Cuộc chiến chống khủng hoảng chuối toàn cầu

Các nền kinh tế châu Phi phụ thuộc vào chuối đang lao đao vì dịch bệnh và thương mại thế giới có thể cũng bị ảnh hưởng theo.

Đến thăm trang trại trồng chuối Matanuska (Mozambique) những ngày này rất không dễ dàng, BBC cho biết. Sau 2 giờ lái xe từ thành phố gần nhất ở phía Bắc, khách thăm sẽ phải dừng bên ngoài cổng vào, nhúng chân vào bồn diệt khuẩn. Ngay cả ôtô cũng được phun chất diệt khuẩn này.    

Matanuska từng là ngôi sao sáng tại quốc gia nghèo khổ ở châu Phi này. Nhưng vài năm gần đây, nó lại đang bị hủy hoại bởi dịch bệnh Panama. Dịch bệnh này được phát hiện lần đầu tiên tại châu Phi cách đây 5 năm, sau khi đã khiến hàng chục triệu quả chuối phải đổ bỏ tại châu Á kể từ thập niên 80.

Việc dịch bệnh này chưa thể kiềm chế đã trở thành hồi chuông báo động trên toàn thế giới. Chuối hiện là loại quả được xuất khẩu nhiều nhất toàn cầu và là nguồn dinh dưỡng cho hàng triệu người. Quy mô ngành này lên tới gần 40 tỷ USD. Không chỉ ảnh hưởng đến chuối, nó còn có thể gây nhiều hậu quả khó lường lên thương mại thế giới.

Ôtô cũng phải được diệt khuẩn trước khi vào trang trại. Ảnh:BBC

Sau khi khử trùng, khách thăm phải đi qua một con đường đất khá dài mới tới được trang trại. Bên trong, hàng trăm quả chuối đang được vận chuyển trên dây cáp đến nơi xử lý. Tại đây, chúng cũng sẽ được khử trùng trước khi đóng vào container để đưa sang Trung Đông.  

Giám sát quy trình này là Elie Matabuana - Giám đốc Kỹ thuật của trang trại. Ông dành toàn bộ thời gian của mình để quan sát từng quả chuối, xem liệu rằng chúng có xuất hiện lá vàng hay mùi đặc trưng của dịch bệnh Panama hay không.

“Mỗi sáng thức dậy, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là mình có thể làm gì để ngăn chặn bệnh này”, ông nói, “Nó thực sự là một cuộc vật lộn. Nhưng chúng ta sẽ thắng”.

Chuối di chuyển trên các dây cáp đến nơi xử lý. Ảnh:BBC

Cuộc chiến mà Elie và nhóm Matanuska đang tham gia không hề dễ dàng. Dịch bệnh này đã lây lan rất nhanh trong 5 năm qua. “Lần đầu tôi đến Matanuska, trang trại này rất đẹp”, Altus Viljoen - Giáo sư Đại học Stellenbosch cho biết, “Tôi biết rằng giờ sẽ có thay đổi. Nhưng chưa bao giờ tưởng tượng được mức độ của nó sẽ nghiêm trọng thế này”.

Ngày nay, chỉ 100 hecta ở đây là còn canh tác được. Trong số 2.700 nhân viên trước đây của trang trại, gần hai phần ba đã bị cho nghỉ việc, khiến nền kinh tế quanh khu vực này rơi đi xuống. Tính trên toàn Mozambique, hơn 500.000 lao động vẫn đang làm việc trong ngành chuối.

Các nước láng giềng, như Tanzania, cũng có nền kinh tế phụ thuộc đáng kể vào chuối. Còn ở Uganda và Congo, dù loại chuối ở đây trồng được cho là có tính chống chịu tốt, không ai dám đảm bảo chắc chắn.

“Tất cả các nước châu Phi đang lo lắng về chuyện xảy ra ở Mozambique”, Antonia Vaz - người chịu trách nhiệm nghiên cứu bệnh cây trồng tại Bộ Nông nghiệp nước này cho biết. Chính phủ đang làm mọi cách để bệnh này không lan ra khỏi vùng phía Bắc.

Mỗi năm, hơn 12 tỷ USD chuối, chủ yếu là giống Cavendish, được xuất khẩu trên toàn cầu. Đây là loại quả được ưa chuộng nhất thế giới cả về giá trị và số lượng.

Vấn đề trong việc đấu tranh chống dịch bệnh nằm ở cách trồng chuối ngày nay. Giống Cavendish được trồng riêng rẽ. Chỉ canh tác một loại cây trên cả trang trại là phương pháp đang ngày càng phổ biến trên thế giới. Nhưng nó cũng khiến chúng nhiễm bệnh dịch rất dễ dàng. Bên cạnh đó, chuối Cavendish còn sinh sản vô tính, tức là thế hệ sau sẽ giống hệt thế hệ trước về gen.

Tuy nhiên, họ vẫn phải tiếp tục trồng chuối ở Matanuska. Có 2 lý do, một là “nếu đất này bị bỏ hoang và mọi người chuyển đi chỗ khác, không ai biết họ sẽ mang bệnh dịch đi đâu nữa”, Viljoen cho biết.

Lý do còn lại là hy vọng. Tricia Wallace - một cựu nhân viên ngân hàng đầu tư - là người đã thu xếp tài chính cho trang trại từ những ngày đầu cho biết, thời đó, mọi người từ khắp nơi trên Mozambique đến và họ không thể tin được có trang trại như thế này tồn tại với quy mô lớn như vậy.

Chuối Cavendish Đài Loan được kỳ vọng chống chịu bệnh. Ảnh:BBC

Wallace cảm thấy mình phải đảm bảo mọi người ở đây không từ bỏ hy vọng. Và đó là lý do cô nghỉ việc ở ngân hàng để đến đây điều hành trang trại. Hiện tại, cô đầu tư rất mạnh tay, đặc biệt là vào một giống chuối Cavendish Đài Loan. Kết quả đến nay vẫn khá hứa hẹn, với 200 hecta cho thu hoạch. Dù một số cây vẫn mắc bệnh, chúng có vẻ đã khỏe mạnh hơn và có khả năng vượt qua.

“Nếu chúng tôi làm được việc này, nó sẽ có lợi không chỉ với cả ngành chuối Mozambique, mà còn là cả khu vực nữa”, Wallace kỳ vọng.

Tin cùng chuyên mục