Bản tin thời sự sáng 26/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đường sắt dừng đón, trả khách tại ga Hà Nội từ ngày 25/7; bắt đầu công bố điểm thi tốt nghiệp THPT từ 0h ngày 26/7; người dân TP.HCM không ra đường sau 18h; Hà Nội cho phép “shipper” của siêu thị và các sàn thương mại điện tử được hoạt động; tuyến cáp quang biển AAG sẽ được sửa xong vào cuối tháng 7…

Đường sắt dừng đón, trả khách tại ga Hà Nội từ ngày 25/7

Sau khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, đường sắt sẽ tạm ngừng bán vé cho hành khách đi và đến ga Hà Nội nhằm phòng chống dịch Covid-19.

Đường sắt dừng đón, trả khách tại ga Hà Nội từ ngày 25/7

Đường sắt dừng đón, trả khách tại ga Hà Nội từ ngày 25/7

Theo Công ty CP Vận tải Hành khách Hà Nội, từ ngày 25/7, đoàn tàu duy nhất còn chạy trên tuyến Bắc - Nam SE7/8 dừng đón, trả khách tại ga Hà Nội đến ngày 1/8, theo quy định giãn cách xã hội của UBND Hà Nội.

Hành khách có nhu cầu phải đón và xuống tàu ở ga gần nhất là Phủ Lý (Hà Nam).

Hiện tàu SE7/8 cũng không đón trả khách tại các địa phương đang giãn cách xã hội như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Phú Yên.

Hiện việc đi lại giữa hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM đang gặp khó khăn trên cả tuyến đường bộ, đường sắt và hàng không. Trong đó, ngành hàng không duy trì tối đa hai chuyến bay khứ hồi TP.HCM - Hà Nội mỗi ngày, nhưng phụ thuộc vào năng lực cách ly của địa phương đón khách.

Trong những ngày vừa qua, ngành hàng không phải hủy các chuyến bay TP.HCM - Hà Nội, do phía Hà Nội chưa bố trí được chỗ cách ly hành khách.

Bắt đầu công bố điểm thi tốt nghiệp THPT từ 0h ngày 26/7

Ngay sau khi công bố điểm tốt nghiệp THPT từ 0h ngày 26/7, các cơ sở giáo dục sẽ xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh. Việc xét công nhận tốt nghiệp phải hoàn thành chậm nhất là vào ngày 28/7.

Bắt đầu công bố điểm thi tốt nghiệp THPT từ 0h ngày 26/7

Bắt đầu công bố điểm thi tốt nghiệp THPT từ 0h ngày 26/7

Theo lịch công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc công bố kết quả thi sẽ bắt đầu thực hiện từ 0h ngày 26/7.

Thời gian nhận đơn xin phúc khảo bài thi bắt đầu từ ngày 26/7 đến hết ngày 5/8.

Trong quá trình chấm thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã tổ chức 63 đoàn thanh, kiểm tra đến các hội đồng chấm thi trên cả nước. Theo báo cáo của địa phương, các hội đồng chấm thi làm việc trách nghiệm, đúng quy trình, quy chế.

Ngay sau khi công bố điểm, các cơ sở giáo dục sẽ xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh. Việc xét công nhận tốt nghiệp phải hoàn thành chậm nhất là ngày 28/7, công bố kết quả tốt nghiệp cho học sinh chậm nhất ngày 30/7. Các trường sẽ gửi giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho học sinh trước ngày 3/8.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 có sự đăng ký tham gia dự thi của hơn một triệu thí sinh trên cả nước. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức kỳ thi thành hai đợt. Đợt 1 đã diễn ra trong các ngày 7/7 và 8/7. Đợt 2 sẽ diễn ra vào các ngày 6/8 và 7/8 tới đây, dành cho các thí sinh chưa thể dự thi đợt 1 vì dịch bệnh. Các thí sinh chưa dự thi đợt 1 và không thể dự thi đợt 2 vì dịch bệnh sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp nếu có nguyện vọng.

Người dân TP.HCM không ra đường sau 18h từ ngày 26/7

Chính quyền TP.HCM yêu cầu sau 18h mỗi ngày, người dân không ra đường, tạm dừng các hoạt động đến 6h sáng hôm sau để phòng dịch lây lan.

