Bản tin thời sự sáng 5/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Y tế tạm thời kéo dài thời gian cách ly tập trung; Hà Nội đóng cửa cơ sở massage, rạp chiếu phim; ngày 5/5, xét xử vụ buôn lậu tại công ty Nhật Cường; đề xuất quy hoạch sân bay quốc tế mới ở Hải Phòng; bắt tạm giam một phụ nữ trong vụ 52 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép ở Vĩnh Phúc…

Bộ Y tế tạm thời kéo dài thời gian cách ly tập trung

Từ 0h ngày 4/5, tạm thời chưa giải quyết kết thúc và cho ra khỏi khu cách ly tập trung (cả của quân đội, dân sự quản lý) đối với tất cả các trường hợp đã đủ điều kiện hết cách ly (tối thiểu 14 ngày, xét nghiệm 2 lần âm tính) do thời gian gần đây có 1 số trường hợp hết cách ly tập trung vẫn ghi nhận dương tính với virus SASR-CoV-2, làm lây lan dịch.

Bộ Y tế tạm thời kéo dài thời gian cách ly tập trung

Bộ Y tế tạm thời kéo dài thời gian cách ly tập trung

Sáng 4/5, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đã có công văn khẩn gửi giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành liên quan việc cách ly tập trung.

Theo đó, các tỉnh, thành tạm thời chưa giải quyết kết thúc và cho ra khỏi khu cách ly tập trung với tất cả trường hợp đã đủ điều kiện hết cách ly (tối thiểu 14 ngày, xét nghiệm 2 lần âm tính). Thời gian bắt đầu thực hiện là 0h ngày 4/5, áp dụng cả khu cách ly tập trung của quân đội, dân sự quản lý.

Nguyên nhân là thời gian gần đây, Việt Nam ghi nhận một số trường hợp hết cách ly tập trung vẫn có kết quả dương tính với SASR-CoV2, làm lây lan dịch Covid-19 ra cộng đồng.

Ông Tấn đề nghị những cơ sở cách ly tập trung thực hiện quy định này cho tới khi có thông báo mới của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19.

Tính từ 27/4 đến 4/5, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 37 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại 7 tỉnh, thành phố gồm Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên, Đà Nẵng, Yên Bái. Nước ta đang phải đối mặt với 4 ổ dịch có nguồn lây khác nhau.

Trong đó, chuỗi lây nhiễm tại Hà Nam bắt đầu từ ngày 29/4 có 20 ca. Chuỗi lây nhiễm tại Vĩnh Phúc liên quan nhóm chuyên gia Trung Quốc từ hôm 2/5 có 15 ca. Một người lây nhiễm tại Yên Bái từ nhóm chuyên gia Ấn Độ.…

Hà Nội đóng cửa cơ sở massage, rạp chiếu phim từ 0h ngày 5/5

Sau khi đóng cửa quán ăn, cà phê vỉa hè, chính quyền thủ đô tiếp tục tạm dừng hoạt động cơ sở massage, spa, rạp chiếu phim, gym, sân vận động từ 0h ngày 5/5.

Hà Nội đóng cửa cơ sở massage, rạp chiếu phim từ 0h ngày 5/5

Hà Nội đóng cửa cơ sở massage, rạp chiếu phim từ 0h ngày 5/5

UBND TP. Hà Nội đưa ra yêu cầu tiếp tục tạm dừng hoạt động cơ sở massage, spa, rạp chiếu phim, gym, sân vận động.

Lãnh đạo Hà Nội cũng đề nghị hạn chế tối đa các sự kiện tập trung đông người không cần thiết, như đám cưới, đám giỗ, sinh nhật, khai trương...

Với yêu cầu nêu trên, hầu hết các dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn thủ đô đã bị tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19. Trước đó, Thành phố tạm dừng tổ chức lễ hội, phố đi bộ; các dịch vụ bar, karaoke, vũ trường, game đóng cửa từ 0h ngày 30/4.

