Carlsberg và nước cờ 'dìm giá' Habeco

Nâng tỷ lệ sở hữu tại Habeco là con đường giúp Carlsberg xâm nhập sâu hơn thị trường bia miền Bắc, song đại gia ngoại lại đặt giá mục tiêu chỉ bằng một phần ba thị giá hiện tại của cổ phiếu Bia Hà Nội.
Carlsberg đưa ra giá mục tiêu chỉ bằng một phần ba thị giá hiện tại của cổ phiếu Habeco đang giao dịch.
Carlsberg đưa ra giá mục tiêu chỉ bằng một phần ba thị giá hiện tại của cổ phiếu Habeco đang giao dịch.

Thị giá cổ phiếu BHN của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) tính đến giữa tuần này vẫn giữ ở khoảng 170.000 đồng, gấp hơn 4 lần so với giá ngày đầu tiên giao dịch. Trước đó, có thời điểm cổ phiếu của Habeco được giao dịch ở mức hơn 225.000 đồng, trở thành cổ phiếu đắt giá nhất trên thị trường chứng khoán.

Việc bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp này cũng được rục rịch chuẩn bị cùng với lộ trình bán vốn tại nhiều doanh nghiệp lớn khác, theo kế hoạch sẽ được thực hiện trong cuối năm 2016. Tuy nhiên, theo thông tin mới đây nhất từ Bộ Công Thương, quá trình bán vốn tại Hebeco vẫn chưa ngã ngũ do việc đàm phán "rất rắc rối và phải xử lý khéo". Lãnh đạo Vụ Công nghiệp nhẹ cho biết, vướng mắc chính nằm ở quá trình đàm phán với cổ đông chiến lược hiện tại - Carlsberg, khi hai bên chưa đạt được thống nhất.

Trong thỏa thuận hợp tác chiến lược trước đó, cổ đông ngoại được hưởng nhiều quyền lợi, trong đó có quyền ưu tiên được mua cổ phiếu của Habeco trong trường hợp Bộ Công Thương thoái vốn. Lãnh đạo của Habeco trước đó cũng từng cho biết Carlsberg mong muốn nâng sở hữu tại Habeco từ mức 17% hiện tại lên 30%.

Vướng mắc chính hiện nay nhiều khả năng nằm ở việc đàm phán mức giá cho cổ phần của Habeco. Chiếu theo nguyên tắc xác định giá cơ bản trong đợt thoái vốn tại Vinamilk gần đây thì những doanh nghiệp lớn như Habeco khi thoái vốn nhà nước sẽ xác định giá căn cứ theo giá thị trường, tức là không bán dưới giá giao dịch của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Điều này tương đương với mức giá mà Carlsberg phải chấp nhận ở thời điểm hiện tại cho mỗi cổ phiếu BHN sẽ loanh quanh ngưỡng giao dịch gần đây là 160.000-170.000 đồng.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Bloomberg gần đây, ông Tayfun Uner - CEO Carlsberg Vietnam cho rằng, định giá số cổ phần Habeco của Bộ Công thương chỉ vào khoảng 2,8 tỷ krone, tương đương 48.000 đồng mỗi cổ phần là hợp lý.

Để chứng minh cho việc đưa ra mức giá kỳ vọng của Habeco thấp hơn rất nhiều mức thị giá cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường, người đứng đầu của Carlsberg Vietnam cho rằng vị thế của Habeco đã tụt từ vị trí thứ 2 xuống thứ 3, kể từ thời điểm Carlsberg bắt đầu mua cổ phần của doanh nghiệp này vào năm 2008 và thị giá của cổ phiếu Habeco trên sàn đang bị tác động bởi tình trạng đầu cơ.

Động thái "dìm" giá cổ phần Habeco thực tế không phản ánh việc Carlsberg thờ ơ với doanh nghiệp bia giữ thị phần lớn nhất miền bắc này. Thậm chí, trong các báo cáo phân tích, một số chuyên gia phân tích tại các công ty chứng khoán còn cho rằng Habeco sẽ là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Carlsberg để gia tăng thị phần tại thị trường Việt Nam để tránh việc phải cạnh tranh với các đối thủ nặng ký tại thị trường phía nam.

