Bản tin thời sự sáng 27/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là mưa đá xuất hiện ở vùng núi Thừa Thiên Huế; Hà Nội đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng nâng cấp Quốc lộ 6; hơn 55 dự án “ma” trải rộng trên nhiều tỉnh trong vụ án địa ốc Alibaba; đầu tư 2.400 tỷ đồng xây dựng cầu bắc qua cửa biển Thuận An; tạm đóng lối lên cầu Vĩnh Tuy từ đường đê Nguyễn Khoái…

Mưa đá xuất hiện ở vùng núi Thừa Thiên Huế

Mưa đá xuất hiện ở các xã Hương Lâm, Đông Sơn của huyện miền núi A Lưới, Thừa Thiên Huế, kích thước viên đá lớn nhất 2,3 cm, ngày 26/3.

Mưa đá xuất hiện ở các xã Hương Lâm, Đông Sơn của huyện miền núi A Lưới

Mưa đá xuất hiện ở các xã Hương Lâm, Đông Sơn của huyện miền núi A Lưới

Đầu giờ chiều, cơn giông kéo đến nhiều xã của huyện miền núi A Lưới. Đến khoảng 14h50, mưa đá bắt đầu xuất hiện ở xã Đông Sơn và Hương Lâm, kéo dài trong 7 phút. Đến 15h02, mưa đá tiếp tục trong 4 phút.

Theo Trạm Khí tượng A Lưới, hai trận mưa đá cách nhau ít phút, diễn ra trong thời gian ngắn kèm theo gió giật mạnh 10-15 m/s (cấp 6-7). Kích thước lớn nhất của hạt mưa đá là 2,3 cm, nhỏ nhất 0,05 cm.

Theo Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hùng cho biết, mưa đá hình thành từ các đám mây đối lưu (mây phát triển thẳng đứng, hình thành bởi dòng thăng của không khí trong hoạt động đối lưu khí quyển). Qua theo dõi ảnh radar thời tiết cho thấy mây đối lưu phát triển gây mưa giông tại huyện A Lưới và Nam Đông.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cũng cảnh báo đêm nay và ngày mai, không khí lạnh sẽ tràn đến miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Do nền nhiệt khu vực đang cao, phổ biến 32-34 độ, nên dễ gây ra sự xung đột, làm xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, mưa đá.

Mưa đá thường xuất hiện ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ vào các tháng 3-4 và 10-11, khi thời tiết chuyển mùa từ lạnh sang nóng và ngược lại.

Hà Nội đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng nâng cấp Quốc lộ 6

Gần 22 km quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai (Hà Nội), sẽ được đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng để nâng cấp trong giai đoạn 2022-2027.

Quốc lộ 6, đoạn qua xã Đông Phương Yên (K29, huyện Chương Mỹ)

Quốc lộ 6, đoạn qua xã Đông Phương Yên (K29, huyện Chương Mỹ)

UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt dự án nâng cấp Quốc lộ 6, điểm đầu tại Ba La, quận Hà Đông; điểm cuối tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, tiếp giáp với huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Mặt cắt ngang tuyến đường sau cải tạo là 50-60 m, trong đó đoạn từ nút giao Ba La đến nút giao Vành đai 4 có hai làn dành cho xe buýt nhanh (BRT) được bố trí sát dải phân cách giữa.

Trên tuyến có bảy cầu đường bộ và một cống hộp (cống Tuân). Bảy cầu gồm: Mai Lĩnh, Đồng Trữ, Tân Thượng, Quán Lát, Xuân Mai, Sông Bùi và Năm Lu.

Dự án có bốn nút giao chính, trong đó các nút giao khác mức (nơi có hai hoặc nhiều tuyến đường giao nhau nằm ở cao độ khác nhau) với Quốc lộ 21A, đường trục Bắc Nam và Vành đai 4 sẽ thực hiện theo các dự án riêng.

