Bản tin thời sự sáng 26/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Ban tổ chức không bán vé Lễ khai mạc SEA Games 31; bổ sung đường truyền dữ liệu thu phí không dừng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trước 30/4; Cửa khẩu Cầu Bắc Luân 2 chính thức khôi phục hoạt động từ ngày 26/4; TP.HCM xây 12 dự án nhà cho công nhân trong năm nay…

Ban tổ chức không bán vé Lễ khai mạc SEA Games 31

Theo thông báo từ Ban tổ chức, Lễ khai mạc SEA Games 31 tổ chức ở sân Mỹ Đình vào tối 12/5 sẽ không bán vé.

Lễ khai mạc SEA Games 31 sẽ diễn ra tại sân Mỹ Đình.

Lễ khai mạc SEA Games 31 sẽ diễn ra tại sân Mỹ Đình.

Lễ khai mạc SEA Games 31 sẽ diễn ra trên sân vận động Mỹ Đình vào tối 12/5. Toàn bộ vé vào xem Lễ khai mạc, bế mạc, trận chung kết và tranh huy chương đồng môn bóng đá nam SEA Games 31 sẽ thuộc quyền quản lý của ban tổ chức đại hội.

Theo thông báo mới nhất, Ban tổ chức sẽ không bán vé Lễ khai mạc SEA Games 31 và chỉ phát hành khoảng 20.000 vé mời cho các quan khách, người hâm mộ đến sân Mỹ Đình tham dự buổi lễ.

Sân Mỹ Đình có sức chứa 40.000 chỗ ngồi, nhưng theo kịch bản Lễ khai mạc SEA Games 31, toàn bộ khu vực khán đài B được dùng để làm sân khấu biểu diễn. Khán đài C, D được dùng để làm chỗ ngồi cho các đoàn thể thao đến dự buổi lễ. Do vậy chỉ có thể phát hành vé mời ở khán đài A sân Mỹ Đình với khoảng 20.000 vé.

Lễ khai mạc SEA Games 31 sẽ kéo dài 120 phút trên sân vận động Mỹ Đình, sau lễ diễu hành của 11 đoàn thể thao.

Bổ sung đường truyền dữ liệu thu phí không dừng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trước 30/4

Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) được yêu cầu lắp thêm đường truyền không dây để thu phí không dừng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trước 30/4.

Xe ùn ứ trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chiều 24/4

Xe ùn ứ trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chiều 24/4

Ngày 25/4, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Khoa học công nghệ Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết đã đưa ra đề nghị trên với Vidifi. Nhà đầu tư cần bổ sung đường truyền cáp quang phía Hải Phòng và đường truyền không dây (4G) kết nối với đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng (ETC) để bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định, tránh lặp lại sự cố đứt cáp, làm gián đoạn thu phí, gây ùn ứ trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng như hôm 24/4.

Theo ông Toàn, giống như các cao tốc khác, cáp quang truyền dữ liệu thu phí nội bộ trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được thi công dọc tuyến, tích hợp với hệ thống giao thông thông minh ITS. Nếu thi công thêm một đường truyền cáp quang tương tự sẽ tốn kém. Khi xây dựng, đường truyền dữ liệu không dây chưa phát triển nên nhà đầu tư chưa dự phòng phương án này.

Bà Bùi Thị Quỳnh, Phó giám đốc Công ty Quản lý khai thác đường cao tốc ôtô Hà Nội - Hải Phòng (thuộc Vidifi) cho biết, đơn vị đang triển khai bổ sung một đường truyền từ trạm thu phí cuối tuyến (đầu Hải Phòng) về Back-end tại Trung tâm thu phí VETC để dự phòng cho trường hợp đứt cáp hoặc mất kết nối phía Hà Nội. Đây là dự phòng lớp 1.

Ngoài ra, doanh nghiệp đang nghiên cứu bổ sung kết nối không dây 4G trong việc truyền tín hiệu thu phí ETC tại các trạm thu phí (dự phòng lớp 2) để đảm bảo tính liên tục của hệ thống thu phí ETC. Đây cũng là các phương án được Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao thực hiện.

