Đồng bằng sông Cửu Long cần 13.400 tỷ đồng đầu tư xây dựng công trình khắc phục, phòng chống sạt lở. Ảnh: Quốc Trung |
4.000 tỷ đồng vốn cho mục tiêu chống sạt lở
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, từ năm 2016 đến nay, các tỉnh vùng ĐBSCL xuất hiện tổng số 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134 km, trong đó có 281 điểm với 528 km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cần phải xây dựng công trình để bảo vệ. Theo đó, để đầu tư xây dựng công trình khắc phục, phòng chống tại các điểm sạt lở nói trên cần khoảng 13.400 tỷ đồng. Đây là một số tiền đầu tư rất lớn, vượt quá khả năng tự chủ của các địa phương. Hầu hết các tỉnh trong Vùng đã sử dụng hết nguồn vốn dự phòng để khắc phục những điểm sạt lở cấp bách. Trước tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng trên diện rộng tại khu vực, Bộ NN&PTNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) liên tục có báo cáo, rà soát, thẩm định gửi Thủ tướng Chính phủ để sắp xếp nguồn vốn kịp thời.
Theo đó, đầu tháng 10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho các địa phương vùng ĐBSCL gồm: Long An 250 tỷ đồng, Tiền Giang 200 tỷ đồng, Bến Tre 300 tỷ đồng, Trà Vinh 200 tỷ đồng, Vĩnh Long 500 tỷ đồng, Cần Thơ 250 tỷ đồng, Hậu Giang 200 tỷ đồng, Sóc Trăng 300 tỷ đồng, An Giang 250 tỷ đồng, Đồng Tháp 250 tỷ đồng, Kiên Giang 500 tỷ đồng, Bạc Liêu 300 tỷ đồng, Cà Mau 500 tỷ đồng, để bố trí cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực ĐBSCL như đề nghị của Bộ KH&ĐT.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, căn cứ mức vốn bổ sung được giao trên, các tỉnh vùng ĐBSCL bố trí vốn được bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển bảo đảm đúng quy định tại Khoản 2 Điều 10 Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật liên quan; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, giao kế hoạch vốn theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan.
Đồng thời, bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định để bố trí đủ số vốn còn thiếu của dự án so với tổng mức đầu tư được duyệt, bảo đảm hoàn thành dự án đúng tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư.
“Chậm nhất đến ngày 31/12/2024 hoàn thành dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan; thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật; không được để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực”, Thủ tướng chỉ đạo.
Do tính cấp bách của các dự án chống sạt lở, việc lựa chọn nhà thầu triển khai sẽ áp dụng chỉ định thầu. Vì vậy, các địa phương sẽ coi tiêu chí năng lực, kinh nghiệm, “sức khỏe” tài chính của các nhà thầu là trên hết trong chọn lựa nhà thầu.
Năng lực nhà thầu quyết định tiến độ dự án
Thực tế, qua nhiều dự án cấp bách đã và đang triển khai tại ĐBSCL cho thấy, năng lực của nhà thầu là nhân tố quyết định tiến độ giải ngân, chất lượng dự án.
Tại Tiền Giang, chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Đàm Quang Tuyến, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNN Tỉnh cho biết, các gói thầu thuộc Dự án Bờ kè sông Ba Rày qua thị xã Cai Lậy sẽ về đích đúng tiến độ. Cụ thể, Dự án có 4 gói thầu, trong đó 3 gói thầu thực hiện đạt 85% giá trị, gói còn lại đạt 70% giá trị.
Trong khi đó, Dự án Xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phong (đoạn 3) đã đạt 83% giá trị. Dự án Kè chống sạt lở Cồn Ngang (huyện Tân Phú Đông) gồm 3 gói thầu, trong đó 2 gói đạt tiến độ từ 92 - 95% giá trị, gói còn lại đạt 35% giá trị. Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công (giai đoạn 2) gồm 3 gói thầu, trong đó 2 gói thầu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, gói thầu còn lại đạt gần 50% giá trị.
Tại Đồng Tháp, Dự án Xử lý cấp bách sạt lở sông Tiền khu vực xã Tân Mỹ, Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò là công trình thuộc diện khẩn cấp để ứng phó, ngăn chặn tình trạng sạt lở gây nguy cơ hư hỏng Tỉnh lộ ĐT.848, ảnh hưởng tới hàng trăm hộ dân và nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh với chi phí 400 tỷ đồng. 2 gói thầu thuộc Dự án là Gói thầu số 09 Xây dựng kè bảo vệ bờ (từ K0+510 đến KF) có giá trúng thầu 264.008.594.000 đồng và Gói thầu số 08 Xây dựng kè bảo vệ bờ (từ K0+000 đến K0+510) có giá trúng thầu 90.329.665.000 đồng, đều được các nhà thầu huy động tối đa thiết bị, nhân sự để làm chủ tiến độ ngay sau lệnh khởi công.
Với Dự án Kè Hổ Cứ thuộc địa phận xã Hòa An, TP. Cao Lãnh, Gói thầu số 7 Kè tường bê tông cốt thép bảo vệ bờ đoạn 2 có giá trị 120 tỷ đồng được nhà thầu tận dụng thời tiết thuận lợi mùa khô để đúc cọc bê tông, đóng cọc, thả đá hộc và thi công thân kè. Gói thầu số 6 và Gói thầu số 8 với tổng giá trị hơn 110 tỷ đồng cũng đạt sản lượng lớn.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNN tỉnh Đồng Tháp, công tác giám sát chất lượng, tiến độ thi công được Chủ đầu tư tăng cường. Đồng thời, mọi khó khăn phát sinh nhanh chóng được các cấp chính quyền tháo gỡ cùng lực lượng nhà thầu đủ tiềm lực sẽ góp sức đưa các công trình cấp bách về đích đúng yêu cầu.