Bản tin thời sự sáng 6/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là: thêm 4 ca mắc Covid-19 mới, Hà Nội ghi nhận ca dương tính thứ 3; Bệnh viện C Đà Nẵng có thể mở cửa trở lại từ ngày 7/8; Bệnh viện Dã chiến Tiên Sơn hoàn thành sau 4 ngày lắp đặt; giá vàng trong nước vượt 59 triệu đồng/lượng…

Thêm 4 ca mắc Covid-19 mới liên quan đến Đà Nẵng, Hà Nội ghi nhận ca dương tính thứ 3

Sáng ngày 6/8, Bộ Y tế đã ghi nhận thêm 4 ca mắc mới đều liên quan đến Đà Nẵng, trong đó tại Quảng Nam 3 ca, Hà Nội 1 ca. Việt Nam hiện có 717 bệnh nhân Covid-19.

Hà Nội ghi nhận ca dương tính thứ 3 liên quan đến Đà Nẵng

Hà Nội ghi nhận ca dương tính thứ 3 liên quan đến Đà Nẵng

Tính đến 6h ngày 6/8, Việt Nam, có tổng cộng 717 ca mắc Covid-19, trong đó 309 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số lượng ca mắc mới trong cộng đồng tính từ ngày 25/7 đến nay là 268 ca. Tính từ 18h ngày 5/8 đến 6h ngày 6/8, Việt Nam ghi nhận 4 ca mắc mới.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 170.457 người. Trong đó, 6.717 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 23.356 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 140.384 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Như vậy, đến thời điểm này đã có 381/717 ca bệnh Covid-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 53,1% tổng số ca bệnh Covid-19 trong cả nước. Hiện nay, Việt Nam đã có 8 ca tử vong.

Tính đến sáng ngày 6/8, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 33 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 - 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 295 bệnh nhân dương tính với virus gây Covid-19.

Từ ngày 7/8, Bệnh viện C Đà Nẵng có thể mở cửa trở lại

Ngày 5/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, dự kiến ngày 7/8, khi Bệnh viện C Đà Nẵng có kết quả đảm bảo an toàn về khử khuẩn, Bộ Y tế sẽ cho phép đơn vị này hoạt động khám chữa bệnh trở lại.

Bệnh viện C Đà Nẵng có thể mở cửa trở lại từ ngày 7/8

Bệnh viện C Đà Nẵng có thể mở cửa trở lại từ ngày 7/8

Với kế hoạch "làm sạch”, mở cửa trở lại của 3 bệnh viện đang được cách ly, phong tỏa ở Đà Nẵng là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định, đến ngày 7/8, sau khi xét nghiệm đảm bảo an toàn, ngành y tế sẽ công bố kế hoạch mở cửa Bệnh viện C Đà Nẵng trước.

Với Bệnh viện Đà Nẵng hiện giờ, vẫn còn một số bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị, các đơn vị chức năng sẽ cố gắng để vận chuyển những bệnh nhân này đến các viện đã được chỉ định là Trung tâm y tế huyện Hòa Vang, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Sau đó toàn thể y, bác sĩ, cán bộ nhân viên trong Bệnh viện Đà Nẵng sẽ được xét nghiệm lại.

Nếu tất cả có kết quả âm tính với virus SARS- CoV-2 thì UBND Đà Nẵng sẽ có thẩm quyền cho phép mở cửa bệnh viện trở lại. Tương tự với Bệnh viện Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng cũng vậy.

Đà Nẵng: Bệnh viện Dã chiến Tiên Sơn hoàn thành sau 4 ngày lắp đặt

Chiều 5/8, Bệnh viện Dã chiến Tiên Sơn, quy mô hơn 200 giường bệnh (giai đoạn 1), trên mặt sàn rộng hơn 4.000 m2, đã hoàn thành sau 4 ngày gấp rút xây dựng. Thành phố Đà Nẵng sẽ sử dụng bệnh viện này phục vụ việc điều trị bệnh nhân Covid-19.

