Cục Đường sắt yêu cầu siết chặt an toàn sau 2 vụ tàu trật đường ray

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau 2 vụ tai nạn tàu trật bánh tại Huế và Hà Tĩnh và các ngày 4 và 7/5, Cục Đường sắt Việt Nam có văn bản yêu cầu siết chặt việc đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn, sự cố xảy ra do chủ quan.
Tàu SE1 vừa rời ga Huế thì 2 toa bị trật bánh.
Tàu SE1 vừa rời ga Huế thì 2 toa bị trật bánh.

Cục Đường sắt Việt Nam vừa có văn bản gửi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) chỉ đạo các đơn vị chạy tàu tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt sau hai vụ tai nạn tàu trật bánh gần đây.

Vụ thứ nhất, tàu khách số hiệu SE1 bị trật bánh hai toa xe chở khách lúc 11h ngày 4/5 tại phía Nam ga Huế (km688+500, tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM thuộc phường Phương Đức, thành phố Huế). Vụ tai nạn đã gây tắc đường sắt chính tuyến 303 phút.

Vụ thứ hai, tàu khách số hiệu SE8 bị trật bánh một toa xe chở khách lúc 11h55 ngày 7/5 tại km358+396 đường sắt Hà Nội - TP.HCM đoạn giữa hai ga Thanh Luyện - Hòa Duyệt thuộc xã Hương Liên, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Vụ tai nạn đã gây tắc đường sắt chính tuyến 218 phút.

Nguyên nhân 2 vụ tàu trật bánh đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Cục Đường sắt Việt Nam nhận định, các vụ tai nạn giao thông đường sắt tuy không thiệt hại về người nhưng đã gây ách tắc giao thông nhiều giờ, thiệt hại tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội và chất lượng phục vụ hành khách, chủ hàng.

Do đó, Cục Đường sắt Việt Nam yêu cầu, VNR chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải trong triển khai Công điện số 281 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ và cao điểm du lịch hè 2023.

Đồng thời, VNR chỉ đạo Công ty CP Đường sắt và Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt chủ động phối hợp đề xuất với các đơn vị liên quan của địa phương cắm đầy đủ biển báo "Chú ý tàu hỏa" tại các lối đi tự mở; rào đóng, thu hẹp, xóa bỏ các lối đi tự mở nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho người dân khi đi qua đường sắt khu vực.

Tăng cường kiểm tra, quản lý, giám sát chặt chẽ nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trong việc chấp hành quy trình tác nghiệp kỹ thuật; nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn, sự cố xảy ra do chủ quan.

Các Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn, Ratraco đảm bảo chất lượng phương tiện đường sắt trước khi vận hành. Đặc biệt, kiên quyết không đưa các đầu máy, toa xe không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường vào vận dụng, khai thác.

“Các đơn vị rà soát, tăng cường bố trí lực lượng, phương tiện thường trực để kịp thời giải quyết sự cố, tai nạn khi xảy ra nhằm khôi phục giao thông đường sắt nhanh nhất…”, Cục Đường sắt Việt Nam yêu cầu.

Tin cùng chuyên mục