Đã có phương án xử lý 12 dự án nghìn tỷ đồng "đắp chiếu"

Báo cáo xử lý các doanh nghiệp này đã được gửi lên Thủ tướng Chính phủ và trong tuần này, Thường trực Chính phủ sẽ thảo luận về báo cáo và sẽ sớm gửi lên Bộ Chính trị cho ý kiến.
Nhà máy đạm Ninh Bình, 1 trong 12 dự án "nghìn tỷ" thua lỗ của ngành công thương
Nhà máy đạm Ninh Bình, 1 trong 12 dự án "nghìn tỷ" thua lỗ của ngành công thương

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo kết luận phiên họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo diễn ra vào cuối tháng 3/2017 do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì, cho ý kiến vào các phương án xử lý 12 doanh nghiệp (DN) yếu kém, làm ăn thua lỗ của ngành công thương.

Trong số 12 nhà máy, dự án có 6 nhà máy đang vận hành sản xuất kinh doanh nhưng bị thua lỗ, bao gồm: Đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình, DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai, công ty đóng tàu Dung Quất, nhà máy thép Việt Trung.

Có 3 dự án bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn, gồm: Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên, dự án bột giấy Phương Nam.

Ba nhà máy còn lại đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn là nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước và Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ- PVTex).

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã yêu cầu Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tổ chức kiểm tra việc thực hiện các kết luận của Thủ tướng, Phó Thủ tướng để báo cáo Thủ tướng trong tháng 4 này.

Thông tin tại phiên họp Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN vừa diễn ra ngày 10/4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tính tới nay Ban Chỉ đạo đã ban hành 20 văn bản chỉ đạo việc thực hiện xử lý, tồn tại yếu kém tại 12 DN với hơn 100 nhiệm vụ giao cho các tập đoàn, tổng công ty để thực hiện.

Báo cáo xử lý các DN này đã được gửi lên Thủ tướng Chính phủ và trong tuần này, Thường trực Chính phủ sẽ thảo luận về báo cáo và sẽ sớm gửi lên Bộ Chính trị cho ý kiến.

Ngoài vấn đề hoạt động thua lỗ, cầm chừng thì có một số dự án, nhà máy đang gặp vấn đề lớn liên quan tới những rắc rối về hợp đồng, pháp lý giữa các bên ở trong nước và với cả yếu tố nước ngoài.

Theo nhận định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nếu thực hiện đúng, nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì đã tạo ra tiền đề để xử lý được 60- 70% khối lượng công việc của cả 12 dự án, nhà máy này. 

Tin cùng chuyên mục