Bản tin thời sự sáng 29/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Chủ tịch nước đề nghị kiểm tra việc tha tù trước hạn cho Phan Sào Nam; khách đến sân bay Nội Bài tăng mạnh dịp 30/4; dỡ rào chắn tuyến Metro số 1 trả lại không gian thông thoáng đường Lê Lợi; 36 người bị truy tố trong vụ án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Hà Nội vào cuộc kiểm tra dự án xây hơn 6.000 m2 không phép…

Chủ tịch nước đề nghị kiểm tra việc tha tù trước hạn cho Phan Sào Nam

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa đề nghị Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao kiểm tra về Phan Sào Nam - phạm nhân bị VKS cấp cao cho rằng không đủ điều kiện tha tù trước hạn.

Phan Sào Nam tại phiên tòa ở TAND tỉnh Phú Thọ

Phan Sào Nam tại phiên tòa ở TAND tỉnh Phú Thọ

Trước đó, ngày 14/4, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Hà Nội ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm với hai quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù trong năm 2020 và 2021 của TAND tỉnh Quảng Ninh với phạm nhân Phan Sào Nam, cựu Chủ tịch VTC Online.

Theo kháng nghị, Nam bị TAND Cấp cao tại Hà Nội phạt 5 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền; thời hạn tính từ ngày bị bắt (tháng 10/2017). Phạm nhân thi hành án tại Trại giam Quảng Ninh.

Ngày 29/4/2020, TAND tỉnh Quảng Ninh chấp nhận đề nghị của trại này về việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 19 tháng cho Nam. Ngày 4/2, TAND tỉnh Quảng Ninh lần thứ hai chấp nhận đề nghị của Trại giam Quảng Ninh, giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại là 3 tháng 7 ngày. Phạm nhân Nam ra trại ngày 6/2, sớm 22 tháng so với thời hạn.

VKSND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng hai quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của TAND tỉnh Quảng Ninh là không đủ điều kiện và không có căn cứ. Cơ quan này đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy hai quyết định này.

Khách đến sân bay Nội Bài tăng mạnh dịp 30/4

Dự kiến lượng khách đi và đến Nội Bài tăng 40% so với cùng kỳ năm 2019, sân bay phải bổ sung 4 máy soi chiếu, huy động thêm nhân viên hỗ trợ khách.

Hành khách làm thủ tục bay tại sảnh E nhà ga T1

Hành khách làm thủ tục bay tại sảnh E nhà ga T1

Chiều 28/4, tại sảnh E nhà ga T1 nội địa, các quầy làm thủ tục của Vietjet Air, Pacific Airlines và khu kiểm tra an ninh luôn đông kín hành khách. Tại cửa soi chiếu an ninh, dòng người xếp hàng khá trật tự, thời gian chờ khoảng 15 - 20 phút.

Theo ông Tô Tử Hà, Giám đốc sân bay quốc tế Nội Bài, ngày 28/4, Nội Bài đón tiếp trên 78.600 lượt khách với 437 chuyến bay đến và đi. Dự kiến dịp cao điểm 30/4 - 1/5, mỗi ngày lượng hành khách đi và đến đạt 78.000 - 80.000, với trên 500 chuyến bay, gấp 30% ngày thường và 40% so với cùng kỳ 2019, trước khi bùng phát Covid-19.

Để phục vụ lượng khách tăng cao đột biến, sân bay Nội Bài đã bổ sung 4 máy soi chiếu ngoài 18 máy hiện có, công suất mỗi máy 140 - 170 hành khách mỗi giờ. Thường khách đông nhất vào 7 - 8h sáng, toàn bộ máy soi chiếu và nhân viên an ninh được huy động.

Sân bay cũng huy động nhiều đoàn viên thanh niên hỗ trợ hành khách khai báo y tế tại 6 máy tính ở các sảnh. Tại sảnh E, mỗi giờ có khoảng 30 - 50 hành khách yêu cầu hỗ trợ khai báo, phần lớn là người lớn tuổi, không có điện thoại thông minh. Sau khi khai báo, khách chụp lại mã QR bằng điện thoại; nếu không có điện thoại sẽ được nhân viên ghi mã xác nhận vào thẻ lên máy bay.

Hiện nay, sân bay quốc tế Nội Bài có 102 quầy làm thủ tục tại nhà ga T1, có khả năng phục vụ 4.080 khách mỗi giờ. Nhà ga T1 có khả năng phục vụ tối đa 22 chuyến bay mỗi giờ, hiện khung giờ cao điểm nhất vào buổi sáng (7 - 8h) có 17 chuyến bay, các chuyến bay khác dải đều trong ngày.

