Bản tin thời sự sáng 7/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội có thể dừng hoạt động không thiết yếu theo cấp độ dịch; TP.HCM dự kiến tiêm vaccine mũi 3 từ 10/12; giá USD tăng vọt trong ngân hàng và ngoài thị trường tự do; ngành hàng không tiếp tục kiến nghị mở đường bay quốc tế; cho thuê nhà dưới 100 triệu đồng/năm không phải đóng thuế…

Hà Nội có thể dừng hoạt động không thiết yếu theo cấp độ dịch

Các quận, huyện ở thủ đô căn cứ cấp độ dịch tại xã, phường, thị trấn có thể hạn chế hoặc dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu.

Hà Nội căn cứ cấp độ dịch có thể hạn chế hoặc dừng hoạt động không thiết yếu. Ảnh minh họa

Hà Nội căn cứ cấp độ dịch có thể hạn chế hoặc dừng hoạt động không thiết yếu. Ảnh minh họa

Nội dung trên nằm trong loạt biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm "4 tại chỗ", vừa được UBND TP. Hà Nội ban hành.

Theo đó, trước việc số ca Covid-19 cộng đồng tiếp tục tăng cao, Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã đánh giá cấp độ dịch trên quy nhỏ nhất.

Từ kết quả đánh giá, chính quyền địa phương điều chỉnh, bổ sung biện pháp hành chính phù hợp theo từng cấp độ, bao gồm việc hạn chế hoặc dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu (cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các hoạt động, sự kiện tập trung đông người...) trên địa bàn.

Thành phố giao các địa phương thành lập tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà để hỗ trợ cho các trạm y tế lưu động, gồm lực lượng tình nguyện của hội phụ nữ, đoàn thanh niên, sinh viên, giáo viên... (tuổi dưới 50, đã được tiêm đủ liều vaccine).

Các tổ này sẽ tiếp nhận thông tin từ F0, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn người dân các biện pháp cách ly...

Theo cấp độ dịch Hà Nội công bố tối 3/12, toàn Thành phố ở cấp độ hai (vùng vàng); 7 huyện cấp độ một (vùng xanh) và 23 quận, huyện, thị xã cấp độ hai; 523 xã, phường, thị trấn cấp độ một; 53 xã, phường cấp độ hai.

Hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội và dịch vụ kinh doanh trên địa bàn Hà Nội đã trở lại bình thường sau khi bỏ giãn cách, thực hiện "thích ứng an toàn"; trừ một số dịch vụ như karaoke, quán bar... vẫn đóng cửa.

TP.HCM dự kiến tiêm vaccine mũi 3 từ 10/12

Ngành y tế TP.HCM lên kế hoạch tiêm vaccine mũi 3 với 6,3 triệu liều cho người tiêm đủ liều nhằm tăng cường miễn dịch phòng Covid-19.

Học sinh tại trường THPT Lương Thế Vinh, Quận 1, tiêm vaccine Covid-19

Học sinh tại trường THPT Lương Thế Vinh, Quận 1, tiêm vaccine Covid-19

Nội dung được đề cập trong Dự thảo kế hoạch tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại tại TP.HCM.

Đối với liều bổ sung, Thành phố dự kiến tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, có tình trạng suy giảm miễn dịch (người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang hoặc đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong 6 tháng...) đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Người từ 50 tuổi trở lên được ưu tiên tiêm trước.

Đối với liều nhắc lại, Thành phố sẽ tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung ít nhất 6 tháng. Nhóm được ưu tiên là người bệnh nền, cần chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Theo lộ trình đã tiêm trước đó, trong tổng số 6,3 triệu liều tiêm trong thời gian tới, tháng 12/2021, Thành phố cần hơn 64.600 liều Astrazeneca; tháng 1 năm tới cần hơn 29.400 liều; tháng 2 cần hơn 235.300 liều; tháng 3 cần hơn 3,1 triệu liều; tháng 4 cần hơn 2,2 triệu liều (các loại vaccine: Astrazeneca, Pfize, Moderna, Vero Cell); tháng 5 cần hơn 422.000 liều, tháng 6 cần hơn 157.000 liều (các loại vaccine Astrazeneca, Pfize, Moderna, Vero cell, Sputnik V).

Giá USD tăng vọt trong ngân hàng và ngoài thị trường tự do

Tỷ giá trung tâm sáng 6/12 tăng tới 38 đồng, giá mua bán USD tại các ngân hàng thương mại cũng tăng hơn 200 đồng so với cuối tuần trước.

