Bản tin thời sự sáng 26/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là ACV cam kết hoàn thành sân bay Long Thành vào tháng 6/2025; cửa khẩu Tân Thanh thông quan trở lại; giá vàng miếng SJC lên cao nhất lịch sử; hàng trăm xe dán thẻ ePass không qua được trạm thu phí; dừng tổ chức lễ hội chùa Hương…
Bản tin thời sự sáng 26/1

ACV cam kết hoàn thành sân bay Long Thành vào tháng 6/2025

Lãnh đạo ACV cho biết đơn vị đặt mục tiêu hoàn thành sân bay Long Thành vào tháng 6/2025, sớm hơn 6 tháng so với mục tiêu Quốc hội giao.

Phối cảnh nhà ga sân bay Long Thành

Phối cảnh nhà ga sân bay Long Thành

Theo Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Lại Xuân Thanh, hiện đơn vị đã nhận được phần lớn diện tích đất phục vụ xây dựng sân bay Long Thành trong giai đoạn 1 (hơn 1.800 ha) và một phần đất dự trữ cho giai đoạn 2, đảm bảo thực hiện Dự án.

Trong năm qua, ACV đã thực hiện các hạng mục dò mìn, xây hàng rào bao quanh sân bay. Ngay sau Tết Nguyên đán, đơn vị này sẽ thi công một số hạng mục chính như san lấp mặt bằng, móng cọc.

Trong 2 năm qua, doanh thu và lợi nhuận của ACV giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ chỗ lãi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, doanh nghiệp chỉ lãi vài trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Lại Xuân Thanh, vốn cho sân bay Long Thành không bị ảnh hưởng. Nguồn vốn cho đầu tư phát triển của ACV vẫn là 36.000 tỷ đồng, còn lại sẽ vay thương mại. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước đã cơ bản đồng thuận cho doanh nghiệp vay ngoại tệ từ các ngân hàng trong nước để xây dựng sân bay Long Thành. ACV đang làm việc với các ngân hàng để xây dựng phương án chi tiết.

Về tiến độ Dự án, ông Thanh cho biết, Quốc hội và Chính phủ giao kế hoạch hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 12/2025, nhưng doanh nghiệp đặt mục tiêu hoàn thành vào tháng 6/2025 và nỗ lực về đích sớm hơn. Hàng tháng, ACV họp giao ban tại cơ quan và công trường để rà soát lại tiến độ.

Cửa khẩu Tân Thanh thông quan trở lại

Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) thông quan lại từ sáng ngày 25/1 sau hơn một tháng dừng thông quan.

Từ sáng ngày 25/1, Cửa khẩu Tân Thanh thông quan trở lại

Từ sáng ngày 25/1, Cửa khẩu Tân Thanh thông quan trở lại

Theo Bộ Công Thương, sáng ngày 25/1, chính quyền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã khôi phục thông quan cửa khẩu Pò Chài (Bằng Tường, Quảng Tây). Phía Việt Nam là cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn.

Quyết định khôi phục thông quan tại Pò Chài là động thái tích cực, quan trọng của Quảng Tây ngay trước các kỳ họp quan trọng của hai bên về giải quyết tình hình ùn tắc tại cửa khẩu biên giới Việt - Trung, theo chỉ đạo của Thủ tướng hai nước tại điện đàm ngày 13/1.

Tới ngày 24/1, lượng xe chờ xuất khẩu tại Lạng Sơn là 355 xe, giảm gần 4.000 xe so với cách đây một tháng.

Việc Quảng Tây khôi phục thông quan tại cặp cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài sẽ giúp 2 bên giải phóng hàng hóa nhanh hơn nữa, đáp ứng mục tiêu giải tỏa lượng xe tồn đọng trước Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, quy trình và tiến độ thông quan tại tất cả cửa khẩu trên tuyến biên giới phía Bắc, gồm Tân Thanh, sẽ chưa thể trở lại bình thường.

Giá vàng miếng SJC lên cao nhất lịch sử

Giá vàng trong nước tăng nhanh trong sáng 25/1, thiết lập đỉnh lịch sử 62,7 triệu đồng một lượng.

Giá vàng miếng SJC lên cao nhất lịch sử trong sáng ngày 25/1

Giá vàng miếng SJC lên cao nhất lịch sử trong sáng ngày 25/1

Giá vàng miếng được các doanh nghiệp kinh doanh trong nước điều chỉnh nhiều lần trong sáng ngày 25/1.

Tới 11h20, giá mua bán vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý SJC tăng 750.000 đồng cả hai chiều so với ngày 24/1 lên 62,05 - 62,7 triệu đồng. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay của vàng miếng trong nước.

Mức đỉnh gần nhất mà giá vàng miếng SJC từng thiết lập là vào tháng 8/2020. Lúc đó, giá vàng trong nước tăng chóng mặt chỉ trong thời gian ngắn và có lúc vọt lên 62,4 triệu đồng một lượng.

Nhiều doanh nghiệp trong nước sáng nay cũng điều chỉnh mạnh giá vàng miếng nhưng yết thấp hơn so với SJC. Tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, giá vàng miếng được yết quanh 61,9 - 62,6 triệu đồng một lượng. Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng miếng tăng lên mức 61,7 - 62,3 triệu đồng.

Từ đầu tháng 12/2020 đến nay, giá vàng miếng thường xuyên neo cao ở mức trên 61 triệu đồng một lượng. Tính trong một tuần, giá vàng miếng đã tăng một triệu đồng một lượng.