Người dân TP.HCM không ra đường sau 18h từ ngày 26/7

Người dân TP.HCM không ra đường sau 18h từ ngày 26/7

Làm rõ hơn về quy định không ra đường từ 18h mỗi ngày, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong lý giải bắt đầu từ 26/7, sau 18h mỗi ngày, người dân không nên ra đường, hoạt động trên địa bàn Thành phố tạm dừng tới 6h sáng hôm sau để đảm bảo giãn cách xã hội, hạn chế việc đi lại của người dân.

Lực lượng công an, quân sự và chính quyền địa phương phải tăng kiểm tra 24/24h tại khu dân cư, trên đường phố, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, thậm chí tạm giữ hành chính trong trường hợp chống người thi hành công vụ. Người để dịch bệnh lây lan, gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan chức năng phải điều tra, khởi tố nếu cấu thành tội phạm.

TP.HCM khẳng định sẽ xử lý nghiêm lãnh đạo nếu có thái độ thờ ơ, chậm xử lý phản ánh của người dân, khiến dịch bệnh lây lan.

Người đứng đầu chính quyền Thành phố cũng yêu cầu chính quyền địa phương phải tập trung lực lượng siết chặt các khu phong tỏa "nội bất xuất, ngoại bất nhập", tổ chức mang nhu yếu phẩm đến từng nhà hoặc tổ chức tình nguyện viên đi chợ thay.

Các tổ chức, cá nhân muốn trợ giúp lương thực cho người dân khu vực phong tỏa, đề nghị liên hệ với tổ quản lý để có biện pháp đưa đến từng hộ, không để người dân tự ra ngoài nhận trực tiếp.

TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 đến 1/8. Từ 24/7, thành phố siết chặt hơn nhiều quy định trong giai đoạn giãn cách. Trong đó, TP.HCM thu hẹp nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời gian giãn cách.

Tính từ 27/4 đến tối 25/7, TP.HCM ghi nhận 60.425 ca nhiễm, là tâm dịch lớn nhất cả nước.

Hà Nội cho phép “shipper” của siêu thị và các sàn thương mại điện tử được hoạt động

Trong thời gian giãn cách xã hội, "shipper" của các sàn thương mại điện tử được hoạt động, "shipper" tự do - chủ yếu của hàng ăn uống, thì cấm hoạt động.

Hà Nội cho phép "shipper" của các sàn thương mại điện tử được hoạt động.

Hà Nội cho phép "shipper" của các sàn thương mại điện tử được hoạt động.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Sở đã cấp phép cho 2.200 xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu hoạt động theo “luồng xanh” của Thủ đô. Việc đăng ký hoàn toàn trên mạng; không quá 4 phút đã được cấp phép.

Liên quan đến các nhân viên vận chuyển hàng hóa bằng xe mô tô 2 bánh (shipper), ông Vũ Văn Viện nói rõ: “Shipper gồm 2 đối tượng. Một là nhân viên của các cơ quan bưu chính, siêu thị, sàn thương mại điện tử thì Thành phố cho phép hoạt động, nhưng phải đảm bảo các điều kiện phòng dịch, quản lý chặt chẽ. Hai là các shipper tự do, chủ yếu phục vụ hàng ăn uống thì Thành phố cấm hoạt động”.

Về hoạt động của "shipper", bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương thông tin, Thành phố đã chỉ đạo ngành Công Thương, Sở Giao thông vận tải phối hợp thống nhất đối tượng nào thuộc vận chuyển hàng hóa trong lĩnh vực thương mại điện tử, được phép lưu thông trên địa bàn với điều kiện quản lý chặt chẽ. Cụ thể, đó là là những nhân viên "shipper" của hệ thống siêu thị, hệ thống logistic của sàn thương mại điện tử để tham gia vận chuyển trên địa bàn.

Tuyến cáp quang biển AAG sẽ được sửa xong vào cuối tháng 7

Tuyến cáp quang biển AAG dự kiến được khắc phục từ ngày 27/7 và sẽ sửa xong vào ngày cuối cùng của tháng này (31/7).

Tuyến cáp quang biển AAG liên tục gặp sự cố gây ảnh hưởng đến việc truyền tải internet của Việt Nam và quốc tế

Tuyến cáp quang biển AAG liên tục gặp sự cố gây ảnh hưởng đến việc truyền tải internet của Việt Nam và quốc tế

Thông tin cập nhật về kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố trên tuyến cáp quang biển quốc tế Asia America Gateway (AAG) vừa được đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam chia sẻ.

Tuyến cáp quang biển AAG có tổng chiều dài 20.191 km, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ, đi qua 8 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Brunei, Hong Kong (Trung Quốc), Philippines và Hoa Kỳ (Guam, Hawaii và California). Nhánh rẽ vào Việt Nam của tuyến cáp biển AAG có chiều dài 314km, với điểm cập bờ tại Vũng Tàu.

Trong quá trình được đưa vào khai thác, sử dụng hơn 11 năm qua, tuyến cáp quang biển AAG thường xuyên gặp sự cố khiến cho việc sử dụng các dịch vụ web, email, video, mạng xã hội… của người dùng Việt Nam bị ảnh hưởng, chậm đặc biệt là vào những cung giờ cao điểm với nhiều người dùng đồng thời.

Trong năm nay, tuyến cáp biển AAG đã lần lượt gặp sự cố vào các ngày 22/6 và 19/7. Sự cố xảy ra ngày 22/6 trên nhánh S1H với vị trí lỗi cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 102 km đã bắt đầu được sửa từ ngày 2/7 và phải kéo dài đến ngày 12/7 mới hoàn thành do phát hiện thêm lỗi mới.

Đường sắt tiếp tục lập tàu chuyên biệt đưa người dân về từ TP.HCM

Những người dân miền Trung ở vùng dịch TP.HCM sẽ sớm được trở về quê nhờ vào việc địa phương thuê nguyên chuyến tàu của ngành đường sắt.

Đường sắt tiếp tục lập tàu chuyên biệt đưa người dân về từ TP.HCM

Đường sắt tiếp tục lập tàu chuyên biệt đưa người dân về từ TP.HCM

Trong thời gian tới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sẽ tiếp tục tổ chức chạy các đoàn tàu chuyên biệt vận chuyển 400 hành khách là người dân tỉnh Quảng Trị và 320 hành khách là người dân Thừa Thiên - Huế đang sinh sống, học tập và làm việc tại TP.HCM trở về địa phương.

Cụ thể, VNR dự kiến tổ chức chạy tàu HUE2 đưa 320 hành khách từ TP.HCM về Huế vào ngày 27/7 (tàu HUE2 xuất phát tại ga Sài Gòn lúc 15 giờ 20 phút ngày 27/7 và đến ga Huế lúc 13 giờ 31 phút ngày 28/7) và chạy tàu SE18 đưa 400 hành khách từ ga Sài Gòn về ga Đồng Hà vào ngày 28/7 (tàu SE18 xuất phát tại ga Sài Gòn lúc 15 giờ 20 phút ngày 28/7 và đến ga Đông Hà lúc 15 giờ 5 phút ngày 29/7).

Để đảm bảo an toàn phòng dịch, Tổng công ty Đường sắt thực hiện đón khách tại ga đi và trả khách tại ga đến đồng thời thực hiện nghiêm các quy định về an toàn phòng dịch. Hành khách đi tàu cần phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ và sẽ được các tỉnh bố trí cách ly tập trung theo quy định.

Đồng Nai gấp rút hoàn thiện 7 bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19

Đồng Nai dự kiến mở rộng tới 8.000 - 10.000 giường để ứng phó tình hình dịch Covid-19 phức tạp.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đang được gấp rút hoàn thiện để trở thành đơn vị Hồi sức tích cực (ICU) với quy mô 200 giường

Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đang được gấp rút hoàn thiện để trở thành đơn vị Hồi sức tích cực (ICU) với quy mô 200 giường

Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Lê Quang Trung cho biết, tỉnh Đồng Nai đang gấp rút hoàn thiện 7 bệnh viện dã chiến tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19. Cùng với đó là 3 đơn vị hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Thống Nhất Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh.

Tỉnh Đồng Nai sẽ cố gắng đạt mục tiêu 5.000 giường và có khả năng mở rộng 8.000 - 10.000 giường thông qua các ký túc xá, nơi có sẵn tiện nghi cơ bản trên địa bàn.

Đồng Nai đã chuẩn bị 150 giường hồi sức tích cực, đồng thời sẵn sàng xây dựng một đơn vị hồi sức tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Long Thành với khoảng 200 giường.

Theo thông tin từ Sở Y tế Đồng Nai, địa phương này hiện điều trị cho 2.374 bệnh nhân Covid-19.

Tin cùng chuyên mục