Bản tin thời sự sáng 9/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là không phải xét nghiệm Covid-19 khi vào sân theo dõi SEA Game 31; thu phí không dừng trên toàn bộ tuyến cao tốc của VEC vào cuối quý III/2022; lực lượng liên ngành TP.HCM tập trung kiểm tra xe bồn, container và xe đầu kéo; Việt Nam dẫn đầu về xuất khẩu trà sang Đài Loan…

Không phải xét nghiệm Covid-19 khi vào sân theo dõi SEA Game 31

Hà Nội quán triệt chỉ xét nghiệm Covid-19 với người có dấu hiệu, triệu chứng nghi ngờ, khán giả theo dõi trực tiếp trận đấu không phải lấy mẫu test Covid-19.

Khán giả tham dự theo dõi trực tiếp thi đấu không phải lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Khán giả tham dự theo dõi trực tiếp thi đấu không phải lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành phương án phòng, chống dịch Covid-19 phục vụ SEA Games 31 trên địa bàn Thành phố.

Kế hoạch nhằm thực hiện phòng, chống và ngăn ngừa khả năng lây lan của dịch, phục vụ an toàn cho SEA Games 31; chủ động ứng phó có hiệu quả với các tình huống dịch Covid-19 trong quá trình tổ chức và tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động của SEA Games 31.

Nguyên tắc phòng, chống dịch được đề ra là các trường hợp có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính hoặc mắc Covid-19 không tham gia thi đấu, phục vụ SEA Games 31 và thực hiện việc cách ly, điều trị theo hướng dẫn.

Những người tiếp xúc gần với trường hợp có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính hoặc mắc Covid-19 trong thời gian thi đấu, phục vụ, sẽ được lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện xử lý theo hướng dẫn.

Kế hoạch cũng chỉ rõ yêu cầu phòng dịch đối với người nhập cảnh. Theo đó, đối với khách mời cấp thứ trưởng hoặc tương đương trở lên; trưởng, phó đoàn thể thao tham dự SEA Games 31 không bắt buộc phải có giấy xác nhận xét nghiệm hoặc xét nghiệm SARS-CoV-2 sau khi nhập cảnh.

Vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PVR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ hoặc được lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ trước khi thi đấu.

Chỉ lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh SARS-CoV-2 cho người có dấu hiệu, triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 hoặc có tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh. Khán giả tham dự theo dõi trực tiếp thi đấu không phải lấy mẫu xét nghiệm.

Thu phí không dừng trên toàn bộ tuyến cao tốc của VEC vào cuối quý III/2022

Dự kiến cuối quý III/2022 sẽ triển khai thu phí không dừng trên toàn bộ các tuyến cao tốc VEC đang khai thác.

Hệ thống thu phí tự động không dừng dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thu phí liên thông với dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình của VEC

Hệ thống thu phí tự động không dừng dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thu phí liên thông với dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình của VEC

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tình hình triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng cho các tuyến cao tốc của đơn vị này quản lý.

Đối với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, VEC đã hoàn thành đầu tư, lắp đặt, đưa vào khai thác hệ thống thu phí tự động không dừng từ tháng 6/2020 đối với 15 làn. Hệ thống hiện hoạt động hiệu quả với tỷ lệ phục vụ chiếm 51% doanh thu toàn tuyến.

Các tuyến cao tốc còn lại (Nội Bài - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và một số làn còn lại tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình), lãnh đạo VEC cho biết đã phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng từ 5/5/2022; dự kiến sẽ đóng thầu vào ngày 25/5/2022 và hoàn thành lựa chọn nhà thầu từ 30/6/2022.

Sau khi hoàn thành lựa chọn nhà thầu, VEC sẽ yêu cầu nhà thầu lắp đặt ngay để giữa tháng 8/2022 sẽ đưa vào khai thác hệ thống thu phí điện tử không dừng cho tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Cuối quý III/2022 sẽ khai thác thu phí không dừng trên toàn bộ các tuyến cao tốc VEC đang khai thác.

Tiếp tục rút ngắn tiến độ thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn

Bộ GTVT yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, rút ngắn tiến độ gói thầu tại Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn.

