Bản tin thời sự sáng 6/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt tập trận tại Hoàng Sa từ ngày 6/8 đến 10/8; lô thuốc Remdesivir đầu tiên từ Ấn Độ về tới Việt Nam; học sinh tựu trường năm học 2021 - 2022 từ 1/9; TP.HCM phải tiêm toàn bộ vaccine Pfizer và Moderna trước 8/8; 300 y bác sĩ Việt Đức cùng 8 tấn trang thiết bị ICU chi viện TP.HCM; tiêm ít nhất 1 mũi vaccine cho tiểu thương mới mở lại chợ…

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt tập trận tại Hoàng Sa từ ngày 6/8 đến 10/8

Bộ Ngoại giao khẳng định Trung Quốc tập trận tại Hoàng Sa là vi phạm chủ quyền Việt Nam, yêu cầu nước này chấm dứt và không tái diễn.

Khu vực Trung Quốc tổ chức diễn tập từ ngày 6-10/8. Đồ họa: CSIS

Khu vực Trung Quốc tổ chức diễn tập từ ngày 6-10/8. Đồ họa: CSIS

Cục Hải sự tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, phát thông báo về đợt diễn tập của quân đội nước này từ ngày 6/8 đến 10/8 ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và đông nam đảo Hải Nam.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, việc Trung Quốc tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông".

Bà Hằng cho biết, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp luật pháp quốc tế.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, chấm dứt và không tái diễn hoạt động vi phạm tương tự, làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.

Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974.

Lô thuốc Remdesivir đầu tiên từ Ấn Độ về tới Việt Nam

Ngay khi về Việt Nam, số lượng thuốc Remdesivir này sẽ được phân bổ cho các tỉnh, thành phố có dịch.

Lô thuốc Remdesivir đầu tiên từ Ấn Độ về tới Việt Nam

Lô thuốc Remdesivir đầu tiên từ Ấn Độ về tới Việt Nam

Theo thông tin từ Bộ Y tế, lô thuốc kháng virus Remdesivir gồm khoảng 10.000 lọ từ Ấn Độ đã được chuyển đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vào ngày 5/8.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết ngày 6/8, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ bổ sung thuốc Remdesivir vào phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19. Số thuốc này sẽ được phân bổ cho TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh, thành phố đang có dịch Covid-19.

Đây là lô thuốc đầu tiên trong đơn hàng 500.000 lọ Remdesivir do Tập đoàn Vingroup đàm phán thành công và gửi tặng Bộ Y tế. Đơn hàng do Công ty Dược phẩm Cipla, Ấn Độ sản xuất, dưới sự cho phép Gilead Sciences, Mỹ.

Remdesivir là thuốc kháng virus tiêm qua đường tĩnh mạch, được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt từ cuối tháng 10/2020. Hiện hơn 50 quốc gia gồm các nước EU, Mỹ, Australia, Singapore… đang sử dụng thuốc này trong phác đồ điều trị.

Giá mỗi lọ thuốc khoảng 390 USD, trung bình mỗi bệnh nhân có liệu trình điều trị khoảng 5 ngày. Tuy nhiên, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý tìm mua và sử dụng thuốc Remdesivir nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Học sinh tựu trường năm học 2021 - 2022 từ 1/9

Học sinh cả nước bắt đầu tựu trường năm học mới 2021 - 2022 từ ngày 1/9, riêng học sinh lớp 1 có thể tựu trường từ ngày 23/8.

Học sinh tựu trường năm học 2021-2022 từ 1/9

Học sinh tựu trường năm học 2021-2022 từ 1/9

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ vừa ký quyết định ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Cụ thể, thời gian tựu trường của học sinh trên cả nước sớm nhất vào ngày 1/9/2021; riêng lớp 1, tựu trường sớm nhất từ ngày 23/8/2021; tổ chức lễ khai giảng vào ngày 5/9/2021; kết thúc học kỳ I trước ngày 16/1/2022; hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5/2022 và kết thúc năm học trước ngày 31/5/2022.

Việc xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 30/6/2022; hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp trước ngày 31/7/2022.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp với thực tiễn của địa phương. Thời gian nghỉ học, thời gian tựu trường sớm và thời gian kéo dài năm học không quá 15 ngày so với quy định về khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trong toàn quốc.

Giám đốc sở giáo dục và đào tạo quyết định cho học sinh nghỉ học trong trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt, thiên tai và bố trí học bù; bảo đảm thời gian nghỉ của giáo viên trong năm học.

TP.HCM phải tiêm toàn bộ vaccine Pfizer và Moderna trước 8/8

Sở Y tế TP.HCM đề nghị các đơn vị khẩn trương tổ chức tiêm toàn bộ vaccine Pfizer và Moderna để đảm bảo sử dụng hiệu quả theo phân bổ của Bộ Y tế.

