Bộ Y tế thí điểm đấu thầu tập trung giai đoạn 2019 - 2020: Kỳ vọng giảm giá vật tư y tế

(BĐT) - Tình trạng giá vật tư y tế trúng thầu tại các cơ sở y tế, các địa phương “mỗi nơi một giá”, thậm chí có nơi chênh lệch lên tới gấp đôi, gấp ba... là một trong những vấn đề tồn tại gây bức xúc trong thời gian qua. 
Cùng một loại vật tư y tế nhưng giá trúng thầu tại các cơ sở y tế và địa phương khác nhau có sự chênh lệch rất lớn, thậm chí có nơi giá chênh gấp đôi, gấp ba lần. Ảnh: Hoài Nhân
Cùng một loại vật tư y tế nhưng giá trúng thầu tại các cơ sở y tế và địa phương khác nhau có sự chênh lệch rất lớn, thậm chí có nơi giá chênh gấp đôi, gấp ba lần. Ảnh: Hoài Nhân

Đấu thầu tập trung để đem lại hiệu quả mua sắm vật tư y tế với mức giá phù hợp hơn, tiết kiệm thời gian và một số chi phí khác… là những nội dung được kỳ vọng khi Bộ Y tế vừa quyết định cho tổ chức thí điểm trong 2 năm (2019 - 2020) mua sắm tập trung một số vật tư y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ.

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong năm 2017, Quỹ Bảo hiểm Y tế đã chi trả khoảng 6.210 tỷ đồng cho vật tư y tế, (bằng 6,4% tổng chi khám, chữa bệnh) tăng 27,5% so với tổng chi vật tư y tế năm 2016. Các vật tư y tế có chi phí cao tập trung vào 6 loại như: Giá đỡ - stent đặt động mạch vành (1.086,4 tỷ đồng); đinh, nẹp, ốc, vít, lồng dùng trong phẫu thuật xương (952,3 tỷ đồng); Thủy tinh thể nhân tạo (829,7 tỷ đồng); khớp và ổ khớp nhân tạo (541,7 tỷ đồng); bóng nong (balloon) dùng trong can thiệp tim mạch (294,3 tỷ đồng); kim luồn tĩnh mạch (156 tỷ đồng). Chỉ tính riêng 6 loại vật tư y tế này, tổng chi phí lên tới 3.860 tỷ đồng (chiếm 62% tổng chi vật tư y tế năm 2017 và tăng 76% so với năm 2016).

Thực tế, việc mua sắm theo phương thức tập trung là một công cụ đã được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế áp dụng thành công để thực hiện cắt giảm chi tiêu công. Việc đấu thầu trang thiết bị, hóa chất, vật tư y tế trong những năm qua được giao cho các cơ sở y tế (bệnh viện) hoặc Sở Y tế tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp với nhiều hình thức tổ chức khác nhau. Tuy nhiên, kết quả tổ chức lựa chọn nhà thầu thời gian qua tại các cơ sở y tế, địa phương có sự khác biệt, chênh lệch khá lớn về giá của cùng một trang thiết bị, hóa chất hoặc vật tư y tế.

Chẳng hạn như, năm 2017, cả nước mua 3.572 Stent, mức giá trúng thầu chênh lệch là từ 35 - 73,8 triệu đồng/chiếc tại các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Riêng đối với khung giá đỡ động mạch vành phủ thuốc Sirolimus - Pronova XR - India, giá trúng thầu của mỗi cơ sở khám chữa bệnh lại chênh lệch rất lớn. Chẳng hạn như tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa là 38,8 triệu đồng, tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương tỉnh Thái Nguyên là 37,8 triệu đồng, tại Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện E là 36,98 triệu đồng, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam là 36,666 triệu đồng... Cũng là kim luồn nhưng có nơi giá trúng thầu là 13.000 đồng, có nơi giá từ 5.000 - 7.000 đồng.

Theo lý giải của nhiều cơ sở y tế, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này. Cùng một tên trang thiết bị, hóa chất hoặc vật tư y tế nhưng có đến hàng chục, thậm chí hàng trăm chủng loại khác nhau, yêu cầu tính năng kỹ thuật và mục đích sử dụng khác hẳn nhau, do đó luôn có sự khác nhau về giá. Sự khác nhau về giá còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như thời điểm mua sắm, quy mô mua sắm, điều kiện vận chuyển giao hàng, khoảng cách địa lý, quy cách đóng gói, tỷ giá áp dụng vào thời điểm nhập khẩu... Kết quả thanh, kiểm tra và kiểm toán nhà nước cũng đã chỉ ra rằng, còn có sự chênh lệch về giá kế hoạch và giá trúng thầu vật tư y tế giữa các đơn vị, các tỉnh, vùng miền.

Và để tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp vật tư y tế, hàng năm, mỗi cơ sở y tế lại phải thành lập một tổ chuyên gia/tổ thẩm định đấu thầu. Thời gian tổ chức đấu thầu vật tư y tế cho năm kế hoạch thường mất khoảng thời gian vài ba tháng, thậm chí có nơi kéo dài tới 5 - 6 tháng. Để đảm bảo tiến độ khám, chữa bệnh, các cơ sở y tế phải huy động nhân lực công tác tại khối cận lâm sàng và lâm sàng để tham gia vào công tác lựa chọn nhà thầu, điều này cũng làm ảnh hưởng ít nhiều đến công tác khám và điều trị bệnh của các cơ sở y tế.

Trong khi đó, Bộ Y tế đã thành lập Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia với 15 biên chế (9 cán bộ đã có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp) có kinh nghiệm trong đấu thầu tập trung thuốc. Trong lần tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2017 cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội như giá thuốc rẻ, thống nhất, tốn ít thời gian và nhân lực, dễ kiểm soát, quản lý.

Trước thực trạng bất cập và lãng phí nguồn lực trong tổ chức mua sắm vật tư y tế này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ từng nhiều lần có chỉ đạo về việc tổ chức đấu thầu tập trung để thống nhất về danh mục, chủng loại, tiêu chí kỹ thuật các loại vật tư tương ứng với giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong đấu thầu là rất quan trọng, hướng tới thống nhất giá vật tư y tế.

Theo Bộ Y tế, việc mua sắm được những vật tư y tế vừa có chất lượng, vừa có giá cả phù hợp sẽ giúp giảm áp lực cho Quỹ Bảo hiểm Y tế, tiết kiệm ngân sách và góp phần quản lý chặt chẽ các nguồn tài chính y tế trong các cơ sở y tế, đặc biệt trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, giảm chi phí tiền túi của người bệnh, sử dụng phù hợp và hiệu quả nguồn lực, góp phần tăng chất lượng các dịch vụ y tế cho người dân.

Tin cùng chuyên mục