Bản tin thời sự sáng 8/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7; rao bán 3,7 triệu cổ phiếu ACB của ông Nguyễn Đức Kiên; sáng 7/7, xuất hiện lỗi giao dịch cục bộ ở một số công ty chứng khoán; hơn 97.000 liều vaccine Pfizer về sân bay Nội Bài; dừng đường bay TP.HCM - Phú Quốc từ 0h ngày 8/7…

TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7

Chính quyền TP.HCM quyết định giãn cách xã hội toàn Thành phố 15 ngày theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 để phòng chống Covid-19.

TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7

TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7

Quyết định được Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chống Covid-19 của TP.HCM.

Người đứng đầu chính quyền Thành phố yêu cầu các địa phương tận dụng thời gian 15 ngày Chỉ thị 16 siết chặt công tác phòng, chống dịch. Người dân ra ngoài khi thật sự cần thiết như làm việc tại nhà máy, công xưởng, khám chữa bệnh...

Theo ông Phong, hiện số ca nhiễm Covid-19 tại TP.HCM tăng nhanh nhưng nguồn lực của Thành phố vẫn đảm bảo. Do vậy, chính quyền Thành phố đề nghị người dân không cần tích trữ hàng hóa, tập trung đông người tại siêu thị, chợ truyền thống...

Ngoài một số dịch vụ phải dừng theo Chỉ thị 10 như taxi công nghệ và taxi truyền thống, từ ngày 9/7, xe ôm công nghệ, xe ôm truyền thống phải dừng hoạt động. Thành phố giao Sở Giao thông vận tải phối hợp các địa phương lân cận tổ chức, tạo điều kiện cho xe chở hàng hóa được liên tục, thông suốt.

Thành phố kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét hạn chế hoặc tạm ngừng các hoạt động hàng không và đường sắt đi, đến TP.HCM.

Sở Nội vụ sẽ lên phương án cho người lao động sử dụng công nghệ thông tin, làm việc tại nhà. Chỉ trường hợp như trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa thiết yếu, xử lý tài liệu mật... mới đến công sở làm việc.

Số lượng làm việc tại công sở không quá 1/3 tổng số lao động để duy trì các nhiệm vụ của đơn vị; riêng lực lượng vũ trang và y tế đảm bảo 100% quân số.

TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 trong bối cảnh ghi nhận hơn 8.000 ca nhiễm kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát, đứng đầu cả nước. Những ngày gần đây, số ca nhiễm tính theo ngày tại Thành phố liên tục cao.

Đây là lần thứ hai TP.HCM phải thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16. Trước đó, đầu tháng 4/2020, cùng với 11 tỉnh thành nguy cơ cao, Thành phố áp dụng Chỉ thị 16 trong 22 ngày.

Rao bán 3,7 triệu cổ phiếu ACB của ông Nguyễn Đức Kiên

Chi cục Thi hành án dân sự quận Hoàng Mai rao bán tối đa 3,7 triệu cổ phiếu ACB của ông Nguyễn Đức Kiên đến khi thu số tiền 76,5 tỷ đồng nhằm thi hành án.

Chi cục Thi hành án dân sự quận Hoàng Mai sẽ bán cổ phiếu ACB của bầu Kiên để thu số tiền 76,5 tỷ đồng nhằm thi hành án.

Chi cục Thi hành án dân sự quận Hoàng Mai sẽ bán cổ phiếu ACB của bầu Kiên để thu số tiền 76,5 tỷ đồng nhằm thi hành án.

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo đã nhận được công văn của Chi cục Thi hành án dân sự quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội về việc bán tài sản để thi hành án.

Theo đó, Chi cục Thi hành án này đã phối hợp với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), Công ty TNHH Chứng khoán ACB tổ chức bán tài sản hơn 3,7 triệu cổ phiếu Ngân hàng TMCP Á Châu (Mã CK: ACB).

Số cổ phiếu này thuộc tài khoản chứng khoán mang tên ông Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên) và đã được lưu ký tại VSD.

Thời gian thực hiện bán trong vòng 3 ngày, bắt đầu từ 9/7. Phương thức bán giao dịch là khớp lệnh tập trung theo giá thị trường tại ngày bán. Số lượng bán cụ thể phụ thuộc vào giá cổ phiếu tại thời điểm bán, đến khi số tiền thu được tương ứng với số tiền 76,5 tỷ đồng.

Chi cục Thi hành án dân sự quận Hoàng Mai sẽ bán cổ phiếu ACB của bầu Kiên để thu số tiền 76,5 tỷ đồng nhằm thi hành án.

