Bản tin thời sự sáng 21/12

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là ông Tất Thành Cang bị đình chỉ chức vụ; Công an Hà Nội mở đợt cao điểm cấp căn cước công dân lưu động; hoàn thành bay hiệu chuẩn đường băng 25R mới sửa sân bay Tân Sơn Nhất; 19 người bị đề nghị truy tố trong vụ án tại Gang thép Thái Nguyên; rà soát áp thuế chống bán phá giá đối với 3 doanh nghiệp Trung Quốc…

Ông Tất Thành Cang bị đình chỉ chức vụ

Ông Tất Thành Cang bị đình chỉ chức Phó trưởng ban Biên soạn lịch sử đảng bộ TP.HCM để phục vụ điều tra.

Ông Tất Thành Cang nhận quyết định khởi tố, bắt tạm giam

Ông Tất Thành Cang nhận quyết định khởi tố, bắt tạm giam

Ngày 20/12, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho biết, quyết định tạm đình chỉ được đưa ra sau khi ông Cang bị bắt tạm giam về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí tại Công ty Sadeco".

Trước đó, HĐND TP.HCM đã quyết định tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu HĐND Thành phố nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Cang.

Hồi tháng 12/2018, sau khi bị cách chức Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM vì đã có những "vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng", ông Cang được phân công làm Phó trưởng ban Biên soạn lịch sử đảng bộ TP.HCM.

Sau Đại hội Đảng bộ TP.HCM khóa XI (tháng 10/2020), ông Cang không còn là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.

Trước đó, ngày 16/12, ông Cang, bị Công an TP.HCM bắt tạm giam theo Điều 219 Bộ luật Hình sự. Sai phạm của bị can xảy ra vào tháng 5/2017 - thời điểm TP.HCM trống vị trí Bí thư Thành ủy, do ông Đinh La Thăng được điều động qua làm Phó ban Kinh tế Trung Ương, còn ông Nguyễn Thiện Nhân chưa về nhận nhiệm vụ.

Ông Cang bị kết luận là đã chấp thuận chủ trương để Văn phòng Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tăng vốn điều lệ tại Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), gây thiệt hại ít nhất 153 tỷ đồng.

Ngoài việc bị xử lý hình sự lần này, ông Cang còn liên quan đến ít nhất 3 sai phạm khác trong thời kỳ làm Giám đốc Sở Giao thông vận tải và Phó chủ tịch UBND Thành phố.

Công an Hà Nội mở đợt cao điểm cấp căn cước công dân lưu động

Từ ngày 1/1 - 1/7/2021 Công an TP. Hà Nội mở đợt cao điểm tập trung cấp căn cước công dân lưu động trên địa bàn.

Công an Hà Nội làm thẻ căn cước công dân cho học sinh

Công an Hà Nội làm thẻ căn cước công dân cho học sinh

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an TP. Hà Nội đã xây dựng và triển khai kế hoạch mở đợt cao điểm tập trung cấp căn cước công dân (CCCD) lưu động trên địa bàn Thành phố từ ngày 1/1 - 1/7/2021.

Theo đó, từ ngày 1/1 đến hết ngày 30/6/2021, Công an Hà Nội sẽ thành lập các tổ lưu động để triển khai cấp CCCD trên toàn Thành phố tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học và tại các địa bàn dân cư.

Cùng với đó, Công an Thành phố sẽ duy trì và tăng thời gian tiếp nhận hồ sơ (tối thiểu 10 giờ/ngày) để cấp CCCD cố định tại trụ sở công an các quận, huyện, thị xã. Bảo đảm thực hiện việc cấp lưu động và cố định ít nhất 6 ngày trong tuần.

Các trường hợp cần thiết cấp CCCD trong dịp cao điểm này là công dân từ đủ 14 tuổi trở lên chưa được cấp CMND, CCCD hoặc đã được cấp nhưng bị hỏng, mất, hết thời hạn.