Carlsberg dù là doanh nghiệp giữ thị phần chính tại thị trường miền Trung, nhưng theo tính toán, khu vực này chỉ chiếm 6% tổng tiêu thụ bia.

Một báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, ngành bia Việt Nam hiện tại do 4 công ty lớn thống lĩnh, gồm: Habeco (Hanoi Brewery), Hua Brewery (do Carlsberg sở hữu 100% vốn), Sabeco (Saigon Brewery) và Heineken NV. Trong đó, ba cái tên đầu tiên phản ảnh việc thị trường tập trung về mặt địa lý, bao hàm tên các doanh nghiệp bia dẫn đầu tại các thị trường này. Trong khi Heineken giữ thị phần chính tại phân khúc các sản phẩm trung và cao cấp. Tổng cộng 4 doanh nghiệp kể trên theo ước tính giữ thị phần 90% sản lượng bia bán ra, phần còn lại thuộc về một số doanh nghiệp mới như Masan Brewery, Sapporo, AB InBev hay Southeast Asia Brewery của Carlsberg.

Carlsberg là đơn vị sở hữu 100% tại Bia Huế (Hue Brewery), mặc dù là doanh nghiệp giữ thị phần chính tại thị trường miền Trung nhưng theo tính toán, khu vực này chỉ chiếm 6% tổng tiêu thụ bia. Các thương hiệu chính của Bia Huế là Huda, Halida hay Tuborg chủ yếu hướng vào phân khúc trung cấp và cao cấp vừa túi tiền, tuy nhiên đây cũng là phân khúc đang chịu sự cạnh tranh gay gắt do thị trường có nhiều sản phẩm thay thế từ các thương hiệu khác. Trong khi để tiến lên thị trường cao cấp thì việc giành giật miếng bánh thị phần từ tay Heineken và Sabeco là điều rất khó, khi hai doanh nghiệp này đang giữ tới 95% thị phần.

Theo đánh giá của nhóm phân tích VCSC, mặc dù thương hiệu chính của Carlsberg còn chưa đạt kết quả nhưng hoạt động tại Việt Nam đến nay được xem là thành công chủ yếu nhờ Bia Huế đã xác lập được thị trường riêng, tránh cạnh tranh gay gắt tại khu vực phía Nam. Theo đánh giá, việc nâng sở hữu tại Habeco sẽ là cách để Carlsberg thâm nhập thị trường miền bắc và sẽ trở thành thị trường lớn khi tổng tiêu thụ tại khu vực này đạt 35% tổng thị trường.

Được đánh giá là doanh nghiệp yếu thế hơn trong cuộc đua cạnh tranh tại thị trường bia Việt Nam và sẽ đánh mất một phần thị trường tại miền Bắc vào tay Sabeco hay Heineken khi phân khúc trung và cao cấp phát triển. Tuy nhiên, Habeco vẫn đang giữ quá nửa thị phần tại thị trường này nhờ các sản phẩm giá rẻ, đặc biệt là dòng sản phẩm bia hơi. Đồng thời, cũng giống như Sabeco, Bia Hà Nội của Habeo đã thành một thương hiệu biểu tượng cho dòng sản phẩm bia tại miền Bắc.

Đánh giá của nhóm phân tích Công ty chứng khoán VPBank (VPBS), tốc độ tăng trưởng tiêu thụ giảm bên cạnh yếu tố cạnh tranh, là do Habeco chưa có giải pháp thúc đẩy sản phẩm mới. Việc triển khai dòng sản phẩm cao cấp hơn như Trúc Bạch còn ít được chú ý dẫn đến đánh mất thị phần ngoài bắc vào tay các doanh nghiệp khác.

Theo dự báo của Euromonitor International, người dân Việt Nam sẽ tiêu thụ hơn 4,04 tỷ lít bia trong năm 2016, cao hơn so với mức 3,88 tỷ lít trong năm 2015. Đây được xem là mức tiêu thụ cao nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Tin cùng chuyên mục