Bản tin thời sự sáng 27/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Quảng Ninh đề nghị kỷ luật ở mức cao nhất với Bí thư Huyện ủy Cô Tô; học sinh lớp 9 tại Hà Nội được tiêm vaccine từ ngày 27/11; Bộ GTVT thúc tiến độ dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành; khởi tố vụ án hình sự, bắt tạm giam 2 đối tượng tấn công mạng Báo Điện tử VOV; nhà máy đốt rác tại Hà Nội hơn 760 tỷ đồng bỏ không nhiều năm; ba tuyến cáp biển gặp sự cố, kết nối Internet bị ảnh hưởng…

Quảng Ninh đề nghị kỷ luật ở mức cao nhất với Bí thư Huyện ủy Cô Tô

Quảng Ninh đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, trình cấp có thẩm quyền kỷ luật mức cao nhất với ông Lê Hùng Sơn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch huyện Cô Tô.

Trụ sở Huyện ủy Cô Tô

Trụ sở Huyện ủy Cô Tô

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị kỷ luật nghiêm minh đối với ông Lê Hùng Sơn do ông này vi phạm rất nghiêm trọng tiêu chuẩn Đảng viên, cấp ủy viên; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; những điều Đảng viên không được làm.

Ông Lê Hùng Sơn cũng đã vi phạm quy định của Ban thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện văn hóa, văn minh công sở; về rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm giảm uy tín của tổ chức đảng, gây dư luận rất xấu, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ngày 26 /11, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký, Ban Thường vụ tỉnh ủy Quảng Ninh đã xem xét kỷ luật một số đảng viên và đề nghị kỷ luật đối với một số tổ chức Đảng liên quan đến vụ việc của ông Lê Hùng Sơn.

Sau khi xem xét báo cáo của UBKT Tỉnh ủy và kết quả xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật của các tổ chức Đảng tại các hội nghị trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với 3 cán bộ, gồm: Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Đặng Quang Ngạn, Phó Chủ tịch UBND huyện và ông Nguyễn Quang Huy với cương vị Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh đã quyết định cảnh cáo Đảng ủy Quân sự huyện Cô Tô nhiệm kỳ 2020-2025 và Chi bộ Văn phòng Huyện ủy Cô Tô.

Học sinh lớp 9 tại Hà Nội được tiêm vaccine từ ngày 27/11

Sở Y tế Hà Nội vừa phân bổ 137.724 liều vaccine Pfizer cho 30 quận, huyện, thị xã để thực hiện tiêm mũi 1 cho trẻ em 14 tuổi đang học tập, sinh sống trên địa bàn thành phố...

137.724 liều vaccine Pfizer để thực hiện tiêm mũi 1 cho trẻ em 14 tuổi đang học tập, sinh sống trên địa bàn thành phố từ 27/11. Ảnh minh họa

137.724 liều vaccine Pfizer để thực hiện tiêm mũi 1 cho trẻ em 14 tuổi đang học tập, sinh sống trên địa bàn thành phố từ 27/11. Ảnh minh họa

Số vaccine này có thể sử dụng để tiêm mũi 1 cho trẻ em nằm trong khoảng từ 12 - 17 tuổi chưa được tiêm phòng vaccine Covid-19 hoặc tiêm trả mũi 2 cho trẻ từ 15 - 17 tuổi sau khi đã hết đối tượng tiêm mũi 1 trên địa bàn, bảo đảm khoảng cách giữa 2 mũi ít nhất là 3 tuần.

Địa điểm tiêm vaccine cho các học sinh lớp 9 và nhóm trẻ 12-14 tuổi được tiến hành tại các trường học đối với trẻ đi học hoặc tại trạm y tế đối với trẻ không đi học. Riêng với trẻ mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mãn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hoá, tiết niệu, máu… trung tâm y tế quận, huyện, thị xã sẽ cung cấp vaccine để các bệnh viện thực hiện tiêm chủng cho nhóm này.