Bộ GTVT cũng thống nhất kết quả rà soát, cam kết rút ngắn tiến độ thi công từ 1 - 2 tháng so với tiến độ hợp đồng đối với 7,75 km/15,41 km tại gói thầu XL2 (Km349 - Km364+410,75). Ảnh minh họa

Bộ GTVT cũng thống nhất kết quả rà soát, cam kết rút ngắn tiến độ thi công từ 1 - 2 tháng so với tiến độ hợp đồng đối với 7,75 km/15,41 km tại gói thầu XL2 (Km349 - Km364+410,75). Ảnh minh họa

Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án (QLDA) 2 điều chỉnh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân Dự án đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn thuộc Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Theo Bộ GTVT, sau khi xem xét báo cáo, kiến nghị của Ban QLDA 2 về việc rà soát, điều chỉnh tiến độ thực hiện, Bộ thống nhất với kết quả rà soát, cam kết rút ngắn tiến độ thi công 3 tháng so với tiến độ hợp đồng đối với 3,76 km/10,6 km thuộc khu vực nền đào, đắp thông thường và xử lý nền đất yếu bằng giải pháp đào thay đất tại Gói thầu XL1 (Km337 - Km349).

Bộ GTVT cũng thống nhất kết quả rà soát, cam kết rút ngắn tiến độ thi công từ 1 - 2 tháng so với tiến độ hợp đồng đối với 7,75 km/15,41 km thuộc khu vực nền đào, đắp thông thường và xử lý nền đất yếu bằng giải pháp đào thay đất tại Gói thầu XL2 (Km349 - Km364+410,75).

Đối với Gói thầu XL3 (Km364+410,75 - Km380), theo báo cáo của Ban QLDA 2, hầu hết phạm vi Gói thầu không thuộc khu vực phải xử lý nền đất yếu.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Quốc 45 - Nghi Sơn dài 43 km, đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thời gian tổ chức thi công dự án trong khoảng 2 năm (2021 - 2023).

Lực lượng liên ngành TP.HCM tập trung kiểm tra xe bồn, container và xe đầu kéo

Các tổ liên ngành có thể bổ sung cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động, hình sự, môi trường, phòng cháy chữa cháy, công an địa phương... để kiểm tra, xử lý vi phạm.

CSGT kiểm tra 1 xe bồn trên đường Võ Văn Kiệt.

CSGT kiểm tra 1 xe bồn trên đường Võ Văn Kiệt.

Nhằm thiết lập lại trật tự, kỷ cương, góp phần bảo vệ hệ thống công trình giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông tại TP.HCM, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP.HCM (PC08) phối hợp với Thanh tra giao thông (Sở Giao thông vận tải TP.HCM) đang triển khai kế hoạch ra quân kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải hàng hóa.

Theo PC08, trong đợt ra quân này, các tổ liên ngành sẽ tập trung kiểm tra xe tải, xe đầu kéo, xe bồn chở khí hoá lỏng, xăng dầu, xe bê tông, xe vận chuyển hàng siêu trường siêu trọng...

Theo đó, công tác thanh, kiểm tra sẽ được tăng cường trên các tuyến quốc lộ, các tuyến đường thường xuyên có phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông. Đặc biệt, lực lượng liên ngành sẽ tập trung xử lý ở các tuyến đường hạn chế tải trọng, tuyến đường cấm, các tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng vi phạm trong hoạt động vận tải hàng hóa bằng ôtô.

Cũng trong đợt ra quân này, lực lượng liên ngành TP.HCM còn chú trọng việc kiểm soát ngay tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho hàng, cảng, bến, nơi tập kết hàng hóa, xếp hàng hóa để xử lý kịp thời.

Việt Nam dẫn đầu về xuất khẩu trà sang Đài Loan

Năm 2021, thị phần xuất khẩu trà Việt sang Đài Loan chiếm 55,23% trong tổng kim ngạch của thị trường này.

Hái chè (trà) tại đồi ở thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng).

Hái chè (trà) tại đồi ở thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng).

Thống kê của Cơ quan quản lý Ngoại thương Đài Loan (BOFT) cho thấy, năm 2021, Đài Loan đã nhập hơn 33.000 tấn trà từ hơn 30 đối tác trên toàn thế giới. Tổng kim ngạch nhập khẩu trà của nền kinh tế này đạt 87,8 triệu USD, tăng 8,58% về lượng và tăng 13,39% về kim ngạch so với năm 2020.

Việt Nam tiếp tục là đối tác cung ứng mặt hàng trà vào Đài Loan nhiều nhất trong năm 2021 với 18.330 tấn, đạt 28,91 triệu USD, tăng 7,1% về lượng và 7,47% về giá trị so với năm 2020. Số lượng này chiếm tỷ trọng 55,23% thị phần nhập khẩu vào Đài Loan.

