Bản tin thời sự sáng 23/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 17 bộ ngành, cơ quan trung ương chưa giải ngân vốn đầu tư công; đề xuất ưu tiên dân địa phương đấu giá đất trước; đề xuất đầu tư 56.000 tỷ đồng xây dựng cao tốc Quy Nhơn - Pleiku; ô tô sản xuất trong nước lại được gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt…

17 bộ ngành, cơ quan trung ương chưa giải ngân vốn đầu tư công

Hiện có 17 bộ, ngành cơ quan chưa giải ngân đồng nào từ vốn ngân sách theo kế hoạch đầu tư năm nay.

Hiện vẫn còn 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân (tức giải ngân 0%) kế hoạch đầu tư công năm nay

Hiện vẫn còn 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân (tức giải ngân 0%) kế hoạch đầu tư công năm nay

Theo báo cáo Chính phủ vừa gửi Quốc hội, đến cuối tháng 4 vẫn còn gần 38.600 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước (chiếm 7,4% kế hoạch Thủ tướng giao) chưa được phân giao chi tiết.

Số vốn ngân sách thanh toán đến cuối tháng 4 gần 95.725 tỷ đồng, trong đó gần 99% là vốn trong nước, còn lại là vốn nước ngoài. Tỷ lệ giải ngân vốn công trong 4 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 16,4% kế hoạch giao, tương đương cùng kỳ 2021.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân (tức giải ngân 0%) kế hoạch đầu tư công năm nay, như Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đại học Quốc gia TP.HCM, Ban Quản lý Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hoà Lạc, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam...

Báo cáo cũng cho biết một số nguyên nhân chưa giải ngân. Cụ thể, với các dự án khởi công mới sau khi được giao kế hoạch vốn sẽ mất khoảng nửa năm để hoàn thành các bước thủ tục chuẩn bị đầu tư (phê duyệt kế hoạch chọn nhà thầu; thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, chọn nhà thầu xây lắp...). Với dự án chuyển tiếp, các nhà thầu đang thi công nhưng chưa tới kỳ thanh toán hợp đồng những tháng đầu năm 2022, nên chưa giải ngân.

Ngoài ra, còn có lý do vướng mắc, khó khăn trong giải phóng mặt bằng, đền bù, bồi thường người dân.

Năm nay, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách được Quốc hội giao gần 526.106 tỷ đồng, chưa gồm lượng vốn từ gói phục hồi kinh tế - xã hội. Áp lực giải ngân vốn năm nay được đánh giá là "rất lớn", nên cần nỗ lực từ các cấp, ngành và đề cao vai trò và trách nhiệm người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương...

Đề xuất ưu tiên dân địa phương đấu giá đất trước

HoREA kiến nghị để dân sống tại các xã được đấu giá đất ở trước, nếu họ không có nhu cầu mới cho người nơi khác tham gia.

Nhà đất ở phía Đông TP.HCM quanh khu Thủ Thiêm

Nhà đất ở phía Đông TP.HCM quanh khu Thủ Thiêm

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa trình Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường bản kiến nghị sửa đổi quy định dưới Luật về tách thửa đất ở nhằm hạn chế xảy ra tình trạng tách thửa đất nông nghiệp, phi nông nghiệp để phân lô bán nền tràn lan.

Một trong những kiến nghị đáng chú ý của HoREA là cần bổ sung quy định đối tượng tham gia hộ đấu giá các lô đất ở phải là người trong xã, nếu họ không tham gia mới cho phép người ngoài xã đấu giá đất.

Nguyên nhân Hiệp hội đề xuất phương án này là do quan sát thực tiễn, khi đấu giá công khai các lô đất ở đã xảy ra tình trạng nhiều người trúng đấu giá không phải là dân địa phương mà là người từ đô thị hoặc các nơi khác tranh mua. Sau khi đấu giá xong, vì không có nhu cầu thực nên nhóm người này không cất nhà để ở mà chỉ nhằm mục đích bán lại kiếm lãi. Từ đó giới đầu nậu, cò đất bắt đầu thổi giá để bán hàng, gây ra các cơn sốt đất ảo tại địa phương.

