Công thức cho dự án PPP thành công: Các bên phải cùng có lợi

(BĐT) - Việc ban hành Luật về đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đúng lộ trình, để sớm có khung pháp lý cao nhất triển khai dự án PPP là rất quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu hoàn thiện kết cấu hạ tầng của Việt Nam, nâng cao cạnh tranh trong thu hút vốn nước ngoài vào kết cấu hạ tầng với các nước khác trong khu vực vốn đang có thể chế về PPP khá hấp dẫn. Và để có dự án PPP thành công, Luật về PPP cần thiết kế các quy định để các bên cùng có lợi.
Dự thảo Luật về PPP dự kiến được Quốc hội thông qua tới đây sẽ giúp huy động tốt nhất nguồn lực từ khu vực tư nhân, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công. Ảnh: Lê Tiên
Dự thảo Luật về PPP dự kiến được Quốc hội thông qua tới đây sẽ giúp huy động tốt nhất nguồn lực từ khu vực tư nhân, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công. Ảnh: Lê Tiên

Đó là nhận định của nhiều nhà tài trợ tại Tọa đàm trao đổi ý kiến với các nhà tài trợ về Dự thảo Luật PPP do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chiều qua (19/5/2020). Dự kiến Dự thảo Luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 khai mạc ngày hôm nay. 

Kỳ vọng Luật được thực thi hiệu quả

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định, Việt Nam sẽ còn thành công hơn nữa trong tương lai, dựa trên sự đổi mới, hợp tác sử dụng tốt nhất các nguồn lực vì sự thịnh vượng của quốc gia. Cộng đồng tài trợ đã đồng hành trong xây dựng Luật PPP từ cách đây 2 năm, và có niềm tin mạnh mẽ vào một Luật về PPP có hiệu quả, thực thi được, huy động tốt nhất nguồn lực từ khu vực tư nhân, chia sẻ gánh nặng tài chính với Nhà nước và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trong thời gian tới.

Ông Ousmane Dione đánh giá, Dự thảo Luật PPP mới nhất phản ánh nhiều đặc điểm quan trọng của dự án PPP phù hợp thông lệ quốc tế, thể hiện cam kết mạnh mẽ hơn của Chính phủ, ví dụ về chia sẻ rủi ro doanh thu. Đại diện WB lưu ý thêm, dù Luật PPP là một luật tốt nhưng phải đảm bảo thực thi luật trong trong bối cảnh của Việt Nam. Trong đó, phía WB khuyến nghị một số vấn đề để thực thi hiệu quả như giải quyết được các khoảng trống về pháp luật để đưa Luật vào thực tiễn; cần đảm bảo cơ chế 1 cửa cho nhà đầu tư; tối thiểu hóa việc tham chiếu đến các luật khác, nếu có tham chiếu thì Luật cần quy định trực tiếp, cụ thể; phân bổ rủi ro cho bên có khả năng quản lý tốt nhất. Đại diện WB cũng cho rằng với tính đa dạng của PPP, Luật cần soạn thảo ở mức tổng quan, có khả năng linh hoạt ở Nghị định hướng dẫn của Chính phủ…

Đại diện Ngân hàng Phát triển chấu Á (ADB) thì chia sẻ một số khuyến nghị của cộng đồng tài trợ, trong đó có đề xuất xóa hạn mức bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ tối đa 30% tại Dự Luật vì có những dự án cần khả năng chuyển đổi ngoại tệ cao hơn 30%. Ngoài ra, cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu vẫn có lợi hơn cho Nhà nước. Ví dụ trường hợp giảm thu, Chính phủ vẫn có hạ tầng, còn nhà đầu tư rủi ro nhiều hơn;... Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam đề nghị giữ lại quy định về ưu tiên áp dụng Luật PPP khi có khác biệt với luật khác về một số vấn đề đặc thù của dự án PPP tại Điều 3 Dự thảo Luật cũ.

Theo một số ý kiến, nhiều quốc gia trong khu vực như Philippines, Indonesia có khung pháp lý về PPP với nhiều cơ chế hấp dẫn. Nếu Việt Nam coi phát triển hạ tầng là một trong ba đột phá, thì cũng phải có đột phá tư duy xây dựng Luật để thu hút tư nhân trong thời gian tới.               

Luật khó, phức tạp, không thể cầu toàn

Ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, quá trình xây dựng Luật trong 2 năm qua nhận được sự ủng hộ, quan tâm rất lớn của cơ quan chính phủ, cơ quan thẩm tra của Quốc hội. Cơ quan soạn thảo cũng đã tổ chức trao đổi nhiều lần với cộng đồng tài trợ, cộng đồng doanh nghiệp, nhiều ý kiến góp ý từ những góc độ khác nhau, mà kỳ vọng, yêu cầu khác nhau vào Luật.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng chia sẻ có một số vấn đề Dự thảo Luật chưa thể đáp ứng hết các đề xuất. Ví dụ như đề xuất của ADB khuyến nghị về hạn mức bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ. Khi Việt Nam mới thu hút đầu tư nước ngoài, nền kinh tế thị trường sơ khai, giao dịch quốc tế ít, quản lý ngoại hối chặt chẽ, nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu có bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ. Nhưng đến nay nền kinh tế Việt Nam mở đến 200%, nếu vẫn đặt vấn đề này sẽ rất khó khăn cho cơ quan Chính phủ trong giải trình ra Quốc hội. Nếu Quốc hội chấp thuận ở mức 30% đã là mức ưu ái rất lớn cho dự án PPP…

Hay là kiến nghị của ADB đề xuất giữ lại Điều 3 tại Dự thảo Luật cũ, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, cho biết, với tinh thần đảm bảo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án PPP, Dự thảo cũ có quy định về ưu tiên áp dụng Luật PPP tại Điều 3 đối với một số nội dung đặc thù của phương thức PPP. Chuyên gia kinh tế thì cho rằng quy định này cần thiết, nhưng chuyên gia pháp luật lại nói không được, phá vỡ tính tổng thể của hệ thống pháp luật. Vì thế, Dự thảo Luật mới nhất cố gắng giải quyết vấn đề một cách hài hòa, vấn đề nào ưu tiên, ưu đãi cho dự án PPP thì quy định ngay tại Luật PPP và áp dụng theo Luật này. “Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý trong trường hợp xung đột thì cho phép Luật PPP sửa ngay, quy định ngay tại nội dung Luật”, ông Nguyễn Đăng Trương cho biết.

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, quá trình xây dựng Luật cơ quan soạn thảo đã tiếp thu rất nhiều ý kiến, với tinh thần chọn lọc, phù hợp với điều kiện hệ thống pháp luật, trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam. “Luật PPP là một luật mới, khó, phức tạp, động chạm tới nhiều luật khác trong hệ thống pháp luật. Vì thế xác định không cầu toàn, trong quá trình làm sẽ tiếp tục hoàn thiện”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu quan điểm.

Tin cùng chuyên mục