Dịp nghỉ lễ 30/4 người lao động được nghỉ 4 ngày, từ 30/4 - 3/5. Nhu cầu đi lại tăng từ 28/4 và cao nhất ngày 29 - 30/4.

Dỡ rào chắn tuyến Metro số 1 trả lại không gian thông thoáng đường Lê Lợi

Rào chắn phía trước Nhà hát TP.HCM được tái lập, trả lại không gian thông thoáng và sạch đẹp cho khu vực này.

Rào chắn phục vụ thi công tuyến metro số 1 trên đường Lê Lợi, trước Nhà hát Thành phố đã được tháo dỡ

Rào chắn phục vụ thi công tuyến metro số 1 trên đường Lê Lợi, trước Nhà hát Thành phố đã được tháo dỡ

Chiều 28/4, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (Ban QLĐS) cùng Liên danh Nhà thầu Shimizu - Maeda đã tháo dỡ toàn bộ rào chắn trên đường Lê Lợi phía trước Nhà hát Thành phố (đoạn Nguyễn Huệ - Pasteur) thuộc Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Mặt bằng sau khi tái lập rất thông thoáng và sạch đẹp. Ban đã bàn giao hiện trạng cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng); Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT) để các đơn vị quản lý.

Theo Ban QLĐS, đây là hạng mục thi công vượt tiến độ, sớm hơn 3 ngày so với chỉ đạo của UBND Thành phố và sớm hơn 33 ngày so với kế hoạch thi công ban đầu của nhà thầu là 30/5.

Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên có chiều dài 19,7km gồm 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao, với 14 nhà ga bao gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao được khởi công xây dựng từ tháng 8/2012.

36 người bị truy tố trong vụ án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Hai phó tổng giám đốc VEC Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào cùng 34 người bị cáo buộc có sai phạm khiến nhiều đoạn trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa làm xong đã hỏng.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được sửa chữa, nâng cấp năm 2018

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được sửa chữa, nâng cấp năm 2018

36 người bị VKSND Tối cao truy tố về tội Vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo Khoản 3 Điều 224 Bộ luật Hình sự; khung hình phạt 10 - 20 năm tù.

Các bị can hầu hết là cán bộ, lãnh đạo của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), các đơn vị tư vấn, giám sát dự án. Trong số này, ngoài ông Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào còn có ông Takao Inami, quốc tịch Nhật Bản, nguyên tư vấn trưởng, Giám đốc Văn phòng giám sát dự án; Hoàng Việt Hưng, giám đốc ban quản lý dự án.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 139 km, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Quảng Ngãi. Giai đoạn một của dự án dài 65 km, từ Đà Nẵng đến TP. Tam Kỳ, Quảng Ngãi, có 8 gói thầu xây lắp chủ yếu là đường và cầu.

Sau hơn 4 năm khởi công, ngày 1/8/2017, Dự án đưa vào khai thác giai đoạn một với 65 km và ngày 2/9/2018 bắt đầu khai thác nốt giai đoạn 2 với 74,2 km. Mới sử dụng nhưng đoạn 65 km đã xuất hiện nhiều điểm hỏng trên mặt đường bê tông nhựa, ảnh hưởng đến khai thác.

Hà Nội vào cuộc kiểm tra dự án xây hơn 6.000m2 không phép

Công ty CP Đầu tư An Lạc đã xây dựng công trình không phép tại ô đất ký hiệu C1-CT thuộc Dự án Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony (Hoài Đức, Hà Nội).

Dù chưa có giấy phép xây dựng, Công ty Cổ phần Đầu tư An Lạc vẫn thi công hơn 6.000m2 không phép bất chấp quy định

Dù chưa có giấy phép xây dựng, Công ty Cổ phần Đầu tư An Lạc vẫn thi công hơn 6.000m2 không phép bất chấp quy định

Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản thông báo kiểm tra hoạt động xây dựng công trình nhà ở cao tầng C1-CT, C2-CT thuộc Dự án Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức. Thanh tra Sở Xây dựng cho biết, thời gian kiểm tra vào ngày 6/5 tới đây.

Theo thông báo, nội dung kiểm tra gồm: Kiểm tra điều kiện khởi công (hồ sơ pháp lý); Kiểm tra việc thi công xây dựng theo giấy phép xây dựng, quy hoạch và hồ sơ thiết kế được cấp thẩm quyền phê duyệt; Kiểm tra việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công, việc mua bảo hiểm của các bên tham gia thực hiện theo yêu cầu.

Liên quan đến dự án này, trước đó, ngày 20/4, Đội quản lý Trật tự xây dựng huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng tại Dự án Khu đô thị An Lạc Green Symphony.

