Bản tin thời sự sáng 27/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Y tế phân bổ 103.680 lọ thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 cho 33 đơn vị; người vào cảng Cát Lái, Hiệp Phước phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2; TP.HCM đưa thuốc kháng virus molnupiravir vào điều trị F0 tại nhà; lao động tự do ở Thừa Thiên Huế sẽ được hỗ trợ đến 2 triệu đồng...

Bộ Y tế phân bổ 103.680 lọ thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 cho 33 đơn vị

Đây là lần thứ 4 thuốc này được Bộ Y tế xuất cấp để phục vụ nhu cầu điều trị của các cơ sở y tế và cũng là lần xuất cấp thuốc Remdesivir nhiều nhất đến thời điểm này.

Bộ Y tế phân bổ 103.680 lọ thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 cho 33 đơn vị

Bộ Y tế phân bổ 103.680 lọ thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 cho 33 đơn vị

Bộ Y tế vừa phân bổ 103.680 lọ thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 cho 12 bệnh viện (trong đó có các trung tâm hồi sức tích cực Covid-19), 21 Sở Y tế các tỉnh, thành phố.

21 Sở Y tế các tỉnh, thành phố gồm: Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang, Hậu Giang, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, An Giang, Tiền Giang và Tây Ninh.

Đây là lần thứ 4 thuốc này được Bộ Y tế xuất cấp để phục vụ nhu cầu điều trị của các cơ sở y tế và cũng là lần xuất cấp thuốc Remdesivir nhiều nhất đến thời điểm này.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã phân bổ 3 đợt thuốc Remdesivir với 70.000 lọ.

Như vậy, đến nay đã có 173.680 lọ thuốc Remdesivir phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 được Bộ Y tế phân bổ cho các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 và Sở Y tế nhiều tỉnh, thành phố.

Số thuốc này nằm trong số 500.000 lọ thuốc Remdesivir do Tập đoàn Vingroup đã đàm phán mua để tặng Bộ Y tế phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19.

Remdesivir là là thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt khẩn cấp để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Với khả năng rút ngắn thời gian hồi phục và giảm mạnh tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... đưa vào phác đồ điều trị, và là một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới.

Người vào cảng Cát Lái, Hiệp Phước phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2

Từ ngày 27/8, người vào cảng và khu kho hàng trong cảng Cát Lái, Hiệp Phước phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 bằng test nhanh hoặc PCR trong 72 giờ.

Người vào cảng Cát Lái, Hiệp Phước phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2

Người vào cảng Cát Lái, Hiệp Phước phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2

Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn vừa gửi yêu cầu trên tới các hãng tàu, đại lý và xem đây biện pháp tăng cường chống dịch, đảm bảo hoạt động thông suốt tại các cơ sở cảng, cảng cạn (ICD).

Bình luận về quy định trên, Phó chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) Nguyễn Chánh Phương cho rằng, yêu cầu này của Tân Cảng Sài Gòn đưa ra là hợp lý trong bối cảnh dịch tại TP.HCM đang diễn biến hết sức phức tạp, cần có giải pháp để bảo vệ cảng an toàn.

Ông Phương cho biết thêm, nếu cảng không giữ được an toàn, sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu, thiếu người bốc dỡ hàng hoá..., cảnh ùn ứ như cách đây một tháng có thể tái diễn. Cảng an toàn thì mới tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá xuất nhập khẩu.

Cảng Cát Lái, Hiệp Phước tiếp tục tiếp nhận các tàu đăng ký cập cảng định kỳ như bình thường dù gặp không ít khó khăn.

Lãnh đạo Tân Cảng Sài Gòn cho biết, thời gian này vẫn duy trì hoạt động giao nhận, đóng/rút hàng tại kho CFS trong cảng Cát Lái. Ngoài ra, trong thời gian nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Tân Cảng Sài Gòn vẫn tiếp tục nhận tàu, xếp dỡ hàng hoá xuất, nhập tàu, hạ bãi container hàng... phục vụ xuất tàu và nâng, hạ container rỗng như bình thường.

TP.HCM đưa thuốc kháng virus molnupiravir vào điều trị F0 tại nhà

16.000 gói thuốc kháng virus molnupiravir sẽ được Sở Y tế TP.HCM đưa vào cộng đồng điều trị F0 đang cách ly tại nhà, từ ngày 27/8.

Thuốc molnupiravir được đưa vào điều trị F0 tại nhà ở TP.HCM

Thuốc molnupiravir được đưa vào điều trị F0 tại nhà ở TP.HCM

Thuốc được Sở Y tế phân bổ cho các quận huyện, dùng điều trị F0 có triệu chứng nhẹ, theo Hướng dẫn quy trình tiếp nhận, cấp phát và sử dụng thuốc molnupiravir, tối 25/8. Kế hoạch phân bổ thuốc căn cứ vào số lượng F0 đang cách ly tại nhà ở từng địa bàn.

Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn F0 về tác dụng của thuốc, cách uống và ký bản cam kết trước khi sử dụng thuốc. Trung tâm y tế địa phương tổng hợp tình hình sử dụng thuốc mỗi ngày trên địa bàn, tác dụng phụ của thuốc.

Molnupiravir được Bộ Y tế đưa vào chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc Covid-19 tại nhà và cộng đồng (home-based care). Thuốc bao gồm viên nang 200 mg, 400 mg do Ấn Độ và Việt Nam sản xuất, dùng đường uống, ngày hai lần với liều dùng 1.600 mg/ngày.

Hiện, viên nang molnupiravir 400 mg do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm Việt Nam sản xuất. Dự kiến, Stella sẽ cung cấp hơn 2,3 triệu viên để điều trị miễn phí cho 116.000 F0 tại cộng đồng ở TP HCM.

Theo Bộ Y tế, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng virus molnupiravir trong điều trị Covid-19 đã công bố tại một số quốc gia "cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt và làm sạch virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong".

Molnupiravir là loại thuốc kháng virus thứ hai được đưa vào điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam. Loại thuốc đang được sử dụng là remdesivir, dành cho bệnh nhân nặng, người trên 65 tuổi, béo phì đang điều trị ở bệnh viện. Remdesivir sử dụng theo đường tiêm tĩnh mạch.

Giá xăng, dầu đồng loạt giảm từ 15h ngày 26/8

Từ 15h ngày 26/8, mỗi lít xăng E5 RON 92 giảm 600 đồng, RON 95 giảm 550 đồng, các mặt hàng dầu đồng loạt giảm 350 - 510 đồng.

Giá xăng, dầu đồng loạt giảm từ 15h ngày 26/8

Giá xăng, dầu đồng loạt giảm từ 15h ngày 26/8

Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết, với việc điều chỉnh này, giá xăng E5 RON 92 tối đa 19.890 đồng còn xăng RON 95 giá cao nhất là 21.130 đồng.

Tương tự, các loại dầu cũng giảm dao động 350 - 500 đồng/lít. Trong đó, dầu diesel giảm 510 đồng, còn 15.660 đồng một lít. Dầu hoả giảm 410 đồng một lít, còn 14.760 đồng. Dầu madut tối đa 15.050 đồng một kg, tương đương mức giảm 350 đồng.

Cơ quan điều hành cũng chi 950 đồng từ quỹ để bù cho mỗi lít xăng E5 RON 92. Cùng đó, mỗi lít xăng RON 95 bán ra thị trường được trích vào quỹ bình ổn giá 150 đồng; dầu diesel và dầu hoả có cùng mức trích 400 đồng một lít; còn dầu madut là 300 đồng một kg.

Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân và xử lý nghiêm hành vi vi phạm nếu có.

Trước đó, tại kỳ điều hành gần đây nhất (11/8), giá xăng E5 RON 92 và xăng RON 95 được giữ nguyên so kỳ điều hành trước. Còn giá dầu diesel được điều chỉnh giảm 202 đồng/lít, dầu hỏa giảm 219 đồng/lít; dầu mazut giảm 117 đồng/kg. Xu hướng giảm giá xăng dầu bắt đầu từ khi dịch Covid-19 bùng phát phức tạp trở lại.

Australia cung cấp hơn 400.000 liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam

Chính phủ Australia vừa thông báo nước này sẽ cung cấp hơn 400.000 liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam để phòng chống dịch Covid-19.

Australia cung cấp hơn 400.000 liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam

Australia cung cấp hơn 400.000 liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam

Thông báo chung giữa Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne và Bộ trưởng Phát triển quốc tế và Thái Bình Dương Zed Seselji cho biết, Australia sẽ cung cấp hơn 400.000 liều vaccine ngừa Covid-19 cho Việt Nam trong tuần này.

Theo thông báo, đây là một phần trong cam kết hợp tác với “người bạn thân thiết, nước đối tác chiến lược” của Australia. Đây cũng là đợt chuyển giao đầu tiên, trong cam kết của Australia về việc chia sẻ 1,5 triệu liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam.

Thông báo đề cập đến gói hỗ trợ liên quan đến vaccine trị giá 40 triệu USD mà Australia dành tặng chính phủ và nhân dân Việt Nam. Australia cũng đang hợp tác với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) nhằm mua thêm vaccine và hỗ trợ Việt Nam chống dịch.

Thông báo cho biết Australia sẽ cung cấp các khoản hỗ trợ cho vật dụng y tế và đào tạo nhân lực để duy trì dây chuyền bảo quản cũng như công tác phân phối vaccine đến các địa phương xa xôi của Việt Nam.

Đến nay, Australia đã cung cấp hơn 2 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho khu vực Thái Bình Dương và Đông Nam Á.

Đà Nẵng cho phép mở lại một số chợ truyền thống đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch

Các chợ được hoạt động trở lại phải đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch. Ban quản lý, tiểu thương, người lao động tại chợ đều đã tiêm vaccine; tiến hành xét nghiệm PCR 3 ngày/lần.

