Bản tin thời sự sáng 21/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 sẽ được tổ chức trong ngày 6 - 7/8; đường sắt chở hàng container dệt may, da giày đầu tiên từ Việt Nam sang Bỉ; Bộ Giao thông vận tải đồng ý thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc; Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo khẩn tìm giải pháp kịp thời khắc phục ngay ùn tắc tại 22 chốt kiểm dịch; TP.HCM sẽ hỗ trợ thêm 27.000 lao động tự do từ ngày 25/7…

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 sẽ được tổ chức trong ngày 6 - 7/8

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 sẽ được tổ chức trong hai ngày 6 và 7/8. Ngày 24/8, sẽ công bố điểm thi cho thí sinh đợt 2.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 sẽ được tổ chức trong ngày 6 và 7/8

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 sẽ được tổ chức trong ngày 6 và 7/8

Bộ GD-ĐT vừa có văn bản hướng dẫn tổ chức thi đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Theo đó, ngày 5/8 thí sinh làm thủ tục và dự thi trong hai ngày 6 - 7/8.

Để chuẩn bị, Sở GD-ĐT tổ chức tập huấn quy chế thi, nghiệp vụ tổ chức thi cho tất cả cán bộ tham gia làm thi, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức, thanh tra, kiểm tra các công tác tổ chức thi đợt 2.

Theo Bộ GD-ĐT, đối tượng dự thi đợt 2 gồm các thí sinh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa dự thi hoặc không thể hoàn thành thi đợt 1. Thí sinh chưa dự thi hoặc đã dự thi nhưng không thể hoàn thành thi đợt 1 vì các lý do khác với lý do bị ảnh hưởng bởi dịch.

Trường hợp thí sinh chưa dự thi hoặc dự thi nhưng không thể hoàn thành trong đợt 1 vì các lý do khác với lý do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phải có đơn xin dự thi đợt 2, trong đó ghi rõ lý do liên quan.

Tùy theo điều kiện thực tế và để tạo thuận lợi cho việc dự thi của thí sinh cũng như công tác tổ chức, Bộ GD-ĐT cho phép các Sở GD-ĐT thành lập Hội đồng thi để tổ chức thi tại địa phương hoặc trao đổi, thống nhất để chuyển thí sinh đến dự thi ở Hội đồng thi của địa phương khác…

Đường sắt chở hàng container dệt may, da giày đầu tiên từ Việt Nam sang Bỉ

Ngày 20/7, đoàn tàu đầu tiên vận chuyển container dệt may, da giày đã chạy thẳng từ Việt Nam sang Bỉ, mở tuyến vận tải mới đến châu Âu.

Chuyến tàu đến Bỉ khởi hành ở ga Yên Viên

Chuyến tàu đến Bỉ khởi hành ở ga Yên Viên

Theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), tàu xuất phát từ ga Yên Viên, điểm đến là thành phố Liege (Bỉ), sau đó tiếp chuyển container bằng đường bộ đến nơi trả hàng là thành phố Rotterdam (Hà Lan).

Tàu chở 23 container 40 feet với các hàng dệt may, da giày. Từ Việt Nam, đoàn tàu sẽ đến Trịnh Châu (Trung Quốc) và kết nối vào đoàn tàu Á - Âu để đến đích. Tổng thời gian hành trình khoảng 25 - 27 ngày.

Đây là đoàn tàu container đầu tiên do Công ty Ratraco kết hợp với các doanh nghiệp vận chuyển, giao nhận các nước cung cấp chuỗi dịch vụ logistics cho khách hàng từ Việt Nam đến châu Âu.

Thời gian qua, đường sắt Việt Nam đã xúc tiến vận chuyển container đến Trung Quốc và quá cảnh đi Nga, các nước Trung Á. Ratraco và đối tác châu Âu bắt đầu xây dựng kế hoạch và tổ chức vận chuyển 8 chuyến tàu đến châu Âu mỗi tháng xuất phát tại Việt Nam.

Theo lãnh đạo VNR, với ưu thế kết nối đường sắt liên vận quốc tế, đường sắt còn có chi phí thấp, đúng giờ nên gần đây vận chuyến hàng hóa bằng đường sắt tăng trưởng mạnh, bù đắp cho kinh doanh vận tải hành khách giảm sút do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Bộ Giao thông vận tải đồng ý thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc

Bộ Giao thông vận tải đồng ý với đề án thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang) và đề nghị tiêm vaccine cho người dân trên đảo.

