Cước vận tải biển tăng cao, doanh nghiệp lo mất thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu khốn đốn bởi cước vận tải tăng quá cao. Với một số ngành hàng, cước vận chuyển đã cao hơn cả giá trị container hàng. Theo phản ánh của một số DN, hiệp hội ngành hàng, chi phí quá cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, thậm chí có nguy cơ bị mất khách hàng, thị trường lớn. Cần làm gì để gỡ vướng, giúp DN xuất khẩu trụ vững trong bối cảnh khó khăn hiện nay?
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Giá cước tăng cao, doanh nghiệp điêu đứng

Mới đây, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã có văn bản “kêu cứu” gửi các cơ quan chức năng về việc cước vận chuyển tăng quá cao khiến các DN Việt Nam đứng trước nguy cơ mất đi thị trường lớn. Theo VPA, từ tháng 1/2021 cho tới tháng 6/2021, giá cước vận chuyển đi các thị trường xuất khẩu trọng điểm (trong đó có Mỹ và Liên minh châu Âu - EU) luôn trong chiều hướng tăng với biên độ rất cao, không có dấu hiệu ngừng lại. Trong khi đó, cước vận tải hàng hóa từ các nước châu Á khác như Ấn Độ đi Mỹ và châu Âu lại không tăng nhiều như từ Việt Nam.

Cước vận chuyển đi EU năm 2020 ở mức 800 - 1.200 USD cho 1 container 40 feet, nhưng hiện nay là trên 11.000 USD, tăng 12 - 13 lần. Cước vận chuyển đi Mỹ từ 2.000 - 3.000 USD cho 1 container 40 feet vào đầu năm 2020 đến nay tăng lên 13.500 USD, tăng 5 - 6 lần. Theo phản ánh của một DN, cước vận chuyển một cotainer 40 feet đi NewYork (Mỹ) bằng đường biển cao nhất hiện nay là gần 20.000 USD.

Đáng ngại hơn, theo VPA, có hiện tượng một số hãng tàu yêu cầu DN đưa hàng lên tàu rồi mới báo giá cước vận tải. Khi đó, DN buộc phải chấp nhận mọi giá hãng tàu đưa ra. Đặc biệt, có hiện tượng các forwarder (đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận vận tải) liên kết đưa ra mức cước cao, chênh lệch so với giá niêm yết của hãng tàu lên tới cả nghìn USD/container.

Trước đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP); Hiệp hội DN dệt may Việt Nam… nhiều lần phản ánh, giá cước vận tải liên tục tăng cao, nhất là vận tải đường dài. Vì vậy, dù có đơn hàng xuất khẩu, nhưng lợi nhuận của DN vẫn giảm mạnh.

Minh bạch thông tin cước vận tải

Lý giải về sự tăng giá bất thường của cước vận tải biển hiện nay, một số ý kiến cho rằng, Việt Nam chưa có DN logistics quốc tế vươn tới châu Âu, châu Mỹ nên 90% hàng hóa xuất khẩu phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài. Về nguyên tắc, cơ quan quản lý nhà nước khó kiểm soát được giá cước của hãng tàu vì giá cả vận hành theo quy luật thị trường.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, các hãng tàu có quan hệ với đại lý được ủy quyền và forwarder. Các đại lý được ủy quyền nằm trong sự kiểm soát của hãng tàu. Tuy nhiên, với forwarder, có thể có khe hở dẫn đến hiện tượng hỗn loạn giá cước trên thị trường.

“Cục Hàng hải Việt Nam cùng với các cơ quan liên quan cần trao đổi để kiểm tra, kiểm soát khâu này nhằm xem có hay không việc các forwarder lợi dụng tình trạng dịch bệnh Covid-19 hiện nay để “tát nước theo mưa” tăng giá cước quá mức”, ông Hải đề xuất.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chia sẻ với khó khăn của DN, một số tập đoàn lớn trong lĩnh vực điện lực, viễn thông… đều giảm giá, thể hiện đạo đức kinh doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh ấy, nhiều hãng tàu quốc tế không những không chia sẻ mà còn tăng mạnh giá cước khiến các DN, ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam rất thiệt thòi.

Vì vậy, ông Tuấn đề nghị, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về vận tải biển, các cơ quan quản lý cần tập hợp và công bố rộng rãi thông tin về giá cước của các hãng tàu tại các tuyến vận tải tương tự như Việt Nam để có sự so sánh. Trường hợp DN bị ép quá, hoặc bị thu cước vô tội vạ thì phải có đầu mối cho họ phản ánh. Hãng tàu nào bị DN “kêu” nhiều thì cơ quan quản lý phải kiểm tra, thanh tra.

Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, Cục sẽ vận động các hãng tàu giảm giá cước hỗ trợ DN xuất nhập khẩu. Mặt khác, các DN, hiệp hội ngành hàng cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác cũng như chủ động trong sản xuất để ký được các hợp đồng dài hạn, từ đó có lợi thế trong đàm phán về cước vận tải. Đặc biệt, Cục sẽ triển khai ngay việc xây dựng Cổng thông tin vận tải biển để từng bước nâng cao minh bạch thông tin, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Tin cùng chuyên mục