Bản tin thời sự sáng 29/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Y tế đề nghị TP.HCM làm rõ 150.000 F0 chưa có mã số; giảm 50% giá dịch vụ cất hạ cánh cho các chuyến bay nội địa; giảm 30% tiền thuê đất cho đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19; bắt tạm giam doanh nhân bất động sản trúng đấu giá 262 lô đất tại Phú Yên; Hà Nội đề nghị tiếp tục dừng chuyến bay thương mại…

Bộ Y tế đề nghị TP.HCM làm rõ 150.000 F0 chưa có mã số

Bộ Y tế cho rằng Sở Y tế TP.HCM có trách nhiệm báo cáo ca Covid-19 (F0) thông qua Hệ thống cấp mã số ca bệnh tự động, song chưa thực hiện đối với 150.000 trường hợp test nhanh dương tính.

Bộ Y tế đề nghị TP.HCM làm rõ 150.000 F0 chưa có mã số

Bộ Y tế đề nghị TP.HCM làm rõ 150.000 F0 chưa có mã số

Ngày 28/9, quan điểm này được Bộ Y tế đưa ra sau khi Sở Y tế TP.HCM đề nghị cấp mã số cho khoảng 150.000 người có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính (từ 20/8 đến nay) chưa được quản lý bằng mã số quốc gia. Lý do được Sở Y tế TP.HCM đưa ra là chỉ những trường hợp xét nghiệm RT-PCR dương tính mới được cấp mã số như hướng dẫn hiện nay của Bộ Y tế.

Về vấn đề này, Bộ Y tế cho biết, từ đầu tháng 4, các địa phương cập nhật ca nhiễm trên địa bàn lên Hệ thống mã số ca bệnh quốc gia về dịch Covid-19. Hệ thống sẽ tự động cấp mã số bệnh nhân, và là căn cứ để Bộ công bố ca nhiễm hàng ngày.

Trong đợt bùng phát dịch tại TP.HCM vừa qua, có những thời điểm Thành phố cần nhanh chóng xét nghiệm để phát hiện sớm F0 và cách ly khỏi cộng đồng để tránh lây nhiễm. Do đó, ngày 20/8, Bộ phận Thường trực đặc biệt về phòng chống dịch của Bộ Y tế tại TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn: Kết quả test nhanh dương tính được ghi nhận là F0 đối với những trường hợp được chỉ định cách ly tại nhà, chỉ thực hiện xét nghiệm RT-PCR khẳng định đối với trường hợp đưa đến các khu cách ly y tế tập trung…

Công văn lần này của Bộ Y tế nêu, việc báo cáo ca bệnh Covid-19 là do Sở Y tế TP.HCM có trách nhiệm chủ động tổ chức thực hiện thông qua Hệ thống cấp mã số ca bệnh tự động. Bộ Y tế chỉ ra, từ khi dịch bệnh xảy ra đến nay, Sở Y tế TP.HCM chưa báo cáo ca bệnh Covid-19 có kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính qua Hệ thống cấp mã số ca bệnh tự động... Do đó, Bộ Y tế đề nghị Sở "rút kinh nghiệm về việc chậm trễ" và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo.

Giảm 50% giá dịch vụ cất hạ cánh cho các chuyến bay nội địa

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giảm giá dịch vụ hàng không nhằm góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí, tạo điều kiện cho các hãng hàng không có thể duy trì hoạt động, vượt qua dịch Covid-19.

Bộ Giao thông Vận tải giảm 50% giá dịch vụ cất hạ cánh cho các chuyến bay nội địa

Bộ Giao thông Vận tải giảm 50% giá dịch vụ cất hạ cánh cho các chuyến bay nội địa

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký ban hành thông tư về quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay.

Theo đó, từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/12/2021, mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa áp dụng bằng 50% mức quy định tại Thông tư số 53/2019 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

Khung giá đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 53 gồm: Dịch vụ thuê sân đậu tàu bay, dịch vụ thuê quầy làm thủ tục hành khách, dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý, dịch vụ thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay, dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không… áp dụng khung giá với mức tối thiểu là 0 đồng, mức tối đa được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 53/2019.

Từ ngày 1/1/2022 trở đi tiếp tục thực hiện theo mức giá quy định tại Thông tư số 53.

Giảm 30% tiền thuê đất cho đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19

Doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân... đang thuê đất hàng năm của Nhà nước sẽ được giảm 30% tiền thuê năm 2021, theo quyết định của Thủ tướng.

Giảm 30% tiền thuê đất cho đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19

Giảm 30% tiền thuê đất cho đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19

Quy định này áp dụng cho cả người thuê đất không thuộc đối tượng miễn, giảm và trường hợp đang được giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Tuy nhiên, quyết định giảm tiền thuê đất này không áp dụng với các khoản nợ phát sinh trước năm 2021 và tiền chậm nộp.

Để được hưởng chính sách này, người thuê đất của Nhà nước cần hoàn thiện hồ sơ gồm: giấy đề nghị giảm tiền thuê đất năm nay theo mẫu, bản sao quyết định cho thuê hoặc hợp đồng thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Người thuê đất chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, đảm bảo đúng đối tượng được giảm.

