Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: Không đánh đổi sức khỏe, an toàn của người dân lấy tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phát biểu trước Quốc hội trong phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội chiều ngày 25/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, điều quan trọng nhất trong 6 tháng cuối năm là kiểm soát và đẩy lùi dịch Covid-19, nhất là ở những khu vực động lực là các thành phố lớn, các khu công nghiệp. Đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, cũng là điều kiện quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội
Kiểm soát và đẩy lùi dịch Covid-19 tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên, cũng là điều kiện quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội
Kiểm soát và đẩy lùi dịch Covid-19 tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên, cũng là điều kiện quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội

4 bài học lớn cho chỉ đạo, điều hành

Đăng đàn làm rõ thêm các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm đối với kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 cũng Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao các ý kiến thảo luận của ĐBQH.

“Qua các ý kiến, tôi cảm nhận đây là những ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm, thể hiện sự chia sẻ, đồng hành của Quốc hội đối với Chính phủ trong công cuộc chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, chăm lo sức khỏe người dân, đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, thách thức hiện nay để ổn định phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống nhân dân”, Bộ trưởng chia sẻ.

Theo đó, Bộ trưởng cho biết, với một số ý kiến của ĐBQH cho rằng, trong việc triển khai nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm, Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về những khó khăn, thách thức và các giải pháp ứng phó phù hợp, Chính phủ xin tiếp thu các ý kiến của ĐBQH và sẽ tổ chức chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung các giải pháp phù hợp trong chỉ đạo điều hành.

Thông tin thêm trước Quốc hội về tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm, Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, nửa đầu năm nay dù kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn thách thức, chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 với biến chủng mới nhưng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã chung sức đồng lòng nỗ lực tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống Covid-19, vừa phát triển KT-XH đảm bảo đời sống nhân dân. Kết quả nổi bật là Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị quan trọng của Đảng và Nhà nước; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định...

Từ kết quả tích cực này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng có thể rút ra 4 bài học nổi bật từ công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm cho việc thực hiện Kế hoạch 6 tháng cuối năm nay khi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.

Trước hết là bài học tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong trong phòng chống dịch Covid-19. “Quyết tâm phải lớn, nỗ lực phải cao, hành động quyết liệt, hiệu quả, khẩn trương với việc nắm chắc tình hình thực tế lấy phương châm hành động thần tốc, hiệu quả để lãnh đạo, chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện. Đặc biệt, đẩy nhanh việc tiêm vaccine – coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và có tính chất quyết định để ổn định phát triển kinh tế đất nước, thực hiện mục tiêu năm 2021”, Bộ trưởng Nguyến Chí Dũng nhấn mạnh.

Hai là thường xuyên rà soát, hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật.

Ba là nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, bám sát tình hình thực tiễn để chủ động, linh hoạt, từ đó kịp thời xây dựng các kịch bản chuẩn bị cho mọi tình huống.

Bốn là phải khơi dậy và phát huy được tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, sức mạnh của con người Việt Nam. Chủ động thông tin kịp thời, chính xác về tình hình KT-XH, dịch bệnh để củng cố niềm tin trong nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh

Về việc thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế đất nước đang đối mặt với những khó khăn, thách thức, trong đó việc phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2021 là rất khó khăn.

Bộ trưởng chỉ rõ là nhập siêu bắt đầu trở lại; xuất nhập khẩu còn phụ thuộc vào một số thị trường, trong xuất khẩu, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI còn cao; các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán còn tiềm ẩn rủi ro. Bên cạnh đó, sắp xếp, tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước còn chậm; giá cả cơ bản của một số mặt hàng tăng; gia tăng sức ép lạm phát và ảnh hưởng đến đầu tư toàn xã hội. Cùng với đó, khả năng đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng cũng như chiến lược vaccine của nước ta còn gặp nhiều thách thức.

“Tỷ lệ dân số được tiêm vaccine còn thấp khiến có thể có nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì chúng ta không có đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vaccine”, Bộ trưởng lo lắng.

Song bên cạnh khó khăn, thách thức, Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho rằng cũng có nhiều cơ hội cho phát triển. Điển hình là chúng ta có được những khí thế mới trong phát triển sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thành công với một quyết tâm mới và có nhiều quyết sách quan trọng; tác động tích cực từ xu thế phục hồi kinh tế thế giới và nhiều chính sách, giải pháp trong bối cảnh Covid-19 được phát huy hiệu quả. Nhiều chính sách hỗ trợ đời sống người lao động bước đầu đem lại hiệu quả. Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), nhất là DN vừa và nhỏ, hợp tác xã được củng cố và chiếm lĩnh thị trường nội địa; đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó có chuyển đổi số cho DN; thúc đẩy cải cách hành chính về đất đai, xây dựng, đấu thầu, đấu giá, giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công…

Điều quan trọng nhất trong 6 tháng cuối năm, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là kiểm soát và đẩy lùi dịch Covid-19, nhất là ở những khu vực động lực là các thành phố lớn, các khu công nghiệp. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, cũng là điều kiện quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Về công tác tổ chức thực hiện, theo Bộ trưởng, việc triển khai các giải pháp cần được phân cấp mạnh mẽ, tạo sự chủ động linh hoạt giữa các mục tiêu kiểm soát dịch với các mục tiêu phát triển kinh tế phù hợp với tình hình cụ thể của mỗi địa phương. Tổ chức sản xuất kinh doanh an toàn, phấn đấu đạt kết quả cao nhất.

“Không đánh đổi sức khỏe và sự an toàn của người dân lấy tăng trưởng bằng mọi giá”, người đứng đầu Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Việt Anh

Tin cùng chuyên mục