Kết quả đấu thầu qua mạng năm 2020 vượt xa cả 2 chỉ tiêu đấu thầu qua mạng theo chỉ đạo của Chính phủ về cả số lượng gói thầu lẫn giá trị gói thầu |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chỉ tiêu tỷ lệ về số lượng gói thầu và giá trị gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng năm 2020 theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ là đạt 60% về số lượng và 25% về giá trị trên tổng giá trị các gói thầu đấu thầu rộng rãi và chào hàng cạnh tranh. Trong khi đó, tỷ lệ về số lượng và giá trị gói thầu thực hiện qua mạng đạt được trong năm 2020 là 86,6% về số lượng (vượt 26,6% về số lượng gói thầu) và 54,6% về tổng giá trị trên tổng giá trị các gói thầu đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh (vượt 29,6% về giá trị gói thầu).
Việc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh đấu thầu qua mạng năm 2020 đã giúp tiết kiệm chi phí và thời gian cho cả Nhà nước, chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu. Thực tế cho thấy, đấu thầu qua mạng là công cụ hữu hiệu trong việc bảo đảm các tiêu chí cạnh tranh, công bằng, minh bạch và phòng, chống tham nhũng, đẩy lùi vi phạm, tiêu cực trong đấu thầu.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả chung về đấu thầu qua mạng năm 2020 đã giúp tiết kiệm khoảng 1.725 tỷ đồng chi phí hành chính trực tiếp. Cụ thể, đối với chủ đầu tư, bên mời thầu, thời gian lựa chọn nhà thầu qua mạng (từ khi phát hành hồ sơ mời thầu đến khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu) so với đấu thầu truyền thống trung bình tiết kiệm được 6 ngày, quy đổi theo chi phí tiền lương/ngày công là khoảng trên 500 tỷ đồng. Đối với nhà thầu, theo khảo sát, các doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu qua mạng tiết kiệm được 5 triệu đồng chi phí hành chính (bao gồm chi phí mua hồ sơ mời thầu, chi phí đi lại, in ấn, nhân công) so với đấu thầu truyền thống. Trong năm 2020, trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia có khoảng 98.000 gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng, số lượng nhà thầu trung bình tham dự một gói thầu qua mạng là 2,5 nhà thầu/gói thầu. Như vậy, số chi phí hành chính mà nhà thầu tiết kiệm được lên tới 1.225 tỷ đồng.
Năm 2020 cũng đã chứng kiến và ghi nhận thực tế quy mô các gói thầu đấu thầu qua mạng tiếp tục tăng, có những gói thầu lớn được thực hiện đấu thầu qua mạng như Gói thầu Thi công xây lắp công trình thủy điện Hòa Bình mở rộng có giá trị lên đến 3.108 tỷ đồng; Gói thầu Cung cấp sữa học đường cho các cơ sở giáo dục mầm non và các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2020 - 2025 có giá trị 1.357 tỷ đồng, Gói thầu Duy trì cây xanh thảm cỏ năm 2021 - 2023 có giá trị 431 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, nhờ đấu thầu qua mạng mà có những gói thầu có tính cạnh tranh cao với nhiều nhà thầu tham gia như gói thầu thuộc lĩnh vực hàng hóa của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải - Chi nhánh Tổng công ty Phát điện 1 có tới 26 nhà thầu tham dự; gói thầu xây lắp của Trường Đại học Tài chính có tới 22 nhà thầu tham dự; gói thầu phi tư vấn của Bệnh viện Hùng Vương có tới 17 nhà thầu tham dự…
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, mặc dù đấu thầu qua mạng là công cụ đấu thầu mang lại lợi ích nhiều mặt song số lượng nhà thầu tham gia đấu thầu qua mạng vẫn còn hạn chế, chỉ khoảng 30% (115.000 nhà thầu đăng ký trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhưng chỉ có 38.342 nhà thầu tham gia đấu thầu qua mạng) nên chưa thể phát huy tốt nhất tính cạnh tranh, hiệu quả kinh tế của đấu thầu qua mạng.