Cẩn trọng trong công tác điều hành giá

(BĐT) - Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2018 tăng 0,55% so với tháng trước và tăng 1,61% so với tháng 12/2017 đang làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ lạm phát.
Những yếu tố tác động tới việc tăng giá hàng hóa vẫn còn tiềm ẩn. Ảnh: Hoài Tâm
Những yếu tố tác động tới việc tăng giá hàng hóa vẫn còn tiềm ẩn. Ảnh: Hoài Tâm

Nhiều yếu tố tác động đến tăng giá

Thực tế, nếu tính trong 10 năm gần đây, mức tăng CPI 0,55% của tháng 5 năm nay là khá cao, chỉ thấp hơn mức tăng 0,8%; 3,91% và 2,21% của tương ứng tháng 5 các năm 2007, 2008, 2011 - là những năm Việt Nam có lạm phát rất cao.

CPI tháng 5/2018 tăng phần lớn là do giá lương thực, thực phẩm, xăng dầu, vật liệu xây dựng tăng cao. Trong đó, chỉ riêng việc giá thịt lợn - mặt hàng chiếm tỷ trọng khoảng 7% trong rổ hàng hóa tính CPI - tăng gần 6% và giá xăng dầu điều chỉnh tăng 2 lần (vào ngày 2/5 và ngày 8/5) đã tác động không nhỏ đến tốc độ tăng CPI chung.

Vấn đề nằm ở chỗ, những yếu tố tác động tới việc tăng giá hàng hóa vẫn còn tiềm ẩn. Trước hết là giá dầu có khả năng tăng lên, tác động tới giá cả nhiều loại hàng hóa trên thị trường.

Giá dầu thô đã giảm từ trên 100 USD/thùng vào năm 2014 xuống 30 USD/thùng cuối năm 2015 và 28 USD/thùng vào tháng 1/2016. Giá dầu thấp là một nguyên nhân quan trọng khiến lạm phát năm 2015 của Việt Nam ở mức rất thấp. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, giá dầu thô đã tăng liên tục và dù đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian gần đây, nhưng theo một số chuyên gia, giá dầu vẫn có thể tăng lên trong thời gian tới.

“Giá dầu thô tăng sẽ tác động làm tăng giá hầu hết các vật tư, nguyên liệu. Đặc biệt, khi nước ta đang phải nhập khẩu khoảng 85% nguyên, nhiên liệu, vật tư, thiết bị cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh, thì việc giá dầu thô tăng trở lại sẽ tác động đẩy chi phí, giá thành sản xuất tăng lên, gây áp lực tăng mặt bằng giá đầu ra”, Tổng cục Thống kê nhận định.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, với sự tăng lên của giá dầu, biên độ điều chỉnh giá các dịch vụ công, điện, chi phí BOT, cũng như giá các mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường đang có xu hướng tăng. Kết quả này sẽ tác động lớn tới lạm phát năm nay.

Cũng theo bà Lan, việc tăng thuế môi trường lên mặt hàng xăng dầu dự kiến bắt đầu được thực hiện từ 1/7/2018, đi kèm với một số yếu tố khác như giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá cả thế giới biến động có thể làm lạm phát tăng cao hơn. Đây là một thách thức không nhỏ đối với việc kiểm soát lạm phát. 

Cẩn trọng với lạm phát

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, CPI tháng 5 tăng đột biến báo hiệu diễn biến khó lường của lạm phát năm 2018. Cuối năm 2017, tăng trưởng tín dụng khá mạnh và độ trễ của nó tác động đến lạm phát năm 2018. Hiện tại, một số mặt hàng đang tăng giá cao hơn so với năm ngoái. Cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến thị trường để có biện pháp thích hợp, đặc biệt là về cung tiền.

“Trong trường hợp lạm phát tiếp tục có xu hướng tăng thì cung tiền phải được giới hạn lại. Cùng với đó, tín dụng cũng phải được siết chặt hơn, vì bên cạnh việc hỗ trợ cho tăng trưởng, dòng tiền qua tín dụng lưu thông trong nền kinh tế cũng chính là mầm mống của lạm phát”, ông Hiếu chỉ rõ.

Cũng theo dự báo của ông Hiếu, mục tiêu lạm phát năm 2018 ở mức dưới 4% như đã đề ra khó có thể thực hiện được. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn quá sớm để đưa ra những dự báo chắc chắn về điều này, bởi lẽ, lượng tiền lưu thông vẫn có thể được điều hòa bởi Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước có thể điều hòa dòng tiền bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ.

Để kiểm soát lạm phát, ông Hiếu cho rằng, cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm bảo đảm chỉ một lượng tiền vừa đủ được đưa ra thị trường.

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia nhận định, tình trạng lạm phát tăng cao từ đầu năm đang gây khó khăn cho các tháng tiếp theo trong việc kiểm soát lạm phát. CPI năm 2018 có thể cao hơn năm 2017. Điều này sẽ tác động đến tâm lý tiêu dùng, làm giảm tiêu dùng tư nhân, củng cố xu hướng tiết kiệm của hộ gia đình.

Thời điểm hiện tại, dù có nhiều dự báo về nguy cơ lạm phát có thể quay trở lại, song vẫn có quan điểm cho rằng, chưa nên quá lo lắng về điều này, bởi xét cả các yếu tố cầu kéo, chi phí đẩy, tiền tệ…, thì lạm phát năm nay khó có thể gây sốc cho nền kinh tế. Tuy vậy, lời cảnh báo nguy cơ lạm phát để cẩn trọng trong điều hành chưa bao giờ thừa. Đó là lý do Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh yêu cầu cần phải cẩn trọng với lạm phát nếu các yếu tố đầu vào và tổng cầu tiếp tục gây áp lực tăng giá trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục