Bản tin thời sự sáng 7/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là “Hà Nội cần chú ý vấn đề nhân sự, tổ chức bộ máy phù hợp với việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Hà Nội cần chú ý lựa chọn nhân sự phù hợp mô hình chính quyền đô thị

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ Thành phố và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 cần chú ý vấn đề nhân sự, tổ chức bộ máy phù hợp với việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Kỳ họp

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Kỳ họp

Ngày 6/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 15 HĐND TP. Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội thông tin, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc giữa tháng 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù dành cho Thủ đô Hà Nội, trong đó đã cho phép Thành phố được thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù về quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, về mức dư nợ vay và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính.

Cùng với Luật Thủ đô, Nghị quyết số 97 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, thì Nghị quyết về chính sách tài khóa đặc thù kể trên chính là sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với Hà Nội để thành phố sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đã có, huy động thêm nguồn lực nhằm thực hiện kết quả cao nhất các mục tiêu đề ra.

“Đặc biệt, Hà Nội cần tận dụng tốt những cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù trong Nghị quyết 115 của Quốc hội, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/8 tới để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đóng góp nhiều hơn vào kết quả chung của đất nước”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Riêng với HĐND TP. Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của HĐND trong việc thực hiện quyết định các vấn đề quan trọng của Thành phố, nhất là thẩm quyền của Hội đồng trong việc quyết định những chính sách tài chính - ngân sách đặc thù theo Nghị quyết 115 của Quốc hội. Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng giám sát.

Quý III/2021 sẽ khởi công xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất

Theo Bộ Giao thông vận tải, dự kiến Dự án Đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ khởi công quý III/2021; khi hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2023, sẽ giúp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nâng cao năng lực thông qua của khách đi bằng đường hàng không.

Quý III/2021 sẽ khởi công xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.

Quý III/2021 sẽ khởi công xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.

Nhà ga hành khách T3, công suất 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đáp ứng yêu cầu khai thác, phù hợp với quy hoạch và phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất, giảm tải cho nhà ga T1 hiện đang quá tải, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Tổng vốn đầu tư của Dự án khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn hợp pháp của ACV (không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước) và sẽ xây dựng xong trong 37 tháng tính từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư.

Hiện nay, ACV đang thành lập Ban Quản lý dự án để tổ chức triển khai lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án. Doanh nghiệp này cũng đang phối hợp chặt chẽ với UBND TP.HCM để triển khai các thủ tục nhận bàn giao đất từ Bộ Quốc phòng.

Sau khi chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt, Dự án phải trải qua các bước lập, trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở; lập, trình thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán; xin giấy phép xây dựng; đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công; thực hiện thi công công trình trước khi hoàn thiện và cấp phép đưa vào khai thác.

Dự án Cao tốc Bắc - Nam giải phóng mặt bằng đạt trên 78%

Theo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông vận tải), trong số 8 dự án cao tốc thành phần cao tốc Bắc - Nam, đến nay các địa phương đã giải phóng mặt bằng (GPMB) được 418,6/533km (đạt 78%).

Cao tốc Bắc - Nam giải phóng mặt bằng đạt trên 78%.

Cao tốc Bắc - Nam giải phóng mặt bằng đạt trên 78%.

Đại diện Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết, trong số 95 khu tái định cư, đến nay, các địa phương đã xây dựng xong 9 khu; đang triển khai thi công 66 khu tái định cư; đang lựa chọn nhà thầu 3 khu tái định cư...

Đối với công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, các dự án cần di dời khoảng 128 vị trí điện cao thế, 369 vị trí điện trung thế, 751 vị trí điện hạ thế. Hiện các địa phương đang triển khai thi công di dời 9 vị trí điện cao thế, 36 vị trí điện trung thế, 31 vị trí điện hạ thế.

Theo báo cáo, tỉnh Ninh Bình có 1 dự án (Mai Sơn - QL45) đã GPMB 11,9/14,4km (đạt 83%); tỉnh Thanh Hóa có 3 dự án (Mai Sơn - QL45; QL45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu) đã GPMB 73,6/98,7km (đạt 74,6%); tỉnh Nghệ An có hai dự án (Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt) đã GPMB 71,7/88km (đạt 81,4%); tỉnh Hà Tĩnh có một dự án (Diễn Châu - Bãi Vọt) đã GPMB 3,9/4,7km (đạt 82,3%); tỉnh Khánh Hòa có hai dự án (Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo) đạt đã GPMB 23,6/54km (đạt 43,6%). Tỉnh Ninh Thuận có một dự án (Cam Lâm - Vĩnh Hảo) đã GPMB 54,5/61,5km (đạt 89%); tỉnh Bình Thuận có 3 dự án (Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) đã GPMB 149,4/160,7km (đạt 93%); tỉnh Đồng Nai có một dự án (Phan Thiết - Dầu Giây) đã GPMB được 30/51,3km (đạt 58,3%).

Về tiến độ khởi công, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết, dự kiến một số gói thầu của 3 dự án cao tốc Bắc - Nam chuyển từ hình thức PPP sang đầu tư công (Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) sẽ khởi công trong tháng 9/2020, các gói thầu còn lại khởi công trong năm 2021. Trong khi đó, 5 dự án thành phần thực hiện theo hình thức PPP dự kiến sẽ phát hành hồ sơ mời thầu nhà đầu tư trong tháng 7/2020.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Có thể đua F1 lại vào cuối tháng 11

Chiều 6/7, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết đang xem xét việc tiếp tục tổ chức giải đua F1 tại Hà Nội.

