Cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công: Chú trọng đất đai, băn khoăn về kiểm toán

(BĐT) - Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Nghị định về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thành công ty cổ phần (Dự thảo). Trong đó, hai điểm mới so với quy định trước đó là xử lý đất đai và vai trò của cơ quan Kiểm toán Nhà nước trong quá trình này. 
Theo đề xuất, công ty cổ phần ra đời từ đơn vị sự nghiệp công lập phải thuê đất trả tiền hàng năm. Ảnh: Thanh Hà
Theo đề xuất, công ty cổ phần ra đời từ đơn vị sự nghiệp công lập phải thuê đất trả tiền hàng năm. Ảnh: Thanh Hà

Dự thảo dự kiến được trình Chính phủ trong tháng 12 năm nay, nếu được thông qua sẽ thay thế cho Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg về chuyển đổi đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần.

Phải chuyển sang thuê đất trả tiền hàng năm

Ban soạn thảo cho biết, một trong những nội dung được chú trọng trong Dự thảo Nghị định là xử lý đất đai trong quá trình chuyển đổi. Theo Dự thảo, trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án chuyển đổi thành công ty cổ phần, ĐVSNCL phải được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp theo quy định của Chính phủ về sắp xếp, xử lý tài sản công.

Sau khi chuyển đổi, công ty cổ phần chuyển đổi từ ĐVSNCL phải xây dựng phương án sử dụng đất phù hợp với lĩnh vực hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Trường hợp không còn nhu cầu sử dụng đất sau khi chuyển đổi thì xử lý theo quy định của pháp luật về đất đai. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm giám sát việc sử dụng đất sau chuyển đổi.

Bộ Tài Nguyên và Môi trường hướng dẫn về phương án sử dụng đất, quy trình, thủ tục đăng ký biến động về đất đai, quy trình thủ tục ký hợp đồng thuê đất của ĐVSNCL sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Trao đổi với Báo Đấu thầu về nội dung này, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính cho biết: “Để phù hợp với quy định của Luật Đất đai trong đó quy định các ĐVSNCL tự chủ tài chính phải chuyển sang hình thức thuê đất, Dự thảo quy định mọi hình thức (thuê đất trả tiền một lần, Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất hoặc có thu tiền sử dụng đất, đất do ĐVSNCL nhận chuyển nhượng) đều phải chuyển sang hình thức thuê đất trả tiền hàng năm”.

Theo ông Tiến, với cách làm này, những diện tích đất không sử dụng hết sẽ được cơ quan chức năng thu về để đấu giá. Mặt khác, việc quy định như vậy cũng linh hoạt, tránh ràng buộc "cứng" bằng việc buộc doanh nghiệp phải sử dụng đất đúng mục đích và đúng đăng ký sử dụng ban đầu. Bởi lẽ, cách ràng buộc cứng như vậy có thể làm việc cổ phần hóa giảm hấp dẫn. 

Bắt buộc “qua” Kiểm toán Nhà nước?

Đến tháng 8/2019, có 338 ĐVSNCL đã được các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ đưa vào Danh mục chuyển đổi thành công ty cổ phần. Trong đó, có 213 ĐVSNCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào Danh mục chuyển đổi. Có 38 đơn vị đã được phê duyệt phương án chuyển đổi, trong đó có 31 ĐVSNCL đã hoàn thành chuyển đổi. So với Danh mục chuyển đổi thành công ty cổ phần giai đoạn 2017 - 2020, số lượng đơn vị đã chuyển đổi thành công ty cổ phần chỉ đạt 14,5%.
Một điểm mới khác của Dự thảo lần này là nêu rõ vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong quá trình xác định giá trị ĐVSNCL khi tiến hành chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán đối với ĐVSNCL chuyển đổi theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi có kết quả tư vấn định giá, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm gửi văn bản kèm theo hồ sơ đề nghị cơ quan Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị ĐVSNCL chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Về nội dung này, ông Tiến cho biết: “Về nguyên tắc, phải có vai trò của Kiểm toán Nhà nước. Các ĐVSNCL gắn với tài sản công, gồm đất đai, nhà xưởng do Nhà nước giao, do đó, việc xử lý tài sản phải chặt chẽ và theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, có thể sẽ quy định quy mô ĐVSNCL đủ lớn mới yêu cầu phải qua Kiểm toán Nhà nước, bởi nếu quá nhiều đơn vị cùng thực hiện thì sẽ quá tải với cơ quan kiểm toán”.

Tin cùng chuyên mục