Bản tin thời sự sáng 20/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM kỳ vọng thu hơn 21.000 tỷ đồng từ bán đấu giá các khu đất; cho học sinh đi học trực tiếp ở địa bàn xác định dịch ở cấp độ 1, 2; đến năm 2030, quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới có tổng chiều dài 2.362 km; cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Nguyễn Duy Linh chuẩn bị hầu toà vụ án "Đưa hối lộ"; 70% lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao tại TP.HCM trở lại nhà máy…

TP.HCM kỳ vọng thu hơn 21.000 tỷ đồng từ bán đấu giá các khu đất

3 tháng cuối năm 2021, ngân sách TP.HCM sẽ có thêm hơn 21.000 tỷ đồng nếu đẩy nhanh thủ tục bán đấu giá các khu đất...

TP.HCM đang đấu giá một số khu đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm

TP.HCM đang đấu giá một số khu đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Theo Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Phạm Thị Hồng, sau 9 tháng đầu năm 2021, TP.HCM thu đạt gần 75% ngân sách (hơn 271.600 tỷ đồng). Ảnh hưởng Covid-19 và việc giãn cách xã hội, số thu tháng 8 - 9 bị giảm khá sâu so với cùng kỳ. Việc này đặt ra nhiệm vụ khá nặng nề về thu ngân sách cho Thành phố trong 3 tháng tới.

Tuy nhiên, với kết quả khả quan đạt được thời gian gần đây cùng với Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng dịch bệnh, 3 tháng tới sẽ là tiền đề để Thành phố tự tin và lạc quan hơn trong nhiệm vụ thu ngân sách. Bà Hà cho biết thêm, ngành Tài nguyên và Môi trường là đơn vị thực hiện các khoản thu chủ động cho ngân sách địa phương rất lớn. Hiện còn 13 dự án có thể giao đất thu tiền trong năm nay, trong đó, 4 khu đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, có thể sớm đấu giá để thu tiền.

Toàn bộ khoản thu từ đất này ngân sách địa phương được giữ lại 100%. Theo tính toán, giá khởi điểm là hơn 21.000 tỷ đồng. Nếu đẩy nhanh thủ tục để bán đầu giá sớm, có thể thu được khoản này sớm nhất trong năm nay.

Đối với nhà đất công, bà Hà cho biết, sau khi Ban Chỉ đạo 167 rà soát hiện còn 70 địa chỉ nhà, đất công có phương án bán đấu giá. Số đất này đang nằm ở các quận, huyện và Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Các đơn vị liên quan cần rà soát lại để có phương án giúp tăng thu cho Thành phố.

Bộ GD&ĐT cho học sinh đi học trực tiếp ở địa bàn xác định dịch ở cấp độ 1, 2

Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các địa phương yêu cầu, rà soát các điều kiện để tổ chức cho học sinh tới trường đảm bảo an toàn tại các cơ sở giáo dục. Cụ thể, địa bàn có dịch ở cấp độ 1, 2 được đi học trực tiếp.

Cho học sinh đi học trực tiếp ở địa bàn có dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2.

Cho học sinh đi học trực tiếp ở địa bàn có dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2.

Bộ GD&ĐT cho biết vừa đề nghị các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát các điều kiện để tổ chức cho học sinh tới lớp học trực tiếp, đảm bảo an toàn tại các cơ sở giáo dục; ưu tiên tiêm đủ liều vaccine cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên phục vụ.

Căn cứ phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn cấp phường/xã, cấp quận/huyện, cấp tỉnh/thành phố để quyết định tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp theo nguyên tắc khu vực nào kiểm soát được dịch thì chủ động cho học sinh trở lại trường học tập…

Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình) thì tổ chức dạy học trực tiếp; củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao) thì tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình. Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp.

Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao), căn cứ vào tình hình thực tế và tiến độ triển khai kế hoạch năm học tại địa phương để tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học...

Địa phương hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm trên địa bàn được đào tạo trực tiếp khi xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2. Tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến hoặc kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến ở những địa bàn được xác định dịch cấp độ 3 và cấp độ 4.

