Đường Phạm Văn Đồng được đánh giá là tuyến đường đẹp nhất nhì TP.HCM. |
Lộ diện tâm điểm
Từ năm 2014 tới nay, khu Đông đã vượt qua khu Nam trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản TP.HCM. Đặc biệt, từ năm 2015, thị trường địa ốc khu Đông đã định hình, phát triển bài bản, từ hạ tầng lẫn dự án. Trong đó, thu hút sự chú ý nhất của cả chủ đầu tư và người mua nhà là phía Nam của khu Đông gồm Quận 2, một phần Quận 9 với hàng chục dự án của các nhà đầu tư lớn như Him Lam Land, Novaland, Keppel, Điền Phúc Thành…
Tại khu vực này, dọc các dự án hạ tầng giao thông lớn như Xa lộ Hà Nội, Metro số 1, Mai Chí Thọ…, các chủ đầu tư tập trung phát triển mạnh dòng sản phẩm chung cư. Trong khi đó, ở những vị trí vùng ven, hạ tầng nhỏ, lại là điểm mạnh của các chủ đầu tư phân khúc đất nền.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2017 đến nay, khu vực này đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại, bởi sau thời gian phát triển mạnh, quỹ đất ở đây đã bắt đầu cạn dần. Cũng từ đây, thị trường khu Đông xuất hiện sức hút mới, đó là mặt phía Tây với tâm điểm là tuyến đường Phạm Văn Đồng. Tuyến đường Phạm Văn Đồng nối Quận 4 của TP.HCM là quận Tân Bình, quận Bình Thạnh, Quận 9, quận Thủ Đức về Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1K đi tỉnh Đồng Nai và một mặt của tỉnh Bình Dương.
Ở khu vực này đang xuất hiện nhiều dự án mới của các chủ đầu tư như Thuduc House, Him Lam Land, Đất Xanh, Phú Đông Group…
Chẳng hạn, Thuduc House vừa khởi công Dự án Citrine Apartment (Quận 9). Dự án nằm trong quy hoạch đồng bộ, trên khuôn viên có tổng diện tích 17.184 m2, bao gồm 40 căn nhà phố liên kế và khu căn hộ cao 15 tầng, gồm 225 căn hộ có diện tích từ 45,9 - 72,6 m2.
Sau khi khởi công Dự án Citrine Apartment, ngày 15/4 vừa qua, Thuduc House tiếp tục khởi công Dự án TDH River View cao 16 tầng trong khuôn viên 3.755 m2, tọa lạc trong khu nhà ở Bình Chiểu, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, ngay cạnh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức.
Trong khi đó, Phú Đông Group cho ra mắt Dự án Phú Đông Premier nằm trên trục đường Phạm Văn Đồng, nối quận Thủ Đức vào Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất. Dự án gồm 2 tòa tháp, cao 35 tầng với số lượng căn hộ lên tới 657 căn, trong đó có 10 căn penthouse ở tầng 35. Đây là 2 trong số 3 dự án mang thương hiệu Phú Đông tại khu vực này mà Phú Đông Group phát triển.
Trước đó, vào cuối năm 2017, Dự án Him Lam Phú Đông cũng được bàn giao cho khách hàng vào ở. Dự án với hơn 400 căn hộ chung cư và số lượng lớn nhà phố, sau khi bàn giao đã thu hút được người dân về ở rất đông.
Bên cạnh đó, trên tuyến đường Phạm Văn Đồng hiện nay cũng đang xuất hiện nhiều công trình tòa tháp chung cư được mở bán từ năm 2017 của Tập đoàn Đất Xanh như Opal Garden, Opal Skyview…
Tiếp tục phát triển mạnh
Tuyến đường Phạm Văn Đồng dài 13,6 km, gồm 12 làn xe được đưa vào hoạt động từ năm 2014. Riêng đoạn từ đường Trường Sơn ở cửa ngõ Sân bay Tân Sơn Nhất, đến vòng xoay Nguyễn Thái Sơn dài 1,53 km, gồm đường Bạch Đằng và Hồng Hà (quận Tân Bình) mỗi đường 3 làn xe với tổng vốn đầu tư là 340 triệu USD.