Chính quyền Đà Nẵng cho các chợ truyền thống hoạt động trở lại phải đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch

Chính quyền Đà Nẵng cho các chợ truyền thống hoạt động trở lại phải đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh vừa đồng ý về việc khôi phục lại các chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố và cửa hàng tạp hóa tại khu dân cư.

Theo đó, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cơ bản thống nhất cho mở lại các chợ truyền thống trên địa bàn theo đề xuất của Sở Công Thương.

Các chợ được hoạt động trở lại phải đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch. Ban quản lý, tiểu thương, người lao động tại các chợ đã tiêm vaccine, xét nghiệm PCR 3 ngày/lần, tuân thủ 5K, sử dụng kính chắn giọt bắn, niêm yết giá tại các quầy hàng.

Các chợ không bán hàng trực tiếp cho người dân, chỉ bán qua Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng (ở Đà Nẵng mỗi tổ dân phố có một Tổ phòng, chống Covid-19). Ban quản lý bố trí các quầy, sạp bán hàng cách nhau tối thiểu 5 m, có rào chắn và kiểm soát chặt lối ra vào cổng chợ.

Lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng cũng cơ bản thống nhất đề xuất cho phép mỗi phường, xã có 3 xe tải để vận huyển hàng hóa thiết yếu, một ôtô 5 chỗ phục vụ xử lý chung các tình huống phát sinh trên địa bàn.

Dự kiến, ngày 27/8 các chợ: An Hải Bắc (quận Sơn Trà), Hàn (quận Hải Châu), Hòa Khánh, Nam Ô (quận Liên Chiểu)... được mở bán trở lại.

Lao động tự do ở Thừa Thiên Huế sẽ được hỗ trợ đến 2 triệu đồng

Lao động tự do ở Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ được hỗ trợ từ 1,5 - 2 triệu đồng mỗi người.

Xe xích lô chở khách nằm trong nhóm lao động tự do sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng mỗi người một lần

Xe xích lô chở khách nằm trong nhóm lao động tự do sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng mỗi người một lần

HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thông qua nghị quyết với khoản chi 67,5 tỷ đồng hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng (lao động tự do) bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Mức hỗ trợ đối với lao động tự do là 1,5 triệu đồng mỗi người một lần. Riêng lao động làm việc tại các nhà hàng, quán ăn, điểm bán hàng đặc sản, lưu niệm dọc tuyến Quốc lộ 1A phải tạm nghỉ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng mỗi người.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế Đặng Hữu Phúc cho biết, đơn vị đã thống kê toàn Tỉnh có hơn 30.000 lao động tự do và một số trường hợp khác trong diện nhận hỗ trợ.

Sở đã phân loại lao động tự do thành các nhóm, như: người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, thu mua phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa bằng xe ba gác, xe thô sơ; lái xe ôm truyền thống (không tính grab, shipper), xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, du lịch.

Các trường hợp bị ảnh hưởng theo quy định để phòng chống dịch từ 1/5 đến nay cũng sẽ được nhận hỗ trợ, trong đó có lao động không có giao kết hợp đồng thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp ở các vùng bị phong tỏa, giãn cách xã hội.

Thanh Hóa cấm tắm biển Sầm Sơn từ 12h ngày 26/8

Người dân và du khách sẽ không được tắm biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) do địa phương này vừa ghi nhận một bệnh nhi 7 tuổi dương tính Covid-19.

Du khách và người dân sẽ không được tắm biển Sầm Sơn từ 12h ngày 26/8

Du khách và người dân sẽ không được tắm biển Sầm Sơn từ 12h ngày 26/8

Lệnh cấm tắm biển áp dụng từ 12h ngày 26/8 đến khi có thông báo mới, theo Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn Lê Văn Tú. Các hoạt động thể dục thể thao ngoài trời như khiêu vũ, thể dục nhịp điệu trên bãi biển, đá bóng, chơi golf..., cũng bị chính quyền cấm tại thành phố biển này từ hôm nay.

Nhà chức trách lập 5 chốt kiểm soát đóng trên các quốc lộ, tỉnh lộ để kiểm soát người và phương tiện ra vào thành phố.

Động thái nêu trên được đưa ra sau khi Sầm Sơn ghi nhận một cháu nhỏ ở phường Trường Sơn nghi nhiễm Covid-19 trong thời gian bé sinh sống với ông bà ở ổ dịch thị trấn Nông Cống, huyện Nông Cống.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn yêu cầu các huyện thị, thành phố khẩn trương lập chốt kiểm soát trên các quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện để quản lý, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào địa bàn, bảo đảm hoàn thành trước 17h ngày 26/8.

Lực lượng công an sẽ kiểm tra nghiêm ngặt các phương tiện lưu thông, kể cả xe cứu thương, xe công vụ, xe container... được cấp phép luồng xanh, nhằm tránh bị lợi dụng.

Tin cùng chuyên mục