Đảo Phú Quốc có cơ sở hạ tầng tốt phục vụ khách du lịch

Đảo Phú Quốc có cơ sở hạ tầng tốt phục vụ khách du lịch

Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ đã cơ bản thống nhất kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, Bộ lưu ý cần có phương án tổng thể, kỹ lưỡng đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho người dân địa phương và không để lây nhiễm dịch từ khách quốc tế ra cộng đồng.

Bộ Giao thông vận tải đề nghị có chính sách ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân Phú Quốc; đồng thời phân luồng, giám sát khách quốc tế từ khi nhập cảnh và trong thời gian lưu trú, tham quan du lịch; có phương án phòng chống lây nhiễm đối với lao động đón khách du lịch quốc tế.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến các bộ ngành về đề án thí điểm đón khách quốc tế có hộ chiếu vaccine đến đảo Phú Quốc từ tháng 10/2021, kéo dài 6 tháng. Giai đoạn đầu (3 tháng), Phú Quốc thí điểm đón 2.000 - 3.000 khách mỗi tháng, thông qua chuyến bay thuê bao; phục vụ khách trong phạm vi, địa điểm hạn chế. Giai đoạn hai (3 tháng), quy mô sẽ mở rộng từ 5.000 - 10.000 khách mỗi tháng; có thể đón khách qua chuyến bay thương mại; mở rộng phạm vi, địa điểm phục vụ khách.

Để đảm bảo an toàn khi thí điểm, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất tiêm chủng cho ít nhất 70% dân cư và người lao động tại thành phố Phú Quốc, từ tháng 7 đến tháng 9.

Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo khẩn tìm giải pháp kịp thời khắc phục ngay ùn tắc tại 22 chốt kiểm dịch

Trước tình trạng ùn tắc cục bộ tại 22 chốt kiểm dịch ra vào Thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã chỉ đạo khẩn lực lượng công an và giao thông vận tải có giải pháp kịp thời khắc phục ngay.

Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo khẩn tìm giải pháp kịp thời khắc phục ngay ùn tắc tại 22 chốt kiểm dịch

Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo khẩn tìm giải pháp kịp thời khắc phục ngay ùn tắc tại 22 chốt kiểm dịch

Cụ thể, đối với phương tiện kinh doanh vận tải, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã có hướng dẫn thực hiện đăng ký cấp thẻ nhận diện phương tiện, các loại phương tiện được đăng ký cấp thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên luồng xanh.

Các phương tiện bao gồm: Xe ô tô vận chuyển các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ an sinh xã hội, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, vận chuyển thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19,... có hành trình vận chuyển đi, đến hoặc đi qua các khu vực đang phong tỏa, giãn cách hoặc khu vực ổ dịch.

Xe ô tô vận chuyển công nhân, người lao động, chuyên gia phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh có hành trình vận chuyển đi, đến hoặc đi qua các khu vực đang phong tỏa, giãn cách hoặc khu vực ổ dịch.

Sở GTVT cũng đã chỉ đạo Thanh tra Sở tại 22 điểm chốt trên địa bàn Thành phố, đối với phương tiện được cấp thẻ nhận diện phương tiện rồi, cho qua ngay, nếu có kiểm tra thì cũng kiểm tra xác suất và hạn chế để giảm ùn tắc giao thông trên các tuyến.

TP.HCM sẽ hỗ trợ thêm 27.000 lao động tự do từ ngày 25/7

27.000 người là xe ôm công nghệ, giúp việc, bảo vệ, bán báo dạo, sửa vá xe… ở TP.HCM bị mất việc, không có thu nhập sẽ được hỗ trợ từ ngày 25/7.

Xe ôm công nghệ được đề xuất hỗ trợ đợt này

Xe ôm công nghệ được đề xuất hỗ trợ đợt này

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, những người được hỗ trợ đợt tới nằm ngoài 6 nhóm lao động tự do đã được giúp đỡ trong đợt một. Mỗi người sẽ nhận 1,5 triệu đồng; kinh phí từ quỹ phòng chống dịch của Thành phố.

Nhóm được hỗ trợ lần này còn làm các công việc như: bảo mẫu, quét dọn; giữ xe, rửa xe thuê, sửa xe; đánh giày; bán hàng, phụ bán hàng thuê; thợ hồ, phụ hồ; tài xế, phụ xe, lơ xe... Hiện, các quận huyện rà soát danh sách cũng như bổ sung thêm những trường hợp cần giúp đỡ.

Hồi cuối tháng 6, TP.HCM thông qua gói 886 tỷ đồng giúp người dân khó khăn bởi dịch. Đến nay, có khoảng 236.000 trong tổng số 237.500 lao động tự do nhận hỗ trợ, đạt gần 100%.