Giá USD tăng vọt

Giá USD tăng vọt

Sáng ngày 6/12, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh mạnh tỷ giá trung tâm, tăng 38 đồng so với cuối tuần trước lên 23.165 đồng một USD. Với biên độ 3%, tỷ giá các nhà băng được phép giao dịch từ 22.470 - 23.860 đồng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tăng giá bán USD 39 đồng lên 23.810 đồng và giữ nguyên giá mua ở mức 22.650 đồng so với cuối tuần trước.

Sau khi tăng tới 100 đồng trong tuần trước, giá USD giao dịch tại các ngân hàng thương mại sáng nay tăng phiên thứ ba liên tiếp, với mức tăng trên 200 đồng trong sáng 6/12.

Như vậy, sau nhiều tháng tỷ giá liên tục đi xuống, giá USD mua bán tại các ngân hàng thương mại đã quay đầu tăng mạnh, từ 350 đến 380 đồng trong chưa đến một tuần gần đây, tương đương với mức giá nửa đầu năm nay.

Cụ thể, Vietcombank sáng 6/12 tăng 230 đồng ở cả hai chiều so với cuối tuần, lên 22.900 - 23.170 đồng một USD. VietinBank tăng 245 đồng chiều mua vào và 285 đồng chiều bán ra, lên 22.895 - 23.155 đồng.

Giá USD mua bán tại Sacombank sáng 6/12 là 22.950 - 23.180, tăng 220 đồmg chiều mua vào và 230 đồng chiều bán ra. Tỷ giá USD tại Eximbank tăng 210 đồng chiều mua vào, 220 đồng chiều bán ra lên 22.920 - 23.120 đồng.

Trên thị trường tự do, giá USD được giao dịch quanh mức 23.470 - 23.520, cao hơn từ 400 - 500 đồng mỗi USD so với giá trên thị trường liên ngân hàng.

Ngành hàng không tiếp tục kiến nghị mở đường bay quốc tế

Các hãng hàng không đề xuất Chính phủ sớm mở lại đường bay thường lệ quốc tế và không cách ly đối với hành khách đã tiêm đủ liều vaccine.

Hành khách trên chuyến bay từ Pháp xuống sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), trong chương trình thí điểm hộ chiếu vaccine

Hành khách trên chuyến bay từ Pháp xuống sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), trong chương trình thí điểm hộ chiếu vaccine

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, Hãng vừa gửi kiến nghị lên Chính phủ về việc mở cửa dần cho khách quốc tế từ các khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine cao, kiểm soát dịch bệnh tốt; bởi nếu chậm triển khai, Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh về điểm đến, không chỉ với khách du lịch mà còn với các nhà đầu tư.

Các doanh nghiệp hàng không, du lịch đang suy yếu, có thể dẫn đến phá sản, mất khả năng cạnh tranh với các hãng, các doanh nghiệp trong khu vực, khiến việc phục hồi sau đại dịch sẽ vô cùng khó khăn.

Lãnh đạo Vietjet Air cũng cho rằng, nhu cầu mở lại các đường bay quốc tế hiện nay là rất cần thiết, đặc biệt là với các quốc gia đã và đang hoàn thành việc tiêm vaccine.

Theo đại diện các hãng hàng không, 10 tháng đầu năm 2021, tổng thị trường vận tải hàng không chỉ đạt 13,4 triệu lượt khách, bằng 22% so với trước đại dịch (năm 2019).

Riêng giai đoạn đợt dịch lần thứ 4 bùng phát (tháng 5 đến giữa tháng 11), tổng khách vận chuyển là 2,1 triệu lượt, chỉ bằng 5,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế bằng 1% và khách nội địa bằng 10% so với năm 2019.

Theo Phó cục trưởng Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường, trước sự xuất hiện biến chủng Omicron, Cục đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng cho phép không thực hiện các chuyến bay, bao gồm cả chuyến bay cứu trợ, từ 10 quốc gia châu Phi đến Việt Nam; còn các chuyến bay đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ khác triển khai bình thường.

Hà Nội dự kiến cấm xe máy tại các quận sau năm 2025

Chính quyền thủ đô dự kiến cấm xe máy tại các quận sau năm 2025, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch trước đó.