TP.HCM phải tiêm toàn bộ vaccine Pfizer và Moderna trước 8/8

TP.HCM phải tiêm toàn bộ vaccine Pfizer và Moderna trước 8/8

Sở Y tế TP.HCM vừa gửi văn bản khẩn đến UBND, trung tâm y tế, phòng y tế TP. Thủ Đức và các quận, huyện, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, bệnh viện trực thuộc bộ, ngành, công lập và ngoài công lập, về việc khẩn trương tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer và Moderna.

Cơ quan này nhấn mạnh để thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 về việc tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đợt 5 tại TP.HCM, Sở đã phân bổ vaccine của Pfizer và Moderna đến các đơn vị. Số lượng vaccine này dùng để tiêm cho các nhóm đối tượng theo quy định.

Căn cứ quyết định của Bộ Y tế, vaccine Covid-19 của Pfizer và Moderna được bảo quản ở nhiệt độ 2 - 8 độ C phải sử dụng hết trong vòng tối đa 30 ngày.

Để đảm bảo sử dụng hiệu quả và chất lượng số vaccine được Bộ Y tế phân bổ, Sở Y tế TP.HCM đề nghị các đơn vị khẩn trương tổ chức tiêm toàn bộ vaccine của Pfizer và Moderna đã được cấp phát trước ngày 8/8.

Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM khẩn trương rà soát ngay kế hoạch tổ chức tiêm 2 loại vaccine này của các đơn vị, để kịp thời điều phối cho địa điểm tiêm khác, đảm bảo sử dụng hết số vaccine được cấp.

Tạm dừng các chuyến bay giữa TP.HCM và Buôn Ma Thuột

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản thống nhất chủ trương tạm dừng các chuyến bay chở khách từ TP.HCM đến Buôn Ma Thuột và ngược lại từ 0h ngày 5/8.

Tạm dừng các chuyến bay giữa TP.HCM và Buôn Ma Thuột từ ngày 5/8

Tạm dừng các chuyến bay giữa TP.HCM và Buôn Ma Thuột từ ngày 5/8

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn vừa ký công văn thống nhất đề xuất của UBND tỉnh Đắk Lắk về chủ trương tạm dừng các chuyến bay chở khách từ TP.HCM đi Buôn Ma Thuột và ngược lại.

Theo công văn đề xuất của UBND tỉnh Đắk Lắk do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh ký, hiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, với số ca mắc mới được ghi nhận liên tục tại nhiều tỉnh, thành phố; đặc biệt trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía Nam trong những ngày qua tiếp tục phát hiện nhiều trường hợp nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn thông báo tạm dừng các tuyến vận tải hành khách bằng đường bộ từ TP.HCM đến tỉnh Đắk Lắk và ngược lại. Tuy nhiên, hiện nay việc vận chuyển hành khách bằng đường hàng không từ TP.HCM đến tỉnh Đắk Lắk và ngược lại (thông qua Cảng hàng không Buôn Ma Thuột) vẫn hoạt động với tần suất bay 1 chuyến/ngày, làm ảnh hưởng đến công tác kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương.

Do đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ Giao thông vận tải tạm dừng chuyến bay thương mại từ TP.HCM đến Cảng hàng không Buôn Ma Thuột.

300 y bác sĩ Việt Đức cùng 8 tấn trang thiết bị ICU chi viện TP.HCM

300 y bác sĩ Bệnh viện Việt Đức tại Hà Nội, cùng hàng trăm thiết bị y tế với tổng trọng lượng khoảng 8 tấn, chi viện TP.HCM lập Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19.

Số trang thiết bị y tế của Bệnh viện Việt Đức đã được chuyển đến TP.HCM sáng 5/8

Số trang thiết bị y tế của Bệnh viện Việt Đức đã được chuyển đến TP.HCM sáng 5/8

Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) Covid-19 quy mô 500 giường, do các y bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đảm nhiệm, thiết lập trên cơ sở Bệnh viện dã chiến số 13 tại TP.HCM, phục vụ điều trị bệnh nhân nặng (thuộc tầng 5).

Phó giáo sư Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, người đang điều hành thiết lập Trung tâm ICU này, cho biết đội chi viện là những bác sĩ chuyên ngành hồi sức, gây mê, ngoại khoa... và điều dưỡng có khả năng thiết lập, vận hành máy thở cho người bệnh. Nhiều y bác sĩ, kể cả nữ, đã cắt tóc trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, để tiện chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng.

Số trang thiết bị y tế đã được chuyển bằng tàu hỏa từ Hà Nội đến ga Sài Gòn rạng sáng 5/8. Bác sĩ Hệ cho biết, sau khi tiếp nhận trang thiết bị, các chuyên gia, kỹ sư nhanh chóng bắt tay vào phân chia, thiết lập và lắp đặt máy móc, hoàn thiện các công đoạn kỹ thuật.

