Bản tin thời sự sáng 24/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất chấm dứt một dự án BOT tại TP.HCM; 15 người trong vụ án Nhật Cường bị truy tố; Nam Định dừng tổ chức phiên chợ Viềng 2021; xem xét đầu tư Quốc lộ 28 qua Lâm Đồng…

Đề xuất chấm dứt một dự án BOT tại TP.HCM

Đường nối đại lộ Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài 2,7 km, tổng đầu tư hơn 1.550 tỷ đồng, được đề xuất chấm dứt hợp đồng BOT sau 5 năm đình trệ.

Trụ cầu kết nối nút giao cầu vượt Võ Văn Kiệt -Quốc lộ 1 nằm chơ vơ sau khi đơn vị thi công rút đi

Trụ cầu kết nối nút giao cầu vượt Võ Văn Kiệt -Quốc lộ 1 nằm chơ vơ sau khi đơn vị thi công rút đi

Nội dung được Sở Giao thông Vận tải nêu trong báo cáo vừa gửi UBND TP.HCM về tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm, trong đó đề cập hướng giải quyết với hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) tại tuyến đường nối nói trên.

Dự án đường nối này được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2010, kinh phí gần 2.400 tỷ đồng. Nhưng do thiếu vốn, tháng 4/2015, UBND TP.HCM đề xuất Chính phủ cho phép chỉ định nhà đầu tư. Năm 2016, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh (Công ty Yên Khánh, đơn vị thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương) được TP.HCM chọn làm đối tác, vốn đầu tư dự án giảm còn 1.550 tỷ đồng. TP.HCM lo phần giải phóng mặt bằng, ước tính 560 tỷ đồng.

Công trình gồm hai đường song hành, mỗi đường một làn xe hỗn hợp và một làn ôtô, xây nút giao hai đầu tuyến. Dự án sau khi hoàn thành sẽ phát huy hiệu quả đại lộ Võ Văn Kiệt, kỳ vọng giảm ùn tắc trên tuyến Quốc lộ 1 - hoàn chỉnh mạng lưới giao thông phía Tây Nam Thành phố, kết nối Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo thỏa thuận, Nhà đầu tư tự thu xếp vốn, trong đó vốn chủ sở hữu (vốn góp) gần 15%, vốn vay từ ngân hàng 85%. Khi làm xong công trình, Công ty Yên Khánh được đặt một trạm để thu phí hoàn vốn trong 17 năm 8 tháng. Dự án khi đó tính hoàn thành cuối năm 2017 nhưng mới đạt khoảng 12% khối lượng thì ngưng thi công do đối tác của TP.HCM không đủ năng lực.

15 người trong vụ án Nhật Cường bị truy tố

VKSND Tối cao truy tố 15 bị can trong vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán xảy ra tại Công ty Nhật Cường, sau nửa tháng kết thúc điều tra.

Công an khám xét Trung tâm bảo hành Nhật Cường, tháng 5/2019

Công an khám xét Trung tâm bảo hành Nhật Cường, tháng 5/2019

Theo cáo trạng ra ngày 22/1, Nguyễn Thị Bích Hằng, Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường và Nguyễn Ngọc Bảo, Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường, bị truy tố về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

13 người còn lại bị truy tố về tội Buôn lậu, trong đó có 9 người từng làm việc tại Nhật Cường, gồm: Trần Ngọc Anh (Phó Tổng giám đốc); Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc tài chính); Đỗ Quốc Huy (Giám đốc bán hàng); Trần Tất Khoa (Giám đốc Công ty Nhật Cường, Quảng Châu, Trung Quốc); Hoàng Văn Phong (Trưởng ngành hàng Apple, Công ty Nhật Cường); Mai Tiến Dũng (Trưởng ngành hàng Điện thoại cũ, Công ty Nhật Cường); Bùi Quốc Việt (nhân viên); Nông Văn Lư (nhân viên); Lê Hoài Phương (nhân viên).

