Bản tin thời sự sáng 20/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là năm 2022, ngân hàng không được trả cổ tức bằng tiền mặt; thông xe cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; đề xuất hơn 8.000 tỷ đồng mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình; TP.HCM lắp bảng thông báo xe chạy quá tốc độ…

Năm 2022, ngân hàng không được trả cổ tức bằng tiền mặt

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng giảm chỉ tiêu lợi nhuận, tiếp tục không chia cổ tức bằng tiền để hạ thêm lãi suất cho vay.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng tiếp tục không chia cổ tức bằng tiền

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng tiếp tục không chia cổ tức bằng tiền

Như vậy, đây là năm thứ hai các ngân hàng không được chia cổ tức bằng tiền theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Các ngân hàng gần đây cũng hay dùng phương án phát hành cổ tức bằng cổ phiếu thay vì chia tiền mặt, bởi cách này giúp tăng vốn điều lệ và nâng cao tỷ lệ an toàn vốn, thông qua đó nhà băng có dư địa tăng trưởng tín dụng tốt hơn.

Một trong những nhiệm vụ các ngân hàng được giao trong năm 2022 là "giảm chi phí hoạt động, tiết giảm lợi nhuận, không chia cổ tức bằng tiền" để dành nguồn lực giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước năm ngoái cũng đã dùng nhiều cách từ việc hạ lãi suất điều hành hỗ trợ hệ thống, cho đến khuyến khích và dùng "quota" tăng trưởng tín dụng để tưởng thưởng các nhà băng trong việc giảm lãi cho vay.

Theo thống kê của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất cho vay ghi nhận mức giảm khoảng 1,5% so với trước dịch Covid-19, trong khi đó lãi suất huy động giảm trung bình khoảng 1,7%.

Ngoài ra, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2022, nhà băng cần ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 và doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh tốt.

Các ngân hàng cần tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhưng cần đảm bảo không nới lỏng các điều kiện để đảm bảo an toàn vốn vay. Như định hướng nhiều năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp...

Thông xe cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Cao tốc dài 51 km thông xe trong sáng nay giúp giảm tải Quốc lộ 1, ôtô chạy từ TP.HCM tới Mỹ Thuận từ 3 tiếng còn khoảng 1 tiếng 45 phút.

Một đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Một đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Tuyến đường rộng 16 m, gồm 4 làn xe, mỗi chiều được bố trí 6 điểm dừng khẩn cấp (không có làn khẩn cấp), mỗi điểm cách nhau 4-5 km, suốt tuyết có 39 cầu trên tuyến và 14 cầu vượt. Đại diện chủ đầu tư lý giải việc cao tốc chưa có làn khẩn cấp do hạn chế về nguồn kinh phí. Giai đoạn mở rộng sau này, tuyến sẽ nâng lên 6 làn, trong đó 2 làn dừng khẩn cấp hai bên.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận Nguyễn Tấn Đông cho biết, sau lễ thông xe, từ ngày 25/1 đến 31/1 (23 đến 29 tháng Chạp), ôtô được chạy trên cao tốc theo chiều từ Trung Lương đi Mỹ Thuận và từ ngày 1/2 đến 15/2 (mùng 1-15 tháng Giêng) theo chiều ngược lại nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thông tuyến hồi đầu tháng một năm ngoái sau 12 năm thi công, kết nối cao tốc TP HCM - Trung Lương tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, Tiền Giang). Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối vùng TP.HCM với miền Tây.

Đề xuất hơn 8.000 tỷ đồng mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình

Dự án mở rộng tuyến đường Hòa Lạc (Hà Nội) - Hòa Bình dài khoảng 23 km, quy mô 6 làn xe, với tổng vốn đầu tư đề xuất lên đến 8.168 tỷ đồng.

Đường Hòa Lạc- Hòa Bình hiện nay có 2 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp

Đường Hòa Lạc- Hòa Bình hiện nay có 2 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp

UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, dự án mở rộng tuyến đường Hoà Lạc - Hòa Bình được đề xuất đầu tư theo hình thức PPP, có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Điểm đầu dự án tại Km6+680 trên đường Hòa Lạc - Hòa Bình, giao với đường Hòa Lạc - Làng Văn Hóa các dân tộc, thuộc địa phận xã Yên Bài, huyện Ba Vì (Hà Nội); điểm cuối tại Km23+040 giao cắt giữa đường Hòa Lạc - Hòa Bình và quốc lộ 6. Chiều dài toàn tuyến khoảng 23 km, trong đó, đoạn đi qua Hà Nội dài 6,3 km, qua tỉnh Hòa Bình 16 km.

Dự án quy mô 6 làn xe, có dự trữ quỹ đất hai bên đường để xây dựng hệ thống đường bên quy mô 4 làn xe - mỗi bên 2 làn và xây dựng đường sắt liên vùng trong tương lai, chiều rộng nền đường hoàn thiện từ 80 m - 110 m.

UBND tỉnh Hòa Bình đề xuất giải phóng mặt bằng một lần đảm bảo quy mô hoàn thiện của dự án, dự kiến khoảng 303 ha, trong đó trên địa phận Hà Nội 90 ha, Hòa Bình 213 ha.

Trong tổng mức đầu tư dự án dự kiến 8.168 tỷ đồng, phần vốn từ ngân sách Nhà nước là 3.880 tỷ đồng; thời gian thu hồi vốn khoảng 24 năm, triển khai từ 2022 đến 2027.

Tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình hiện nay có quy mô 2 làn xe, 2 làn khẩn cấp đã hoàn thành năm 2018.

TP.HCM lắp bảng thông báo xe chạy quá tốc độ

Hệ thống bảng điện tử vừa được thành phố lắp đặt tại 8 điểm bắn tốc độ ở nhiều tuyến đường, hiển thị thông tin biển số, vận tốc xe vi phạm nhằm cảnh báo tài xế.

Bảng thông báo tốc độ gắn trên đường Võ Văn Kiệt, đoạn đầu đường hầm sông Sài Gòn phía Quận 1. Hầm này được gắn bảng điện tử cả hai đầu

Bảng thông báo tốc độ gắn trên đường Võ Văn Kiệt, đoạn đầu đường hầm sông Sài Gòn phía Quận 1. Hầm này được gắn bảng điện tử cả hai đầu

Mô hình này được Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị (thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM) triển khai tại các vị trí có thiết bị kiểm soát tốc độ tự động trên địa bàn, gồm nhiều tuyến giao thông chính như hầm vượt sông Sài Gòn, đường Nguyễn Văn Linh, Quốc lộ 22, cầu Phú Mỹ, Quốc lộ 1....

Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị Đoàn Văn Tấn cho biết, các bảng điện tử liên kết trực tiếp máy đo tốc độ ở những tuyến đường trên. Mỗi bảng cách vị trí đo 150-200 m, khi xe vi phạm trên bảng hiển thị biển số kèm tốc độ, với dòng chữ màu đỏ. Hệ thống chỉ hiển thị các trường hợp ôtô chạy quá tốc độ, chưa áp dụng với xe máy. Trên bảng cũng chỉ thông báo cho tài xế về vi phạm, còn dữ liệu do máy đo tốc độ ghi nhận sẽ chuyển qua hệ thống của CSGT để tiến hành các biện pháp xử lý.

Lãnh đạo Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị cũng cho biết thời gian tới, đơn vị tiếp tục khảo sát và dự kiến đề xuất lắp đặt bảng điện tử tại các điểm kiểm soát tải trọng xe.

Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị hiện quản lý gần 1.000 camera giám sát, trong đó hơn 100 camera đo đếm lưu lượng, vận tốc xe chạy trên đường. Dữ liệu từ hệ thống này kết nối và chia sẻ với Công an TP.HCM, các quận huyện... để tăng sự giám sát giao thông, an ninh, trật tự.

Đóng 5 km tỉnh lộ để xây sân bay Long Thành

Hương lộ 10 đi qua sân bay Long Thành bị đóng lại từ giữa tháng 3 năm nay để phục vụ hạng mục san lấp mặt bằng xây dựng đường băng.

Hương lộ 10 đi qua khu vực dự án sân bay Long Thành

Hương lộ 10 đi qua khu vực dự án sân bay Long Thành

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai đóng hương lộ 10 (ĐT 770) đoạn qua khu vực sân bay Long Thành để phục vụ quá trình thi công.

Theo ông Nguyễn Khắc Phong, Trưởng ban điều hành dự án sân bay Long Thành (chủ đầu tư dự án thành phần 3, thuộc ACV), hương lộ 10 đoạn qua sân bay Long Thành nằm ở vị trí cắt ngang hai đường cất, hạ cánh của dự án. Do đó tuyến đường bắt buộc phải đóng, xe không thể chạy qua khi hạng mục san lấp dự án được triển khai vào cuối tháng 2 năm nay.

Hương lộ 10 nối tỉnh lộ 769 qua huyện Long Thành đến quốc lộ 56 đi qua huyện Cẩm Mỹ dài khoảng 20 km, trong đó đoạn qua dự án sân bay chừng 5 km. Đây là tuyến huyết mạch kết nối TP Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành với các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và TP Long Khánh.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có công suất 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tổng vốn đầu tư toàn bộ công trình dự kiến hơn 336.600 tỷ đồng (tương đương 16,06 tỷ USD, áp dụng tỷ giá năm 2014), trong đó giai đoạn một hơn 114.400 tỷ đồng (5,45 tỷ USD).

Hơn 100.000 xe kinh doanh vận tải lắp camera giám sát

Cả nước có 103.000 xe kinh doanh vận tải lắp camera giám sát, đạt 81% số xe đang hoạt động cần lắp thiết bị này.

Lắp camera tại một doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội

Lắp camera tại một doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội

Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, cả nước có 205.000 xe kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo, thuộc diện phải lắp thiết bị camera giám sát theo Nghị địnhh 10 của Chính phủ.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhiều doanh nghiệp khó khăn, hoạt động cầm chừng, chỉ có 126.000 xe đang chạy và hơn 79.000 xe chưa khai thác. Trong số 103.000 xe đã lắp camera giám sát (chiếm 81% số xe đang hoạt động và 50% số xe kinh doanh vận tải), xe du lịch từ 9 chỗ trở lên đạt 100%, xe khách tuyến cố định 91%, xe hợp đồng 69%, xe container 82% và xe đầu kéo 78%.

Các tỉnh đạt tỷ lệ cao gồm Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang 100%; Nam Định, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Lai Châu trên 90%.

Qua kiểm tra, phần lớn doanh nghiệp lắp camera đúng quy chuẩn (TCVN13396) đã được Bộ Khoa học & Công nghệ công bố, song vẫn còn có nhà xe chưa tìm hiểu kỹ nên mua các thiết bị trôi nổi, chưa đảm bảo kết nối dữ liệu tới cơ quan quản lý.

Tin cùng chuyên mục