Hiện TP.HCM tập trung chi hỗ trợ cho hơn 80.000 lao động có hợp đồng phải dừng việc, mất việc; đẩy mạnh chi cho 60.000 điểm kinh doanh ở chợ truyền thống, 10.000 hộ kinh doanh dừng hoạt động; người bị cách ly tập trung; lực lượng tham gia phòng chống dịch...

Huế cấm tắm ở sông Hương để phòng chống dịch Covid-19

Hoạt động tắm sông tại các bến dọc sông Hương tạm dừng từ 0h ngày 20/7 để phòng chống dịch Covid-19.

Huế cấm tắm ở sông Hương để phòng chống dịch Covid-19

Huế cấm tắm ở sông Hương để phòng chống dịch Covid-19

Chủ tịch thành phố Huế Võ Lê Nhật cho biết cùng với yêu cầu dừng tắm sông, Thành phố đề nghị người dân hạn chế tập trung đông người tại các điểm công cộng, thực hiện nghiêm biện pháp 5K.

Từ ngày 5/6, Thừa Thiên Huế cho phép các công viên công cộng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán ăn, quán cà phê...) được hoạt động nhưng phải thực hiện giãn cách tối thiểu 2 m.

Các hoạt động thể dục, thể thao (trừ sân golf, phòng tập gym, phòng tập yoga, phòng tập zumba) cũng được hoạt động trở lại.

Với lệnh nới lỏng trên, hàng ngày khu vực hai bờ sông Hương có hàng trăm người dân ra tắm sông giải nhiệt nắng nóng. Nhiều người đưa theo con nhỏ vui đùa mà không mang khẩu trang, không thực hiện biện pháp phòng dịch.

Ùn tắc giao thông kéo dài từ cửa ngõ vào Hải Phòng

Ngày 20/7, cửa ngõ vào Hải Phòng trên Quốc lộ 5, Quốc lộ 10 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng như đường vào cảng biển, bến bãi đã ùn tắc giao thông kéo dài.

Các cửa ngõ vào Hải Phòng cũng như đường vào cảng biển, bến bãi đã ùn tắc giao thông kéo dài.

Các cửa ngõ vào Hải Phòng cũng như đường vào cảng biển, bến bãi đã ùn tắc giao thông kéo dài.

Đây là thời điểm Hải Phòng triển khai dán logo đỏ, vàng, xanh để phân loại các phương tiện vận tải đến từ các tỉnh thành trong cả nước nhằm dễ kiểm soát cũng như giảm ùn tắc.

Tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài từ ngày 8/7 tại các cửa ngõ, sau khi Hải Phòng bắt buộc người và phương tiện từ tỉnh ngoài vào thành phố phải có giấy xét nghiệm âm tính bằng hệ thống Readtime - PCR hoặc test nhanh có kết quả âm tính tại các chốt cửa ngõ.

Sau 10 ngày triển khai, Hải Phòng tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải hàng hóa qua cảng bằng ý tưởng dán logo màu từ ngày 17/7. Theo đó, xe dán logo màu xanh được đi thẳng; logo màu vàng và đỏ vẫn phải chịu sự kiểm soát khi qua chốt: khai báo y tế, có giấy xét nghiệm âm tính bằng Readtime - PCR…

Sau 3 ngày triển khai dán logo, tình trạng ùn tắc không được cải thiện. Nhiều doanh nghiệp vận tải chấp nhận không có lãi, thậm chí bù lỗ để cho xe chạy cao tốc Hà Nội - Hải Phòng về cảng thay vì chạy Quốc lộ 5 nhưng vẫn tắc.

Ngày 20/7, tại đoạn cuối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng qua địa bàn quận Hải An, xe xếp hàng 3 dài suốt quãng đường 3 km từ chốt kiểm soát Covid-19 liên ngành của Hải Phòng đặt trên cao tốc ngược về hướng Hà Nội. Trong khi đó, các chốt cửa ngõ trên Quốc lộ 5, Quốc lộ 10 tình trạng ùn tắc kéo vẫn tiếp tục tăng.

Không chỉ tại các chốt cửa ngõ, đường 356 Đình Vũ - Cát Hải ùn tắc do hàng trăm xe đầu kéo phải dừng dọc đường chờ đến lượt vào cảng và vào bến bãi tập kết, bốc xếp hàng hóa. Tài xế và phụ xe tiếp tục phải qua chốt kiểm soát dịch tại kho bãi và cổng cảng, theo chỉ đạo của UBND Hải Phòng.

Tin cùng chuyên mục