HoREA cũng đề cập đến trường hợp trong khu đô thị và điểm dân cư nông thôn hiện hữu, ổn định vẫn còn tình trạng đất nông nghiệp nằm xen kẽ với đất ở. Với tình huống này, pháp luật về đất đai cần quy định cơ chế, điều kiện để giải quyết nhu cầu của người dân muốn tách thửa đất nông nghiệp nằm xen kẽ với đất ở trong cùng thửa đất, hoặc là thửa đất độc lập tại đô thị, điểm dân cư nông thôn. Việc này vừa đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất, vừa đảm bảo kết nối hạ tầng đồng bộ và phù hợp với quy hoạch đã được duyệt.

Đề xuất đầu tư 56.000 tỷ đồng xây dựng cao tốc Quy Nhơn - Pleiku

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Bình Định cùng đề xuất Thủ tướng xem xét, cho xây dựng cao tốc dài 160 km, tổng đầu tư 56.000 tỷ đồng, giúp kết nối ba địa phương.

Hướng tuyến dự kiến của cao tốc Quy Nhơn - Pleiku

Hướng tuyến dự kiến của cao tốc Quy Nhơn - Pleiku

Trước đó, lãnh đạo ba địa phương ký tờ trình gửi Thủ tướng xem xét cho xây cao tốc. Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai kiến nghị Chính phủ bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2026 - 2030, hoặc giao bộ, ngành giúp địa phương tìm đối tác thực hiện tuyến đường trước năm 2030.

Tuyến cao tốc có điểm đầu giao Quốc lộ 1 tại huyện Tuy Phước (Bình Định), điểm cuối giao tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây khu vực TP. Pleiku, trước đó đã được quy hoạch, kết nối khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên,

Dự án quy mô 4 làn xe, chạy song song Quốc lộ 19, kinh phí dự kiến từ ngân sách, vốn vay ODA và thu hút nhiều nguồn khác. Giai đoạn một (2021 - 2025), tuyến sẽ làm trước hai làn, giải phóng mặt bằng 4 làn xe, với kinh phí 40.000 tỷ đồng. Việc hoàn thành cao tốc sẽ được thực hiện đến năm 2030.

Ô tô sản xuất trong nước lại được gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt

Thời hạn phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được lùi đến 20/11 năm nay.

Từ năm 2020, đây là lần thứ ba thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn

Từ năm 2020, đây là lần thứ ba thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn

Theo Nghị định 32 vừa được Chính phủ ban hành, ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ được gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của kỳ tính thuế từ tháng 6 đến tháng 9 năm nay. Chậm nhất ngày 20/11/2022 doanh nghiệp phải nộp toàn bộ số thuế này.

Nếu người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ của kỳ tính thuế được gia hạn dẫn đến làm tăng số thuế phải nộp, thì số thuế được gia hạn sẽ gồm cả khoản thuế phải nộp tăng thêm do khai bổ sung.

Còn nếu người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn kê khai, nộp tờ khai thuế theo quy định, thì chưa phải nộp số thuế phát sinh.

Các chi nhánh, đại lý của doanh nghiệp sản xuất ô tô cũng thuộc diện được gia hạn nộp loại thuế này và khai thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Nếu chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp không có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô thì không được gia hạn.

Từ năm 2020, đây là lần thứ ba thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn.

Nghị định 32 có hiệu lực từ ngày 21/5 đến hết năm nay. Sau thời gian gia hạn, việc nộp loại thuế này theo quy định hiện hành.

Đường sắt chạy thêm nhiều đôi tàu phục vụ nhu cầu du lịch tăng cao dịp hè

Đường sắt chạy nhiều mác tàu trên các tuyến phía Bắc phục vụ khách du lịch biển, Sapa dịp hè 2022.

Đường sắt chạy nhiều mác tàu trên các tuyến phía bắc phục vụ khách du lịch hè. Ảnh minh họa

Đường sắt chạy nhiều mác tàu trên các tuyến phía bắc phục vụ khách du lịch hè. Ảnh minh họa

Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, doanh nghiệp này tổ chức chạy thường xuyên nhiều mác tàu trên các tuyến phía Bắc, phục vụ nhu cầu người dân đi du lịch tăng cao.