Ngay sau khi tuyến đường này hình thành, thị trường bất động sản phía Tây của khu Đông được khơi thông và bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, tới năm 2017, thị trường nơi đây mới chính thức bắt đầu nổi bật.
Nguồn cung bất động sản tại tuyến đường Phạm Văn Đồng chưa quá lớn.
Theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, từ năm 2014, thị trường bất động sản khu Đông chính thức vượt qua khu Nam trở thành tâm điểm chính của thị trường bất động sản TP.HCM. Tuy nhiên, khu vực quanh đường Phạm Văn Đồng chưa được chú ý nhiều vì quy tắc của thị trường là, dự án giao thông khi mới hình thành xong sẽ chưa hoàn toàn phát huy tác dụng, mà phải sau thời gian sử dụng mới bắt đầu được chú ý nhiều.
Ngoài ra, thời điểm đường Phạm Văn Đồng đưa vào hoạt động, thì khu vực các Quận 9 và Quận 2 đang là điểm nóng của khu Đông do hạ tầng giao thông đã phát triển khá mạnh mẽ và đồng bộ với các tuyến dự án lớn đã đi vào hoạt động như đường Mai Chí Thọ, hầm Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm, Xa lộ Hà Nội…
“Thời điểm năm 2014, khi tuyến đường Phạm Văn Đồng hoàn thành và đi vào hoạt động, cũng là lúc các chủ đầu tư bắt tay vào cuộc khai phá thị trường dọc trục đường này bằng việc săn lùng quỹ đất. Công tác từ việc săn quỹ đất đến khi đầu tư dự án phải mất thời gian từ 1 - 2 năm, khiến thị trường quanh tuyến đường đẹp nhất Sài Gòn tới năm 2017 mới chính thức phát triển”, ông Phúc nói.
Theo các chuyên gia, năm 2018, thị trường bất động sản dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng tiếp tục phát triển do có lợi thế lớn. Cụ thể, đường Phạm Văn Đồng không chỉ là tuyến đường huyết mạch nối 4 quận, mà còn có hệ thống đường “xương cá” nối vào các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Quận 9, Quận 2… Bên cạnh đó, tuyến đường này chạy qua huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương và đi thẳng vào tỉnh Đồng Nai.
Tuyến đường này giúp người dân dễ tiếp cận khu vực Đại học Quốc Gia TP.HCM, biến xe miền Đông mới, Sân bay Tân Sơn Nhất, hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại…
Ngoài ra, quanh hệ thống tuyến đường này được bao bọc bởi hệ thống sông Sài Gòn và các nhánh sông nhỏ, mang đến sự khác biệt cho khu này với các mặt khác của khu Đông.
Trong khi đó, giá đất tại đây đang thấp hơn so với mặt bằng chung của khu Đông, các dự án cũng không nhiều như các vị trí khác của khu Đông, nên áp lực nguồn cung không lớn. Chính vì vậy, các chủ đầu tư đang tận dụng ưu thế này để phát triển dự án dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng.
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần DKRA Việt Nam cho rằng, hiện nay, bất động sản khu Đông đang hạn chế về quỹ đất, sự dịch chuyển cũng bắt đầu xuất hiện ở khu vực này khi dự án mới, cũng như sự quan tâm của khách hàng đã bắt đầu xuất hiện ở vị trí quanh đường Phạm Văn Đồng, thay vì khu Thủ Thiêm như những năm trước.
Một ưu thế nữa của tuyến đường Phạm Văn Đồng, theo ông Phạm Lâm, là tuyến đường này không xuất hiện kẹt xe, lưu thông thông thoáng và dễ tiếp cận với các phân khu khác của TP.HCM. Thêm nữa, khu vực này không ngập nước, ít chịu ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường. Đồng thời, nguồn cung bất động sản tại khu vực này cũng không lớn, nên khả năng tăng giá rất có thể sẽ tiếp tục.