Đến năm 2030, quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới có tổng chiều dài 2.362 km

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới, tổng chiều dài 2.362 km.

Đến năm 2030 quy hoạch 09 tuyến đường sắt mới có tổng chiều dài 2.362 km

Đến năm 2030 quy hoạch 09 tuyến đường sắt mới có tổng chiều dài 2.362 km

Quyết định nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 là cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế; hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới, trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, sân bay quốc tế, đường sắt đầu mối tại thành phố lớn, nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ…

Theo Quyết định, bên cạnh 7 tuyến đường sắt hiện có với tổng chiều dài khoảng 2.440 km thì mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030 quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới, tổng chiều dài 2.362 km.

Cụ thể là, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài khoảng 1.545 km; tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân dài 129 km; tuyến vành đai phía Đông thành phố Hà Nội từ Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng dài khoảng 59 km; tuyến Hà Nội - Hải Phòng dài khoảng 102 km; tuyến Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ từ cảng Vũng Áng đến biên giới Việt Nam - Lào (đèo Mụ Giạ) dài khoảng 103 km; tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu dài khoảng 84 km; tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ dài khoảng 174 km; tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Lộc Ninh dài khoảng 128 km; tuyến Thủ Thiêm - Long Thành từ ga Thủ Thiêm đến ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành dài khoảng 38 km.

Tổng nhu cầu vốn đến năm 2030 khoảng 240.000 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Nguyễn Duy Linh chuẩn bị hầu toà vụ án "Đưa hối lộ"

Dự kiến ngày 5/11, TAND TP. Hà Nội sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án "Đưa hối lộ" đối với bị cáo Phan Văn Anh Vũ (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79); Nguyễn Duy Linh (cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo) và Hồ Hữu Hòa (làm nghề phong thủy).

Cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Nguyễn Duy Linh chuẩn bị hầu toà vụ án "Đưa hối lộ"

Cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Nguyễn Duy Linh chuẩn bị hầu toà vụ án "Đưa hối lộ"

Theo cáo trạng, ông Nguyễn Duy Linh bị truy tố tội "Nhận hối lộ", Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") bị truy tố tội "Đưa hối lộ" và Hồ Hữu Hòa bị truy tố tội "Môi giới hối lộ".

Theo hồ sơ vụ án, Hồ Hữu Hòa hành nghề tư vấn về phong thủy và quen với Phan Văn Anh Vũ. Năm 2017, khi Bộ Công an điều tra về những sai phạm trong việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất công sản tại TP. Đà Nẵng và cố ý “Làm lộ bí mật Nhà nước”, Phan Văn Anh Vũ nói với Hòa tiếp cận ông Nguyễn Duy Linh để nhờ giúp đỡ.

Sau khi gặp "thầy phong thủy" Hồ Hữu Hoà, Vũ đã nhờ lái xe riêng của ông ta đưa 5 tỷ đồng và 500 nghìn USD cho Hòa để bị can này chuyển đến người nhận. Trong giai đoạn điều tra, Hồ Hữu Hòa phủ nhận cáo buộc trên.

Đáng chú ý, trong vụ án này, Phan Văn Anh Vũ từng viết 6 bản tự khai, trong đó có 5 lần đưa tiền cho Hồ Hữu Hoà để chuyển tới Nguyễn Duy Linh. Đáng chú ý, khi Vũ có nguy cơ gặp “sóng gió”, thầy phong thuỷ khuyên Vũ cho Linh ít tiền để công việc thuận lợi...

Lần thứ nhất, Vũ đưa 500 nghìn USD; lần thứ 2, Vũ tiếp tục đưa 5 tỷ đồng cho Hoà để chuyển tới Nguyễn Duy Linh. Lần thứ 3, Vũ đóng 2 triệu USD vào thùng xốp; lần thứ 4, Vũ đóng 1 triệu USD vào thùng xốp và lần thứ 5, Vũ cũng đóng 1 triệu USD vào thùng xốp.