Công an khuyến khích các trường hợp này thực hiện việc cấp mới, cấp đổi sang sử dụng CCCD mẫu mới.

Các trường hợp chưa cần thiết là các công dân đã được cấp CMND 12 số, thẻ CCCD còn nguyên vẹn và còn thời hạn sử dụng. Theo quy định hiện hành, các loại giấy tờ này vẫn còn giá trị sử dụng cho đến khi hết hạn. Các trường hợp này có thể thực hiện việc cấp đổi sang CCCD mẫu mới sau ngày 30/6/2021.

Hoàn thành bay hiệu chuẩn đường băng 25R mới sửa sân bay Tân Sơn Nhất

Việc bay hiệu chuẩn đường bằng 25R đã hoàn thành tốt đẹp, đây là điều kiện cần thiết để đưa đường băng vào khai thác.

Máy bay bay hiệu chuẩn đường băng 25R

Máy bay bay hiệu chuẩn đường băng 25R

Ngày 20/12, Tổng công ty Cửu Long cho biết, việc bay hiệu chuẩn đường bằng 25R đã thành công tốt đẹp. Đây là điều kiện quan trọng để đánh giá chất lượng đường băng, các trang thiết bị phục vụ cho cất hạ cánh của đường băng này.

Quá trình bay hiệu chuẩn được thực hiện từ 22h đến 6h sáng các ngày từ 15 - 20/12. Sở dĩ việc bay hiệu chuẩn phải thực hiện ban đêm là để hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động khai thác bay của các chuyến bay thương mại tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Việc bay hiệu chuẩn nhằm kiểm tra thiết bị dẫn đường, giám sát hàng không, đánh giá độ chính xác của hệ thống. Đây là hoạt động sau nghiệm thu, thử nghiệm trước khi bước 1 dự án hoàn thành, đưa vào khai thác trước Tết Nguyên đán 2021.

Dự án Nâng cấp đường cất hạ cánh sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư là 2.015 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng là 1.443 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

19 người bị đề nghị truy tố trong vụ án tại Gang thép Thái Nguyên

Ông Mai Văn Tinh, cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam cùng Trần Trọng Mừng, cựu tổng giám đốc TISCO, bị đề nghị truy tố cùng 17 đồng phạm.

Khu nhà máy sản xuất giai đoạn 2 được xây dựng dở dang, bỏ không nhiều năm

Khu nhà máy sản xuất giai đoạn 2 được xây dựng dở dang, bỏ không nhiều năm

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra, chuyển hồ sơ tới Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố với 19 bị can trong vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) và một số đơn vị có liên quan.

Cơ quan điều tra đề nghị VKSND Tối cao truy tố 14 người từ 10 - 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí gồm: ông Tinh, Mừng, Khâm, Đậu Văn Hùng, cựu tổng giám đốc Tổng công ty thép Việt Nam; Ngô Sỹ Hán, cựu Phó tổng giám đốc TISCO; Đặng Văn Tập, cựu Phó giám đốc Thường trực Ban Quản lý dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - TISCO; Đồng Quang Dương, cựu phó giám đốc, kiêm Thư ký dự án TISCO; Nguyễn Trọng Khôi, cựu phó tổng giám đốc VNS; Trịnh Khôi Nguyên, cựu trưởng phòng Đầu tư phát triển VNS; Đỗ Xuân Hòa, cựu kế toán trưởng TISCO; Lê Thị Tuyết Lan, cựu Phó phòng Kế toán - Thống kê - Tài chính TISCO; Uông Sỹ Bính, cựu Phó phòng Kế toán - Thống kê - Tài chính TISCO; Nguyễn Văn Tráng, cựu ủy viên Ban kiểm soát VNS; Đặng Thúc Kháng, cựu Ủy viên Hội đồng quản trị, kiêm Trưởng Ban kiểm soát VNS.