Tính từ ngày 23-25/11, toàn Hà Nội đã tiêm được 235.199 mũi cho học sinh lớp 10, 11 và 12. Theo kế hoạch, trong quý 4/2021 và quý 1/2022, Hà Nội sẽ triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho toàn bộ trẻ 12 - 17 tuổi, bao gồm cả trẻ đi học tại các trường đóng trên địa bàn thành phố và trẻ không đi học nhưng sinh sống tại Hà Nội.

Dự kiến, 791.921 trẻ sẽ được tiêm, trong đó có 519.547 trẻ từ 12 - 15 tuổi và 272.374 trẻ từ 15 - 17 tuổi.

Đà Nẵng dự kiến cho học sinh khối 10, 11 đi học trực tiếp từ 29/11

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết việc tổ chức đi học cho học sinh lớp 12 đảm bảo an toàn và thành phố dự kiến cho phép học sinh khối 10, 11 đi học trực tiếp.

Việc tổ chức đi học cho học sinh lớp 12 đảm bảo an toàn, thành phố Đà Nẵng dự kiến cho phép học sinh khối 10, 11 đi học trực tiếp.

Việc tổ chức đi học cho học sinh lớp 12 đảm bảo an toàn, thành phố Đà Nẵng dự kiến cho phép học sinh khối 10, 11 đi học trực tiếp.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng Mai Tấn Linh cho biết, việc tổ chức đi học lại cho học sinh lớp 12 đảm bảo an toàn phòng dịch, thực hiện đúng chỉ đạo của Sở Y tế. Trong tuần vừa qua, các trường học không ghi nhận ca dương tính.

Ông Linh cho biết từ ngày 29/11, thành phố Đà Nẵng dự kiến cho phép học sinh khối 10, 11 đi học trực tiếp. Dựa vào tình hình dịch, vào đầu tháng 12, Sở đề xuất kế hoạch cho phép học sinh lớp 7 đến lớp 9 và lớp 1 đi học lại.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu các trường học khi cho học sinh đi học trở lại phải đảm bảo thông điệp 5K, không để dịch xâm nhập…

Bộ GTVT thúc tiến độ dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành

Bộ Giao thông Vận tải đề nghị TP.HCM sớm cung cấp thông tin quy hoạch, dự án liên quan để đồng bộ triển khai mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo TP. Thủ Đức khẩn trương cung cấp thông tin quy hoạch ở địa phương liên quan dự án mở rộng. Bộ đề nghị địa phương sớm góp ý báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng trong tổng mức đầu tư công trình.

Điểm đầu dự án mở rộng cao tốc dự tính nằm sau nút giao An Phú (TP.Thủ Đức) - nơi sắp triển khai công trình nút giao 3 tầng. Do đó Bộ Giao thông Vận tải đề nghị TP.HCM cung cấp thông tin liên quan quy mô, thiết kế kết nối, kế hoạch xây dựng nút giao này. Ngoài ra, để sớm hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đẩy tiến độ mở rộng cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải cũng muốn TP.HCM thông tin kế hoạch hoàn thiện tuyến Vành đai 2 cùng các hạng mục trên tuyến...

Theo nghiên cứu, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe đoạn dài gần 24 km, từ nút giao An Phú đến vị trí giao dự kiến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Đồng Nai). Phần còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây, dài 31 km giữ nguyên 4 làn như hiện nay.

Riêng hai cầu lớn trên tuyến là Sông Tắc và Long Thành, lần lượt được đề xuất mở rộng lên 10 và 9 làn. Các nút giao trên tuyến cũng được nghiên cứu kết nối đồng bộ với mở rộng cao tốc. Tổng kinh phí thực hiện dự án hiện ước tính gần 13.000 tỷ đồng.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đi qua TP.HCM và Đồng Nai, khai thác giai đoạn một năm 2015, tổng mức đầu tư 20.600 tỷ đồng.

Khởi tố vụ án hình sự, bắt tạm giam 2 đối tượng tấn công mạng Báo Điện tử VOV

Hai đối tượng ở Quảng Nam và Bình Định bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan vụ tấn công mạng Báo Điện tử VOV.

