Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters. |
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (26/3), khép lại một tuần đầy biến động. Dẫn dắt phiên tăng này là những nhóm cổ phiếu được kỳ vọng sẽ hưởng lợi khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng tăng 1,4%, đạt 33.072,88 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,7%, đạt 3.974,54 điểm - số điểm đóng cửa cao chưa từng thấy và nâng tổng mức tăng từ đầu năm lên 5,8%. Chỉ số Nasdaq có lúc giảm 0,8% trong phiên, nhưng cuối cùng đảo chiều thành công và chốt với mức tăng 1,2%, đạt 13.138,72 điểm.
Cả ba chỉ số đã giằng co trong phần lớn thời gian của phiên, rồi tăng mạnh vào cuối phiên, trong đó Dow Jones nhảy hơn 150 điểm trong 8 phút giao dịch cuối cùng. Trong những phút chót, nhà đầu tư gom mạnh cổ phiếu trên diện rộng. Những cổ phiếu công nghệ đã giảm mạnh gần đây như Apple đồng loạt chuyển sang sắc xanh. Tuy nhiên, tăng mạnh nhất vẫn là các nhóm ngân hàng, năng lượng và nguyên vật liệu.
Hôm thứ Năm, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố mục tiêu tiêm 200 triệu liều vaccine Covid-19 cho người dân nước này trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên của ông. Tính đến ngày thứ Sáu, đã có 100 triệu liều vaccine được tiêm kể từ khi ông Biden nhậm chức.
Một cú huých quan trọng cho giá cổ phiếu ở Phố Wall trong phiên này là việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tuyên bố rằng các ngân hàng có thể nối lại việc mua cổ phiếu và tăng cổ tức bắt đầu từ cuối tháng 6 năm nay. Hạn chế này được Fed áp từ khi Covid-19 trở thành đại dịch, và lúc đầu ngân hàng trung ương này dự kiến sẽ dỡ hạn chế trong quý 1. Dù thời điểm dỡ hạn chế lùi lại, nhà đầu tư vẫn lạc quan về sự minh bạch của Fed.
Giá cổ phiếu JPMorgan Chase tăng 1,7%, trong khi cổ phiếu Bank of America tăng 2,7%.
Nỗi lo lạm phát lắng xuống sau khi dữ liệu thống kê cho thấy áp lực lạm phát giảm bớt. Chỉ số giá tiêu dùng lõi, không tính đến hai nhóm mặt hàng có biến động lớn về giá cả là thực phẩm và tăng lượng, tăng 0,1% trong tháng 3 so với tháng 2. Mức tăng này phù hợp với dự báo của giới phân tích. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số tăng 1,4%, thấp hơn mức dự báo tăng 1,5% và mục tiêu lạm phát 2% của Fed.
"Dữ liệu lạm phát thấp hơn dự báo củng cố nhận định rằng lợi suất trái phiếu kho bạc có thể điều chỉnh giảm trong ngắn hạn", nhà phân tích Edward Moya thuộc Oanda nhận xét. "Mức lạm phát cơ sở càng thấp, thì thị trường sẽ càng tin rằng áp lực lạm phát sắp tới, nếu có tăng, cũng chỉ là tạm thời".
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm khỏi mức đỉnh của phiên sau khi dữ liệu trên được công bố, nhưng sau đó lại nhích lên. Lúc đóng cửa, lợi suất này tăng 6 điểm cơ bản, đạt 1,67%. Đầu tuần, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc vượt 1,75%, cao nhất 14 tháng.
Trong khi đó, niềm tin của người tiêu dùng ở Mỹ tiếp tục tăng lên nhờ chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid. Một cuộc khảo sát của Đại học Michigan cho thấy chỉ số niềm tin người tiêu dùng đạt 84,9 điểm trong tháng 3, từ mức 76,8 điểm trong tháng 2, và vượt xa mức dự báo 83,7 điểm mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Tính cả tuần, Dow Jones tăng 1,4% và S&P 500 tăng 1,6%, trong khi Nasdaq giảm 0,6%. Đà tăng của chứng khoán Mỹ chậm lại trong mấy tuần gần đây, khi nỗi lo về lợi suất tăng và mức định giá bị đẩy lên quá cao khiến cổ phiếu công nghệ bị bán tháo.
"Thị trường đang dần chậm lại, và đây có thể là điều bình thường khi chúng ta bước vào năm phục hồi kinh tế thứ hai", Giám đốc đầu tư Larry Adam của Raymond James phát biểu. "Ở những giai đoạn như thế này, thị trường sẽ không diễn biến một chiều, mà sẽ có sự giằng co. Nhà đầu tư nên lường trước những đợt giảm và tranh thủ để mua vào".