F1 Hà Nội dự kiến trở lại vào cuối tháng 11/2020

F1 Hà Nội dự kiến trở lại vào cuối tháng 11/2020

Cụ thể, theo ông Chung, giải đua F1 tại Hà Nội theo kế hoạch sẽ diễn ra vào tháng 4/2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sự kiện này không thể diễn ra.

Ông Chung thông tin, Thành phố đang xem xét việc tiếp tục tổ chức giải đua F1 này, đảm bảo an toàn về dịch bệnh. Theo ông Chung, giải đấu có thể diễn ra vào cuối tháng 11/2020.

Trước đó, từ giữa tháng 3/2020, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội và Ban tổ chức giải F1 đã quyết định hoãn sự kiện F1.

Mới đây nhất, Ban tổ chức Giải đua xe F1 vừa công bố lịch thi đấu của 8 chặng đua đầu tiên từ ngày 5/7 đến ngày 6/9.

Theo quy định, một mùa giải đua xe F1 đòi hỏi ít nhất 8 chặng đua. Trở lại sau dịch Covid-19, Ban tổ chức F1 đã bàn bạc và xem xét, sau đó ấn định thời gian và địa điểm tổ chức 8 chặng đầu, tất cả đều diễn ra ở châu Âu. Cụ thể, F1 sẽ tổ chức hai chặng đầu tiên tại trường đua Spielberg của Áo vào ngày 5/7 và ngày 12/7.

Theo chủ tịch F1 Chase Carey, dự kiến F1 sẽ tổ chức 15 đến 18 chặng đua ở mùa giải 2020. Sau các chặng ở châu Âu, giải đua sẽ đến châu Á rồi đến châu Mỹ, trước khi kết thúc ở khu vực vùng Vịnh vào tháng 12. Như vậy, chặng Hà Nội GP sẽ đặt trong “chế độ chờ”. Lịch thi đấu các chặng tiếp theo sẽ được tiết lộ trong vài tuần tới.

Dự kiến, chặng Hà Nội GP có thể được trở lại vào cuối năm với 2 phương án là tháng 10 hoặc tháng 11 tới. Hiện Ban tổ chức vẫn đang làm việc với UBND TP. Hà Nội và các bên liên quan theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh để có thể lựa chọn được thời điểm tổ chức an toàn và phù hợp. Chặng Hà Nội GP đang đứng trước hai lựa chọn, hoặc tổ chức không có khán giả, hoặc chỉ có khán giả trong nước.

Lâm Đồng: Núi rác Cam Ly lại ập xuống thung lũng

Núi rác Cam Ly hôi thối sạt lở đổ xuống thung lũng bên dưới vào sáng 6/7. Đây là đợt sạt lở lần thứ 2 ở bãi rác lớn nhất TP. Đà Lạt trong vòng 1 năm qua.

Hàng trăm tấn rác đổ xuống thung lũng bên dưới kèm theo nước hôi thối

Hàng trăm tấn rác đổ xuống thung lũng bên dưới kèm theo nước hôi thối

Vị trí sạt lở lần này trùng với vị trí sạt lở xảy ra vào tháng 8/2019 khiến cả nghìn tấn rác đổ xuống vườn nhà dân bên dưới thung lũng. May mắn vụ sạt lở mới không gây ảnh hưởng nhà kính và hoa màu của người dân. Tại vị trí núi rác sạt lở, xuất hiện nhiều dòng chảy có màu nước đen kịt bốc mùi hôi.

Dòng nước đen ô nhiễm này đã bắt đầu chảy vào khu vực nhà, vườn dân dưới thung lũng.

Bãi rác Cam Ly hiện tọa lạc trên đỉnh một quả đồi cao khoảng 60m, nhiều năm qua thường xuyên gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước. Vị trí bãi rác chỉ cách trung tâm Đà Lạt khoảng 3 km.

Năm 2015, bãi rác này đã phải đóng cửa và chất thải rắn của Đà Lạt được chuyển tới Nhà máy Xử lý chất thải xã Xuân Trường, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 20km. Tuy nhiên, đến năm 2017, do nhà máy xử lý chất thải ở Xuân Trường không xử lý hết nên rác thải lại được chuyển về bãi Cam Ly.

Hiện nay mỗi ngày bãi rác này tiếp nhận khoảng 200 tấn chất thải rắn của TP Đà Lạt. Công ty Dịch vụ đô thị Đà Lạt - đơn vị quản lý bãi rác Cam Ly, đã tới khảo sát, kiểm tra hiện trường tại địa điểm sạt lở nêu trên.

Thêm 14 ca từ Bangladesh trở về mắc Cpvid-19, Việt Nam có 369 ca

Bản tin lúc 18h ngày 6/7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết đã ghi nhận thêm 14 ca mắc bệnh từ Bangladesh trở về, được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Như vậy, đến thời điểm này Việt Nam có 369 ca.

Thêm 14 ca từ Bangladesh trở về mắc COVID-19, đến thời điểm này Việt Nam có 369 ca

Thêm 14 ca từ Bangladesh trở về mắc COVID-19, đến thời điểm này Việt Nam có 369 ca

Ngày 3/7, các bệnh nhân này từ Bangladesh về sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh trên chuyến bay VJ5967 và được cách ly tập trung ngay tại Tiểu đoàn 2, Sư đoàn 390, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 4/7, các bệnh nhân được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa lấy mẫu xét nghiệm, các mẫu bệnh phẩm đã được gửi tới Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm tham chiếu ngày 5/7.

Kết quả xét nghiệm ngày 6/7 của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương là dương tính với SARS-CoV-2. Hiện 14 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Như vậy, tính đến 18h ngày 6/7, Việt Nam có tổng cộng 229 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay, đã qua 81 ngày liên tiếp không có ca nhiễm trong cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục