Bước chuyển mới của đấu thầu qua mạng

(BĐT) - Trong quý I/2020, đã có gần 14.900 gói thầu được đấu thầu qua mạng (ĐTQM) với tổng giá trị hơn 44.300 tỷ đồng. Những con số này cho thấy dấu hiệu tích cực trong việc thúc đẩy áp dụng ĐTQM trên phạm vi cả nước ngay những tháng đầu năm.
Việc ban hành Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT có tác động lớn đến sự gia tăng của hoạt động đấu thầu qua mạng trong thời gian gần đây. Ảnh: Lê Tiên
Việc ban hành Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT có tác động lớn đến sự gia tăng của hoạt động đấu thầu qua mạng trong thời gian gần đây. Ảnh: Lê Tiên

Theo số liệu thống kê từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, trong 3 tháng đầu năm 2020, số lượng gói thầu áp dụng ĐTQM đạt 14.894 gói (chiếm tỷ lệ 68,9% trong tổng số gói thầu thuộc phạm vi ĐTQM) với tổng giá trị gói thầu là 44.371,91 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 42,8 % trong tổng số gói thầu thuộc phạm vi ĐTQM). Con số này cao gần gấp đôi so với số lượng gói thầu áp dụng ĐTQM trong 2 tháng đầu năm nay (7.518 gói thầu, tổng giá trị hơn 25.071 tỷ đồng).

6 đơn vị thuộc khối bộ, ngành đạt tỷ lệ 100% số gói thầu được lựa chọn nhà thầu qua mạng gồm: Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Trung ương Đảng, Thông tấn xã Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong 3 tháng đầu năm 2020, cả nước có 15/37 bộ, ngành; 2 đơn vị thuộc khối các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và 19/63 tỉnh, thành phố có số lượng gói thầu được ĐTQM đạt từ 60% trở lên so với tổng số gói thầu nằm trong phạm vi ĐTQM. Tuy vậy, vẫn còn 8 đơn vị thuộc khối bộ, ngành; 8 đơn vị thuộc khối các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 1 địa phương có tỷ lệ gói thầu được ĐTQM đạt dưới 10%.

Về giá trị, quý I/2020, cả nước có 21/37 bộ, ngành; 3 đơn vị thuộc khối các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và 33/63 tỉnh, thành phố có tổng giá trị gói thầu được ĐTQM đạt từ 25% trở lên so với tổng giá trị các gói thầu nằm trong phạm vi ĐTQM.

Đánh giá về những chuyển biến tích cực trên, một chuyên gia về đấu thầu nhận xét, việc ban hành Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT có tác động lớn đến sự gia tăng của các gói thầu áp dụng ĐTQM trong thời gian gần đây.

Theo lộ trình áp dụng ĐTQM được đưa ra tại Thông tư 11, trong năm 2020, các đơn vị sử dụng vốn nhà nước phải chỉ đạo các chủ đầu tư, bên mời thầu trực thuộc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng, trừ trường hợp đối với các gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hoặc các gói thầu có tính đặc thù. Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng trong năm phải bảo đảm tổng số lượng các gói thầu đạt tối thiểu 60% số lượng gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh, và tổng giá trị gói thầu đạt tối thiểu 25% tổng giá trị các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh.

Bên cạnh đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ ngày 1/2/2020, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã kích hoạt tính năng kiểm tra và tự động phân loại các gói thầu bắt buộc phải thực hiện ĐTQM, đã góp phần thúc đẩy ĐTQM

Ngoài ra, kể từ đầu năm 2020, nhiều địa phương, đơn vị tích cực ban hành văn bản thúc đẩy triển khai ĐTQM. Đơn cử, mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng sử dụng nguồn vốn nhà nước 2020 - 2025 trên địa bàn Tỉnh. Theo đó, ngoài yêu cầu thực hiện áp dụng ĐTQM theo đúng lộ trình nêu tại Thông tư 11 trong năm 2020, UBND tỉnh Kiên Giang đưa ra con số cụ thể cho lộ trình áp dụng ĐTQM trong năm 2021 và giai đoạn 2022 - 2025.

Trước đó, nhiều địa phương, đơn vị như UBND TP.HCM, UBND tỉnh Yên Bái… cũng có văn bản đôn đốc việc thực hiện ĐTQM theo lộ trình mới nêu tại Thông tư 11. Những động thái này của các địa phương cùng với sự ra đời của Thông tư 11 được cho là đã góp phần thúc đẩy gia tăng ĐTQM trong thời gian qua.

Tin cùng chuyên mục