Cửa khẩu Cầu Bắc Luân 2 chính thức khôi phục hoạt động từ ngày 26/4

Sau thời gian dài tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Cửa khẩu Cầu Bắc Luân 2 (TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) chính thức khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa từ 8 giờ ngày 26/4.

Cửa khẩu Cầu Bắc Luân 2 chính thức khôi phục hoạt động từ ngày 26/4

Cửa khẩu Cầu Bắc Luân 2 chính thức khôi phục hoạt động từ ngày 26/4

UBND TP. Móng Cái vừa thông báo về việc khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu Cầu Bắc Luân 2, TP. Móng Cái.

Theo đó, địa phương chính thức khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu từ 8 giờ ngày 26/4.

Thông báo trên căn cứ vào nội dung cuộc hội đàm giữa UBND TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và chính quyền thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) ngày 24/4 về các giải pháp xây dựng vùng xanh an toàn, khôi phục lại hoạt động thông quan giữa hai địa phương.

UBND TP. Móng Cái cho biết, trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch, việc thông quan hàng hóa tại cửa khẩu Đông Hưng (cầu Bắc Luân 2) sẽ dần được mở lại theo 4 giai đoạn.

Đầu tiên, xử lý hàng hóa tồn đọng trong khu vực giám sát. Thứ hai, trả lại xe không hàng đang lưu bãi của Trung Quốc và Việt Nam. Thứ ba, thông quan trở lại đối với hàng hóa không thuộc hàng chuỗi lạnh. Và thứ 4, hoạt động thông quan bình thường.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thực hiện thông quan hàng hóa thuộc hàng chuỗi lạnh. Khi thành phố Đông Hưng thống nhất thời gian khôi phục thông quan hàng hóa thuộc chuỗi lạnh, UBND TP. Móng Cái sẽ thông báo sau.

TP.HCM xây 12 dự án nhà cho công nhân trong năm nay

TP.HCM đẩy nhanh tiến độ thực hiện 10 dự án nhà ở xã hội, hai nhà lưu trú công nhân, tổng quy mô 11.000 căn hộ trong năm 2022.

Phối cảnh dự án nhà ở cho công nhân Khu chế xuất Linh Trung II

Phối cảnh dự án nhà ở cho công nhân Khu chế xuất Linh Trung II

Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân, trong số 12 dự án, có 4 dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp thực hiện quy mô trên 3.300 căn gồm: dự án dành cho công nhân 2 Khu công nghiệp Tân Bình (Tân Phú), Đông Nam (Củ Chi), Nhà ở xã hội Lê Thành (Bình Chánh) và một dự án tại xã Long Thới (Nhà Bè).

6 nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại với gần 6.000 căn hộ thuộc các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Quận 7 và TP. Thủ Đức.

Hiện, mỗi m2 nhà ở xã hội có giá 20 - 25 triệu đồng, tương đương 1 - 1,6 tỷ đồng mỗi căn. Người mua được vay tối đa 900 triệu đồng, không quá 70% giá trị căn hộ, thời gian trả 15 năm. Người lao động tải ứng dụng của Trung tâm quản lý nhà vào điện thoại hoặc vào trang web của sở để theo dõi thông tin dự án.

Với các dự án nhà ở xã hội vốn ngoài ngân sách, người lao động muốn mua nộp hồ sơ trực tiếp cho chủ đầu tư, Sở Xây dựng thẩm định lại.

Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết thêm, theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt, Thành phố sẽ có thêm gần 484.000 căn hộ, tương ứng hơn 50 triệu m2 sàn, trong đó nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê là 2,5 triệu m2 sàn với trên 35.700 căn.

Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ người dân đi lại trong dịp 30/4 - 1/5

Các đơn vị xe buýt đã lên kế hoạch tăng cường xe dự phòng hoặc ứng trực nhằm phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của người dân trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 tới.