Sau khi hoàn thiện hồ sơ, người thuê đất nộp cho cơ quan thuế, ban quản lý khu kinh tế, khu công nghệ cao... từ nay tới 31/12 và được cơ quan có thẩm quyền xem xét, ra quyết định giảm thuế trong không quá 30 ngày từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Nếu cơ quan quản lý nhà nước phát hiện người thuê đất gian lận, lập hồ sơ khống để được giảm tiền thuê thì phải hoàn trả lại số tiền đã được giảm, tiền chậm nộp tính trên số tiền được giảm theo quy định về quản lý thuế. Trường hợp không còn kỳ phải nộp tiền thuê đất, người thuê sẽ hoàn trả số tiền nộp thừa hoặc thực hiện bù trừ theo quy định về quản lý thuế.

Bắt tạm giam doanh nhân bất động sản trúng đấu giá 262 lô đất tại Phú Yên

Chủ tịch Công ty An Phú Thịnh Ngô Thị Điều bị cáo buộc trốn thuế sau khi trúng đấu giá 262 lô đất tại Khu đô thị TP. Tuy Hòa.

Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam bà Ngô Thị Điều

Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam bà Ngô Thị Điều

Ngày 28/9, bà Ngô Thị Điều (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng và du lịch An Phú Thịnh tại Bình Định) bị Công an tỉnh Phú Yên khởi tố, bắt tạm giam về tội Trốn thuế theo Điều 200 Bộ luật Hình sự.

Động thái này nằm trong quá trình mở rộng điều tra sai phạm khi tỉnh Phú Yên bán đấu giá 262 lô đất tại khu đô thị ở TP. Tuy Hòa. Bà Điều là người mua những lô đất này.

Năm 2016, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên được UBND Tỉnh giao làm chủ đầu tư Dự án Hạ tầng kỹ thuật giai đoạn một Khu đô thị mới Nam TP. Tuy Hòa, rộng 38 ha, vốn đầu tư gần 319 tỷ đồng để quy hoạch 262 lô đất nhà liền kề; 196 lô biệt thự; 10 lô đất thương mại.

Một năm sau, Hội đồng Đấu giá quyền sử dụng đất thông báo đấu giá 4 phân khu của khô đô thị này, theo hình thức bán sỉ từng khu; hỗ trợ người trúng đấu giá được giảm 5% tổng giá trị mỗi khu để khuyến khích làm nhanh, thu ngân sách về cho Tỉnh. Giá khởi điểm cho 262 lô đất nhà liền kề được ban tổ chức đưa ra là 160 tỷ đồng.

Tháng 5/2017, bà Điều tham gia nộp hồ sơ và trúng đấu giá với số tiền hơn 154 tỷ đồng, đã được giảm 5% so với mức trúng đấu giá, thấp hơn 8 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Trong năm 2017 - 2020, bà đã chuyển nhượng 259 trong số 262 lô đất cho khách hàng.

Theo cơ quan điều tra, bà Điều có hành vi trốn thuế trong quá trình giao dịch bất động sản, gây thất thoát tiền thuế Nhà nước hơn 2 tỷ đồng. Cụ thể, bà này đã kê số tiền chuyển nhượng mỗi lô đất trong hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn tiền thu của khách hàng.

Bệnh viện tư tại TP.HCM không được để 'người mắc Covid-19 tự nguyện trả chi phí'

Sở Y tế TP.HCM đề nghị các bệnh viện tư tại Thành phố không yêu cầu người mắc Covid-19 ký cam kết tự nguyện trả toàn bộ chi phí; không thu thêm tiền điều trị của người bệnh...

Sở Y tế TP.HCM đề nghị các bệnh viện tư tại thành phố không yêu cầu người mắc Covid-19 ký cam kết tự nguyện trả toàn bộ chi phí

Sở Y tế TP.HCM đề nghị các bệnh viện tư tại thành phố không yêu cầu người mắc Covid-19 ký cam kết tự nguyện trả toàn bộ chi phí

Nội dung này được đề cập trong văn bản do Sở Y tế TP.HCM ban hành nhằm hướng dẫn cơ chế tài chính cho các cơ sở y tế tư nhân chuyển đổi công năng điều trị Covid-19. Động thái này được đưa ra sau hơn một tháng lãnh đạo kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ Y tế kiến nghị Thủ tướng cho phép cơ sở y tế tư nhân thu phí dịch vụ điều trị Covid-19.

Trong khi chờ quyết định của cơ quan có thẩm quyền, Sở Y tế cho biết, chi phí khám chữa bệnh của bệnh Covid-19 sẽ do ngân sách chi trả, bao gồm: tiền khám bệnh, giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc (trừ thuốc remdesivir 100 mg, molnupiravir 400 mg đã được Sở Y tế cấp), máu, dịch truyền... Bệnh viện không được thu thêm tiền của người bệnh.

