Ảnh Internet |
Đây là đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc của Chính phủ về phát triển dược liệu Việt Nam diễn ra sáng ngày 12/4, tại Lào Cai. Hội nghị đã bàn về những hạn chế, bất cập trong lĩnh vực dược liệu cũng như đưa ra những đề xuất cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, triển ngành công nghiệp này trong thời gian tới.
Theo Thủ tướng, với điều kiện đặc thù của Việt Nam 3/4 là rừng, núi, với trên 5.000 cây thuốc quý có khả năng chữa bệnh. Đây là kho tàng dược liệu vô giá và tất cả 63 tỉnh, thành đều có thể phát triển được dược liệu. Phát triển dược liệu đang và sẽ là một hướng bền vững, ổn định. Dược liệu không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn giúp làm giàu nếu biết cách tổ chức và quản lý tốt.
Bộ Y tế cho biết, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có tiềm năng lớn về dược liệu trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Tính đến nay đã ghi nhận 5.117 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc ở Việt Nam. Trong số đó, khoảng 70 loài có tiềm năng khai thác với tổng trữ lượng khoảng 18.000 tấn/năm. Đặc biệt, Việt Nam sở hữu nhiều loài dược liệu quý, hiếm, đặc hữu như: Sâm Ngọc Linh, Ba kích… Mặt khác, thị trường tiêu thụ dược liệu cũng được đánh giá là có tiềm năng rất lớn, bởi thói quen và truyền thống phòng, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, không chỉ Việt Nam mà cả trên thế giới. Theo WHO, trên 80% dân số thế giới sử dụng y học cổ truyền, đặc biệt là sử dụng các sản phẩm từ dược liệu, kể cả các nước phát triển. Ở Việt Nam, theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thuốc từ cây dược liệu trong nước chiếm ít nhất 30%.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, giá trị kinh tế đem lại từ việc nuôi trồng dược liệu cao hơn hẳn so với các loại cây lương thực khác (cao hơn gấp 5 - 10 lần trồng lúa) như thu nhập từ trồng Đương quy là 90-100 triệu đồng/ha/năm; cây Atiso là từ 60-80 triệu đồng/ha/năm, trong khi cây lúa chỉ từ 20 đến 40 triệu đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, hiện cả nước mới chỉ có 400 xí nghiệp sản xuất từ dược liệu với quy mô khác nhau. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu phải nhìn nhận lại vai trò của dược liệu trong phạm vi quốc gia, từng địa phương cũng như các ngành, đặc biệt là ngành y tế để chú trọng, tập trung phát triển. Tổ chức lại ngành dược liệu trong tất cả các khâu, trong đó chú ý khâu sản xuất, chế biến, sử dụng, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại. Phát triển dược liệu trong nước phải là một chiến lược của ngành y tế trong thời gian tới. Cùng với đó, phải đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị. Tăng cường bào chế, chế biến dược liệu và quảng bá mạnh mẽ. Phát triển dược liệu phải gắn với nhu cầu thị trường.
Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn một số sản phẩm từ dược liệu đặc hữu, quý, hiếm (bao gồm cả thuốc cổ truyền) có giá trị kinh tế cao để đầu tư phát triển, coi là sản phẩm quốc gia hoặc được áp dụng các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi như đối với sản phẩm quốc gia. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất chính sách tăng cường liên kết 5 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý và nhà băng); liên kết giữa các địa phương, các vùng. Thúc đẩy vùng chuyên canh quy mô lớn để áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, công nghệ cao vào nuôi trồng...
Riêng về sử dụng dược liệu, Thủ tướng đặt vấn đề cần mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế đối với việc sử dụng dược liệu và thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu; cần có cơ chế đặc thù thanh toán cho thuốc Nam, dược liệu tươi dùng trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; khuyến khích việc khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền; và có chính sách đặc thù trong đấu thầu mua dược liệu, thuốc cổ truyền sản xuất từ dược liệu trong nước theo tiêu chuẩn quy định.