Bản tin thời sự sáng 29/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là xa lộ Hà Nội thử nghiệm thu phí từ 27 - 30/3; giao ACV dự án hơn 1.500 tỷ đồng mở rộng sân bay Điện Biên; giải thể Bệnh viện Dã chiến số 2 Hải Dương; hơn 68.000 thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM…

Xa lộ Hà Nội thử nghiệm thu phí từ 27 - 30/3

Trong ba ngày, trạm BOT xa lộ Hà Nội (TP.HCM) thu phí thử nghiệm, giúp phần mềm và thiết bị hoạt động ổn định, nhân viên thuần thục thao tác, để thu chính thức từ 0h ngày 1/4.

Thu phí thử nghiệm khi ra vào trạm xa lộ Hà Nội

Thu phí thử nghiệm khi ra vào trạm xa lộ Hà Nội

Bốn trạm tại xa lộ Hà Nội, TP. Thủ Đức, gắn bảng thông báo thu phí thử nghiệm từ 22h ngày 27/3 đến 22h ngày 30/3. Công tác thu phí thử nghiệm thực hiện tại 8 trong tổng số 16 làn xe ở 4 trạm.

Theo anh Nguyễn Quốc Tuấn, nhân viên thu phí cho biết, việc lắp đặt thiết bị, cài đặt phần mềm được thực hiện gần hơn 10 ngày trước. Quá trình vận hành thử nghiệm giúp nhân viên thuần thục thao tác soi chiếu, xé vé và kiểm tra lỗi hệ thống để khi thu phí chính thức công việc sẽ thuận lợi hơn.

Việc thu phí nhằm hoàn vốn Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 đoạn từ nút giao Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn dài 4,2 km, rộng 113 m. Giá vé lượt thấp nhất 25.000 đồng dành cho xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn và xe buýt. Giá vé lượt cao nhất 140.000 đồng cho xe tải trên 18 tấn và container 40 feet.

Giao ACV dự án hơn 1.500 tỷ đồng mở rộng sân bay Điện Biên

Thủ tướng vừa chấp thuận giao ACV là nhà đầu tư Dự án mở rộng sân bay Điện Biên với kinh phí 1.547 tỷ đồng.

Giao ACV dự án hơn 1.500 tỷ đồng mở rộng sân bay Điện Biên

Giao ACV dự án hơn 1.500 tỷ đồng mở rộng sân bay Điện Biên

Mục tiêu của Dự án là mở rộng cảng hàng không Điện Biên, cải tạo nhà ga lên công suất 0,5 triệu khách một năm, đảm bảo đón được các tàu bay Airbus A320, A321 và tương đương. Hiện tại, sân bay này chỉ đón được các loại tàu bay nhỏ như ATR72 và có công suất 0,3 triệu khách mỗi năm.

Dự án sẽ được thực hiện trong 34 tháng kể từ khi chấp thuận chủ trương đầu tư. Thời hạn hoạt động là 50 năm. Kinh phí thực hiện dự án là 1.547 tỷ đồng, trong đó, vốn của ACV chiếm 100%.

Theo quy hoạch chi tiết của Bộ Giao thông vận tải, định hướng đến năm 2030, sân bay Điện Biên sẽ có công suất 2 triệu lượt khách và 10.000 tấn hàng hóa mỗi năm, với 6 vị trí đỗ máy bay, gồm 3 cho tàu bay ATR72 và 3 cho tàu bay A320.

Giải thể Bệnh viện Dã chiến số 2 Hải Dương

Sáng ngày 28/3, Bệnh viện Dã chiến số 2 đặt tại Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương giải thể sau hai tháng tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19.

Giải thể Bệnh viện Dã chiến số 2 Hải Dương

Giải thể Bệnh viện Dã chiến số 2 Hải Dương

Theo Bác sĩ Nguyễn Hằng Lan, Giám đốc Bệnh viện Kỹ thuật Y tế Hải Dương, bệnh viện đã hoàn thành sứ mệnh. Sau giải thể, bệnh viện sẽ được khử khuẩn, làm sạch toàn bộ theo quy định và đón bệnh nhân khám chữa bệnh bình thường.