Về các chi phí liên quan điều trị Covid-19, Sở Y tế sẽ tạm thanh toán, bao gồm tiền ăn uống 80.000 đồng và phí sinh hoạt 40.000 đồng mỗi người bệnh một ngày. Trường hợp F0 tử vong, ngân sách sẽ chi trả chi phí mai táng tương tự như các bệnh viện công lập.

Các nhân viên của cơ sở y tế tư nhân được phân công tham gia phòng chống dịch Covid-19 sẽ được hưởng chế độ phụ cấp tương tự nhân viên y tế công lập, với mức 200.000 - 300.000 đồng/người/ngày tùy công việc.

Thời gian qua, 95 cơ sở y tế của TP.HCM, trong đó có 11 bệnh viện tư nhân chuyển đổi công năng một phần hoặc toàn phần để điều trị Covid-19. Theo Sở Y tế TP.HCM, các bệnh viện tư nhân tham gia điều trị F0 đã bổ sung thêm nguồn lực y tế, cơ sở vật chất và góp phần giảm quá tải cho bệnh viện công lập, khống chế được dịch bệnh.

Hà Nội đề nghị tiếp tục dừng chuyến bay thương mại

UBND TP. Hà Nội đề nghị Bộ GTVT tiếp tục dừng chuyến bay thương mại đến Thành phố để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

UBND TP. Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục dừng chuyến bay thương mại đến thành phố

UBND TP. Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục dừng chuyến bay thương mại đến thành phố

Đại diện Bộ GTVT cho biết, Bộ đã nhận được đề nghị của UBND TP. Hà Nội về việc tiếp tục tạm dừng chuyến bay thương mại nội địa và tàu khách từ địa phương khác đến, trừ chuyến bay công vụ hoặc vận chuyển hàng hóa, tiếp nhận người dân từ các tỉnh, thành phố khác về khi có sự đồng ý của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố.

Theo UBND TP. Hà Nội, qua 60 ngày giãn cách xã hội, Thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Ngày 20/9, chính quyền Thành phố đã điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 15. Tuy nhiên, hiện tình hình dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố phía Nam và một số địa phương khác còn phức tạp; nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ các địa phương khác vào Hà Nội còn rất cao.

Hiện Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch mở lại đường bay nội địa tại các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống Covid-19 theo Chỉ thị 15 và 19, dự kiến từ 1/10. Kế hoạch chia làm 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn một (tối đa 10 ngày) tần suất trên từng đường bay với từng hãng không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4 và giãn cách ghế trên máy bay.

Giai đoạn hai (tối đa 10 ngày sau giai đoạn một) tần suất trên từng đường bay của từng hãng bay không vượt quá 70%. Giai đoạn ba (sau giai đoạn hai) tần suất trên từng đường bay của từng hãng không vượt quá tần suất trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4 và không phải giãn cách ghế. Giai đoạn bốn (trạng thái bình thường mới) cho phép các hãng được khai thác trở lại bình thường.

Đề xuất đầu tư 79 tỷ đồng đóng mới 2 phà 200 tấn ở TP.HCM

Đơn vị quản lý, khai thác hai bến Cát Lái và Bình Khánh ở TP.HCM đề xuất đóng mới 2 phà 200 tấn để thay các phà hết hạn, kinh phí đầu tư hơn 79 tỷ đồng.

Phà Cát Lái chở khách từ TP.HCM qua Đồng Nai

Phà Cát Lái chở khách từ TP.HCM qua Đồng Nai

Đề xuất vừa được Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích thanh niên xung phong - đơn vị quản lý 2 bến phà nói trên gửi UBND TP.HCM cùng các sở, ngành liên quan. 2 phà mới được đơn vị này đề xuất đầu tư thay thế 3 phà cũ, gồm loại 60 - 100 tấn hoạt động tại bến Cát Lái, Bình Khánh, cùng 1 phà 200 tấn đưa từ bến Vàm Cống (An Giang - Đồng Tháp) về Thành phố năm ngoái. Các phương tiện này đã hết hạn sử dụng.

Phía thanh niên xung phong đề xuất sử dụng ngân sách để đóng mới 2 phà, dự kiến thực hiện từ nay đến năm 2023. Trong đó, thời gian thi công ước tính khoảng 10 tháng. Ngoài ra, đơn vị này cũng kiến nghị Thành phố thanh lý 3 phà đã hết hạn nói trên.

Theo Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích thanh niên xung phong, đơn vị hiện quản lý 20 phà ở bến Cát Lái và Bình Khánh. Trong đó, gồm 4 phà loại 200 tấn, 9 phà loại 100 tấn và 7 chiếc 60 tấn. Việc 3 phà trong số này hết hạn sử dụng, khiến số lượng còn lại khó đáp ứng lưu lượng khách. Đặc biệt tại bến phà Cát Lái (nối TP. Thủ Đức qua huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), lượng khách trung bình ngày thường hơn 50.000 và tăng lên 75.000 - 90.000 lượt vào cuối tuần, lễ Tết, khiến 2 đầu bến ùn tắc.

Tin cùng chuyên mục