7 người liên quan đang bỏ trốn, trong đó có chủ mưu Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Nhật Cường. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tách hồ sơ của những người này về các hành vi rửa tiền và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng để xử lý sau.

VKS cáo buộc, từ năm 2014 đến ngày 9/5/2019, Bùi Quang Huy cùng đồng phạm đã mua hơn 2.500 đơn hàng với trên 255.300 sản phẩm (điện thoại iPhone, máy tính, máy tính bảng, máy nghe nhạc, Apple TV, đồng hồ và một số điện thoại nhãn hiệu khác) của nhiều chủ hàng tại Mỹ, UAE, Singapore, Hong Kong... Tổng trị giá 2.900 tỷ đồng.

Nam Định dừng tổ chức phiên chợ Viềng 2021

Phiên chợ "mua đắt cầu may" - chợ Viềng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định năm 2021 sẽ không tổ chức theo đề nghị của địa phương này.

Nam Định dừng tổ chức phiên chợ Viềng 2021

Nam Định dừng tổ chức phiên chợ Viềng 2021

UBND tỉnh Nam Định ban hành văn bản đồng ý với đề nghị của UBND huyện Vụ Bản về việc dừng tổ chức phiên chợ Viềng xuân 2021.

Nguyên nhân do địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19 trong dịp Tết nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội xuân 2021.

Trước đó, UBND huyện Vụ Bản có văn bản xin ý kiến UBND tỉnh về việc dừng tổ chức phiên Chợ xuân này. Sở Y tế cũng có văn bản về các phương án phòng, chống dịch.

Phiên chợ Viềng (hay còn gọi là chợ Viềng Phủ), xã Kim Thái, huyện Vụ Bản là phiên chợ Xuân được tổ chức vào đêm Mồng 7, rạng ngày Mồng 8 tháng Giêng hàng năm. Phiên chợ mang ý nghĩa "bán rủi, mua may", thu hút hàng triệu du khách đi trẩy hội mùa xuân đầu năm.

Du khách đi trảy hội chợ Viềng, thường mua một cây lấy lộc đầu năm; đồ nông cụ (như liềm hái, dao, cuốc, thuổng, thúng mủng, rổ rá...). Ngoài ra, chợ Viềng cũng nổi tiếng với món thịt bò/bê bán cho du khách lấy may đầu năm.

Theo phong tục, chợ bắt đầu chính phiên vào lúc 0h, và kết thúc vào 7h sáng ngày hôm sau.

Xem xét đầu tư Quốc lộ 28 qua Lâm Đồng

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang tiến hành rà soát và sẽ căn cứ mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 để sắp xếp thứ tự ưu tiên.

Một đoạn tuyến Quốc lộ 28 qua tỉnh Lâm Đồng

Một đoạn tuyến Quốc lộ 28 qua tỉnh Lâm Đồng

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng về đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư tuyến Quốc lộ 28 đoạn qua trung tâm thị trấn Di Linh, huyện Di Linh dài 10 km trong giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ GTVT cho biết, Quốc lộ 28 được Bộ GTVT xác định là tuyến đường bộ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Lắk và Bình Thuận cũng như vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Sau khi rà soát, Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đoạn Gia Nghĩa - Quảng Khê trên Quốc lộ 28 để làm cơ sở xác định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định của Luật Đầu tư công.

Hiện nay, Bộ GTVT đã gửi danh mục dự án nêu trên đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Hà Nội mở thêm 4 tuyến buýt mới ra ngoại thành từ ngày 1/2

Theo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội cho biết, từ ngày 1/2 tới, Tổng công ty Vận tải Hà Nội sẽ đưa vào vận hành, khai thác 4 tuyến buýt mới, bao gồm các tuyến buýt số 66, 67, 115 và 116.

Hà Nội mở thêm 4 tuyến buýt mới ra ngoại thành từ ngày 1/2

Hà Nội mở thêm 4 tuyến buýt mới ra ngoại thành từ ngày 1/2

Việc vận hành khai thác các tuyến buýt mới này nằm trong kế hoạch mở mới 30 tuyến buýt trong năm 2021 của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.