Kinh phí đầu tư dự án từ nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội và vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ. Thời gian thực hiện từ 2022 đến 2027.

Hơn 55 dự án “ma” trải rộng trên nhiều tỉnh trong vụ án địa ốc Alibaba

Lập 12 công ty là chủ đầu tư của hơn 55 dự án, ông chủ địa ốc Alibaba và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 2.264 tỉ đồng của 4.316 khách hàng.

Nguyễn Thái Luyện thời điểm chưa bị bắt giam

Nguyễn Thái Luyện thời điểm chưa bị bắt giam

Viện KSND TP.HCM vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty địa ốc Alibaba) và 21 bị can về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; trong đó hai bị can Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện, giữ 49,5% cổ phần công ty) và Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) bị truy tố thêm tội “rửa tiền”. Riêng bị can Huỳnh Thị Kim Thắng bị truy tố về tội “rửa tiền”.

Theo cáo trạng, Công ty Alibaba và các công ty cùng hệ thống tự lập dự án dân cư, phân lô trái pháp luật, đưa ra các thông tin không có thật như đây là các dự án có tính pháp lý đầy đủ, tự đặt tên các dự án để kêu gọi, lừa ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư để huy động tiền từ khách hàng.

Theo đó, Nguyễn Thái Luyện và nhân viên dưới quyền chiếm đoạt hơn 2.264 tỉ đồng của 4.316 khách hàng.

Vì vậy, bị can Nguyễn Thái Luyện bị truy tố ở khoản 4, khung hình phạt từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân, với vai trò chủ mưu. Các tình tiết tăng nặng: phạm tội có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; bị can Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện) cũng bị truy tố theo khoản 4, với vai trò giúp sức tích cực cho Luyện.

Cũng theo cáo trạng, để tiện phân lô, bán nền tại các dự án không có thật, Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm đã lập 12 công ty bất động sản làm chủ đầu tư hơn 55 dự án “ma” tại 3 tỉnh, thành: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, nhằm chiếm đoạt tiền của người bị hại.

Đầu tư 2.400 tỷ đồng xây dựng cầu bắc qua cửa biển Thuận An

Cầu bắc qua cửa biển Thuận An nối phường Thuận An với xã Hải Dương (tỉnh Thừa Thiên Huế) với tổng đầu tư 2.400 tỷ đồng được khởi công xây dựng vào ngày 26/3.

Phối cảnh cầu bắc qua cửa biển Thuận An.

Phối cảnh cầu bắc qua cửa biển Thuận An.

Cầu dài 2,36 km với bề rộng 20 m, 4 làn xe. Điểm đầu cầu là đường Hoàng Sa, phường Thuận An, điểm cuối tại Cồn Đâu, xã Hải Dương, TP. Huế. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành sau 3 năm.

Cầu bắc qua cửa biển Thuận An là một trong những hạng mục của tuyến đường ven biển đi qua Thừa Thiên Huế. Công trình nằm trong dự án giai đoạn một xây dựng 7,7 km từ nút giao cầu Tam Giang đến cầu qua biển Thuận An, kết thúc tại nút giao Quốc lộ 49A - Quốc lộ 49B ở phường Thuận An.

Theo Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, cầu bắc qua cửa biển Thuận An sẽ góp phần hình thành tuyến đường du lịch ven biển, kết nối thông suốt với tuyến đường bộ ven biển quốc gia...Tuyến đường ven biển hình thành sẽ tạo quỹ đất khoảng 1.500 ha để phát triển đô thị, thúc đẩy và tăng sức hút các nhà đầu tư, tập đoàn lớn đến với Huế để đầu tư xây dựng, phát triển dự án hạ tầng du lịch, dịch vụ, khu resort, du lịch nghỉ dưỡng.

Tạm đóng lối lên cầu Vĩnh Tuy từ đường đê Nguyễn Khoái

Hà Nội tháo dỡ hai nhịp cầu Vĩnh Tuy phía quận Hai Bà Trưng để thi công giai đoạn 2 của dự án.