Cụ thể, tuyến Hà Nội - Vinh, đôi tàu NA1/NA2 chạy hàng ngày; đôi tàu SE35/SE36 chạy các ngày từ Thứ 6 đến Chủ nhật hàng tuần từ 21/5/2022. Chiều Hà Nội đi, tàu NA1 xuất phát ga Hà Nội lúc 22h15, đến ga Vinh lúc 5h30; tàu SE35 xuất phát lúc 13h40, đến lúc 19h50. Chiều Vinh đi, tàu NA2 xuất phát ga Vinh lúc 21h40, đến ga Hà Nội lúc 5h00; tàu SE36 xuất phát lúc 13h25, đến lúc 19h52.

Tuyến Hà Nội - Đồng Hới, chạy thường xuyên hàng ngày đôi tàu QB1/QB2 từ ngày 2/6/2022. Tàu QB1 xuất phát ga Hà Nội lúc 21h00, đến ga Đồng Hới lúc 7h47; tàu QB2 xuất phát ga Đồng Hới lúc 16h10, đến ga Hà Nội lúc 4h00.

Tuyến Hà Nội - Lào Cai, đôi tàu SP3/SP4 chạy dịp cuối tuần. Tàu SP3 xuất phát ga Hà Nội tối thứ 5 lúc 22h00, đến ga Lào Cai lúc 6h05; tàu SP4 xuất phát ga Lào Cai tối chủ nhật lúc 21h40, đến ga Hà Nội lúc 5h30.

Tuyến Hà Nội - Hải Phòng chạy 4 đôi tàu HP1/HP2, LP3/LP2, LP5/LP6, LP7/LP8. Chiều Hà Nội - Hải Phòng, tàu HP1 xuất phát ga Hà Nội lúc 6h00, tàu LP3 lúc 9h17, LP5 lúc 15h20, tàu LP7 lúc 18h15. Tuy nhiên, vào ngày thường, các mác tàu LP3, LP5 và LP7 chỉ xuất phát từ ga Long Biên, lần lượt vào các giờ: 9h25, 15h30, 18h28.

Chiều Hải Phòng - Hà Nội, tàu LP2 xuất phát ga Hải Phòng lúc 6h10, tàu LP6 lúc 9h05, tàu LP8 lúc 15h00, tàu HP2 lúc 18h40.

Hà Nội mở rộng vùng phục vụ xe buýt về Thường Tín, Gia Lâm, Hoà Lạc

UBND thành phố Hà Nội vừa chấp thuận đề xuất của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội về phương án hợp lý hóa luồng tuyến nhằm mở rộng vùng phục vụ của xe buýt tại các huyện Thường Tín và Gia Lâm cũng như kết nối tuyến buýt vào Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.

Hà Nội mở rộng vùng phục vụ xe buýt về Thường Tín, Gia Lâm, Hoà Lạc

Hà Nội mở rộng vùng phục vụ xe buýt về Thường Tín, Gia Lâm, Hoà Lạc

Theo đó, UBND Thành phố giao Sở GTVT chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện đúng quy định; thường xuyên theo dõi, đánh giá kết quả hoạt động.

Trước đó, UBND huyện Thường Tín đã kiến nghị UBND Thành phố cho phép kéo dài các tuyến buýt số 08A và 21B về địa điểm cuối tại thôn Hạ Thái (xã Duyên Thái). UBND huyện Gia Lâm kiến nghị UBND Thành phố kéo dài tuyến buýt số 34 và 55 về trung tâm hành chính huyện.

Trung tâm Phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội kiến nghị Thành phố kết nối các tuyến buýt hiện có gần khu vực Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc nhằm chuẩn bị các điều kiện để đưa sinh viên lên học tập từ tháng 9/2022.

Hiện thành phố Hà Nội đã triển khai 5 tuyến buýt lưu thông gần khu vực Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội, gồm tuyến số 107, tuyến số 74, tuyến 88, tuyến 117 và tuyến 119 (Hòa Lạc - Bất Bạt), nhưng các tuyến buýt trên chưa được kết nối vào Khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tin cùng chuyên mục