Hàng trăm xe dán thẻ ePass không qua được trạm thu phí

Hơn 300 xe dán thẻ ePass (thẻ không dừng) gặp sự cố, không qua được trạm thu phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Pháp Vân - Cầu Giẽ cuối tuần qua.

Trạm thu phí có tích hợp làn thu phí không dừng tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Trạm thu phí có tích hợp làn thu phí không dừng tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC) ghi nhận từ 9h30 đến 11h50 ngày 22/1 có 328 xe dán thẻ ePass không qua được các trạm thu phí trên hai tuyến cao tốc trên. Hệ thống thu phí không lưu được đầu vào cho xe dán thẻ ePass, dẫn đến đầu ra không có dữ liệu để tính phí và trừ tiền.

Hệ thống nhận diện đầu cuối để thu phí tự động tại các trạm này không phải do VDTC quản lý, mà do Công ty VETC đầu tư, vận hành. Trong khi đó, xe dán thẻ thu phí của VETC không bị ảnh hưởng.

VDTC đánh giá mức độ ảnh hưởng của sự cố ở mức nghiêm trọng. Nhiều chủ xe bức xúc khi không qua được trạm và phản ảnh về chất lượng dịch vụ...

Theo VDTC, đây không phải là lần đầu tiên các phương tiện dán thẻ thu phí tự động của ePass bị lỗi, trước đó đã nhiều lần xảy ra tại một số trạm thu phí. Doanh nghiệp đề nghị Công ty VETC đánh giá nguyên nhân và giải pháp khắc phục, tổ chức lực lượng kỹ thuật ứng trực và xử lý nhanh sự cố trên hệ thống trong dịp Tết Nguyên đán 2022. VDTC cũng đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị làm rõ sự việc.

Dừng tổ chức lễ hội chùa Hương

Thông báo tạm dừng tổ chức lễ hội, không đón khách tham quan tại di tích, thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) được huyện Mỹ Đức đưa ra ngày 25/1.

Năm thứ hai liên tiếp dừng tổ chức lễ hội chùa Hương

Năm thứ hai liên tiếp dừng tổ chức lễ hội chùa Hương

Đây là năm thứ hai liên tiếp lễ hội có quy mô lớn và kéo dài nhất ở miền Bắc không tổ chức khai hội, không đón khách.

Chính quyền huyện Mỹ Đức cho biết, công tác chuẩn bị cho lễ hội năm 2022 đã hoàn tất. Nhưng trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và chỉ đạo của Trung ương cũng như TP. Hà Nội, việc tổ chức lễ hội chùa Hương tạm dừng cho đến khi có thông báo mới.

Theo kế hoạch trước đó, lễ khai hội chùa Hương năm 2022 được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng và sẽ kéo dài ba tháng (từ ngày 2/2 đến hết ngày 30/5, tức từ ngày mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày 30 tháng Ba năm Nhâm Dần).

Trước đó, Chủ tịch Hà Nội đã ban hành công điện yêu cầu dừng các lễ hội dịp Tết Nguyên đán và các hoạt động đông người để phòng, chống dịch.

Ngoài lễ hội chùa Hương, dịp Tết Nguyên đán hàng năm trên địa bàn Hà Nội cũng diễn ra nhiều lễ hội lớn như Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (mùng 5 tháng giêng); Lễ hội Cổ Loa (mùng 6 tháng Giêng); Lễ hội đền Hai Bà Trưng - Mê Linh (mùng 6 tháng Giêng)... Hiện các quận, huyện nơi tổ chức các lễ hội này chưa có thông tin chính thức. Tuy nhiên theo tinh thần công điện của Chủ tịch Hà Nội, tất cả các lễ hội này sẽ dừng tổ chức.

Thông xe cầu hơn 2.200 tỷ đồng ở trung tâm Hải Phòng

Công trình cầu Rào 1 bắc qua sông Lạch Tray, kết nối 3 quận Hải An, Ngô Quyền và Dương Kinh, được thông xe chiều 25/1.

Cầu Rào hơn 2200 tỷ đồng trong ngày thông xe kỹ thuật

Cầu Rào hơn 2200 tỷ đồng trong ngày thông xe kỹ thuật

Cầu Rào cũ được xây dựng cách đây hơn 40 năm và hoàn thành vào năm 1980, sau khi bị sập khoang giữa vào năm 1987. Cầu được cải tạo và hoàn thành năm 1989, với kết cấu bằng thép, chiều dài 186 mét, rộng cầu 11 mét. Trước áp lực về giao thông và cảnh quan khu vực cửa ngõ thành phố, Hải Phòng quyết định dỡ bỏ cầu cũ, xây dựng cầu mới (cầu Rào 1) hiện đại hơn với tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng.

Dự án gồm 2 công trình, trong đó cầu, nút giao hơn 1.500 tỷ đồng và mở rộng vỉa hè đường Lạch Tray hơn 700 tỷ đồng.

Sau hơn 13 tháng nỗ lực thi công, công trình đã hoàn thành xây dựng các hạng mục chính, đáp ứng yêu cầu thiết kế, được đưa vào khai thác tạm thời để phục vụ việc đi lại của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Công trình cầu Rào và đường dẫn được xây dựng bằng kết cấu bê tông vĩnh cửu và vòm thép; chiều dài 456,5m, chiều rộng 30,5 m; 4 làn xe ôtô, 2 làn xe đạp, xe máy.

Tin cùng chuyên mục