Về túi quà 5 tỷ đồng, bị can Nguyễn Duy Linh thừa nhận đã nhận được túi quà này nhưng chỉ thừa nhận rượu và thuốc lá. Viện Kiểm sát đánh giá, ông Linh không thành khẩn khai báo nhưng qua chứng cứ và lời khai của người liên quan đủ cơ sở xác định, ông đã nhận 5 tỷ đồng.

70% lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao tại TP.HCM trở lại nhà máy

Gần 1.400 nhà máy trong 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao của TP.HCM, với gần 230.000 lao động, trở lại làm việc từ sau ngày 30/9.

Công nhân nhà máy Dệt may Thành Công (Khu công nghiệp Tân Bình) trở lại sản xuất sau ngày 30/9

Công nhân nhà máy Dệt may Thành Công (Khu công nghiệp Tân Bình) trở lại sản xuất sau ngày 30/9

Phó Ban Quản lý các khu chế xuất - công nghiệp TP.HCM (Hepza) Phạm Thanh Trực cho biết, 1.307 nhà máy mở cửa trở lại, đạt tỷ lệ hơn 92%; còn tỷ lệ này tại khu công nghệ cao (TP. Thủ Đức) là 100%, với 85 doanh nghiệp. Hơn 230.000 công nhân trong tổng số 320.000 lao động (tỷ lệ khoảng 70%) ở các khu công nghiệp thuộc Hepza và khu công nghệ cao trở lại làm việc từ sau ngày 30/9.

Ông Trực cho biết thêm, các nhà máy trong khu công nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều trước tình trạng lao động hồi hương, bởi thời điểm Thành phố siết chặt giãn cách, hầu hết doanh nghiệp duy trì một phần lương và sớm công bố kế hoạch sản xuất khi TP.HCM dần "mở cửa". Đặc biệt, khoảng 750 nhà máy sản xuất theo hình thức "3 tại chỗ" với gần 71.000 lao động tham gia nên đã giữ chân được công nhân.

Trước thời điểm dịch bùng phát, 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao có hơn 320.000 người làm việc trong gần 1.500 nhà máy. Từ ngày 15/7, theo yêu cầu của chính quyền Thành phố, doanh nghiệp không đảm bảo phòng dịch phải dừng hoạt động. Tính đến trước 30/9, hơn 820 nhà máy trong các khu công nghiệp ngưng sản xuất khiến 244.000 công nhân phải tạm nghỉ việc.

Ứng dụng NCOVI sắp bị gỡ để thay thế bằng PC-Covid sau hơn 1 năm ra mắt

Hiện tại người dùng đang sử dụng NCOVI đã nhận được thông báo ứng dụng này sẽ bị gỡ bỏ khỏi các kho phần mềm, để thay thế bằng PC-Covid.

NCOVI sẽ bị gỡ khỏi Appstore và Google Play trong thời gian tới.

NCOVI sẽ bị gỡ khỏi Appstore và Google Play trong thời gian tới.

Lý do của động thái này là cả 2 phần mềm đang được quản lý bởi Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 Quốc gia. Trong khi đó, ứng dụng PC-Covid đã được lựa chọn là phần mềm thống nhất phòng chống dịch.

Hiện tại, với những người dùng đã cài đặt ứng dụng NCOVI trên máy vẫn có thể sử dụng bình thường, nhưng trong thời gian tới khi PC-Covid được hoàn thiện thì mọi dữ liệu đồng nhất sẽ chỉ được cập nhật trên phần mềm này, bao gồm cả các bản vá lỗi bảo mật mới nhất.

Đối với phần mềm Sổ sức khỏe điện tử, ứng dụng vẫn sẽ tiếp tục được phát triển, vì còn có chức năng như một sổ y bạ điện tử của người dân. Sổ sức khỏe điện tử không chỉ phục vụ cho mục đích chống dịch, mà còn cho công tác y tế sau này.

Được biết, ứng dụng NCOVI phát hành từ tháng 3/2020, với sự phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ Thông tin - Truyền thông, được sử dụng với mục đích hỗ trợ người dân khai báo y tế tự nguyện.

