Đấu thầu xây dựng hạ tầng tại huyện Đức Trọng: Dấu hỏi về yêu cầu “xác nhận vị trí đổ thải”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Đức Trọng (Bên mời thầu - BMT) vừa mở thầu 3 gói thầu thuộc Dự án Xây dựng giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu quy hoạch Trung tâm hành chính, quảng trường huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Các gói thầu này bị nhà thầu phản ánh về tiêu chí xác định vị trí đổ thải, kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự có thể làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu.
Dự án Xây dựng giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu quy hoạch Trung tâm hành chính, quảng trường huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng có 2 gói thầu yêu cầu xác nhận vị trí đổ thải. Ảnh: Nhã Chi
Dự án Xây dựng giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu quy hoạch Trung tâm hành chính, quảng trường huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng có 2 gói thầu yêu cầu xác nhận vị trí đổ thải. Ảnh: Nhã Chi

Ba gói thầu nêu trên gồm: Gói thầu số 5 Thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu B và D (giá gói thầu 93,453 tỷ đồng), Gói thầu số 6 Thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu C (40,053 tỷ đồng), Gói thầu số 7 Thi công xây dựng đường Trần Phú nối dài (91,198 tỷ đồng).

Trong đó, hồ sơ mời thầu (HSMT) Gói thầu số 5 và Gói thầu số 7 yêu cầu nhà thầu phải có biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường hợp lý, khả thi phù hợp với đề xuất về biện pháp tổ chức thi công; có biên bản xác định vị trí đổ thải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi xây dựng công trình. Yêu cầu này được đánh giá theo phương pháp đạt/không đạt. Trong văn bản đề nghị làm rõ, một nhà thầu cho rằng, yêu cầu “có biên bản xác định vị trí đổ thải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi xây dựng công trình” là không phù hợp với quy định của pháp luật, vi phạm Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng được quy định tại Phụ lục 9 Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT.

Ngoài ra, HSMT của 3 gói thầu đưa ra yêu cầu kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự đối với trường hợp gói thầu chỉ bao gồm 1 công trình độc lập. Theo đó, từ ngày 1/1/2020 đến thời điểm đóng thầu, nhà thầu đã hoàn thành tối thiểu 2 công trình loại kết cấu hạ tầng kỹ thuật có quy mô, tính chất tương tự gói thầu đang xét, cấp III. Nhà thầu cho rằng, thực tế ở một số địa phương mà năng lực nhà thầu còn hạn chế, việc yêu cầu kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự như trên có thể hạn chế sự tham dự của nhà thầu.

Trả lời đề nghị làm rõ của Nhà thầu, đối với biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, BMT cho rằng, HSMT chỉ yêu cầu nhà thầu “có biên bản xác định vị trí đổ thải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi xây dựng công trình” chứ không yêu cầu bãi đổ thải cụ thể, cự ly cụ thể và giới hạn một vùng cụ thể. Do đó, yêu cầu này là phù hợp với quy định, không dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng.

BMT cho biết thêm, trong Quyết định phê duyệt Dự án của UBND tỉnh Lâm Đồng, loại, cấp công trình của Dự án là “công trình hạ tầng kỹ thuật, cấp III”. Do vậy, với tiêu chí kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự, nhà thầu căn cứ vào HSMT đã được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để thực hiện.

Theo chuyên gia đấu thầu, yêu cầu “có biên bản xác định vị trí đổ thải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi xây dựng công trình” là một hình thức diễn đạt khác nhưng nội hàm vẫn vi phạm quy định tại Phụ lục 9 Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT. Trên thực tế, địa điểm xây dựng công trình đã được xác định rõ trong các văn bản pháp lý của Dự án và cả trong HSMT (đó là thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng). Việc quy định như HSMT gây hạn chế cạnh tranh, tạo lợi thế cho nhà thầu đã có trước biên bản xác nhận của chính quyền địa phương nơi xây dựng công trình.

Với yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự, vị chuyên gia này cho rằng, HSMT được xây dựng trên cơ sở những nội dung đã được Chủ đầu tư phê duyệt là có cơ sở pháp lý.

Theo Biên bản mở thầu, có nhiều nhà thầu tham dự đồng thời các gói thầu nêu trên. Cụ thể, Gói thầu số 5 Thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu B và D được mở thầu vào ngày 18/9 với sự tham dự của: Liên danh Công ty CP Cơ khí và xây lắp Lâm Đồng - Công ty TNHH Duy Hà Gold - Công ty CP Xây lắp An Nhơn; Liên danh Công ty TNHH Thiên Định - Công ty TNHH Thông Nữ; Công ty TNHH Xây dựng công trình Hùng Vương.

Gói thầu số 6 Thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu C được mở thầu vào ngày 21/9 với sự tham dự của 3 nhà thầu: Công ty TNHH Thiên Định; Liên danh Công ty TNHH TM Tá Lợi - Hồng Trường; Công ty TNHH Xây dựng công trình Hùng Vương.

Gói thầu số 7 Thi công xây dựng đường Trần Phú nối dài được mở thầu ngày 24/9, có Liên danh Cơ khí và Xây lắp Lâm Đồng - Duy Hà Gold - Xây lắp An Nhơn; Liên danh Thiên Định - Thông Nữ; Công ty TNHH Xây dựng công trình Hùng Vương nộp hồ sơ dự thầu.

Trong số các nhà thầu trên, Công ty CP Cơ khí và Xây lắp Lâm Đồng từng trúng khoảng 13 gói thầu, Công ty TNHH Thiên Định trúng 10 gói thầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Đức Trọng mời thầu từ tháng 9/2020 đến nay. Công ty TNHH TM Tá Lợi trúng 6 gói thầu do BMT nêu trên mời thầu trong năm 2022. Các nhà thầu này đều có trụ sở tại huyện Đức Trọng.

Tin cùng chuyên mục