Bản tin thời sự sáng 7/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Công Thương tiến hành rà soát dự án điện mặt trời, điện gió, thủy điện; Bộ Giao thông vận tải yêu cầu rà soát tốc độ tàu cao tốc; Bình Dương sắp có 2 khu công nghiệp 1.000 ha; chỉ còn 3 đôi tàu Thống nhất chạy hàng ngày giữa Hà Nội - TP.HCM; Quảng Ngãi dự kiến xây kè 200 tỷ đồng ở bờ nam sông Trà Khúc…

Bộ Công Thương tiến hành rà soát dự án điện mặt trời, điện gió, thủy điện

Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phối hợp, rà soát các dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện có trong quy hoạch, kể cả các dự án đã và các dự án chưa vận hành tính đến tháng 2 vừa qua.

Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phối hợp, rà soát các dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện

Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phối hợp, rà soát các dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện

Bộ Công Thương vừa ban hành Văn bản số 964 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát danh mục các dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện đã có trong quy hoạch.

Theo Văn bản, hiện nay, Bộ Công Thương đang rà soát đánh giá việc triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh).

Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, rà soát các dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện đã có trong quy hoạch, kể cả các dự án đã vận hành và các dự án chưa đưa vào vận hành tính đến tháng 2 vừa qua.

Cụ thể, các dự án đã vận hành gồm rà soát, thống kê danh mục dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện đã vận hành, đánh giá tình hình vận hành khai thác các nhà máy, các khó khăn, vướng mắc.

Các dự án chưa vận hành cần rà soát, thống kê danh mục dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện đã có quy hoạch nhưng chưa đưa vào vận hành, cập nhật tình hình triển khai thực hiện chi tiết và tiến độ dự kiến vận hành...

Cùng với đó, đánh giá nguyên nhân chưa vào vận hành của các dự án: khó khăn, vướng mắc về đất đai, hạ tầng kỹ thuật, năng lực đầu tư, tài chính; đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện các dự án, thay thế hoặc loại bỏ quy hoạch nếu cần thiết...

Theo thống kê của Bộ Công Thương, kể từ tháng 3/2016 đến hết năm 2020 đã có 384 dự án được bổ sung mới vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh; trong đó, có 190 dự án điện gió với tổng công suất 11.921MW và 175 dự án điện mặt trời với tổng công suất 15.400MW.

Bộ GTVT yêu cầu rà soát tốc độ tàu cao tốc

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu rà soát các tiêu chuẩn an toàn, tốc độ tối đa với tàu cao tốc, sau tai nạn ở biển Cửa Đại làm 17 người chết.

Tàu Phương Đông 05 sau vụ tai nạn

Tàu Phương Đông 05 sau vụ tai nạn

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tăng cường quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo nói chung, loại hình tàu SB (pha sông - biển) nói riêng...

Cụ thể, Cục phải rà soát toàn bộ vấn đề quản lý, cấp phép tàu rời cảng, bến; điều kiện hoạt động của doanh nghiệp, phương tiện, thuyền viên, bao gồm cả thiết bị AIS (nhận dạng phương tiện), áo phao, thiết bị cảnh báo và bảo đảm an toàn; các quy định về an toàn và thông tin cảnh báo điều kiện thời tiết...

Vụ Khoa học công nghệ được giao chủ trì, phối hợp Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu, rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo an toàn đối với tàu khách cao tốc SB phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện khai thác tại Việt Nam, nhằm nâng cao khả năng thoát hiểm của hành khách khi sự cố; đồng thời rà soát tốc độ tối đa cho phép khi tàu chạy trên luồng đường thủy nội địa và hàng hải.

Vụ An toàn giao thông được giao nghiên cứu và tham mưu về các trang thiết bị cứu sinh cho hành khách phù hợp với loại tàu, kiểu tàu chở khách và tuyến hành trình; bổ sung chương trình đào tạo, sát hạch và cấp chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển tàu, đặc biệt đối với tàu cao tốc.