Bệnh viện Dã chiến số 2 hoạt động từ ngày 29/1, sau 22 giờ được thần tốc thiết lập. Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 từ nhẹ đến nặng, đầy đủ trang thiết bị, thực hiện kỹ thuật hiện đại nhất, hệ thống ECMO, khu hồi sức tích cực..., có khả năng xét nghiệm 1.000 mẫu một ngày.

Bệnh viện được hỗ trợ toàn diện về chuyên môn của các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai, từ khâu kiểm soát nhiễm khuẩn đến hồi sức tích cực.

Ngay ngày đầu tiên, bệnh viện đã tiếp nhận 29 bệnh nhân. Đến nay, sau 2 tháng, bệnh viện đã điều trị cho 376 người, lớn tuổi nhất là 92, nhỏ nhất 21 ngày tuổi. Trong đó, 52 bệnh nhân là trẻ em, 36 bệnh nhân trên 60 tuổi và 38 bệnh nhân có bệnh lý nền.

Bệnh viện ghi nhận 140 bệnh nhân có tổn thương phổi. Đặc biệt, Khoa Hồi sức tích cực đã điều trị 12 bệnh nhân nặng, trong đó có một bệnh nhân rất nặng và nguy kịch, song đã vượt qua và ra viện.

Hiện, đã có 323 bệnh nhân được công bố khỏi và ra viện, còn 53 bệnh nhân được chuyển đến các cơ sở khác để điều trị tiếp.

Sắp thông xe tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn có tổng đầu tư 4.300 tỷ đồng

Đường Mỹ Phước - Tân Vạn (tỉnh Bình Dương ) dài 62 km với 10 làn đang hoàn thiện, nối Quốc lộ 1 đến Trung tâm hành chính huyện Bàu Bàng.

Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn giai đoạn 2 chạy qua rừng cao su ở huyện Bàu Bàng
Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn giai đoạn 2 chạy qua rừng cao su ở huyện Bàu Bàng

Tổng vốn đầu tư khoảng 4.300 tỷ đồng, đường Mỹ Phước - Tân Vạn được khởi công từ năm 2009, bắt đầu từ ngã ba Tân Vạn (Quốc lộ 1), TP. Dĩ An đến trước Trung tâm hành chính huyện Bàu Bàng (Quốc lộ 13). Trong đó, 42 km giai đoạn 1 từ Quốc lộ 1 đến thị xã Bến Cát đã hoàn thành, đưa vào hoạt động từ năm 2015.

Trong giai đoạn 1 có một khúc chia cắt do vướng mặt bằng, dài khoảng 500 m qua phường Định Hòa. Đến nay, đoạn đường trên đã hoàn thành, sắp kết nối hoàn chỉnh 42 km của giai đoạn 1.

Đoạn đường 15 km từ tỉnh lộ 741 đến phường Mỹ Phước được hoàn thành từ 2015, có 10 làn, trong đó 6 làn dành cho ôtô song chưa thể lưu thông do vướng mặt bằng gần nút giao này.

Theo ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc sở Giao thông vận tải Bình Dương, trong giai đoạn 2 từ thị xã Bến Cát đi huyện Bàu Bàng còn nhiều hộ dân vẫn chưa di dời. Hiện 7 gia đình cuối cùng đã nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng.

Dự án Mỹ Phước - Tân Vạn do Tổng công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư. Dự kiến đến cuối năm 2021, 62 km sẽ được thông xe toàn tuyến.

Hơn 68.000 thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM

Hơn 68.000 thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt một do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức tại 65 điểm ở 7 tỉnh, thành phía Nam, ngày 28/3.

Thí sinh ôn bài trước giờ thi tại điểm thi Đại học Công nghiệp TP.HCM, quận Gò Vấp

Thí sinh ôn bài trước giờ thi tại điểm thi Đại học Công nghiệp TP.HCM, quận Gò Vấp

Tại cụm thi Đại học Công nghiệp TP.HCM (quận Gò Vấp), hàng nghìn thí sinh có mặt từ sáng 28/3, làm các thủ tục dự thi. Tất cả đều đeo khẩu trang, khai báo y tế và các biện pháp chống dịch. Nhiều học sinh tỏ ra tự tin, trong khi một số em hồi hộp trước kỳ thi quan trọng, quyết định con đường vào đại học.

Tại khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM (giáp ranh giữa TP. Thủ Đức và TP. Dĩ An, Bình Dương), nơi tập trung hơn 10 điểm thi, nhiều xe ùn ứ cục bộ trước giờ thi. Đây là nơi dự thi của hơn 20.000 thí sinh, chủ yếu ở TP.HCM và một số tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh...

