Dự án khu đô thị hơn 1.700 tỷ ở Thừa Thiên Huế: Cuộc cạnh tranh “ngọt ngào”

(BĐT) - Dự án Khu đô thị phía Đông đường Thủy Dương - Thuận An, tỉnh Thừa Thiên Huế hơn 1.700 tỷ đồng đang trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư. Kết quả sơ tuyển cho thấy có 2 nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh ở giai đoạn tiếp theo được đánh giá là không quá gay gắt vì 2 nhà đầu tư này có mối quan hệ khá thân thiết.
2 nhà đầu tư trúng sơ tuyển tại Dự án Khu đô thị phía Đông đường Thủy Dương - Thuận An (Thừa Thiên Huế) cùng xuất thân từ Vinaconex
2 nhà đầu tư trúng sơ tuyển tại Dự án Khu đô thị phía Đông đường Thủy Dương - Thuận An (Thừa Thiên Huế) cùng xuất thân từ Vinaconex

Dự án hơn 1.700 tỷ đồng

Dự án Khu đô thị phía Đông đường Thủy Dương - Thuận An thuộc Khu E - Đô thị mới An Vân Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng diện tích 23,53 ha, tổng chi phí thực hiện dự kiến là 1.785 tỷ đồng. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu rộng rãi quốc tế.

Mục tiêu của Dự án là hình thành khu đô thị mới với đầy đủ hạ tầng, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân và nhu cầu thương mại, dịch vụ của khu đô thị; đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương lân cận...  

Theo thông tin từ Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế, hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện Dự án được phát hành từ ngày 7/3 - 8/4/2019.

Kết quả sơ tuyển được công bố vào đầu tháng 6/2019 cho biết, có 2 nhà đầu tư lọt qua vòng sơ tuyển, gồm: Công ty CP Vimeco và Liên danh Công ty CP Đầu tư hạ tầng và đô thị Vinaconex (Vinaconex IUC) - Công ty CP Xây dựng số 3 (Vinaconex 3). 

Mối quan hệ mật thiết

2 nhà đầu tư lọt qua vòng sơ tuyển tại Dự án Khu đô thị phía Đông đường Thủy Dương - Thuận An gồm: Công ty CP Vimeco và Liên danh Công ty CP Đầu tư hạ tầng và Đô thị Vinaconex - Công ty CP Xây dựng số 3.
Dù là đối thủ của nhau nhưng 2 nhà đầu tư trúng sơ tuyển tại dự án nói trên cũng từng là “người nhà” khi xuất phát chung một gốc từ Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Và đến giờ giữa họ vẫn có mối quan hệ mật thiết.

Cụ thể, Vinaconex IUC được thành lập vào tháng 10/2009, cổ đông sáng lập gồm: Công ty CP Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC) sở hữu 40%, Vinaconex sở hữu 40%, và Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel nắm giữ 5%. Trong đó, Vinaconex ITC là một công ty con của Vinaconex, nên có thể hiểu Vinaconex IUC là một công ty con của Vinaconex.

Theo dữ liệu của Báo Đấu thầu, sau nhiều lần tăng vốn, dù cơ cấu cổ đông có thay đổi nhưng Vinaconex vẫn nắm lượng cổ phần chi phối (>51%) tại Vinaconex IUC. Cho đến tháng 4/2017, Vinaconex và Vinaconex ITC mới thoái toàn bộ vốn tại đây.

Sự tham gia của những ông chủ mới chưa rõ danh tính giúp Vinaconex IUC tăng vốn điều lệ từ 20 tỷ đồng ban đầu lên thành 750 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2018.

Hiện chức danh Giám đốc và người đại diện theo pháp luật của Công ty được chuyển giao cho bà Nguyễn Thị Hoài Thu. Được biết, bà Thu là vợ Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng số 7 (Vinaconex 7) - ông Hoàng Trọng Đức. Ông Hoàng Trọng Đức từng giữ chức vụ Tổng giám đốc Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel và hiện là thành viên HĐQT Vimeco.

Còn Vinaconex 3 cũng từng là một công ty con của Vinaconex trước khi được sở hữu bởi các ông chủ tư nhân vào tháng 8/2015. Và cho đến nay, cơ cấu cổ đông lớn của Vinaconex 3 vẫn là một dấu hỏi lớn. Mới đây, ông Kiều Xuân Nam đã được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty thay ông Vũ Đức Toàn. Đáng chú ý, cả hai cá nhân này và những người thân lại không hề nắm giữ cổ phần của Vinaconex 3.

Tính đến cuối quý I/2019, Vinaconex 3 có vốn chủ sở hữu là 395 tỷ đồng và nợ phải trả ở mức 885 tỷ đồng.

Nhà đầu tư còn lại trúng sơ tuyển tại Dự án Khu đô thị phía Đông đường Thủy Dương - Thuận An là Công ty CP Vimeco. Đây cũng là một công ty con của Vinaconex (nắm giữ 51,4% vốn điều lệ). Vimeco có vốn chủ sở hữu và nợ phải trả tại thời điểm 31/3/2019 lần lượt là 365 tỷ đồng và 1.141 tỷ đồng.

Nếu chỉ xét trên khía cạnh tài chính, rõ ràng Liên danh Vinaconex IUC - Vinaconex 3 đang có lợi thế lớn trước Vimeco. Nhưng với mối quan hệ có phần thân thiết thì có lẽ nhà đầu tư nào trượt tại dự án này cũng không cảm thấy quá buồn.

Tin cùng chuyên mục