Khoảng 14h ngày 26/2, tàu cao tốc Phương Đông 05 chở 39 người từ đảo Cù Lao Chàm vào cảng Cửa Đại bị lật làm 17 người chết, còn lại được cứu sống. Tai nạn đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý hoạt động tàu cao tốc như cấp phép, thiết kế, tốc độ của tàu.

Bình Dương sắp có 2 khu công nghiệp 1.000 ha

Từ giữa tháng 3 đến quý II, Bình Dương sẽ khởi công Khu công nghiệp Việt Nam Singapore 3 và Khu công nghiệp Cây Trường, đồng quy mô 1.000 ha.

Khu công nghiệp Vsip 2, huyện Tân Huyên, Bình Dương

Khu công nghiệp Vsip 2, huyện Tân Huyên, Bình Dương

UBND tỉnh Bình Dương vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 2 và nhiệm vụ tháng 3. Dự kiến giữa tháng 3, tức cuối quý I, tỉnh Bình Dương sẽ khởi công Dự án Khu công nghiệp Việt Nam Singapore 3 (VSIP III) tại xã Hội Nghĩa (thị xã Tân Uyên) và xã Tân Lập (huyện Bắc Tân Uyên) với tổng diện tích khoảng 1.000 ha.

Khu công nghiệp VSIP III được Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư vào tháng 11/2016 với tổng vốn đầu tư 6.407 tỷ đồng, gần đây Dự án được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp. Đây là dự án thứ 10 của VSIP đầu tư tại Việt Nam.

UBND tỉnh Bình Dương sẽ xem xét điều chỉnh quy mô triển khai từng giai đoạn cho phù hợp với tiến độ thu hút đầu tư đầu tư, kết nối hạ tầng... Nếu giai đoạn 1 đạt tỷ lệ lấp đầy trên 60%, Dự án có thể cho thuê và giao UBND Tỉnh xem xét giao đất, cho thuê với giai đoạn 2. Khi khu công nghiệp VSIP III đi vào hoạt động, Tỉnh dự kiến ưu tiên thu hút ngành nghề công nghệ cao.

Bên cạnh đó, dự kiến trong quý II, Khu công nghiệp Cây Trường, diện tích khoảng 1.000 ha cũng sẽ được Tỉnh khởi công…

Chỉ còn 3 đôi tàu Thống nhất chạy hàng ngày giữa Hà Nội – TP.HCM

Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - VNR) tiếp tục cắt giảm tàu khách Thống Nhất do dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, khiến nhu cầu khách đi tàu giảm mạnh.

Đường sắt cắt giảm tàu khách Thống nhất do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Đường sắt cắt giảm tàu khách Thống nhất do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Cụ thể, Công ty tạm dừng chạy tàu SE11 tại ga Hà Nội từ ngày 6/3/2022; tạm dừng chạy tàu SE12 tại ga Sài Gòn từ ngày 8/3/2022.

Như vậy, từ ngày 8/3, trên tuyến đường sắt Bắc Nam chỉ còn 3 đôi tàu Thống nhất chạy hàng ngày giữa Hà Nội - TP.HCM gồm: SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8.

Tàu khu đoạn tuyến TP.HCM - Nha Trang chỉ chạy dịp cuối tuần: Tàu SNT2 (ga Sài Gòn đi ga Nha Trang) xuất phát các ngày thứ 5, thứ 6 hàng tuần; Tàu SNT1 (ga Nha Trang đi ga Sài Gòn) xuất phát vào các ngày thứ 6, Chủ nhật hàng tuần. Tuyến TP.HCM - Phan Thiết, đôi tàu SPT1/SPT2 chỉ chạy các ngày thứ 6, 7, Chủ nhật hàng tuần.

Quảng Ngãi dự kiến xây kè 200 tỷ đồng ở bờ nam sông Trà Khúc

Dự án kè chống sạt lở và tôn tạo cảnh quan của bờ nam sông Trà Khúc có mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 150 tỷ đồng.