Bước vào cổng điểm thi Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc tế, Đại học Kinh tế - Luật, tất cả thí sinh được rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt. Em nào quên khẩu trang được phát miễn phí. Ngoài các giấy tờ tuỳ thân, giấy báo dự thi, thí sinh phải trình bản khai báo y tế online.

Trước đó, gần 70.000 thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực đợt 1. Trong đó, TP.HCM có đông thí sinh nhất với hơn 50.000 em, dự thi tại 35 điểm thi. Kỳ thi còn được tổ chức tại Đà Nẵng, Khánh Hoà, Đăk Lăk, Bến Tre, An Giang, Bạc Liêu; mỗi nơi 1.000 - 5.000 thí sinh.

Đây là năm thứ tư Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức thi đánh giá năng lực. Hiện 70 trường đại học, cao đẳng đã sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh, trong đó có 10 trường, khoa thành viên của Đại học Quốc gia TP.HCM.

Công an Hà Tĩnh bắt giữ xe tải chở trái phép gần 3 tấn gỗ quý

Kiểm tra xe tải biển Hà Nội chạy trên Quốc lộ 1A, cảnh sát phát hiện sau thùng đông lạnh chất đầy gỗ trắc không có giấy tờ.

Gỗ trắc được được giấu trong thùng đông lạnh của xe tải

Gỗ trắc được được giấu trong thùng đông lạnh của xe tải

Tổ tuần tra thuộc phòng Cảnh sát giao thông (Công an Hà Tĩnh) vừa ra hiệu lệnh dừng kiểm tra, vì nghi chở hàng cấm xe tải đông lạnh do tài xế Nông Thanh Thân, trú tỉnh Thái Nguyên điều khiển tại địa bàn xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh.

Cảnh sát phát hiện phía sau thùng chuyên dùng để đựng hàng đông lạnh của xe tải chất hàng trăm thanh gỗ trắc, tổng trọng lượng gần 3 tấn.

Tài xế thân không xuất trình được giấy tờ, chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số gỗ. Anh này khai nhận vận chuyển số gỗ trên cho một chủ hàng quen qua mạng, đưa từ Gia Lai ra Hà Nội, xong việc được trả công 18 triệu đồng.

Cảnh sát giao thông đang hoàn tất hồ sơ, bàn giao tang vật cho phòng Cảnh sát kinh tế (Công an Hà Tĩnh) xử lý.

Phạt hơn 390 triệu đồng nhà máy xả thải khiến cá tôm chết la liệt trên sông

Công ty Tuấn Vinh ở huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) bị phạt hơn 390 triệu đồng do xả thải bẩn ra sông Âm, khiến cá tôm chết hàng loạt.

Hệ thống xử lý nước thải không đạt chuẩn của doanh nghiệp Tuấn Vinh

Hệ thống xử lý nước thải không đạt chuẩn của doanh nghiệp Tuấn Vinh

Ngày 28/3, đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Sản xuất thương mại vận tải Tuấn Vinh (Cụm công nghiệp Bãi Bùi, thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh) số tiền nói trên, về hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Cơ quan chức năng xác định, những ngày cuối tháng một, trên tuyến sông Âm đoạn chảy qua địa bàn xã Vân Am, Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc ghi nhận tình trạng cá, tôm tự nhiên trên sông chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Tại khu vực thuỷ sản chết có khối nước đen chảy qua, bốc mùi hôi, sủi bọt...

Ngành Tài nguyên và Môi trường sau đó kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất giấy, bột giấy tại Cụm công nghiệp Bãi Bùi, phát hiện cơ sở của doanh nghiệp Tuấn Vinh đã xả lượng lớn nước thải không qua xử lý ra môi trường, khiến sông Âm ô nhiễm.

Kết quả kiểm định, nhiều chỉ tiêu môi trường tại bể chứa thải của đơn vị này vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần, nên cơ quan chức năng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt.

Năm 2017, Công ty Tuấn Vinh từng bị xử phạt 160 triệu đồng với hành vi xây đường ống ngầm trái phép, xả thải bẩn ra sông Âm khiến cá chết hàng loạt.

Tin cùng chuyên mục