Theo Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Thu Thủy, nếu Việt Nam nâng cao chất lượng trà, xuất khẩu sản phẩm này sang các thị trường trên có thể tăng mạnh trong năm 2022.

Trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu trà Việt Nam đạt 2.000 tấn, trị giá 3 triệu USD, tăng 3,5% về lượng và tăng 0,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, sản phẩm trà của Việt Nam cũng đã được xuất khẩu tới hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Pakistan, Đài Loan, Nga, Indonesia, Trung Quốc đại lục là 5 thị trường trọng điểm của trà Việt.

Hiện nay, đối thủ cạnh tranh chính mặt hàng trà của Việt Nam tại Đài Loan là Sri Lanka (tỷ trọng chiếm 15,43% thị phần); Ấn Độ (10,28%); Indonesia (6,46%) và Trung Quốc (4,79%)...

Hà Tĩnh chọn 42 mỏ làm nguồn vật liệu xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hà Tĩnh đã thống nhất với Ban Quản lý dự án (QLDA) 6 và Ban QLDA Thăng Long chọn 42 mỏ làm nguồn vật liệu xây dựng.

Trong số 42 mỏ có 16 mỏ đã hoàn thiện thủ tục cấp phép; 13 mỏ còn lại đang làm thủ tục hoàn thiện

Trong số 42 mỏ có 16 mỏ đã hoàn thiện thủ tục cấp phép; 13 mỏ còn lại đang làm thủ tục hoàn thiện

Thông tin từ Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA 6 - chủ đầu tư 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua Hà Tĩnh, nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường phục vụ việc thi công cả 3 dự án thành phần cần 15,3 triệu m3 đất đắp, 1,09 triệu m3 cát các loại, 2,19 triệu m3 đá.

Theo tính toán, nhu cầu đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi là 3,9 triệu m3 đất đắp, 450 nghìn m3 cát các loại, 692 nghìn m3 đá; đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng là 7,5 triệu m3 đất đắp, 456 nghìn m3 cát các loại, 1 triệu m3 đá; đoạn Vũng Áng - Bùng là 3,9 triệu m3 đất đắp, 184 nghìn m3 cát các loại, 496 nghìn m3 đá.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh, Sở đã phối hợp với các đơn vị, địa phương cùng 2 Ban QLDA của Bộ GTVT thống nhất lựa chọn 42 mỏ khoáng sản trên địa bàn toàn Tỉnh quy hoạch làm nguồn vật liệu xây dựng thông thường.

Trong số 42 mỏ khoáng sản này có 16 mỏ đá xây dựng (tất cả đã được cấp giấy phép khai thác), 3 mỏ cát (2 mỏ đã cấp giấy phép khai thác, 1 mỏ nằm trong quy hoạch nhưng chưa cấp phép) và 23 mỏ đất san lấp (11 mỏ đã cấp giấy phép khai thác; 11 mỏ bổ sung quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, chưa cấp phép khai thác; 1 mỏ đang đề nghị bổ sung quy hoạch Tỉnh giai đoạn 2021 - 2030).

Sở TN&MT Hà Tĩnh đã báo cáo, tham mưu UBND Tỉnh có văn bản thống nhất nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án gửi Bộ GTVT làm cơ sở để triển khai, thực hiện các bước tiếp theo.

Giá gạo xuất khẩu giảm mạnh

Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm đạt 486,2 USD một tấn, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Bình quân 3 tháng đầu năm nay, giá gạo đạt 486,2 USD một tấn, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bình quân 3 tháng đầu năm nay, giá gạo đạt 486,2 USD một tấn, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 2,05 triệu tấn và 1 tỷ USD, tăng 4,4% về khối lượng nhưng giảm 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Nguyên nhân là nguồn cung hàng dồi dào nên giá gạo xuất khẩu giảm mạnh. Bình quân 3 tháng đầu năm nay, giá gạo đạt 486,2 USD/tấn, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại thị trường thế giới, giá gạo cũng đồng loạt giảm, trong đó gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan là 410 - 412 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với tháng trước. Tại Ấn Độ, gạo 5% tấm là 361 - 365 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn so với tháng trước.

Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm với 42,6% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong quý I đạt 672,142 nghìn tấn, tăng 63,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 3 tháng đầu năm, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất là Bờ Biển Ngà (tăng 76,1%). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Đài Loan (giảm 45%).

Tin cùng chuyên mục