Phối cảnh dự án kè chống sạt lở và tôn tạo cảnh quan bờ Nam sông Trà Khúc.

Phối cảnh dự án kè chống sạt lở và tôn tạo cảnh quan bờ Nam sông Trà Khúc.

Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư và xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi thông tin, Dự án kè chống sạt lở và tôn tạo cảnh quan bờ nam sông Trà Khúc đã được HĐND tỉnh Quảng Ngãi thông qua chủ trương đầu tư và giao cho đơn vị làm chủ đầu tư.

Theo đó, tuyến kè có chiều dài khoảng 1,2km, điểm đầu giáp cầu Trà Khúc 1, đi qua bến Tam Thương, điểm cuối giáp đường Trường Sa. Dự án còn có công viên cây xanh kết hợp dịch vụ cảnh quan đô thị. Tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương dự kiến 150 tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2022 - 2025.

Phương án thiết kế công viên cây xanh kết hợp dịch vụ tạo cảnh quan đô thị, gồm các không gian chức năng như không gian trung tâm; không gian sinh hoạt phục vụ ngoài trời; sân chơi trẻ em; sân tập thể thao; lối đi dạo; bờ xe nước; khu vực trồng hoa, cây xanh cảnh quan,…

Hà Nội liên tiếp thu giữ nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc

Lực lượng chức năng phát hiện trên xe ôtô có chứa 18 thùng nước muối sinh lý, 10 thùng khẩu trang, 400 kit test nhanh không có hóa đơn, chứng từ; phát hiện kho chứa 10 tấn thực phẩm bốc mùi.

Lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện lô hàng hoá.
Lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện lô hàng hoá.

Theo Công an thành phố Hà Nội, Công an huyện Thạch Thất vừa phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 19 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra xe ôtô mang biển kiểm soát 29H-744.88 đang dừng đỗ trên địa bàn thị trấn Liên Quan (Thạch Thất, Hà Nội), phát hiện số lượng lớn thiết bị y tế không rõ nguồn gốc.

Cụ thể, lực lượng chức năng phát hiện trên xe ôtô có chứa 18 thùng nước muối sinh lý, 10 thùng khẩu trang có nhãn hàng hóa đầy đủ đúng quy định do Việt Nam sản xuất, 400 kit test nhanh virus SARS-CoV-2 do Trung Quốc sản xuất không có thông tin bằng tiếng Việt, không có số lưu hành.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất sứ của số hàng nêu trên.

Hiện, lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ số hàng, đồng thời tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Phát hiện tàu cá chở 60.000 lít dầu không rõ nguồn gốc

Theo lời khai của thuyền trưởng, tàu đang vận chuyển khoảng 60.000 lít dầu DO. Toàn bộ số dầu này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Lực lượng dẫn giải phương tiện về cảng Hải đội 421

Lực lượng dẫn giải phương tiện về cảng Hải đội 421

Ngày 6/3, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển (CSB) 4 cho biết, lực lượng đã dẫn giải phương tiện về cảng Hải đội 421 tại huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau để tiếp tục điều tra, xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Trước đó, tại vùng biển cách Nam Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau khoảng 100 hải lý, Tổ công tác Hải đoàn 42/ Bộ tư lệnh Vùng CSB4 phát hiện tàu cá mang số hiệu BL 93903 TS có nhiều dấu hiệu nghi vấn nên ra tín hiệu dừng tàu để kiểm tra hành chính.

Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 3 thuyền viên, do ông T.V.M (địa chỉ thường trú tại phường Vĩnh Lạc, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng.

Theo lời khai của thuyền trưởng, tàu đang vận chuyển khoảng 60.000 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, thiết lập hồ sơ ban đầu của vụ việc và niêm phong hàng hóa vi phạm.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ Tư lệnh Vùng CSB4 đã trực tiếp bắt giữ 4 vụ vận chuyển dầu DO trái phép với khoảng 280.000 lít.

Tin cùng chuyên mục