Độc giả không thể truy cập vào địa chỉ vov.vn khi Báo Điện tử VOV bị tấn công mạng

Độc giả không thể truy cập vào địa chỉ vov.vn khi Báo Điện tử VOV bị tấn công mạng

Theo thông tin từ cơ quan chức năng một số địa phương, tới thời điểm hiện tại, ít nhất 2 đối tượng đã bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vụ tấn công mạng Báo Điện tử VOV xảy ra vào tháng 6/2021.

Tại Quảng Nam, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an tiến hành điều tra, xác minh hành vi cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử xảy ra tại website: VOV.VN của Báo Điện tử VOV do đối tượng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thực hiện.

Kết quả điều tra xác định: Huỳnh Phước Mẫn (trú tại thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) thực hiện hành vi tấn công DDoS ngày 15/6/2021 vào website VOV.VN. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử”, đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Huỳnh Phước Mẫn. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam đã phê chuẩn quyết định khởi tố, lệnh tạm giam của Cơ quan Cảnh sát điều tra.

Tại Bình Định, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Bình Định cũng tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan vụ án "Cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử" đối với Báo Điện tử VOV (VOV.VN). Đối tượng bị khởi tố là Vương Quốc Thịnh (trú tại xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Cơ quan chức năng tỉnh Bình Định vẫn tiếp tục điều tra để mở rộng vụ án.

Nhà máy đốt rác tại hà Nội hơn 760 tỷ đồng bỏ không nhiều năm

Dự kiến hoạt động năm 2017, song tới nay dự án đốt rác công suất 500 tấn mỗi ngày tại Hà Nội đang bỏ không.

Toàn cảnh nhà máy xử lý rác thải nhiệt phân plasma Đông Anh

Toàn cảnh nhà máy xử lý rác thải nhiệt phân plasma Đông Anh

Hiện khu vực Nhà máy xử lý rác thải nhiệt phân plasma Đông Anh (xã Việt Hùng, huyện Đông Anh) vắng người, cỏ mọc um tùm cạnh nơi đặt lò đốt rác. Đây là dự án của Công ty CP đầu tư Thành Quang, khởi công xây dựng từ tháng 12/2011 với tổng mức đầu tư trên 768 tỷ đồng.

Với công suất thiết kế xử lý 500 tấn rác mỗi ngày, nhà máy được kỳ vọng sẽ xử lý được rác thải công nghiệp, y tế và khoảng 100 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày ở huyện Đông Anh, qua đó giảm tải cho bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Nhưng sau 3 lần điều chỉnh tiến độ, đến nay nhà máy vẫn chưa đi vào hoạt động.

Theo chính quyền địa phương, sau khi được bàn giao đất, chủ đầu tư đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật gồm: Hệ thống sơ tuyển rác (phân loại rác thô và sơ chế kim loại), ủ rác, sấy rác, lò đốt plasma; hệ thống xử lý khói thải, nước thải, thu gom và xử lý mùi, hệ thống điều khiển... Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều hạng mục chưa được xây dựng và diện tích 8,7 ha của dự án đang để trống nhiều khu đất.

Giám đốc Công ty CP đầu tư Thành Quang Nguyễn Thanh Quang cho biết, nhà máy đã hoàn thiện 90%. Theo ông Nguyễn Thanh Quang, thời gian qua ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến các chuyên gia người nước ngoài không thể đến triển khai dự án; ngoài ra đơn vị đang trong thời gian xin điều chỉnh giấy phép bổ sung chức năng xử lý chất thải công nghiệp, y tế nguy hại.

Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ giải phóng mặt bằng hơn 97%

Tuyến cao tốc ở miền Tây dài gần 23 km, vốn đầu tư 4.800 tỷ đồng, khởi công đầu năm 2021 đến nay giải phóng mặt bằng đạt hơn 97%, bước vào đẩy nhanh thi công.

Thi công đắp cát gia tải tên cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Thi công đắp cát gia tải tên cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận Trần Văn Thi cho biết, sau 10 tháng triển khai, hai tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp - nơi dự án đi qua, đã bàn giao khoảng 22 km cho chủ đầu tư. Hiện còn gần một km mặt bằng (hơn 3%) chưa được giải phóng.