Các chức năng của những ứng dụng trước sẽ được tích hợp vào PC-Covid và một số ứng dụng sẽ được gỡ bỏ.

Theo đó, ứng dụng Bluezone được cập nhật lên thành PC-Covid. Mã QR trong ứng dụng VNeID của Bộ Công an tương ứng với mã trong PC-Covid. Các chức năng hiển thị thông tin tiêm chủng, F0 khỏi bệnh của Sổ sức khỏe điện tử hay Y tế HCM cũng được tích hợp vào ứng dụng PC-Covid.

Bên cạnh đó, các tính năng khai báo y tế, cập nhật thông tin dịch bệnh của ứng dụng NCOVI hay VHD trước đây cũng đã có mặt trên PC-Covid.

Thống nhất đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài trong giai đoạn 2021 - 2025

HĐND TP.HCM vừa thống nhất thông qua đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có chiều dài 50 km, với số vốn 15.900 tỷ đồng…

Sơ đồ tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài
Sơ đồ tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

HĐND TP.HCM đồng thuận đề xuất thực hiện Dự án Xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Dự án nằm trên địa bàn TP.HCM và tỉnh Tây Ninh, bắt đầu từ đường Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, tuyến đi song song với Quốc lộ 22 hiện hữu. Đoạn cuối kết nối vào Quốc lộ 22 khu vực Cửa khẩu Mộc Bài.

Tuyến đường có 8 làn xe, đoạn còn lại trên địa phận tỉnh Tây Ninh có 6 làn xe. Chiều dài toàn tuyến cao tốc là 50 km, trong đó, đoạn qua TP.HCM dài 23,7 km.

Phương thức đầu tư theo đối tác công tư (hợp đồng BOT). Theo đó, nhà đầu tư thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT, nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn ngân sách của TP.HCM và tỉnh Tây Ninh.

Khái toán tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 15.900 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 5.417 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư và chi phí khác là 1.836 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư là 7.433 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 1.214 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện Dự án (giai đoạn 1) dự kiến trong năm 2021 - 2025.

Lở núi chia cắt quốc lộ 15C ở Thanh Hóa

Hơn 20.000 m3 đất đá từ sườn núi tràn xuống quốc lộ 15C qua xã Nhi Sơn, khiến huyện biên giới Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa), bị chia cắt.

Hàng chục nghìn m3 đất đá tràn xuống đường 15C sáng 19/10

Hàng chục nghìn m3 đất đá tràn xuống đường 15C sáng 19/10

Chủ tịch huyện Mường Lát Nguyễn Văn Bình cho biết, sáng ngày 19/10, một phần quả núi ở bản Kéo Té, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa), đổ xuống. Ước tính 20.000 - 30.000 m3 đất đá tràn xuống chân núi, lấn hết nền Quốc lộ 15C khiến phương tiện không thể qua lại.

Vụ sạt lở không ảnh hưởng đến khu dân cư, do khu vực có người sinh sống gần nhất cách đó khoảng 300 - 400 m.

Huyện Mường Lát đang huy động lực lượng, phương tiện giải phóng lượng đất đá nhằm thông tuyến, con đường huyết mạch nối miền xuôi với vùng biên giới.

Trong lúc lực lượng chức năng đang khắc phục sự cố, chính quyền địa phương đã cắm biển báo, hướng dẫn người dân lên thị trấn Mường Lát có thể đi theo cung đường từ bản Táo qua cầu Chiềng Nưa, men theo bờ tả sông Mã.

Đoạt quốc lộ đang bị vùi lấp là điểm thường xuyên xảy ra sạt lở vào mùa mưa lũ những năm gần đây, do nền địa chất yếu và không còn rừng che phủ.

Mưa lớn kéo dài những ngày qua đã khiến nhiều nơi khác ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa bị sạt lở. Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, Quốc lộ 15A, đoạn qua bản Mướp, thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, cũng mới xuất hiện điểm đứt gãy, nguy cơ sạt lở taluy dương...

Tin cùng chuyên mục