Biên bản vi phạm nêu rõ, Công ty CP Đầu tư An Lạc (có địa chỉ tại Đống Đa, Hà Nội) do ông Nguyễn Trọng Thông là người đại diện pháp luật, Chủ tịch HĐQT đã có hành vi vi phạm hành chính tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng, đối với công trình xây dựng yêu cầu phải lập dự án đầu tư xây dựng.

Cũng theo biên bản, công trình xây dựng không phép tại ô đất có ký hiệu C1-CT, Khu đô thị An Lạc Green Symphony, chủ đầu tư đang tổ chức thi công phần hầm, diện tích 6.177 m2.

Coolcat bị tố cáo lừa hơn 200 tỷ đồng

Công an TP.HCM đã nhận hơn 700 đơn trình báo của hàng nghìn người từ nhiều tỉnh thành, trình báo bị app Coolcat lừa, chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng.

Người dân đến Công an TP.HCM trình báo bị CoolCat lừa

Người dân đến Công an TP.HCM trình báo bị CoolCat lừa

Theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, thủ đoạn của Coolcat là kêu gọi nộp tiền đầu tư, hưởng lãi cao, dù giao dịch thua vẫn được bảo hiểm 100% vốn.

Từ đầu năm, Coolcat quảng cáo là công ty bảo hiểm giao dịch đầu tư, hoạt động đã hơn 5 năm, có tập đoàn mẹ ở Anh và được cấp phép bởi Uỷ ban chứng khoán Bahamas. Coolcat nhận là "công ty duy nhất bảo hiểm 100% vốn giao dịch ở Việt Nam" nên an toàn tuyệt đối, không sợ thua lỗ. Tại TP.HCM, trụ sở công ty nằm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh.

Coolcat giới thiệu 6 gói bảo hiểm để mọi người lựa chọn. Gói thấp nhất có giá 1,3 triệu đồng, lãi 60.000 đồng một ngày. Gói cao nhất 210 triệu đồng, lãi 9,7 triệu đồng một ngày. Nhà đầu tư muốn mua gói bảo hiểm nào, chỉ cần đăng ký và nộp tiền vào tài khoản của các cá nhân do Coolcat đưa ra.

Mỗi ngày, nhà đầu tư sẽ bấm dự đoán giá vàng, ngoại tệ, tiền ảo Bitcoin... lên hoặc xuống. Nếu đoán đúng, họ nhận 73% tiền thắng. Nếu sai, vốn của họ sẽ bị trừ tiền. Nhưng khi thua liên tiếp 6 lần thì nhà đầu tư phải dừng lại. Khi đó, các chuyên gia Coolcat sẽ "đánh hộ" ván 7 với cam kết thắng 80-90% để bù lỗ. Nếu không, Coolcat sẽ đền 100% số tiền thua của 6 lần trước.

Tuy nhiên, đến ngày 16/4, nhà đầu tư trên cả nước không thể truy cập app. Nhiều người tìm đến tòa nhà được cho là trụ sở của Coolcat ở quận Bình Thạnh mới biết là địa chỉ ảo.

Từ ngày 19/4 đến nay, hàng trăm người đến Công an TP.HCM nộp đơn tố cáo bị ứng dụng Coolcat chiếm đoạt tiền. Cơ quan điều tra phải tiếp nhận trình báo cả ngày chủ nhật.

Không đeo khẩu trang, du khách Đà Lạt bị xử phạt

41 người dân và du khách không đeo khẩu trang khi ra đường ở TP. Đà Lạt, Lâm Đồng, bị cơ quan chức năng xử phạt tổng cộng 48 triệu đồng.

Chốt chặn vận động tuyên truyền người dân đeo khẩu trang trước chợ Đà Lạt

Chốt chặn vận động tuyên truyền người dân đeo khẩu trang trước chợ Đà Lạt

Mức phạt từ một đến 3 triệu đồng mỗi người được lực lượng liên ngành đưa ra trong ngày đầu tiên (28/4) TP. Đà Lạt siết chặt việc thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế để phòng chống Covid-19.

Theo bà Trần Thị Vũ Loan, Phó chủ tịch Thành phố, việc xử phạt sẽ áp dụng liên tục trong thời gian tới, nhất là những ngày lễ.

TP. Đà Lạt có khoảng 2.200 cơ sở lưu trú, bao gồm 29.282 phòng, khoảng 43.000 giường, sức chứa gần 50.000 lượt khách một đêm.

Theo Trung tâm Xúc tiến du lịch Lâm Đồng, hiện phần lớn cơ sở lưu trú ở trung tâm Đà Lạt đã kín phòng. Tại những khu vực vùng ven, du khách cũng khó tìm được phòng thuê, hoặc phải thuê giá cao hơn ngày thường 50 - 100%.

Tin cùng chuyên mục