Công trình đến nay đã hoàn thành đắp cát toàn bộ 850.000 m3, đạt 100% tại các đoạn đã giải phóng mặt bằng; đắp cát đường gom đạt hơn 44% trong tổng số trên 217.000 m3; tập kết cát gia tải hơn 280.000 m3 trong (đạt 26%)... Các đơn vi thi công đang triển khai 15 cầu trên tuyến chính... Ba gói thầu xây lắp chính hiện đạt hơn 21 % khối lượng, tương đương kế hoạch đề ra.

Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ khởi công đầu năm 2021. Trong gần 23 km toàn tuyến, hơn 10 km đi qua Đồng Tháp, còn lại trên địa bàn Vĩnh Long.

Tuyến đường được thiết kế 100 km/h cho giai đoạn xây dựng hoàn chỉnh với 6 làn xe, bề rộng nền đường 32 m. Giai đoạn một của dự án quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, bề rộng cầu 17,5 m, vận tốc 80 km/h. Cao tốc dự tính hoàn thành năm 2022, đưa vào khai thác toàn bộ giai đoạn một trong năm 2023.

Ba tuyến cáp biển gặp sự cố, kết nối Internet bị ảnh hưởng

Cáp quang biển quốc tế Asia Pacific Gateway (APG) đang gặp sự cố phân đoạn S3 gây mất 250G dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi Nhật Bản, Hoa Kỳ và dự kiến sẽ được khôi phục vào ngày 29/11.

Cáp quang biển quốc tế APG đang gặp sự cố gây mất 250G dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi Nhật Bản, Hoa Kỳ và dự kiến sẽ được khôi phục vào ngày 29/11

Cáp quang biển quốc tế APG đang gặp sự cố gây mất 250G dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi Nhật Bản, Hoa Kỳ và dự kiến sẽ được khôi phục vào ngày 29/11

Đại diện doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam (ISP) cho biết cáp quang biển quốc tế Asia Pacific Gateway (APG) đang gặp sự cố phân đoạn S3, gây mất 250G dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi Nhật Bản, Hoa Kỳ.

Trong quá trình sửa chữa cáp Asia Pacific Gateway (APG) từ ngày 24 đến 29/11, hệ thống sẽ đóng nguồn trạm cập bờ HKG tại Hong Kong (Trung Quốc), do đó gây gián đoạn kết nối Internet trên tuyến cáp biển này.

Dự kiến, cáp biển APG sẽ khôi phục toàn bộ lưu lượng Internet trên tuyến vào ngày 29/11.

Hiện nay, ngoài cáp biển APG còn có 2 tuyến cáp quang biển quốc tế khác cũng bị gián đoạn dịch vụ hoặc chưa khôi phục hoàn toàn dung lượng kết nối do gặp sự cố trước đó là tuyến cáp Asia America Gateway (AAG) và tuyến cáp Asia Africa Europe 1 (AAE-1).

Cụ thể, AAG bị lỗi rò nguồn trên nhánh S1I vào tối 22/10. Đồng thời, nhánh cáp AAG hướng kết nối Việt Nam-Singapore cũng bị lỗi từ cuối tháng 10/2021. Hiện hệ thống đã được đối tác quốc tế lên lịch sửa chữa và dự kiến hoàn thành vào ngày 15/12.

Đối với sự cố trên tuyến cáp AAE-1, ngày 20/11 vừa qua, tàu sửa cáp đã khắc phục xong lỗi trên phân đoạn S1H.3, tạm thời khôi phục dung lượng trên tuyến cáp AAE-1.

Hiện tại, tàu đang tiếp tục tiến hành sửa chữa lỗi còn lại trên phân đoạn S1H.4, dự kiến hoàn thành vào ngày 27/11. Khi đó, kết nối quốc tế trên tuyến cáp quang biển AAE-1 sẽ ổn định trở lại.

Tin cùng chuyên mục