Cần tháo gỡ khó khăn về luật pháp cho doanh nghiệp bất động sản

(BĐT) - Tại Hội nghị Bất động sản 2019 với chủ đề “Lấy ý kiến tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp”, tổ chức sáng 25/9/2019 tại TP HCM, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần hành động nhanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản. 
 
Các diễn giả đã đưa ra hầu hết các khó khăn vướng mắc và giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản nhưng vẫn chờ sự đột phá thay đổi về pháp lý
Các diễn giả đã đưa ra hầu hết các khó khăn vướng mắc và giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản nhưng vẫn chờ sự đột phá thay đổi về pháp lý
Theo luật này thì đúng, theo luật khác thì sai
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thống kê đến tháng 5/2019 có hơn 10.000 doanh nghiệp bất động sản nhưng phần lớn là doanh nghiệp có quy mô trung bình, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực môi giới, dịch vụ bất động sản, và mới chỉ có khoảng 65 doanh nghiệp phát triển bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán.
Từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường bất động sản đã có nhiều dấu hiệu chững lại. Tuy khối doanh nghiệp bất động sản tư nhân ngày càng lớn mạnh nhưng đang phải đương đầu với nhiều thách thức, rủi ro, cần được tháo gỡ các rào cản để phát triển lành mạnh và bền vững.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hệ thống luật pháp về kinh doanh đang nhiều bất hợp lý. Theo luật này thì đúng, theo luật khác thì sai, địa phương không biết làm sao… gây khó cho doanh nghiệp, tạo mảnh đất cho tham nhũng.
“Rà soát của VCCI trên một số luật liên quan trong lĩnh vực bất động sản như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản… đã có đến 20 xung đột chính sách từ các luật liên quan đến nghị định, thông tư hướng dẫn về lĩnh vực bất động sản đang có sự chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi dẫn đến trong quá trình triển khai có nhiều dự án bị thanh tra, kiểm toán kéo dài”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
6 tháng đầu năm 2019, thị trường bất động sản TP.HCM đã có sự chững lại trong tất cả các phân khúc. Theo thống kê của HoREA, mới chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại mới được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM công nhận với quy mô 924 căn hộ, giảm 16 dự án so với cùng kỳ năm 2018.
Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đã đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại, giảm 46 dự án, bằng 82,2% so với cùng kỳ năm trước. Số dự án đủ điều kiện bán hình thành trong tương lai là 24 với tổng số 7.313 căn hộ, giảm 10 dự án, tương đương 29,4%. Từ đầu năm đến nay, chỉ có hơn 4.100 căn hộ được chính thức mở bán trên thị trường TP.HCM. Đây là mức thấp kỷ lục kể từ khi thị trường phục hồi năm 2014.
Khó khăn là do cơ chế, chính sách, không phải do doanh nghiệp
Bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho rằng, hiện nay, Quốc hội đã đưa Dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Đất đai vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 14 dự kiến khai mạc vào 21/10/2019 tới.
Lần sửa đổi bổ sung Luật Đất đai lần này, một trong những mục tiêu đầu tiên mà Bộ TN&MT sẽ cố gắng giải quyết những nội dung chưa đồng bộ thống nhất giữa Luật Đất đai với các bộ luật khác liên quan. Mặt khác, Bộ sẽ giải quyết các nội dung mà các đơn vị đã nói là những khoảng trống mà pháp luật chưa có điều chỉnh, hoặc những quy định có bất cập, vướng mắc, không phù hợp với thực tiễn.
Ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM chia sẻ, hội nghị lần này các diễn giả đã đưa ra hầu hết các khó khăn vướng mắc và giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản. Các khó khăn này về phía TP.HCM và doanh nghiệp ở HoREA đã có hệ thống, tổng hợp lại và đề xuất gửi cơ quan nhằm tháo gỡ.
Về phía Sở cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Quan điểm của Sở, phương án đặt ra để làm cơ sở báo cáo UBND TP.HCM là sử dụng các cơ sở luật hiện hành để liên kết và tìm ra phương án giải quyết các khó khăn vướng mắc hiện tại. Cố gắng tạo một phương án, hành lang pháp lý để doanh nghiệp từng bước giải quyết khó khăn đúng pháp luật hiện hành.
“Thị trường bất động sản TP.HCM đang khó khăn, không phải do doanh nghiệp, không phải người tiêu dùng, mà khó khăn là do cơ chế, chính sách. Khâu thấu hiểu, thực thi pháp luật là vấn đề rất lớn ở TP.HCM. Đã có những dự án bị dừng vì chồng chéo luật. Để làm một dự án, doanh nghiệp mất 5 năm giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư 3 năm, thi công 2 năm tổng cộng tất cả là 10 năm. Chưa có doanh thu, áp lực tài chính lớn... chính vì vậy chính sách cần cỡi mở và nên chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp”, ông Lê Hoàng Châu phân tích.

Tin cùng chuyên mục