dọc tuyến đường chạy qua UBND xã Hữu Bằng, kéo dài khoảng 100 m; đa số nhà xưởng kết cấu tường gạch lửng, khung thép quây tôn, lợp mái tôn.

Đến 10h45 cùng ngày, các lực lượng PCCC đã cơ bản dập tắt vụ hỏa hoạn. Đám cháy không gây thiệt hại về người.

Tiền Giang: Ôtô được chạy trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dịp Tết Nguyên đán 2021

Ôtô dưới 16 chỗ, xe tải dưới 2,5 tấn sẽ được chạy một chiều vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào dịp Tết Nguyên đán 2021.

Các xe đang thi công mặt đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Các xe đang thi công mặt đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Theo ông Nguyễn Tấn Đông - Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (chủ đầu tư) cho biết, xe từ Quốc lộ 1 sẽ được phân làn vào cao tốc theo chiều từ TP.HCM về miền Tây 5 ngày trước Tết và hướng ngược lại 5 ngày sau Tết.

Theo Chủ đầu tư, để hỗ trợ giải tỏa ùn tắc trên Quốc lộ 1A và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, đơn vị phấn đấu hoàn thành các hạng mục cơ bản trên tuyến chính trong tháng 12.

Hiện nay, toàn Dự án đã triển khai thi công 34 trong tổng số 36 gói thầu, đạt 73% khối lượng. Hai gói thầu còn lại là trạm thu phí và hệ thống điều khiển điện tử ITS sẽ triển khai theo tiến độ Dự án. Tất cả 51 cầu trên cao tốc đang được thi công, trong đó, 39 cầu trên tuyến chính dự kiến hoàn thành trước 20/12.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công năm 2009, dài hơn 51 km, đi qua 5 huyện của Tiền Giang. Dự án có tổng vốn hơn 14.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2013. Tuy nhiên, do nhà đầu tư thiếu năng lực nên công trình bị đình trệ. Hiên nay, vốn Dự án được điều chỉnh là hơn 12.000 tỷ đồng. Đến nay, Dự án đã giải ngân hơn 7.246 tỷ đồng.

Công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM nguy cơ dừng thi công

Dự án ngăn triều tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng nguy cơ tạm dừng do chưa được ký kết phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành (hết hạn từ 6/2020).

Hai cống ngăn triều khổng lồ được lắp đặt tại cống Cây Khô

Hai cống ngăn triều khổng lồ được lắp đặt tại cống Cây Khô

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (chủ đầu tư Dự án) cho biết, nếu khúc mắc không được giải quyết, Dự án bị dừng sẽ đem lại hệ lụy rất lớn.

Theo ông Tiến, hợp đồng đầu tiên đến tháng 6/2019 hết hạn, sau đó, Dự án được gia hạn đến tháng 6/2020, nay đã hết hạn do trước đó phải ngừng thi công hơn nửa năm. Một khi Dự án bị dừng, muốn thi công trở lại phải mất hơn 5 tháng vì phải thực hiện nhiều thủ tục.

Đại diện Chủ đầu tư cho biết, tổ đàm phán hợp đồng (của UBND TP.HCM) đã thống nhất một số nội dung của phụ lục hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) gia hạn thời gian thực hiện Dự án từ ngày 24/9. Tuy nhiên, cơ quan được giao ký phụ lục hợp đồng là Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa đồng ý. Đến nay, nhà đầu tư chưa nhận được văn bản chính thức từ UBND Thành phố với công trình này.

Nếu phụ lục hợp đồng chưa ký, ngân hàng không thể giải ngân 1.800 tỷ đồng còn lại khiến Dự án bị đình trệ. Đến nay, Dự án đã hoàn thành 93% tiến độ, , chỉ còn một số hạng mục nhỏ ở phía huyện Nhà Bè.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng với quy mô: 6 cống ngăn triều lớn (khẩu độ 40 - 160 m) là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và 7,8 km đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh với các cống nhỏ khẩu độ dưới 10 m. Địa điểm xây dựng thuộc Quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh.

Nghệ An: Nữ giáo viên bị lừa chuyển khoản hơn một tỷ đồng

Làm theo hướng dẫn cài phần mềm của người không quen biết, 1 giáo viên THPT ở huyện Diễn Châu bị chiếm đoạt hơn một tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.

Phần mềm giả biểu tượng của Bộ Công an, có chứa mã độc, được hướng dẫn cài trong điện thoại

Phần mềm giả biểu tượng của Bộ Công an, có chứa mã độc, được hướng dẫn cài trong điện thoại

Theo Công an Nghệ An cho biết, 1 nữ giáo viên THPT ở huyện Diễn Châu đã nhận cuộc điện thoại từ người tự xưng là nhân viên bưu điện nói có bưu phẩm đã lâu chưa nhận. Chị cần cung cấp số chứng minh nhân dân để tra cứu vướng mắc về pháp lý với công ty bảo hiểm hoặc ngân hàng. Khi chị thắc mắc, người này hướng dẫn kết nối với đường dây nóng của Bộ Công an để được giải đáp.

Gọi theo số máy được cung cấp, cán bộ điều tra Bộ Công an hướng dẫn truy cập vào một trang web và khi nhập số chứng minh thư, mã hồ sơ vụ án được cung cấp, nữ giáo viên thấy hiện lên lệnh bắt khẩn cấp có đầy đủ thông tin của mình.

Chị được nhắc phải giữ bí mật, nếu không sẽ bị quy thêm tội làm lộ bí mật nhà nước. Theo hướng dẫn của người này, chị phải chuyển toàn bộ tiền vào tài khoản có sử dụng Internet Banking của chị để phục vụ công tác điều tra.

Và tiếp tục được hướng dẫn cài phần mềm bảo vệ tài khoản do Bộ Công an cung cấp. Khi chạy, phần mềm này yêu cầu quyền truy cập vào tin nhắn, danh bạ, thông tin điện thoại, đồng thời yêu cầu nhập thông tin về tài khoản ngân hàng như số tài khoản, tên chủ tài khoản, số điện thoại, mật khẩu đăng nhập Internet Banking.

Theo cán bộ Đội 6, Phòng Cảnh sát hình sự, đây là trang web giả mạo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, còn phần mềm chứa mã độc. Sau khi kiểm soát được toàn bộ tài khoản ngân hàng, tội phạm đã chuyển hơn một tỷ đồng từ tài khoản nạn nhân sang tài khoản khác bằng cách đăng nhập ứng dụng Internet Banking. Tin nhắn ngân hàng gửi về bị phần mềm chứa mã độc đánh cắp và xóa khỏi máy điện thoại nên nạn nhân không hay biết.

Tin cùng chuyên mục