Hà Nội vẫn tiếp tục nghiên cứu cấm xe máy và hạn chế ô tô vào nội đô

Hà Nội vẫn tiếp tục nghiên cứu cấm xe máy và hạn chế ô tô vào nội đô

UBND TP. Hà Nội vừa gửi tới HĐND Hà Nội tờ trình về Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, những năm tới Thành phố tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thủ tục để phê duyệt đề án về phân vùng hạn chế hoạt động xe máy và tiến tới dừng hoạt động loại phương tiện này trên địa bàn các quận.

Việc hạn chế hoạt động xe máy là một trong những nội dung của Nghị quyết 04 đã được HĐND Thành phố thông qua năm 2017. Theo chính quyền Thành phố, sau khi Nghị quyết này được thông qua, các cơ quan chức năng đã xây dựng đề án về hoạt động của xe máy trên địa bàn Thành phố, với định hướng nghiên cứu sau năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận bên trong vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, Quốc lộ 5.

Dự kiến sau năm 2030, Thành phố dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận bên trong vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng, và bên trong vành đai 3 đối với khu vực bắc sông Hồng.

Năm huyện lên quận giai đoạn 2021 - 2025 (Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng) sẽ được cập nhật bổ sung vào đề án; đồng nghĩa các đơn vị hành chính này cũng dừng hoạt động xe máy theo lộ trình.

Như vậy, việc dừng xe máy tại các quận được nghiên cứu điều chỉnh sớm hơn 5 năm so với mốc thời gian cấm xe máy tại các quận được xác định vào năm 2030 (Nghị quyết 04).

Cho thuê nhà dưới 100 triệu đồng/năm không phải đóng thuế

Theo thay đổi trong thông tư mới của Bộ Tài chính, người cho thuê tài sản, thuê nhà trong năm có doanh thu dưới 100 triệu đồng không phải đóng thuế.

Nghị định mới được đánh giá sẽ phần nào hỗ trợ gián tiếp cho người thuê nhà vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19

Nghị định mới được đánh giá sẽ phần nào hỗ trợ gián tiếp cho người thuê nhà vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký ban hành thông tư sửa đổi hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Theo đó, quy định mới sửa đổi cách xác định doanh thu cho thuê tài sản để tính thuế, cụ thể: Cá nhân chỉ có hoạt động cho thuê tài sản và thời gian cho thuê không trọn năm, nếu phát sinh doanh thu cho thuê từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì thuộc diện không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN.

Trường hợp bên thuê trả tiền thuê tài sản trước cho nhiều năm thì mức doanh thu để xác định cá nhân phải nộp thuế hay không phải nộp thuế là doanh thu trả tiền một lần được phân bổ theo năm dương lịch.

Như vậy, người cho thuê tài sản, thuê nhà trong năm có doanh thu dưới 100 triệu đồng không phải đóng thuế.

Lắp máy quét QR code trên tuyến Cát Linh - Hà Đông

Đội Cảnh sát giao thông đường sắt sẽ khảo sát các địa điểm đặt máy quét QR code của Bộ Công an trên tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Cảnh sát giao thông sẽ khảo sát lắp máy quét QR code trên tuyến Cát Linh - Hà Đông

Cảnh sát giao thông sẽ khảo sát lắp máy quét QR code trên tuyến Cát Linh - Hà Đông

Hiện tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chỉ ga Cát Linh lắp máy quét mã QR code phục vụ khai báo y tế, 11 ga còn lại quét bằng mã QR code qua điện thoại thông minh. Những ai không có điện thoại thông minh thì khai thủ công bằng giấy.

Tại buổi khảo sát hoạt động của tuyến Cát Linh - Hà Đông ngày 6/12, Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP. Hà Nội), đánh giá việc này không phù hợp, không đảm bảo 5K. Nếu lắp máy quét QR code, hành khách sử dụng căn cước công dân gắn chíp, đưa vào máy thì mất chưa tới 2 giây là hoàn thành khai báo. Đội Cảnh sát giao thông đường sắt được giao phối hợp với Hà Nội Metro khảo sát vị trí, sớm lắp đặt máy.

Đại tá Dương Đức Hải nhận định thời gian tới, lượng khách sẽ tăng cao do học sinh, sinh viên đi học trở lại, cần đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở từng nhà ga. Đội Cảnh sát giao thông đường sắt được yêu cầu tập trung vào ba điểm ga lớn đầu, giữa và cuối là Cát Linh, Phùng Khoang, Yên Nghĩa.

Tin cùng chuyên mục