Công khai minh bạch ngân sách nhà nước có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo môi trường kinh doanh lành mạnh tại các địa phương. Ảnh: Lê Tiên |
Đây là một trong nhiều nội dung đáng chú ý của kết quả khảo sát Chỉ số công khai minh bạch ngân sách cấp tỉnh năm 2019.
Nhiều tiến bộ về công khai ngân sách nhà nước
Theo kết quả khảo sát Chỉ số công khai minh bạch ngân sách cấp tỉnh (POBI) năm 2019 (POBI 2019) do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách phối hợp với Trung tâm Phát triển và Hội nhập công bố sáng 8/7, chỉ số POBI trung bình năm 2019 đạt 65,55 điểm/100 điểm quy đổi xếp hạng, cao hơn so với năm 2018 (51 điểm) và năm 2017 (30,5 điểm). Điều này cho thấy mức độ công khai NSNN của 63 tỉnh/thành phố năm 2019 đã cải thiện so với năm 2017 và 2018.
Cụ thể, 24 tỉnh/thành phố công khai ở mức đầy đủ thông tin về NSNN (tương ứng với nhóm A - điểm xếp hạng từ 75 - 100), trong khi cùng nhóm này năm 2018 chỉ có 6 tỉnh/thành phố; 27 tỉnh/thành phố công khai ở mức tương đối (nhóm B - điểm xếp hạng từ 50 - 75 điểm). Số tỉnh/thành phố đạt mức điểm trên trung bình là 51, tăng 20 tỉnh/thành phố so với năm 2018.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, kết quả này khá tương đồng với kết quả của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được công bố gần đây.
Cần chế tài siết chặt việc thực thi
Các thông số đo lường của POBI 2019 cho thấy vẫn còn nhiều điểm đáng quan ngại, cần tiếp tục cải thiện trong thời gian tới.
Còn 9 tỉnh công khai chưa đầy đủ ngân sách (nhóm C - điểm xếp hạng từ 25 đến dưới 75 điểm); 3 tỉnh ít công khai (nhóm D - điểm xếp hạng từ 0 đến dưới 25 điểm) là Hòa Bình (1,69 điểm), Đồng Tháp (7,9 điểm) và Lạng Sơn (21,61 điểm). Đồng Tháp và Hòa Bình là hai tỉnh không có thư mục riêng về công khai ngân sách trên cổng thông tin điện tử của sở tài chính tỉnh.
Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường - đại diện Nhóm nghiên cứu POBI 2019, Hòa Bình luôn nằm trong nhóm kém nhất về công khai minh bạch ngân sách và gần như không có sự cải thiện nào trong 3 năm trở lại đây. Đây cũng là địa phương nằm trong nhóm không tự chủ được ngân sách, mà phải xin ngân sách trung ương.
Ngoài ra, còn nhiều tỉnh/thành phố công khai các tài liệu ngân sách chậm so với quy định, thiếu bảng biểu. Có 40 tỉnh/thành phố công khai kịp thời báo cáo quyết toán ngân sách tỉnh (đạt 63,49%); 3 địa phương chậm công khai danh mục dự án đầu tư công năm 2019.
Đáng chú ý, việc lập dự toán ngân sách của không ít địa phương chưa đủ độ tin cậy cho quá trình thực hiện dự toán. Trong đó, dự toán thu ngân sách địa phương và dự toán chi đầu tư phát triển có mức độ tin cậy thấp nhất, với 15,87% và 12,7% số tỉnh/thành phố có chênh lệch giữa quyết toán và dự toán năm 2018 dưới 5%.
Về sự tham gia của người dân vào quản lý ngân sách tại địa phương, POBI 2019 chỉ ra, 2 tỉnh/thành phố chưa có thư mục hỏi/đáp và email liên hệ, các tỉnh còn lại có thư mục riêng nhưng mức độ phản hồi rất thấp...
Để tăng cường sự tham gia của người dân, Nhóm nghiên cứu POBI 2019 cho rằng, các chính quyền địa phương cần chủ động phản hồi các câu hỏi của người dân về ngân sách; xây dựng và công bố quy chế nội bộ về quy trình cung cấp thông tin; tăng cường tương tác, trao đổi với người dân qua chuyên mục hỏi/đáp, email và mạng xã hội...
Hiện chưa có chế tài đối với việc không thực hiện quy định về công khai minh bạch NSNN. Theo ông Đậu Anh Tuấn, đa phần các tỉnh mới thực hiện phần công khai, chứ chưa thực sự minh bạch. Minh bạch ở đây hiểu theo nghĩa là lắng nghe và có giải trình. Qua thực tiễn khảo sát PCI cho thấy, một số địa phương công bố dự thảo, nhưng khi người dân đóng góp ý kiến thì việc tiếp thu không thực chất, mang tính đối phó, hình thức.
“Việc công khai minh bạch NSNN có ý nghĩa rất quan trọng để có một môi trường kinh doanh, một nền kinh tế lành mạnh và giúp doanh nghiệp giảm chi phí, rủi ro. Sự công khai minh bạch giúp phân bổ nguồn lực về đất đai và vốn hiệu quả hơn, đến đúng đối tượng. Khi thông tin minh bạch, thủ tục hành chính rõ ràng, dễ tiếp cận thì doanh nghiệp sẽ muốn đầu tư lâu dài”, ông Tuấn nhấn mạnh.