Cụ thể, lộ trình các tuyến như sau: Tuyến số 66: bến xe Yên Nghĩa - Phùng; đầu A: bến xe Yên Nghĩa, đầu B: Phùng (bến xe Đan Phượng); cự ly tuyến: 27,35 km; tần suất: 90 lượt/ngày.

Tuyến số 67: Phùng - bến xe Sơn Tây; đầu A: Phùng (bến xe Đan Phượng); đầu B: bến xe Sơn Tây; cự ly tuyến: 27,05 km; tần suất: 92 lượt/ngày.

Tuyến số 115: thị trấn Vân Đình - Xuân Mai; đầu A: thị trấn Vân Đình (Trung tâm Thương mại Vân Đình, Ứng Hòa); đầu B: Xuân Mai (Trường Cao Đẳng cộng đồng Hà Tây); cự ly tuyến: 38,2 km; tần suất: 90 lượt/ngày.

Tuyến số 116: Yên Trung (Thạch Thất) - Khu công nghiệp Phú Nghĩa; đầu A: Yên Trung (đối diện trường THCS Yên Trung, Thạch Thất); đầu B: Khu công nghiệp Phú Nghĩa (điểm đỗ xe buýt trên đường Hạnh Phúc, Khu công nghiệp Phú Nghĩa); cự ly tuyến: 36,50 km; tần suất: 84 lượt/ngày.

Hà Tĩnh: Phát hiện quả bom lớn khi thi công mố cầu

Trong quá trình thi công mố cầu, nhóm công nhân phát hiện quả bom lớn còn nguyên kíp nổ, nổi một phần lên khỏi mặt nước.

Quả bom được xác định vẫn còn nguyên kíp nổ, nổi một phần lên mặt nước

Quả bom được xác định vẫn còn nguyên kíp nổ, nổi một phần lên mặt nước

Chiều 23/1, ông Võ Tá Kỷ - Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho biết, lực lượng quân sự, công an đang phong tỏa hiện trường chờ phương án di dời quả bom lớn vừa được phát hiện trên địa bàn.

Theo đó, vào khoảng 16h ngày 22/1, trong lúc thi công phần mố cầu Chợ Vực, thuộc thôn Phan Chu Trinh, xã Cẩm Duệ, nhóm công nhân đã phát hiện một quả bom lớn đang cắm dựng đứng ở mép sông.

Ngay sau khi biết sự việc, tốp thợ đã dừng thi công, báo cáo sự việc lên chính quyền địa phương.

Theo ông Kỷ, quả bom trên được ngành chức năng xác định sót lại sau chiến tranh vẫn còn nguyên kíp nổ.

Tàu cá chở 38 người Việt nhập cảnh trái phép

38 người Việt làm nghề tự do ở Malaysia đi tàu cá nhập cảnh trái phép vào cửa biển sông Đốc để về quê ăn Tết, bị cách ly.

Cửa biển Sông Đốc, nơi phát hiện tàu cá chở 38 người Việt nhập cảnh trái phép

Cửa biển Sông Đốc, nơi phát hiện tàu cá chở 38 người Việt nhập cảnh trái phép

UBND huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) ngày 23/1 cho biết, ngoài 38 người trên (quê nhiều tỉnh thành), hai người địa phương tổ chức tàu đón nhóm công nhân cũng đã được đưa đi cách ly tập trung. Sự việc đã được chuyển cho cơ quan điều tra.

Làm việc với Đồn biên phòng, Lê Văn Thảo, chủ tàu cá khai, rạng sáng 20/1 ông ta cho tàu cặp mạn tàu đánh cá Malaysia để nhận 38 người đưa về Cà Mau với giá 25 triệu đồng. Hôm qua, khi vào cách cửa biển Sông Đốc khoảng 3 hải lý (hơn 5 km), ông Thảo gọi một tàu khác ra chở nhóm người Việt vào đất liền với giá 1,2 triệu đồng.

Tin cùng chuyên mục