Hai nhịp cầu được tháo dỡ từ đêm 26/3 (khoanh đỏ).

Hai nhịp cầu được tháo dỡ từ đêm 26/3 (khoanh đỏ).

Từ 22h ngày 26/3, nhà thầu bắt đầu rào chắn, phân luồng giao thông, để thi công tháo dỡ các nhịp và trụ cầu Vĩnh Tuy phía quận Hai Bà Trưng. Đây là một trong những hạng mục thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2.

Hai nhịp cầu được tháo dỡ dài khoảng 60 m hướng Hai Bà Trưng - Long Biên, nối qua các trụ H17A, H17B và H18. Khu vực này có một nửa để lưu thông và nửa còn lại đặt trạm quản lý cầu.

Ngoài ra, đại diện nhà thầu cho hay trụ cầu H17B được phá bỏ hoàn toàn. Trong khi đó, trụ H18 sẽ được phá dỡ phần xà mũ bên trên và giữ nguyên kết cấu trụ dưới để tiếp tục thi công.

Để phục vụ phá dỡ và thi công hạng mục này, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu rào chắn khoảng 129 m mặt cầu phía quận Hai Bà Trưng, đồng thời điều chỉnh dải phân cách giữa cầu cho phù hợp. Nhánh kết nối từ đường Nguyễn Khoái lên cầu Vĩnh Tuy cũng được đóng hoàn toàn trong thời gian thi công dự án.

Theo phương án phân luồng, các xe tải, ôtô khách đi theo hướng đường Nguyễn Khoái, Bạch Đằng và lên cầu Thanh Trì trong thời gian thi công. Đồng thời, một con đường tạm dưới gầm cầu cũng được xây dựng để thay thế đường Bạch Đằng đoạn qua dự án.

Xe máy và ôtô được phân luồng đi về phía đường Minh Khai và quay đầu tại cổng Khu đô thị Times City trước khi lên cầu để sang Long Biên. Thời gian thi công dự kiến kéo dài khoảng 3 tháng.

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được khởi công từ đầu năm 2021 với tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Tổng chiều dài và đường dẫn cầu khoảng 3,47 km. Công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2022.

Sẽ có tuyến QL50B nối từ TP.HCM - Long An - Tiền Giang

Tuyến QL50B có tổng chiều dài khoảng 55km, trong đó đoạn qua TP.HCM 5,8km, đoạn qua Long An 35,6km, qua tỉnh Tiền Giang 14,2km.

Sẽ có QL50B nối từ TP.HCM - Long An - Tiền Giang

Sẽ có QL50B nối từ TP.HCM - Long An - Tiền Giang

Theo Giám đốc Sở GTVT Long An Đặng Hoàng Tuấn cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó quy hoạch QL50B nối từ TP.HCM - Long An - Tiền Giang.

Theo đó, tuyến QL50B có chiều dài khoảng 55km, trong đó đoạn qua TP.HCM dài 5,8km, Long An 35,6km, Tiền Giang dài 14,2km. Đoạn qua Long An đi qua địa bàn 4 huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành và Tân Trụ.

Điểm đầu tại đường Phạm Hùng (TP.HCM), điểm cuối ngã ba Trung Lương, tỉnh Tiền Giang. Trên tuyến có 3 cầu: Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây.

Tổng vốn từ ngân sách để thực hiện dự án đoạn qua địa bàn tỉnh Long An hơn 18.673 tỷ đồng, trong đó phần GPMB trên 13.857 tỷ đồng.

Theo ông Tuấn, khi tuyến QL50B hoàn thành, sẽ tạo trục kết nối giao thông với đường Vành đai 3 và Vành đai 4 của TP.HCM, góp phần tăng cường kết nối tới các cửa ngõ quốc tế bằng đường biển (cảng Hiệp Phước, cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép, cảng Long An) và đường hàng không (sân bay quốc tế Long Thành).

Tin cùng chuyên mục