5 người bị đề nghị truy tố 7 - 12 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng gồm: Lê Phú Hưng, cựu ủy viên HĐQT VNS; Nguyễn Minh Xuân, cựu ủy viên HĐQT VNS; Nguyễn Chí Dũng, cựu ủy viên HĐQT TISCO; Hoàng Ngọc Diệp, cựu ủy viên HĐQT TISCO; Đoàn Thu Trang, cựu ủy viên HĐQT TISCO.

Rà soát áp thuế chống bán phá giá đối với 3 doanh nghiệp Trung Quốc

Có 3 doanh nghiệp Trung Quốc được rà soát mức thuế chống bán phá giá một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim cán phẳng.

Bộ Công Thương rà soát thuế CBPG với một số sản phẩm thép hợp kim nhập từ Trung Quốc

Bộ Công Thương rà soát thuế CBPG với một số sản phẩm thép hợp kim nhập từ Trung Quốc

Tháng 10/2019, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) chính thức đối với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được sơn có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc (vụ việc AD04). Đến ngày 20/8/2020, Bộ Công Thương đã có thông báo nhận hồ sơ yêu cầu rà soát lần thứ nhất của vụ việc.

Trên cơ sở nội dung hồ sơ đề nghị rà soát đã tiếp nhận, vừa qua, Bộ Công Thương ban hành quyết định về việc tiến hành rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được sơn có xuất xứ từ Trung Quốc (mã vụ việc AR01.AD04).

Theo đó, các công ty được rà soát mức thuế CBPG trong vụ việc AR01.AD04 bao gồm: Công ty Shandong Yehui Coated Steel Co., Ltd và Công ty thương mại Shandong Boxing Yin Xiang International Trade Co., Ltd; Công ty Yieh Phui (China) Technomaterial Co., Ltd; Công ty Zhejiang Huada New Material Co., Ltd.

Bộ Công Thương cũng khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trong quá trình ký kết hợp đồng nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng các hàng hóa bị áp thuế CBPG cần lưu ý về việc thuế CBPG có thể thay đổi theo kết quả rà soát./.

Ngày 21/12, xét xử cựu Chủ tịch Liên Kết Việt lừa đảo 68.000 người

Lê Xuân Giang (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Liên Kết Việt) cùng 6 đồng phạm bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 1.100 tỷ đồng bằng hình thức đầu tư đa cấp.

Lê Xuân Giang (ở giữa) luôn mặc trang phục quân đội để mạo danh, lấy lòng tin người dân trong các buổi hội thảo của Liên Kết Việt

Lê Xuân Giang (ở giữa) luôn mặc trang phục quân đội để mạo danh, lấy lòng tin người dân trong các buổi hội thảo của Liên Kết Việt

Sáng ngày 21/12, TAND Hà Nội mở phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Liên Kết Việt (Công ty Liên Kết Việt). Phiên toà dự kiến diễn ra trong 10 ngày, kể cả thứ 7 và chủ nhật.

HĐXX đã gửi giấy triệu tập 6.053 bị hại tới phiên xử.

7 bị cáo hầu toà đều từng làm việc trong Công ty Liên Kết Việt gồm: Lê Xuân Giang (Chủ tịch HĐQT); Lê Văn Tú (Tổng giám đốc); Nguyễn Thị Thủy (Phó Tổng giám đốc). 4 bị cáo còn lại là thành viên nhóm phát triển thị trường Công ty Liên Kết Việt.

Lợi dụng việc Công ty được cấp giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp với hàng hóa do Công ty BQP sản xuất, từ tháng 3/2014 - 11/2015, Giang cùng đồng phạm cung cấp thông tin sai lệch cho các bị hại để tạo lòng tin về hoạt động kinh doanh của Liên Kết Việt và Công ty BQP.

Với các chiêu trò được tung ra, đến tháng 11/2015, Giang và đồng phạm đã mở rộng mạng lưới phát triển được 34 chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý tại 27 tỉnh, thành, lôi kéo được hơn 68.000 người tại 49 tỉnh, thành phố tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp.

