Bộ NN&PTNT yêu cầu công khai đường dây nóng Báo Đấu thầu

(BĐT) - Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng trong hoạt động đấu thầu của các dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quản lý vừa được ban hành nhấn mạnh yêu cầu về công khai thông tin về đấu thầu. 
Bộ NN&PTNT yêu cầu công khai đường dây nóng Báo Đấu thầu

Đặc biệt, Chỉ thị yêu cầu các chủ đầu tư/bên mời thầu (CĐT/BMT) công khai số điện thoại đường dây nóng của Báo Đấu thầu và cơ quan quản lý đấu thầu của Bộ NN&PTNT.

Nhấn mạnh yêu cầu về công khai thông tin đấu thầu, Chỉ thị nêu rõ, các CĐT/BMT phải công khai thông tin về đấu thầu ở cả 3 phương diện. Thứ nhất là công khai thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Hệ thống thông tin của Bộ NN&PTNT và cơ quan thẩm định của Bộ. Thông tin công bố bao gồm: kế hoạch lựa chọn nhà thầu; thông báo mời quan tâm; thông báo mời thầu; thông báo mời chào hàng; thông báo hủy, gia hạn, điều chỉnh, đính chính các thông tin đã đăng tải; danh sách ngắn; kết quả lựa chọn nhà thầu; kết quả mở thầu đối với đấu thầu qua mạng.

Thứ hai là công khai thông tin trong cơ quan đơn vị CĐT/BMT bằng cách đăng tải thông tin trên mạng nội bộ (nếu có), niêm yết trên bảng thông báo của cơ quan tất cả các thông tin kèm theo quyết định thành lập tổ chuyên gia đấu thầu, tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu. Đặc biệt, Chỉ thị yêu cầu công khai số điện thoại đường dây nóng của Báo Đấu thầu (0243.768.6611) và cơ quan quản lý đấu thầu của Bộ NN&PTNT (Cục Quản lý xây dựng công trình 0243.771.1271).

Thứ ba là công khai thông tin với các cơ quan phối hợp: Chủ động phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật của địa phương, trung ương; cơ quan giám sát, theo dõi tham gia các cuộc họp tiền đấu thầu, mở thầu và các cuộc họp giải quyết khiếu kiện, tố cáo để đảm bảo an toàn và minh bạch trong công tác đấu thầu.

Theo Bộ NN&PTNT, kết quả kiểm tra, giám sát các hoạt động đấu thầu tại Bộ thời gian qua cho thấy, về cơ bản các CĐT, chủ dự án tuân thủ các quy định của pháp luật về đấu thầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số chủ đầu tư thực hiện chưa nghiêm túc quá trình lựa chọn nhà thầu; một số địa phương được giao quản lý các tiểu dự án ODA do Bộ là cơ quan chủ quản dự án chưa thực hiện đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm… Do đó, vẫn còn xảy ra hiện tượng hạn chế phát hành HSMT, HSYC; gây khó khăn cho các nhà thầu trong việc nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; cũng như đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất chưa minh bạch, gây khiếu kiện làm chậm tiến độ dự án.
Đối với công tác tổ chức đấu thầu và ký kết hợp đồng của CĐT/BMT, Bộ yêu cầu tất cả hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC) phải được lập và phê duyệt tuân thủ các quy định pháp luật về đấu thầu; phù hợp với yêu cầu, nội dung công việc của gói thầu, không được đưa ra các điều kiện tiên quyết để loại hoặc hạn chế sự tham gia của nhà thầu, đặc biệt là các điều kiện về nhân sự, thiết bị thi công, hợp đồng tương tự, nhãn hiệu hàng hóa, vùng địa lý hoặc lãnh thổ cụ thể.

Đối với HSMT/HSYC, tư vấn không đưa tiêu chuẩn điểm tối thiểu về kỹ thuật cao hơn quy định (60% đối với từng nội dung và 70% đối với tổng điểm kỹ thuật), trừ trường hợp công trình có yêu cầu kỹ thuật cao, đặc thù được cơ quan thẩm định thông qua. Đảm bảo số lượng HSMT/HSYC để đáp ứng cho tất cả các nhà thầu đến mua, nhận hồ sơ, không gây khó khăn, chậm trễ trong việc phát hành hồ sơ; công khai địa điểm tiếp nhận HSDT/HSĐX, phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật tại địa phương để ngăn chặn tình trạng cản trở mua, nộp hồ sơ.

Trong thương thảo và đàm phán hợp đồng, CĐT/BMT đặc biệt lưu ý các điều khoản về điều chỉnh đơn giá, giá hợp đồng; bổ sung phát sinh khối lượng; bù giá và tạm ứng; khuyến khích CĐT/BMT mời chuyên gia, luật sư tham gia đảm bảo hợp đồng chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.

Đối với đấu thầu qua mạng, các đơn vị nghiêm túc thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng giai đoạn 2017 - 2020 đã được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phê duyệt tại Quyết định số 1014/QĐ-BNN-XD ngày 28/3/2017.

Tin cùng chuyên mục