Đề xuất quy hoạch sân bay quốc tế mới ở Hải Phòng

Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị quy hoạch sân bay quốc tế Hải Phòng tại huyện Tiên Lãng, giai đoạn đến năm 2050.

Sân bay Cát Bi, Hải Phòng

Sân bay Cát Bi, Hải Phòng

Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan này đã hoàn thành báo cáo thẩm định Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gửi Bộ Giao thông vận tải và Hội đồng Thẩm định quy hoạch.

Trong đó, cơ quan này đề xuất giữ nguyên số lượng 28 sân bay trên toàn quốc đến năm 2030 theo như quy hoạch hiện nay (quy hoạch phát triển giao thông hàng không được Chính phủ phê duyệt năm 2018), không điều chỉnh số lượng và quy mô như đề xuất của nhiều địa phương vừa qua.

Đến năm 2050, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất cả nước có 29 cảng hàng không, gồm 14 cảng hàng không quốc tế, 15 cảng hàng không quốc nội. Trong đó sân bay được bổ sung là Cao Bằng.

Cùng với đó, nhà chức trách hàng không đề nghị duy trì quy hoạch vị trí cảng hàng không quốc tế Hải Phòng tại huyện Tiên Lãng. Sân bay này đã từng được quy hoạch dự bị cho sân bay Nội Bài và Cát Bi theo quyết định của Thủ tướng vào năm 2011.

Trong báo cáo thẩm định lần này, Cục Hàng không Việt Nam không đề cập đến sân bay thứ hai của vùng Thủ đô như đề xuất của Tư vấn nghiên cứu quy hoạch.

Ngày 5/5, xét xử vụ buôn lậu tại công ty Nhật Cường

Theo dự kiến, ngày 5/5, TAND TP. Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 15 bị cáo trong vụ án "Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường).

Cảnh sát khám xét trụ sở của Công ty Nhật Cường tại thời điểm khởi tố vụ án

Cảnh sát khám xét trụ sở của Công ty Nhật Cường tại thời điểm khởi tố vụ án

Vụ án có 15 bị cáo, trong đó, Nguyễn Thị Bích Hằng - Kế toán trưởng Nhật Cường và Nguyễn Ngọc Bảo - Giám đốc tài chính Nhật Cường bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các bị cáo còn lại bị truy tố về tội “Buôn lậu”, gồm: Trần Ngọc Ánh - Phó tổng giám đốc Nhật Cường; Đỗ Quốc Huy - Giám đốc bán hàng Nhật Cường; Nông Văn Lư; Nguyễn Bảo Trung; Trần Tất Khoa; Lê Hoài Phương; Ngô Đức Tùng; Ngô Tuấn Sửu; Hoàng Văn Phong; Mai Tiến; Phạm Văn Hiệp; Bùi Quốc Việt; Đỗ Văn Dũng. Bị cáo Nguyễn Ngọc Bảo cũng bị truy tố về “Buôn lậu”.

Theo cáo trạng, Công ty Nhật Cường do Bùi Quang Huy (đang bỏ trốn) làm Tổng giám đốc. Từ năm 2014 - 2019, Bùi Quang Huy sử dụng hệ thống của Công ty Nhật Cường để mua trái phép 255.311 sản phẩm điện thoại di động, máy nghe nhạc, máy tính bảng, đồng hồ… với tổng trị giá 2.927 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra cũng xác định có dấu hiệu của tội rửa tiền trong vụ án. Tuy nhiên, do Bùi Quang Huy đang bỏ trốn nên hành vi này được tách ra xử lý sau. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng tách vụ án vi phạm quy định về đấu thầu liên quan Nhật Cường xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Bắt tạm giam một phụ nữ trong vụ 52 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép ở Vĩnh Phúc

Chiều 4/5, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam một phụ nữ về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.