Theo cơ quan công tố, các bị cáo đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.121 tỷ đồng và phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền này.

Công ty chứng khoán IVS bị phạt, truy thu hơn 800 triệu đồng

Cục Thuế TP. Hà Nội vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty CP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS). Tổng số tiền IVS bị cơ quan thuế phạt và truy thu là 803 triệu đồng.

Công ty chứng khoán IVS bị phạt, truy thu hơn 800 triệu đồng. Ảnh minh họa

Công ty chứng khoán IVS bị phạt, truy thu hơn 800 triệu đồng. Ảnh minh họa

Theo Cục Thuế TP. Hà Nội, IVS đã xuất hóa đơn hàng cho, biếu tặng nhưng không tính thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu ra theo quy định của Thông tư 219/2013/TT-BTC; về thuế thu nhập doanh nghiệp, công ty hạch toán hóa đơn của đơn vị bỏ địa chỉ kinh doanh.

Với các vi phạm như trên, IVS bị phạt với mức phạt 20% trên tổng số thuế tăng thêm qua thanh tra, số tiền là 106 triệu đồng. Ngoài ra, IVS còn bị truy thu 531 triệu đồng tiền thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, cùng 166 triệu đồng tiền chậm nộp. Như vậy, tổng số tiền IVS phải nộp về cho cơ quan thuế là 803 triệu đồng.

IVS có vốn điều lệ 693 tỷ đồng. Hiện cổ phiếu IVS đang niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội, giá giao dịch ở mức quanh 6.000 đồng/đơn vị.

Hiện cổ phiếu IVS đang nằm trong diện bị cảnh báo kể từ ngày 11/3/2020 do lợi nhuận sau thuế năm 2019 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2019 trên Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 là số âm, thuộc trường hợp bị cảnh báo theo quy định.

Tại thời điểm ngày 30/9/2020, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty vẫn ở mức trên 39 tỷ đồng.

Ông chủ khách sạn hạng sang xây trên đất quốc phòng bị truy tố

Viện trưởng VKS Quân sự Trung ương vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Đinh Tiến Sử, chủ khách sạn Bavico Nha Trang và Bavico Đà Lạt, cùng các đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Khách sạn Bavico Nha Trang xây dựng trên đất quốc phòng

Khách sạn Bavico Nha Trang xây dựng trên đất quốc phòng

Đại tá Lê Đình Long, Kiểm sát viên VKS Quân sự Trung ương, vừa có văn bản thông báo về việc truy tố ông Đinh Tiến Sử đến 163 bị hại là người mua căn hộ du lịch tại các khách sạn Bavico của ông này.

Ngoài Đinh Tiến Sử, VKS Quân sự Trung ương còn truy tố 2 bị can khác là Nguyễn Văn Đạt và Bùi Tiến Dũng (nhân viên của Sử). Cả ba cùng bị truy tố ra Tòa án Quân sự Quân khu 5 để xét xử về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Ông Đinh Tiến Sử (quê quán Hà Tĩnh, ngụ TP HCM), nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Bạch Việt, là bị can trong cả hai vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tại Khách sạn Bavico Nha Trang (Khánh Hòa) và Bavico Đà Lạt (Lâm Đồng) trong thời gian từ tháng 4/2015 đến tháng 6/2017.

Ông Sử đã bị Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng khởi tố bị can vào ngày 24/10/2019, sau đó bỏ trốn. Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã phát lệnh truy nã, sau đó phối hợp với Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế bắt ông Sử vào ngày 30/11/2019, khi ông ta đang trốn tại Huế.

Ngày 16/10/2020, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã ra bản Kết luận điều tra vụ án số 02/KLĐT, đề nghị truy tố ba bị can Đinh Tiến Sử , Nguyễn Văn Đạt và Bùi Tiến Dũng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Ông Sử bị khởi tố do bán căn hộ đang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) cho nhiều người dân tại 2 dự án khách sạn trên.

Tin cùng chuyên mục