Cổ đông Địa ốc dầu khí đòi bãi miễn hội đồng quản trị

Đề nghị bãi miễn hội đồng quản trị vì để thua lỗ triền miên của nhóm cổ đông nắm giữ 29% vốn không được Chủ tịch PVL chấp thuận.

4 nhóm cổ đông của Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí (Mã CK: PVL) đã có đơn đề nghị đưa vào chương trình Đại hội cổ đông nội dung bãi nhiệm toàn bộ thành viên HĐQT công ty đương nhiệm. Nhóm cổ đông bao gồm 2 pháp nhân là Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà, Công ty TNHH và Phát triển Công nghệ Việt Nam và 6 cổ đông cá nhân chia làm 4 nhóm đang nắm giữ 29% cổ phần PVL.  

Theo đó, các cổ đông trên cho rằng, việc công ty chỉ thực hiện chưa được 1% doanh thu theo Nghị quyết Đại hội cổ đông 2016 và hầu hết không đạt 60% các chỉ tiêu khác khiến hiệu quả hoạt động kinh doanh của Công ty càng ngày càng bết bát, khả năng phục hồi công ty mờ mịt. Ngoài ra, việc cổ phiếu PVL bị đưa vào diện bị kiểm soát, hạn chế giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) là lý do cần nhanh chóng thay đổi bộ máy HĐQT, lãnh đạo công ty càng sớm càng tốt.

Trước yêu cầu trên, Ban tổ chức Đại hội cổ đông thường niên của công ty mới có văn bản hồi đáp về đề nghị này. Theo đó, HĐQT công ty đã họp và ra nghị quyết không chấp thuận kiến nghị nêu trên bởi nội dung bãi nhiệm là không có cơ sở, không đáp ứng các quy định của pháp luật liên quan và điều lệ công ty.

"Ngoài ra, lý do kiến nghị của nhóm cổ đông trên là sai sự thật, bịa đặt và vu khống với ý đồ xấu, phủ nhận công sức, trách nhiệm cũng như thành quả của HĐQT, ban điều hành. Qua tìm hiểu sơ bộ công ty thấy rằng một số cổ đông vốn là các cá nhân thuộc một công ty nhưng lại tách ra thành một số nhóm cổ đông với ý đồ gây rối để thôn tính công ty với biểu hiện lợi ích nhóm nhằm trục lợi", văn bản được ký bởi ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT công ty cho  hay. 

Năm 2016, PVL đạt 270 triệu đồng doanh thu hoàn thành chưa đến 0,2% chỉ tiêu đề ra. Theo giải trình của HĐQT, nguyên nhân của tình trạng này là do khó khăn của giai đoạn trước để lại và đến nay công ty chưa khắc phục được. 

Đó là tiến độ chậm trễ tại dự án Petrovietnam Landmark do chủ đầu tư PVCLand thiếu vốn, khiến công ty không đáp ứng thời gian bàn giao theo như cam kết với khách hàng. Vụ án cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại PVL năm 2014 liên quan đến cựu Chủ tịch HĐQT và ban lãnh đạo doanh nghiệp nhiều năm trước gây thất thoát nặng nề, đến nay công ty vẫn chưa thu hồi được. Mặt khác, việc thoái vốn tại các công ty con gặp phải nhiều khó khăn khiến PVL không có dòng tiền. Cùng với đó, công ty phải chịu áp lực chi phí nặng nề do đầu tư kém hiệu quả khiến hoạt động kinh doanh của PVL sa sút mạnh. Năm 2016, PVL ghi nhận lãi ròng 6,6 tỷ đồng nhờ khoản lợi nhuận bất thường từ công nợ công ty không phải trả.

Năm 2017, ban lãnh đạo công ty dự báo hoạt động kinh doanh còn nhiều khó khăn nên dù các chỉ tiêu doanh thu sản lượng cao nhưng chỉ tiêu lợi nhuận vẫn âm do phải khắc phục những tồn tại để lại từ nhiều năm trước. 

Tin cùng chuyên mục