Chọn xong nhà thầu tư vấn siêu dự án cảng Cần Giờ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ (TP.HCM) vừa chọn được nhà thầu thực hiện. Đây là dự án thu hút sự quan tâm của dư luận khi Tập đoàn MSC (hãng tàu biển hàng đầu thế giới) cùng đối tác trong nước đề xuất “rót” vốn đầu tư. TP.HCM đang chuẩn bị lập dự án, đánh giá các tiêu chí nhằm triển khai các bước cần thiết khởi động siêu dự án này.
Khu vực xây dựng cảng Cần Giờ chưa được kết nối bằng đường bộ, chỉ có thể kết nối bằng đường thủy nội địa. Ảnh: Ngọc Dương
Khu vực xây dựng cảng Cần Giờ chưa được kết nối bằng đường bộ, chỉ có thể kết nối bằng đường thủy nội địa. Ảnh: Ngọc Dương

Công ty CP Cảng Sài Gòn vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu TV-01 Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ. Gói thầu có giá dự toán 12,996 tỷ đồng, được đấu thầu rộng rãi qua mạng, phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 18/8 đến ngày 12/9/2022. Theo biên bản mở thầu, duy nhất Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển dự thầu, vượt qua bước đánh giá kỹ thuật với số điểm 88,2 và được công bố trúng thầu. Giá trúng thầu là 6.537.884.016 đồng, giảm hơn 6,3 tỷ đồng, tương ứng giảm 50% so với giá gói thầu.

Theo tìm hiểu, về năng lực nhân sự - yêu cầu quan trọng nhất đối với gói thầu tư vấn, HSMT đưa ra một số yêu cầu theo hướng tăng tính chủ động cho nhà thầu như: cung cấp bản chụp công chứng/chứng thực văn bằng tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học; xác nhận của bên mời thầu về việc nhân sự đã đảm nhận chức danh tương tự các chức danh chủ chốt theo đề xuất; các tài liệu chứng minh quy mô, cấp hạng công trình mà nhân sự đó tham gia; bản chụp được công chứng/chứng thực chứng chỉ hành nghề còn thời hạn. Trong trường hợp chứng chỉ hành nghề đã được cấp còn hiệu lực nhưng chưa xếp hạng, nhà thầu căn cứ vào điều kiện năng lực hoạt động xây dựng quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP thực hiện việc kê khai và xác định hạng của chứng chỉ kèm theo chứng chỉ hành nghề.

HSMT nêu rõ, trường hợp sử dụng một số nhân sự chủ chốt không thuộc quản lý của nhà thầu thì phải nêu rõ lý do chính đáng để làm cơ sở xem xét, đánh giá.

Theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Dự án Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ chưa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư. Kết quả thực hiện Gói thầu TV-01 có vai trò quan trọng giúp TP.HCM có thông số, dữ liệu, đánh giá tốt nhất việc chuẩn bị cho Dự án.

Trước đó, tháng 10/2021, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đề xuất với Bộ Giao thông vận tải chủ trương đầu tư cảng container tại huyện Cần Giờ với mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng. Theo VIMC, trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 9/2021, khu vực huyện Cần Giờ là các bến cảng tiềm năng thuộc nhóm cảng biển số 4. Các bến cảng tiềm năng tại huyện Cần Giờ có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM, vùng phụ cận; có bến tổng hợp, container, hàng rời, bến khách quốc tế được phát triển đồng bộ với hạ tầng giao thông kết nối cảng.

Ngày 30/6/2022, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ký công văn kiến nghị Thủ tướng về việc đầu tư cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ. Đây là dự án do Tập đoàn MSC cùng VIMC và Cảng Sài Gòn nghiên cứu, đề xuất đầu tư với quy mô khoảng 7,2 km cầu cảng, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỷ USD. Theo UBND TP.HCM, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay 24.000 TEU (1 TEU tương đương 1 container 20 feet), công suất thông qua 10 - 15 triệu TEU.

Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cảng Cần Giờ cần thiết cho chiến lược phát triển cảng biển Việt Nam, đặc biệt là sau năm 2030 khi cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được dự đoán sẽ vượt công suất.

Tuy nhiên, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng chỉ ra một số trở ngại cần được làm rõ đối với Dự án. Đó là, vị trí dự kiến xây cảng có kết nối giao thông vào tuyến đường rừng Sác nằm trong vùng đệm dự trữ sinh quyển Cần Giờ nên phải lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bên cạnh đó, cảng Cần Giờ chưa được kết nối bằng đường bộ và chỉ có thể kết nối bằng đường thủy nội địa (vận chuyển sà lan), đây là khó khăn rất lớn khi vận chuyển hàng hóa. Trong khi đó, hiện một số dự án nâng cấp, mở rộng cảng Cái Mép đang hoàn tất chốt phương án nhà đầu tư, sẽ bổ sung công suất khai thác cho cụm cảng Cái Mép - Thị Vải thêm ít nhất là 5 triệu TEU. Tình trạng thừa công suất cũng như quá nhiều bến cảng tại các vị trí lân cận sẽ phải được dự đoán, tính toán chính xác, khách quan nhằm có thông số đầu vào, đầu ra chuẩn trình cơ quan thẩm quyền.

Tin cùng chuyên mục