Trước đó, Bộ Y tế đã quyết định thiết lập thêm các Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 Quốc gia tại TP.HCM. Theo đó, ngoài Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP.HCM 1.000 giường (đang vận hành, đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2), Bộ Y tế thiết lập thêm 4 Trung tâm hồi sức tích cực khác và phân công các bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế và Đại học Y Dược TP.HCM chịu trách nhiệm điều hành.

Tiêm ít nhất 1 mũi vaccine cho tiểu thương mới mở lại chợ

Bộ Công Thương đề nghị xem xét mở lại các chợ có ca nhiễm, nhưng quản lý chợ, tiểu thương phải tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, xét nghiệm PCR âm tính.

Chợ Long Biên trước thời điểm bị phong toả, tạm đóng do có các ca nhiễm Covid-19

Chợ Long Biên trước thời điểm bị phong toả, tạm đóng do có các ca nhiễm Covid-19

Bộ Công Thương vừa đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát, đánh giá để mở cửa trở lại các chợ đã đóng vì có ca nhiễm Covid-19. Bộ này cũng hướng dẫn, các chợ trước khi hoạt động lại phải đáp ứng điều kiện toàn bộ tổ chức, cá nhân quản lý chợ, tiểu thương, người lao động tại chợ (người làm việc tại chợ) đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19. Ngoài ra, người làm việc tại chợ trước khi quay trở lại làm việc, kinh doanh phải được xét nghiệm PCR và có kết quả âm tính còn hiệu lực.

Chợ phải được vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ, xung quanh. Ban quản lý chợ có biện pháp kiểm soát người làm việc tại chợ như: khai báo y tế hàng ngày, không đi làm nếu có các triệu chứng nhiễm bệnh (ho, sốt, đau rát họng...).

Người ra vào chợ phải khai báo y tế trước khi vào mua sắm bằng mã QRCode hoặc thẻ vào chợ, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách theo nguyên tắc 5K. Khu vực xếp hàng vào chợ phải được kẻ vạch giãn cách, có biển báo quy định phòng, chống Covid-19, nước sát khuẩn tay...

Riêng với chợ đầu mối tạm đóng vì có ca liên quan Covid-19, ngoài các điều kiện trên thì cần bố trí khu vực test nhanh tại chợ (nếu có thể), bán hoặc cung cấp các trang thiết bị cần thiết cho phòng chống dịch tại chợ.

Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh, thành phố đánh giá lại và đạt xếp loại đánh giá nguy cơ thực hiện tốt, ít nguy cơ lây nhiễm (80 - 100 điểm) theo hướng dẫn phòng, chống Covid-19 tại chợ trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 của Bộ Y tế.

Long An chuẩn bị tiêm vaccine cho hơn 1,3 triệu dân

Hơn 1,3 triệu người từ 18 tuổi trở lên sẽ được tỉnh Long An tiêm vaccine Covid-19, hướng đến miễn dịch cộng đồng trên địa bàn.

Long An chuẩn bị tiêm vaccine cho hơn 1,3 triệu dân

Long An chuẩn bị tiêm vaccine cho hơn 1,3 triệu dân

UBND Long An cho biết đang triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho người dân toàn tỉnh. Người được tiêm vaccine chỉ cần đang sinh sống và làm việc tại Long An, không cần có hộ khẩu tại Tỉnh.

Đây là đợt tiêm chủng quy mô lớn nhất của Tỉnh, dự kiến triển khai trong tháng 8 và tháng 9. Số vaccine cần cho chiến dịch trên 2,5 triệu liều. Ba nhóm ưu tiên lần lượt là tuyến đầu chống dịch, người từ 65 tuổi trở lên, những người dân còn lại.

Giai đoạn một, Tỉnh sẽ tiêm chủng cho trên 850.000 người tại "vùng đỏ" gồm TP. Tân An và các huyện giáp TP.HCM như Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc. Ba nhóm ưu tiên sẽ lần lượt được tiêm mũi 1 từ ngày 9/8 đến ngày 5/9.

Giai đoạn hai, 9 huyện và một thị xã còn lại với hơn 500.000 người sẽ được tiêm mũi 1, từ ngày 6/9 đến ngày 30/9 với thứ tự ưu tiên như giai đoạn đầu.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An cho biết, toàn bộ số vaccine cho chiến dịch miễn dịch cộng đồng tại Tỉnh sẽ được Bộ Y tế cấp theo từng đợt. Tùy theo loại vaccine đã tiêm và việc phân bổ của Bộ, các đơn vị xây dựng kế hoạch tiêm mũi 2.

Đến nay, Long An đã tiêm vaccine cho 126.144 người, trong đó 104.951 người tiêm mũi 1, 21.193 người tiêm mũi 2.

Tin cùng chuyên mục