Cấp thiết gỡ vướng đất đai để đẩy nhanh cổ phần hóa

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Nhiều phương án cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang bị “tắc” bởi chưa xử lý được đất đai. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo tiến độ CPH, cần phải sửa đổi chính sách đất đai theo hướng thuận lợi hơn, đồng thời đảm bảo chặt chẽ, tránh thất thoát tài sản nhà nước.

Phát hiện những bất cập về chính sách trong giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất qua kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất khi cổ phần hóa của DNNN. Ảnh: Nhã Chi
Phát hiện những bất cập về chính sách trong giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất qua kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất khi cổ phần hóa của DNNN. Ảnh: Nhã Chi

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết vẫn gặp vướng mắc về cách hiểu và áp dụng văn bản pháp luật liên quan đến giá đất tính trong giá trị doanh nghiệp CPH.

Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển DNNN và công ty TNHH MTV do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, những diện tích đất được giao để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà để bán và xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê theo phương án sử dụng đất của doanh nghiệp CPH đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải xác định lại giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị doanh nghiệp. Đối với diện tích đất còn lại, doanh nghiệp chuyển sang hình thức thuê đất. Như vậy, chưa có quy định cụ thể là đối với đất thuê thì có phải định giá để đưa vào giá trị doanh nghiệp khi CPH hay không.

Từ góc độ khác, ông Đặng Văn Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, qua kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất trong và sau khi CPH của nhiều DNNN, KTNN đã phát hiện nhiều bất cập, hạn chế về chính sách trong giao đất tạo nên những kẽ hở cho tiêu cực, gây thất thoát ngân sách nhà nước khi chuyển quyền sử dụng đất từ DNNN sang tư nhân thông qua CPH.

Qua kiểm toán cho thấy, công tác giao đất tại nhiều địa phương còn hạn chế, trong đó chủ yếu là giao đất theo hình thức chỉ định, không đấu giá quyền sử dụng đất, ban hành văn bản công nhận chủ đầu tư theo hình thức chỉ định, vi phạm quy định về đấu thầu.

Nguyên nhân của tình trạng trên, ngoài việc chưa tuân thủ đúng quy định, còn do hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, chưa được kịp thời khắc phục một số tồn tại đã diễn ra nhiều năm, điều chỉnh những vấn đề phát sinh mới, dẫn đến bất cập trong tổ chức thi hành, ảnh hưởng đến hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai.

Đơn cử, pháp luật về đất đai chỉ quy định việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, chưa quy định chặt chẽ, bắt buộc phải đấu giá đối với đất do doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng khi chuyển mục đích sử dụng. Đồng thời, việc quy định về đối tượng được giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá còn khá rộng, chưa cụ thể.

“Vấn đề này cùng với những bất cập, thiếu minh bạch trong việc xác định giá đất không sát giá thị trường là kẽ hở cho tiêu cực, gây thất thoát ngân sách nhà nước khi chuyển quyền sử dụng đất từ DNNN sang tư nhân thông qua CPH, sau đó chuyển mục đích sử dụng đất mà không phải đấu giá trong điều kiện nguồn đất đai có hạn, nhu cầu sử dụng ngày càng lớn, nhất là tại đô thị với các khu đất có giá trị sinh lời cao”, ông Hải lưu ý.

Từ những bất cập đó, các chuyên gia cho rằng, cần tập trung xem xét quy định về xử lý đất đai đối với các doanh nghiệp CPH. Theo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, để đảm bảo tiến độ CPH, cần sửa chính sách xử lý đất đai theo hướng thuận lợi hơn. Chẳng hạn, việc tính giá trị quyền sử dụng đối với đất thuê cần quy định rõ ràng hơn, nếu không phải tính thì đề nghị ghi rõ không phải xác định trong giá trị doanh nghiệp để CPH.

Ông Hải cho biết, KTNN đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, sửa đổi các quy định, văn bản nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách. Đó là, kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về việc chuyển mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp theo hướng: nghiên cứu việc chuyển mục đích sử dụng đất doanh nghiệp đang sử dụng sang các mục đích khác phải thông qua hình thức đấu giá nhằm ngăn chặn thất thoát tài sản, NSNN và góp phần phát triển bền vững sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Nhà nước thu hồi đất để tổ chức đấu giá khi chuyển mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp. Kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ ban hành quy định xử lý tài sản, chi phí đầu tư vào đất đối với trường hợp thu hồi đất doanh nghiệp đang sử dụng vi phạm pháp luật về đất đai.

Tin cùng chuyên mục