Tuy nhiên HoSE cũng lưu ý trước khi mở cuộc bán tài sản một ngày làm việc, người phải thi hành án hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền được nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án, tổ chức bán tài sản.

Mặc dù đang trong thời gian thụ án bởi liên quan đến hành vi phạm tội về kinh tế, ông Nguyễn Đức Kiên vẫn đang sở hữu hơn 31,57 triệu cổ phiếu ACB. Số cổ phiếu này hiện có giá trị thị trường là hơn 1.150 tỷ đồng.

Sáng 7/7, xuất hiện lỗi giao dịch cục bộ ở một số công ty chứng khoán

Phiên sáng 7/7 ghi nhận sự cố giao dịch cục bộ ở một số công ty chứng khoán như SSI, VPS, VNDirect hay TCBS.

Thông báo tạm dừng nhận lệnh sáng 7/7 của SSI.

Thông báo tạm dừng nhận lệnh sáng 7/7 của SSI.

Trong phiên giao dịch sáng 7/7, hệ thống giao dịch của một số công ty chứng khoán lớn ghi nhận sự cố đăng nhập và bảng giá. Chứng khoán SSI thông báo hệ thống giao dịch có hiện tượng ghi nhận lệnh chậm và không cập nhật chính xác trạng thái lệnh.

Để khắc phục sự cố trên, SSI đã khuyến khích khách hàng hạn chế đặt lệnh mới để tránh việc phát sinh lệnh không đúng như kỳ vọng. Sau đó, công ty này còn tạm dừng các kênh nhận lệnh sẽ mở lại ngay khi giải quyết dứt điểm vấn đề. Đến khoảng 11h giao dịch đã trở lại bình thường.

Không chỉ SSI, một số công ty chứng khoán có thị phần lớn cũng ghi nhận lỗi hệ thống như VNDirect, VPS, TCBS. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ xảy ra cục bộ, giao dịch ở các công ty chứng khoán khác vẫn thực hiện bình thường.

Trước đó vào ngày 5/7, HoSE bắt đầu đưa vào vận hành hệ thống kỹ thuật mới nhằm giải quyết tình trạng nghẽn lệnh. Hệ thống mới giúp hoạt động giao dịch diễn ra thuận lợi và cải thiện thanh khoản đáng kể.

Mỗi công ty chứng khoán cũng đầu tư hệ thống công nghệ khác nhau để kết nối với Sở Giao dịch chứng khoán. Do vậy, khi hệ thống mới của HoSE đi vào vận hành vẫn phát sinh một số trục trặc cục bộ. Chiều ngày 6/7, VNDirect cũng phát hiện hiện tượng chậm cập nhật dữ liệu dẫn tới giá dự khớp của một số cổ phiếu trong phiên ATC không chính xác, do đó công ty này cũng có thư ngỏ xin lỗi khách hàng.

Thêm hai tàu Metro số 1 về TP.HCM giữa tháng 7

Hai đoàn tàu thứ 6 và 7 của Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến đến TP.HCM ngày 13/7, cùng với 5 tàu nhập về trước đó để chuẩn bị chạy thử.

Đoàn tàu thứ 5 của Metro Số 1 được cẩu xuống đường ray tại depot Long Bình chờ lắp ráp hồi tháng 6

Đoàn tàu thứ 5 của Metro Số 1 được cẩu xuống đường ray tại depot Long Bình chờ lắp ráp hồi tháng 6

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư) cho biết, 6 toa thuộc hai đoàn tàu này đã rời cảng tại Nhật Bản từ ngày 5/7. Sau 9 ngày, các toa sẽ cập cảng Khánh Hội (Quận 4) và lần lượt được đưa về depot Long Bình (TP. Thủ Đức) các ngày 15/7 và 19/7, để lắp ráp thành tàu hoàn chỉnh. Trước khi vào Thành phố, tại phao số 0, các chuyên gia, kỹ sư và người trên tàu được lấy mẫu xét nghiệm, kiểm soát Covid-19.

Mỗi toa metro dài 21 m, rộng gần 4 m, cao 3 m, nặng 37 tấn, được vận chuyển bằng xe siêu trường về depot, tương tự các đoàn tàu đã nhập về trước đó. Ba xe sẽ được chuẩn bị sẵn ở cảng Khánh Hội, chờ bốc xếp và mỗi xe sẽ đảm nhận vận chuyển một toa tàu.

Metro số 1 có 17 đoàn tàu, đều sản xuất tại Nhật Bản. Mỗi tàu 3 toa dài 61,5 m, chở 930 khách (đứng, ngồi). Tàu thiết kế tốc độ 110 km/h (đoạn trên cao) và 80 km/h (đoạn ngầm). Vỏ tàu làm bằng hợp kim nhôm, sơn màu chủ đạo xanh dương, nội thất thiết kế thuận tiện cho khách và dễ vệ sinh, bảo dưỡng...

Sau khi hai tàu thứ 6 và 7 chuyển đến TP.HCM, tuyến metro còn 10 tàu khác sẽ được nhập về sau đó, tuỳ theo tiến độ dự án. Trước đó, từ tháng 10/2020 đến tháng 6/2021, 5 đoàn tàu đã được nhập về, đang chờ vận hành thử nghiệm tại depot Long Bình.

Metro số 1 dài gần 20 km từ ga Bến Thành (Quận 1) đến depot Long Bình, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.

Hơn 97.000 liều vaccine Pfizer về sân bay Nội Bài

97.110 liều vaccine Covid-19 Comirnaty của Pfizer/BioNtech đã về đến Sân bay quốc tế Nội Bài vào sáng 7/7.

Hơn 97.000 liều vaccine Pfizer về sân bay Nội Bài vào sáng 7/7

Hơn 97.000 liều vaccine Pfizer về sân bay Nội Bài vào sáng 7/7

Đây là lô đầu tiên trong cam kết cung ứng 31 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNtech cho Việt Nam trong năm 2021.

Theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, từ tháng 9/2020, khi vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNtech đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, Bộ Y tế và Pfizer đã làm việc về kế hoạch hợp tác phát triển, cung ứng vaccine cho Việt Nam. Sau hơn 20 cuộc họp, nhiều văn bản trao đổi, đàm phán trong hơn 10 tháng qua giữa Bộ Y tế và Pfizer, ngày 7/6 hai bên đã hoàn tất ký kết hợp đồng cung ứng vaccine.

Sau một tháng kể từ ngày ký kết hợp đồng cung ứng, Việt Nam đã đón lô vaccine đầu tiên.

Thứ trưởng Cường cũng chia sẻ mong muốn Pfizer bảo đảm tiến độ cung ứng 31 triệu liều trong năm 2021, đồng thời cung cấp bổ sung khoảng 20 triệu liều và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam trong thời gian tới.

Bộ Y tế cam kết triển khai chiến dịch tiêm chủng cho người dân Việt Nam, bảo đảm an toàn, không để lãng phí, hướng tới mục tiêu đảm bảo miễn dịch cộng đồng.

Dự kiến trong tháng 7 sẽ thêm các lô vaccine Covid-19 của Pfizer về Việt Nam.

Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam Christopher Klein cũng cho biết, chính phủ Mỹ đã cam kết cung cấp hàng tỷ USD cho Cơ chế Covax và hỗ trợ hàng trăm triệu liều vaccine cho các quốc gia, trong đó 2 triệu liều vaccine Moderna sẽ về Việt Nam sắp tới.

Vaccine Pfizer được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt ngày 1/1. Đây là loại vaccine đầu tiên được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

Dừng đường bay TP.HCM - Phú Quốc từ 0h ngày 8/7

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các chuyến bay chở khách từ TP.HCM đến Phú Quốc được tạm dừng từ ngày 8/7.

Chiều 6/7, sân bay Phú Quốc đón 955 khách từ TP.HCM

Chiều 6/7, sân bay Phú Quốc đón 955 khách từ TP.HCM

Theo lãnh đạo Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc (Kiên Giang), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn vừa ký công văn gửi Cục Y tế GTVT, Cục Hàng không Việt Nam và UBND tỉnh Kiên Giang về việc tạm dừng các chuyến bay chở khách từ TP.HCM đến Phú Quốc và ngược lại. Thời gian áp dụng từ 0h ngày 8/7 cho đến khi có thông báo mới.

Cục Hàng không Việt Nam được cấp trên giao nhiệm vụ xem xét, giải quyết theo đề nghị của hãng hàng không và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về các chuyến bay đặc biệt nhằm phục vụ vận chuyên nhân viên y tế, vật tư, trang thiết bị y tế.

Trước đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị tạm dừng khai thác các chuyến bay đi/đến giữa TP.HCM và Phú Quốc.

Bộ GTVT cũng giao cho Cục Hàng không chủ trì, phối hợp với Cục Y tế GTVT và các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh Kiên Giang theo dõi tình hình dịch bệnh để có điều chỉnh khai thác vận tải hàng không đi và đến Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc kịp thời.

Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết, vận tải hành khách bằng tàu cao tốc từ đất liền đến đảo này vẫn hoạt động bình thường. Hành khách đi tàu cao tốc thực hiện đầy đủ 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Long An nâng mức giãn cách xã hội từ 0h ngày 8/7

TP. Tân An và bốn huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc nâng mức giãn cách từ Chỉ thị 15 lên 16, từ 0h ngày 8/7.

Các địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 ở Long An

Các địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 ở Long An

Phó chủ tịch UBND Long An Phạm Tấn Hòa cho biết, với thị xã Kiến Tường và 9 huyện còn lại sẽ thực hiện theo Chỉ thị 15 đến khi có thông báo mới.

Đây là lần thức ba Long An áp dụng biện pháp mạnh để chống dịch. Theo quyết định mới, người dân tại các địa bàn áp dụng Chỉ thị 16 được yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Mọi người thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m và không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Các hoạt động, dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và hoạt động sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp đều tạm dừng. Các cơ sở dịch vụ nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống, giải khát chỉ được phục vụ mang về, không phục vụ tại chỗ, đảm bảo khoảng cách tối thiểu và các quy định phòng chống dịch…

TP.HCM dùng 1.281 căn hộ tái định cư làm nơi cách ly tập trung

1.281 căn hộ tái định cư ở huyện Bình Chánh và TP. Thủ Đức được TP.HCM dùng làm nơi cách ly tập trung các trường hợp F1 (tiếp xúc gần ca nhiễm).

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh nhìn từ trên cao

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh nhìn từ trên cao

UBND TP.HCM vừa thông báo quyết đình này, sau khi Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Hoà Bình và các sở ngành liên quan họp bàn.

Trong đó, 953 căn thuộc Khu tái định cư Vĩnh Lộc B ở huyện Bình Chánh; 120 căn thuộc Lô A, chung cư Linh Trung và 208 căn thuộc lộ C8, chung cư Hiệp Phú, TP.Thủ Đức.

UBND Thành phố giao Sở Xây dựng căn cứ ý kiến Sở Tài chính về kinh phí sửa chữa vệ sinh các chung cư trên để tham mưu UBND có quyết định phê duyệt, đảm bảo đúng tiến độ tiếp nhận các ca F1 theo đề nghị của Sở Y tế.

Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chống Covid-19 của TP.HCM, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đã giao Phó chủ tịch Lê Hoà Bình cùng các sở ngành liên quan rà soát quỹ nhà tái định cư chưa sử dụng trên địa bàn để làm nơi cách ly tập trung.

Hiện TP.HCM có 11 khu cách ly tập trung cấp thành phố với gần 10.400 giường, đang cách ly gần 7.000 người; 59 cơ sở cách ly cấp quận huyện với tổng công suất hơn 6.800 giường, đang cách ly gần 4.300 người; 58 khách sạn cách ly có thu phí với công suất gần 4.870 giường, đang cách ly hơn 3.200 người.

Hơn 2.200 m3 cát lậu giữa rừng tại Quảng Trị

Ập vào khu rừng thuộc xã Húc, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), công an môi trường phát hiện bãi tập kết hơn 2.200 m3 cát lậu.

Máy múc và cát lậu được khai tác từ lòng hồ thuỷ điện Khe Giông

Máy múc và cát lậu được khai tác từ lòng hồ thuỷ điện Khe Giông

Công an môi trường Quảng Trị vừa bắt quả tang 10 nhân công đang vận hành máy hút cát đặt giữa lòng hồ thuỷ điện, cách chân đập khoảng 150 m về thượng nguồn.

Khu vực khai thác cát lậu nằm trong khuôn viên Nhà máy Thủy điện Khe Giông, xã Húc huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) do Công ty Đầu tư Thanh Hoa quản lý. Khu này ở giữa rừng, chỉ có một con đường độc đạo, nhỏ và dài dẫn vào.

Tại hiện trường, nhà chức trách ghi nhận thêm một máy múc đang sẵn sàng hoạt động ở bãi tập kết có khoảng 200 m3 cát. Cách đó 500 m, một bãi tập kết khác chứa khoảng 2.000 m3.

Trung tá Tạ Quang Dung, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Quảng Trị), cho biết bãi cát này chưa được cấp phép, hoạt động giữa lòng hồ đe dọa an toàn đập thủy điện, ảnh hưởng môi trường và gây thất thu thuế, phí tài nguyên.

Nhóm công nhân khai nhận có mặt ở đây từ giữa tháng 5/2021, dựng lán trại ăn nghỉ tại bãi cát. Công an đã bị lập biên bản để làm rõ hành vi khai thác khoáng sản trái phép.

Tin cùng chuyên mục