Các công nhân làm việc ngày, đêm để gấp rút hoàn thành Bệnh viện Dã chiến 200 giường bên trong Cung thể thao Tiên Sơn

Các công nhân làm việc ngày, đêm để gấp rút hoàn thành Bệnh viện Dã chiến 200 giường bên trong Cung thể thao Tiên Sơn

Hơn 500 kỹ sư, cán bộ, công nhân Sun Group tình nguyện đến từ Bà Nà Hills, công viên châu Á và các nhà thầu khác đã trắng đêm không nghỉ để hoàn thành Bệnh viện dã chiến chỉ trong 3,5 ngày, sớm 2,5 ngày so với dự kiến. Đây được xem là bệnh viện dã chiến đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo mô hình lắp modul theo tư vấn thiết kế của Trung tâm tư vấn xây dựng thuộc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng với hệ thống buồng/giường bệnh, xử lý nước thải, ánh sáng, vách ngăn... được thiết kế, lắp đặt theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng và Bộ Y tế đối với bệnh viện dã chiến. Để đáp ứng yêu cầu trước mắt, Bệnh viện Dã chiến đã được lắp đặt 284 giường bệnh. Trong trường hợp dịch bùng phát mạnh, có thể tận dụng các không gian khác để lắp đặt thêm buồng, giường bệnh, đáp ứng tối đa 700 - 1000 giường bệnh.

Đây là bệnh viện dã chiến thứ hai được thành lập, sau Bệnh viện dã chiến Hoà Vang, công suất 200 giường.

Lập tàu vận chuyển đoàn chuyên gia từ Trung Quốc tới Quảng Ngãi

Đoàn chuyên gia Trung Quốc vừa được đón thẳng từ Đồng Đăng, Lạng Sơn đưa về khu công nghiệp Dung quất, Quảng Ngãi bằng tàu hỏa với những quy trình khắt khe để phòng, chống dịch Covid-19.

Đường sắt lập riêng tàu để vận chuyển đoàn chuyên gia từ Trung Quốc sang Quảng Ngãi

Đường sắt lập riêng tàu để vận chuyển đoàn chuyên gia từ Trung Quốc sang Quảng Ngãi

Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội vừa có Công điện gửi các đơn vị liên quan về việc lập tàu vận chuyển đoàn gồm 56 chuyên gia Trung Quốc đến Quảng Ngãi, Việt Nam.

Theo đó, ngày 5/8, tại Hà Nội lập tàu 7003 từ Hà Nội đến Đồng Đăng (Lạng Sơn); tiếp đó, lập tàu ĐĐ8 tại Đồng Đăng với lý trình Đồng Đăng - Hà Nội, sau đó sẽ từ Hà Nội để nguyên đoàn toa xe tàu ĐĐ8 chạy tàu SE23 từ Hà Nội đến Quảng Ngãi.

Các toa xe khách có đánh số thứ tự, vận chuyển chuyên gia Trung Quốc và cán bộ y tế, lực lượng hộ tống đoàn. Giờ đón đoàn chuyên gia Trung Quốc lên tàu là 12 giờ ngày 5/8. Tàu SE23 đến Quảng Ngãi sẽ giải thể, sau khi đoàn xe được Sở Y tế Quảng Ngãi phun khử trùng và kéo rỗng từ Quảng Ngãi ra Hà Nội.

Đoàn tàu sẽ có 3 toa xe chở chuyên gia Trung Quốc (toa 1 - 3) được bố trí 2 nhân viên tác nghiệp trong suốt quá trình chạy tàu từ Đồng Đăng đến Quảng Ngãi. Các nhân viên này phải trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ y tế, không được di chuyển lên xuống tàu và sang các toa xe còn lại trong đoàn tàu, sau khi đến Quảng Ngãi các nhân viên này sẽ được Sở Y tế Quảng Ngãi cách ly theo quy định.

Chiều ngày 5/8, giá vàng trong nước vượt 59 triệu đồng/lượng

Chiều ngày 5/8, giá vàng trong nước tiếp tục tăng theo giá vàng thế giới và đã vượt qua mốc 59 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước đã vượt qua mốc 59 triệu đồng/lượng

Giá vàng trong nước đã vượt qua mốc 59 triệu đồng/lượng

Lúc 16 giờ 20 phút, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 57,85 - 59,07 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Mức giá này tăng khoảng 400 nghìn đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Thời điểm này, Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở mức 58,02 - 58,78 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 620 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 130 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với đầu giờ sáng.

Còn tại Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý, giá vàng SJC được điều chỉnh tăng 300 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 100 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với đầu giờ sáng, niêm yết ở mức 57,9 - 58,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trong phiên giao dịch chiều 5/8, giá vàng châu Á tiếp tục lập kỷ lục mới sau khi vượt mốc 2.000 USD/ounce trong phiên trước, nhờ "lực đẩy" từ đồng USD yếu, lãi suất thấp cũng như những kỳ vọng về khả năng Mỹ sẽ đưa ra thêm các biện pháp kích thích nhằm vực dậy nền kinh tế trước tác động của đại dịch COVID-19.

Chưa đồng thuận phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2021

Đã có 9/13 thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia bỏ phiếu đồng thuận không tăng lương tối thiểu vùng 2021. Song phía Liên đoàn Lao động Việt Nam từ chối không bỏ phiếu.

9/13 phiếu tán thành phương án không tăng lương tối thiểu năm 2021

9/13 phiếu tán thành phương án không tăng lương tối thiểu năm 2021

Sáng ngày 5/8, tại Hà Nội, Hội đồng Tiền lương Quốc gia tổ chức phiên họp thứ hai bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2021.

Kết quả bỏ phiếu của Hội đồng tiền lương cho thấy, có đến 9/13 phiếu tán thành phương án không tăng lương tối thiểu năm 2021. Trong đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiên quyết không tham gia bỏ phiếu do không đồng ý với việc không tăng lương.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Hội đồng Tiền lương quốc gia vẫn sẽ trình Chính phủ đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng 2021, kèm theo cả quan điểm của Tổng Liên đoàn lao động. Dựa theo tình hình thực tế của dịch bệnh, chuyển biến kinh tế, xã hội, có thể có những thảo luận bổ sung tiếp theo về vấn đề tăng lương tối thiểu vùng cho năm tới.

Hiện mức lương tối thiểu vùng năm 2020 được áp dụng như sau: Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I; mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II; mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III; mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV. Mức lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng 5,5% so với năm 2019 (tăng từ 150.000 - 240.000 đồng tuỳ từng vùng).

Tháo dỡ Trạm thu phí hầm Đèo Ngang

Sau 4 năm dừng thu phí, Trạm Thu phí hầm đường bộ Đèo Ngang (đặt ở xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đang được Cục Quản lý đường bộ II (Bộ Giao thông vận tải) tháo dỡ.

Trạm thu phí hầm Đèo Ngang trước khi tháo dỡ

Trạm thu phí hầm Đèo Ngang trước khi tháo dỡ

Ngày 5/8, ông Nguyễn Thanh Bình - Hạt trưởng Hạt Quản lý đường bộ Đèo Ngang cho biết, việc tháo dỡ Trạm thu phí Đèo Ngang đã được thực hiện từ 4 ngày nay.

Sau khi Công ty Sông Đà ban giao hạ tầng Trạm Thu phí Đèo Ngang cho Cục Quản lý đường bộ II, đơn vị này đã tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà thầu tháo dỡ là Công ty CP Quản lý và sửa chữa đường bộ miền Trung.

Trạm Thu phí hầm đường bộ Đèo Ngang được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt cho Tổng công ty Sông Đà thu phí hoàn vốn từ năm 2004 đến hết năm 2023.

Tuy nhiên, do lưu lượng xe qua lại tăng lên nhiều lần nên sau khi tính toán lại, Bộ Giao thông vận tải quyết định chỉ cho thu phí đến cuối năm 2016. Cũng từ đó đến nay, Trạm thu phí này trở thành chướng ngại vật, cản trở phương tiện tham gia giao thông, đã có nhiều vụ tai nạn xe ôtô tông vào trụ phân làn.

Tin cùng chuyên mục