Tổng công ty Vận tải Hà Nội bố trí khoảng 28 xe buýt trực dự phòng và tăng cường lượt xe chạy để phục vụ nhu cầu đi lại dịp 30/4-1/5.

Tổng công ty Vận tải Hà Nội bố trí khoảng 28 xe buýt trực dự phòng và tăng cường lượt xe chạy để phục vụ nhu cầu đi lại dịp 30/4-1/5.

Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 tới, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (Tramoc) yêu cầu các đơn vị xe buýt tăng cường xe dự phòng và lượt chạy phương tiện.

Theo lãnh đạo Tramoc, kỳ nghỉ lễ năm nay kéo dài 4 ngày, dự báo nhu cầu hành khách sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tăng cao hơn so với ngày thường vào trước, trong ngày đầu nghỉ và ngày cuối cùng nghỉ lễ, tập trung chủ yếu tại các bến xe khách liên tỉnh như Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, Nước Ngầm, Yên Nghĩa, ga Hà Nội và sân bay Nội Bài.

Theo biểu đồ hoạt động của xe buýt Hà Nội từ ngày 30/4 - 3/5, thời gian hoạt động của xe buýt mở bến lúc 5 giờ đóng bến lúc 22 giờ 30 với hơn 15.600 lượt xe/ngày, riêng ngày 1/5 đóng bến lúc 22 giờ, với hơn 15.300 lượt xe.

Để phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ lễ, Tramoc dự kiến số phương tiện dự phòng tăng cường 47 xe với 29 tuyến, tương đương 96 lượt xe.

Trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) bố trí khoảng 28 xe buýt trực dự phòng và tăng cường 64 lượt xe để đáp ứng nhu cầu đi lại hoặc giải tỏa tại các điểm khi cần thiết.

Hoàn thành trưng bày Bảo tàng Hà Nội giữa năm 2024

Hà Nội đặt mục tiêu cuối năm 2023 hoàn thành trưng bày Bảo tàng Hà Nội, sau đó chạy thử, nghiệm thu để giữa năm 2024 kết thúc dự án.

Bảo tàng Hà Nội nằm trên đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm

Bảo tàng Hà Nội nằm trên đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm

Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Đỗ Đình Hồng cho biết, Bảo tàng Hà Nội là một trong những dự án được đầu tư lớn nhất trong hệ thống bảo tàng Việt Nam với kinh phí trên 2.300 tỷ đồng. Năm 2010, Dự án khánh thành phần xây dựng và bắt đầu thực hiện dự án thiết kế.

UBND TP. Hà Nội đã thành lập hội đồng tư vấn khoa học để xây dựng dự án thiết kế. Năm 2009, Thành phố phê duyệt đề cương trưng bày thiết kế bảo tàng. Tuy nhiên, thời điểm đó, toàn bộ hệ thống hiện vật chưa được kiểm kê. Năm 2020, UBND Thành phố mới phê duyệt lại đề cương thiết kế bảo tàng.

Ông Hồng cho biết thêm, đến nay, cơ bản được 65% thiết kế thi công. Riêng thiết kế kỹ thuật đã làm xong gửi Sở Xây dựng vào ngày 31/3.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, dự kiến trong tháng 5, Sở Xây dựng sẽ thẩm định phần thiết kế kỹ thuật; cuối tháng 8 sẽ trình hoàn thiện xây dựng thiết kế thi công; tháng 9 thực hiện dự án thiết kế..., hoàn thiện phần trưng bày vào năm 2023 để chạy thử, nghiệm thu.

Dự án Bảo tàng Hà Nội được đầu tư khái toán với tổng vốn hơn 2.300 tỷ đồng. Giai đoạn một Dự án gồm tòa nhà bảo tàng đã hoàn thành năm 2010 (trị giá 1.600 tỷ đồng). Giai đoạn hai gồm nội dung trưng bày hiện vật, khái toán khoảng 800 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2015, nhưng sau đó được điều chỉnh nên kéo dài đến 2019.

Tin cùng chuyên mục