Một số người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vừa được phát hiện ở Vĩnh Phúc

Một số người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vừa được phát hiện ở Vĩnh Phúc

Công an tỉnh Vĩnh Phúc vừa thông tin về việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam với đối tượng tổ chức cho 52 người Trung Quốc ở lại Việt Nam trái phép.

Theo đó, ngày 4/5, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Hồng Hạnh, trú ở phường Liên Bảo, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép” theo Điều 348 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, ngày 3/5, Công an TP. Vĩnh Yên kiểm tra, phát hiện tại số nhà 19 đường Ngô Gia Tự, P. Khai Quang, TP. Vĩnh Yên có 9 người quốc tịch Trung Quốc đang lưu trú nhưng không có hộ chiếu và thị thực.

Qua quá trình điều tra, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện và tổ chức kiểm tra 5 địa điểm trên địa bàn P. Liên Bảo và P. Khai Quang, TP. Vĩnh Yên, và phát hiện tổng số 52 người Trung Quốc nhập cảnh, cư trú trái phép tại địa bàn tỉnh. Nguyễn Thị Hồng Hạnh là người đứng ra thuê và tổ chức cho số người Trung Quốc trên lưu trú.

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án và củng cố hồ sơ xử lý các đối tượng theo theo quy định của pháp luật.

Hai người Trung Quốc trốn khỏi khu cách ly ở TPHCM bị bắt

Công an TP.HCM phối hợp các lực lượng chức năng truy tìm nhiều nơi, bắt giữ hai thanh niên Trung Quốc đã trốn khỏi khu cách ly tập trung.

Hai người Trung Quốc trốn khỏi khu cách ly tập trung của TPHCM, bị bắt ở Long An

Hai người Trung Quốc trốn khỏi khu cách ly tập trung của TPHCM, bị bắt ở Long An

Sau hai ngày bỏ trốn, 2 thanh niên người Trung Quốc được tìm thấy ở Long An. Họ thuộc nhóm 11 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, sau đó bị Công an Quận 10, TP.HCM, phát hiện đưa đi cách ly tập trung.

Hiện, hai người này đã được đưa trở lại khu cách ly tập trung tại huyện Củ Chi. Cơ quan chức năng đang điều tra, xử lý.

Trước đó, Công an TP.HCM đã bắt giữ hai người có vai trò chủ mưu đưa nhóm người này nhập cảnh trái phép, lưu trú trái phép.

Theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an Thành phố, đơn vị đã tập trung lực lượng để đánh mạnh vào các tổ chức, đường dây tội phạm này. Ngoài ra, Công an Thành phố cũng đề xuất UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành liên quan xử phạt nghiêm, thậm chí rút giấy phép hoạt động những cơ sở lưu trú cho người nước ngoài ở lại trái phép.

Xe khách không được dừng tại Vĩnh Phúc từ 0h ngày 4/5

Từ 0h ngày 4/5, xe khách tuyến cố định qua tỉnh Vĩnh Phúc, nhất là các vùng có dịch, không được dừng, đỗ để đón, trả khách.

Bến xe TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc

Bến xe TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc

Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc đã gửi yêu cầu trên đến các địa phương, nhằm ngăn chặn sự lây lan Covid-19 trong cộng đồng. Lái xe khách trong tỉnh phải khai báo y tế, khử khuẩn phương tiện, đeo khẩu trang y tế.

Xe chở khách, đưa đón cán bộ, công nhân không chở quá một nửa số ghế, không quá 20 người mỗi xe. Taxi không chở quá một nửa số ghế. Lái xe và hành khách phải thực hiện 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Vĩnh Phúc là địa phương xuất hiện một trong hai chuỗi lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở Việt Nam hiện nay. Chuỗi lây nhiễm này liên quan nhóm chuyên gia Trung Quốc, gồm 14 người Vĩnh Phúc, một người Hà Nội.

Tin cùng chuyên mục