Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters. |
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, với cả ba chỉ số chính cùng đóng cửa ở mức cao chưa từng thấy. Bất chấp sự xuất hiện của một vài dữ liệu kinh tế Mỹ không đạt kỳ vọng, nhà đầu tư hào hứng nhờ phát biểu lạc quan của Tổng thống Donald Trump về đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Theo tin từ Reuters, ông Trump nói rằng Mỹ và Trung Quốc đang tiến đến gần thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, nhưng nhấn mạnh sự ủng hộ của Washington đối với cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông - một vấn đề gây căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Ở thời điểm hiện tại, mọi chuyện đều khá tốt đẹp nên thị trường hưởng lợi. Nhưng thị trường vẫn đang chờ cho tới khi tất cả ngã ngũ", Giám đốc đầu tư Scott Ladner thuộc Horizon Investments nhận xét. "Bởi vậy, các chỉ số có thể sẽ duy trì trạng thái biến động chậm".
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,2%, đạt 28.121,68 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,22%, đạt 3.140,52 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,18%, đạt 8.647,93 điểm.
Cổ phiếu Walt Disney tăng 1,3% sau khi công ty truyền thông và giải trí này cho biết bình quân mỗi ngày có gần 1 triệu thuê bao mới đăng ký sử dụng dịch vụ truyền video trực tuyến của hãng. Nhờ đó, Walt Disney giữa vai trò trụ cột cho phiên tăng này của Dow Jones.
Hy vọng về một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, những dữ liệu cho thấy sự vững vàng của kinh tế Mỹ, và mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 tốt hơn dự báo là ba nhân tố chính đẩy chứng khoán Mỹ liên tục tăng điểm trong thời gian gần đây. Trong vòng 8 phiên vừa qua, ba chỉ số chính đã có 5 phiên lập kỷ lục.
Hỗ trợ cho sự tăng điểm của thị trường còn là sự mềm mỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) - ngân hàng trung ương đã có 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay. Hôm thứ Hai, Chủ tịch FED Jerome Powell nói rằng chính sách tiền tệ đang ở trạng thái phù hợp để hỗ trợ thị trường việc làm.
Giới đầu tư ở Phố Wall hiện đang chờ những tín hiệu mới về "sức khỏe" người tiêu dùng Mỹ trong mùa mua sắm cuối năm.
Số liệu công bố ngày thứ Ba cho thấy niềm tin của người tiêu dùng giảm tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 11, nhưng vẫn ở ngưỡng đủ để đảm bảo mức chi tiêu vững vàng. Một báo cáo khác cho thấy doanh số bán nhà mới bất ngờ giảm trong tháng 10, nhưng dữ liệu của tháng 9 được điều chỉnh tăng cho thấy doanh số bán nhà mới đạt mức cao nhất hơn 12 năm.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 8 nhóm chốt phiên trong trạng thái tăng.
Nhóm tiêu dùng không thiết yếu tăng 0,81%, trở thành cú huých tăng điểm mạnh nhất cho các chỉ số. Dẫn đầu sự đi lên của nhóm tiêu dùng không thiết yếu là Best Buy với mức tăng 9,9%, sau khi công ty bán lẻ này dự báo lạc quan về lợi nhuận trong mùa mua sắm cuối năm. Best Buy cũng là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong S&P 500 phiên này.
Ngược lại, cổ phiếu hãng bán lẻ Dollar Tree sụt 15,24% do công ty đưa ra dự báo lợi nhuận mùa mua sắm cuối năm thấp hơn kỳ vọng. Với mức giảm mạnh như vậy, cổ phiếu Dollar Tree trở thành nguồn áp lực đối với cả S&P 500 và Nasdaq.
Cổ phiếu hãng máy tính và phần mềm doanh nghiệp HP sụt gần 8,5% sau khi hãng công bố doanh thu quý 4 không đạt dự báo.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 1,34 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,01 lần. Có 7,96 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 7,12 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.