Bất đồng gay gắt về giá trúng thầu thuốc lan rộng

(BĐT) - Tại Gia Lai, trong khi phía Bảo hiểm Xã hội (BHXH) đang phản đối việc giá trúng thầu nhiều mặt hàng thuốc của các gói thầu mua thuốc tập trung trên địa bàn cao hơn giá trung bình thì Sở Y tế Gia Lai lại cho rằng việc tổ chức lựa chọn nhà thầu đã tuân thủ đúng các quy định. 
Bảo hiểm Xã hội tỉnh Gia Lai khẳng định, nếu nhà thầu không giảm giá các danh mục thuốc vượt so với giá công bố của BHXH thì cơ quan này không thể thanh toán. Ảnh: Lê Tiên
Bảo hiểm Xã hội tỉnh Gia Lai khẳng định, nếu nhà thầu không giảm giá các danh mục thuốc vượt so với giá công bố của BHXH thì cơ quan này không thể thanh toán. Ảnh: Lê Tiên

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai – bên mời thầu đã được giao thương thảo lại giá thuốc trúng thầu với các nhà thầu.

Cao hơn gấp đôi

Ngày 13/10/2017, Sở Y tế Gia Lai đã công bố các quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) các gói thầu thuốc genenic, thuốc biệt dược gốc, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT) cung cấp thuốc tập trung tỉnh Gia Lai năm 2017 - 2018.

Cụ thể, theo KQLCNT gói thầu thuốc generic (Gói thầu số 1) thuộc KHLCNT cung cấp thuốc tập trung tỉnh Gia Lai năm 2017 - 2018, tổng số mặt hàng thuốc trúng thầu là 611 mặt hàng, với tổng giá trị thuốc trúng thầu là 422.590.677.179 đồng.

Theo KQLCNT gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị (Gói thầu số 2) thuộc KHLCNT cung cấp thuốc tập trung tỉnh Gia Lai năm 2017 – 2018, tổng số mặt hàng thuốc trúng thầu là 110 mặt hàng, với tổng giá trị thuốc trúng thầu là 35.306.889.605 đồng.

Riêng KQLCNT gói thầu thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu thuộc KHLCNT cung cấp thuốc tập trung, tổng số mặt hàng thuốc trúng thầu là 55 mặt hàng, với tổng giá trị thuốc trúng thầu là 61.003.550.750 đồng.

Sau khi Sở Y tế Gia Lai công bố KQLCNT các gói thầu mua thuốc tập trung, BHXH tỉnh Gia Lai đã tiến hành kiểm tra, rà soát danh mục thuốc trúng thầu và phát hiện 45 mặt hàng thuốc có giá trúng thầu cao hơn giá tối đa so sánh từ dữ liệu giá thuốc trúng thầu trung bình đợt 1 năm 2017 mà BHXH Việt Nam công bố. Từ đó, BHXH Gia Lai với tư cách là thành viên Tổ thẩm định đấu thầu mua thuốc tập trung đã đề nghị xem xét lại giá thuốc trúng thầu một số mặt hàng, đề nghị Sở Y tế thương thảo lại với các nhà thầu nhằm thanh toán phù hợp với mặt bằng chung.

Theo BHXH Gia Lai, tổng giá trị chênh lệch là hơn 3,1 tỷ đồng. Trong đó, có 8 mặt hàng tăng từ 21% - 110%, các mặt hàng còn lại tăng dưới 20%. Đơn cử các loại như: hoạt chất isotretinoin có tên thuốc Myspa do Công ty CP Dược phẩm Medisun sản xuất có giá trúng thầu là 5.250 đồng/viên nhưng giá trúng thầu đợt 1 cao nhất chỉ là 2.500 đồng/viên… 

Vẫn bất đồng về giá

Ngày 30/10/2017, Sở Y tế Gia Lai công bố quyết định phê duyệt KQLCNT 8 mặt hàng thuốc thuộc Gói thầu Generic theo kết quả thương thảo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, với tổng giá trị trúng thầu 8 mặt hàng thuốc này là 13.477.231.370 đồng. Đồng thời, Sở Y tế Gia Lai cũng đính chính tổng giá trị thuốc trúng thầu Gói thầu số 2 sau khi thương thảo còn 34.660.301.405 đồng.

Sở Y tế Gia Lai cho biết, sau khi nhận được đề nghị của cơ quan BHXH, đơn vị này đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai mời các đơn vị trúng thầu có giá cao hơn giá tối đa đến thương lượng để giảm giá thuốc trúng thầu, đặc biệt là 12 mặt hàng có giá trúng thầu cao hơn 10%. Tuy nhiên, qua thương lượng, các nhà thầu chỉ đồng ý giảm giá 6/12 danh mục thuốc.

Sở Y tế Gia Lai còn cho rằng, BHXH tỉnh Gia Lai không thể lấy giá trung bình để áp giá rồi kết luận 43 danh mục thuốc có giá trúng thầu tại Gia Lai cao hơn so với các địa phương khác. Sở Y tế Gia Lai khẳng định, toàn bộ quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu thuộc KHLCNT mua thuốc tập trung năm 2017 - 2018 đều tuân thủ theo đúng quy định, có sự tham gia ngay từ đầu của cơ quan bảo hiểm nên đảm bảo tính khách quan, minh bạch.

Trong khi đó, ông Lê Quốc Khánh, Phó Giám đốc BHXH Gia Lai, Tổ trưởng Tổ tham gia đấu thầu mua thuốc của BHXH tỉnh Gia Lai khẳng định, nếu nhà thầu không chấp nhận giảm giá các danh mục thuốc vượt so với giá công bố của BHXH thì cơ quan bảo hiểm không thể thanh toán.

Câu chuyện đang diễn ra tại Gia Lai nối tiếp diễn biến tương tự tại một loạt địa phương khác như Bình Định, Vĩnh Phúc, An Giang, Quảng Ninh… thời gian qua đều có những bất đồng gay gắt giữa các Sở Y tế và cơ quan BHXH xung quanh giá thuốc được công bố trúng thầu. Điểm chung duy nhất trong những tranh cãi chưa có hồi kết này là tỷ lệ chấp nhận giảm giá của các nhà thầu là rất ít.

Tin cùng chuyên mục